Phó chủ tịch Bkav Trần Việt Hải giao lưu tại sự kiện “Leader Talk” trên VnExpress
02:44:00 | 30-03-2022

Câu chuyện vì sao phải tự chủ công nghệ, thời cơ và thách thức của Việt Nam trên đấu trường toàn cầu được thảo luận trong toạ đàm Leader Talks số thứ 2 trên báo điện tử VnExpress. Tham gia chương trình Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav đã có nhiều chia sẻ về câu chuyện làm chủ công nghệ. Ông Trần Việt Hải từng nằm trong danh sách 10 lãnh đạo công nghệ trẻ xuất sắc 2021 do VnExpress bình chọn.

Phó chủ tịch Tập đoàn Bkav, ông Trần Việt Hải

MC:  Xin chào gương mặt lãnh đạo trẻ xuất sắc 2021. So với khi bắt đầu đăng ký tham gia chương trình bình chọn lãnh đạo công nghệ trẻ 2021 của VnExpress, hai anh đã có những thay đổi gì và đang tham gia dự án công nghệ gì mới?

Ông Trần Việt Hải - Phó chủ tịch Bkav: Những năm qua, chúng ta trải qua đại dịch, trong suốt 2020 và 2021, cá nhân tôi tham gia vào nhiều sản phẩm chống dịch như Bluezone, PC-Covid. Khi dịch bệnh có sự thay đổi, chiến lược phòng chống dịch thay đổi, tôi cũng dần rút ra ngoài, tập trung và các mảng cốt lõi mà tôi vẫn theo đuổi, làm các sản phẩm như AI Camera, điện thoại thông minh và một số sản phẩm phần cứng khác của tập đoàn, để chuẩn bị cho năm nay - năm có thể quay về trạng thái như trước đại dịch, để chúng ta tập trung phát triển kinh tế, công nghệ, sản xuất để vươn lên trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.

MC: Theo anh, tự chủ công nghệ là gì và tại sao cụm từ này liên tục được nhắc đến những năm gần đây?

Ông Trần Việt Hải: Trước tiên, chúng ta cần hiểu công nghệ là như thế nào. Theo tôi, công nghệ là kết quả của sự phát triển của kiến thức, tri thức một cách liên tục. Sự phát triển đó được tích lũy, ứng dụng thành các kiến thức, kỹ năng, phương pháp, quy trình, dùng trong nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghiệp, thì được coi là công nghệ. Quá trình tự chủ công nghệ là quá trình nghiên cứu, tìm tòi để tìm ra bản chất của sự vật hiện tượng, qua đó tìm cách ứng dụng nó để sáng tạo ra công nghệ.

Trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, công nghệ mang ý nghĩa lớn, bởi CMCN 4.0 là cuộc cách mạng của sự sáng tạo không giới hạn. Bất kỳ quốc gia, công ty, cá nhân nào ứng dụng công nghệ để tạo ra công nghệ mới đều có khả năng thay đổi thế giới. Do đó, nhu cầu của CMCN 4.0 là nhu cầu sáng tạo không giới hạn. Do đó những người tự chủ công nghệ sẽ có khả năng dẫn đầu, có lợi thế tuyệt đối trong cuộc cách mạng này. Tôi thấy nhu cầu này phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới, ở rất nhiều lĩnh vực.

MC: Tự chủ luôn là bài toán khó không chỉ ở Việt Nam mà còn ở nhiều nước trên thế giới. Vậy Việt Nam đang ở đâu trên hành trình tự chủ công nghệ?

Ông Trần Việt Hải: Ở Bkav, chúng tôi nhìn thấy Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Chúng ta đang có cơ hội lớn để trở thành cường quốc công nghệ. Trong lịch sử, Nhật Bản những năm 1940, Hàn Quốc những năm 1960, đều có chung xuất phát điểm như ta bây giờ. Con người Việt Nam, xét về tư duy toán học có thể là hàng top trên thế giới. Ngoài ra, đặc tính của dân tộc là kiên trì, bền bỉ, linh hoạt. Đó là những đặc tính phù hợp với nghiên cứu khoa học, làm công nghệ. Do đó, tố chất của chúng ta rất phù hợp.

