Sách Tiếng Việt lớp 1 và nguyên tắc “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề”
02:41:00 | 15-10-2020

Trước ‘cơn bão’ dư luận của sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 những ngày gần đây, CEO Nguyễn Tử Quảng đã áp dụng nguyên tắc “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề” của Bkav để tìm kiếm bản chất sự việc.

Xin được dẫn chia sẻ của CEO Nguyễn Tử Quảng về vấn đề này:

Nhiều bạn hỏi tôi suy nghĩ như thế nào về sự việc sách giáo khoa Tiếng Việt 1, tôi sẽ nói về góc nhìn của mình.

Vấn đề “gây bão” dư luận là bộ sách có những nội dung khuyên trẻ em làm việc xấu, “lươn lẹo”. Ví dụ như câu truyện ngụ ngôn “Hai con ngựa” ở bài 88 SGK tiếng Việt 1, nội dung câu chuyện là cuộc đối thoại giữa 2 con ngựa, con ngựa tía đã khuyên ngựa ô trốn việc. Khi đọc nội dung này thực sự tôi cũng thấy bức xúc, tại sao có thể dạy trẻ con như thế, điều này thật vô lý.

Ở Bkav có nguyên tắc “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề”, tôi phải tìm bản chất tại sao lại có điều vô lý như vậy. Khi nhìn xuống phía dưới ngay trong câu chuyện “Hai con ngựa”, tác giả là đại văn hào Lev Tolstoy, không thể nào một đại văn hào lại khuyên như thế.

Sau một hồi “Google” tôi đã tìm được câu trả lời. Hóa ra mẩu chuyện kể trên chỉ là phần 1, sách còn có phần 2 là bài số 89 ngay sau đó của tác giả Lev Tolstoy. Phần 2 của câu chuyện là con ngựa ô đã nghe theo lời xúi trốn việc của ngựa tía ở phần 1, khiến bác nông dân nghĩ ngựa ô mệt và giao việc cho ngựa tía. Do lời xúi bậy của mình với ngựa ô, mà ngựa tía đã phải nhận cả phần việc của ngựa ô. Đúng là “gậy ông đập lưng ông”.

Đây là bài học rất ý nghĩa, nhưng nội dung “gây bão” mấy ngày qua chỉ trích dẫn phần 1 của câu chuyện.

Tương tự, các câu chuyện khác trong sách đều có 2 phần như vậy, nhưng các thông tin phản ánh đều chỉ có trích dẫn phần 1 vốn là nội dung đặt vấn đề của các câu chuyện này mà không trích dẫn phần 2, là phần giải quyết vấn đề của câu chuyện.

Bên cạnh đó, một vấn đề khác dư luận cũng bức xúc là sách sử dụng những từ “khó hiểu”. Khi đọc những câu từ như vậy tôi cũng cảm thấy có vấn đề.

Sau khi tìm hiểu, tôi thấy nhóm biên soạn sách giải thích những phần đầu của sách, học sinh mới chỉ biết một số ít các chữ và vần, vì vậy một số từ chứa các vần chưa được học sẽ được thay thế bằng từ khác, như từ “không” thành từ “chả”, từ “ăn” thành từ “chén”.

Theo ý kiến của tôi, nếu như có thể tìm được những từ hợp lí hơn thì sẽ tốt hơn.

Nhưng tôi vẫn băn khoăn, việc bị giới hạn vốn từ, dẫn tới phải dùng những câu “khó hiểu” như vậy, có thể định hình cách giao tiếp không tốt của trẻ. Tôi đã phải nhờ mua 2 tập SGK Tiếng Việt 1 để tìm hiểu thêm vấn đề này.

Tôi thấy những nội dung “khó hiểu” chủ yếu xuất hiện ở tập 1 của sách, nhưng ở tập 2 các tác giả sử dụng những câu từ đã được rõ ràng, đầy đủ. Theo nhận định của tôi các bài học ở tập 2 là lúc các cháu đã có nhiều vốn từ, biết nhiều chữ và vần nên các câu chuyện ở tập 2 được rõ ràng, đầy đủ là vì vậy.

Cư dân mạng mấy ngày qua cũng đưa lên nhiều hình ảnh của các bộ sách cũ với những bài thơ trong sáng đã định hình nhân cách của biết bao thế hệ, trong đó có tôi. Tôi cũng rất là tiếc nếu những bài thơ đó không được sử dụng trong SGK mới.

Vẫn trên tinh thần ‘Không ra bản chất không tận gốc vấn đề’, tôi đã đọc hết tập 2 trong SGK Tiếng Việt 1 của Cánh Diều, rất may những bài thơ kinh điển vẫn còn đó. Như là những bài thơ tôi trích dẫn dưới đây:

- “Hôm qua em tới trường

Mẹ dắt tay từng bước

Hôm nay mẹ lên nương

Một mình em tới lớp...”

- “Mèo con buồn bực

Mai phải đến trường

Bèn kiếm cớ luôn

Cái đuôi tôi ốm...”

- “Lúc ở nhà mẹ cũng là cô giáo

Khi đến trường cô giáo như mẹ hiền

Cô và mẹ là hai cô giáo

Mẹ và cô ấy hai mẹ hiền...”

- “Lớp Một ơi! Lớp Một!

Đón em vào năm trước

Nay giờ phút chia tay

Gửi lời chào tiến bước...”

Theo nhận định của tôi, cũng vì lý do khi các cháu đã nắm được nhiều từ vựng, biết nhiều chữ và vần hơn nên các bài văn và thơ kinh điển được các tác giả đưa vào cuối sách.

Áp dụng nguyên tắc ‘Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề’ sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều kiến thức khi tiếp nhận một vấn đề, có góc nhìn đa chiều hơn, đúng với bản chất và nếu có phản biện thì sẽ có tính xây dựng và giá trị hơn.

Dưới đây là hình ảnh 2 phần đầy đủ của câu chuyện “Hai con ngựa” trong tập 1, bộ SGK Tiếng Việt 1 của Cánh Diều. Và hình ảnh các bài thơ gợi nhớ một “bầu trời tuổi thơ” trong tập 2 của bộ sách mà tôi rất thích và có lẽ các bạn cũng vậy.

Bkav