Ở mảng phần cứng, chúng tôi thực ra đã bắt đầu từ năm 2003. Khi đó, để làm ra một thiết bị phần cứng ở Việt Nam cực kỳ khó khăn. Thiết kế đã là một vấn đề rồi, nhưng khi chúng ta gia công sản xuất cũng gặp khó khăn, bởi Việt Nam chuyên về gia công cơ khí, vì vậy để làm thiết bị điện tử cần nước ngoài rất nhiều.

Tuy nhiên từ năm 2014-2015 trở lại đây, với sự chuyển dịch của các doanh nghiệp FDI lớn, Việt Nam trở thành trung tâm sản xuất. Bây giờ chúng tôi có thể tự tin 100% quy trình sản xuất của thiết bị điện tử thực hiện hoàn toàn trong nước. Từ thiết kế, làm mạch in, chế tạo cơ khí, lắp ráp hoàn chỉnh, đều có thể làm hoàn toàn trong nước.

Mức độ tự chủ của chúng ta đã lên level mới. Ngành công nghiệp điện tử đã có bước tiến, nhưng để tự chủ hoàn toàn, để dẫn đầu, chúng ta cần nhiều nguồn lực hơn nữa. Chúng tôi có mảng smartphone, camera, có nền tảng về công nghệ phần cứng, hệ sinh thái các nhà máy sản xuất, đối tác cung ứng... đủ để cạnh tranh với đối thủ nước ngoài. Chúng tôi hiện cũng nỗ lực thúc đẩy hệ sinh thái đó cho các công ty Việt Nam khác, bằng cách sử dụng chung nguồn lực, để thúc đẩy làm chủ công nghệ trên phạm vi rộng lớn hơn.

MC: Điện thoại Bphone và tai nghe AirB hiện phát triển đến đâu và Bkav đã gặp khó khăn như thế nào trong quá trình nghiên cứu, phát triển và làm chủ công nghệ?

Ông Trần Việt Hải: Thực ra hai sản phẩm này là kết tinh của quá trình hơn chục năm chúng tôi định hướng phát triển công nghệ. Từ 2009, chúng tôi bắt đầu dự án smartphone. Khó khăn lớn nhất là làm sao để tiếp cận với hãng làm chipset vì tất cả các hãng smartphone trước đây đều phụ thuộc vào các hãng chip như Qualcomm hay MediaTek. Khi đó, vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghệ còn hạn chế. Thời điểm đó chúng tôi gặp khó khăn khi tất cả các hãng đều từ chối vì họ không tin Việt Nam có thể làm công nghiệp điện tử.

Về khó khăn, lúc đầu nhiều công nghệ chúng ta phải phụ thuộc bên ngoài. Ví dụ, với một bộ phận như ăng-ten, chỉ cần thay đổi một chút trong thiết kế thôi cũng mất 6 tuần để họ làm mẫu. Làm điện thoại mất thời gian gấp lần như vậy, nên quá trình làm sẽ mất từ 9 tháng đến 12 tháng. Qua quá trình đó, chúng tôi quyết định phải tự chủ, không phụ thuộc bên ngoài.

Sau thời gian mày mò, chúng tôi có thời gian làm việc với các hãng làm chip cho ôtô, sau đó sản xuất thiết bị mẫu. Sau đó, Qualcomm đã đồng ý hợp tác với chúng tôi. Khi đó, Việt Nam là nước thứ năm mà Qualcomm có license một cách chính thức, sau Trung Quốc, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc. Chúng tôi cũng là công ty đầu tiên tại Đông Nam Á có giấy phép và đề xuất câu chuyện làm chủ thiết kế điện thoại. Đến nay cũng chưa nhiều quốc gia có công ty sản xuất điện thoại từ gốc.

Sau hơn một năm tìm tòi, nghiên cứu, chúng tôi đã tìm ra phương pháp để sở hữu công nghệ ăng-ten này. Việc đó giúp chúng tôi có thể sáng tạo rất lớn, không chỉ trong smartphone, IoT, mà sau này có thể là các thiết bị mạng lưới.

Sau khi đã vượt qua các rào cản về mặt công nghệ, đến nay khó khăn có thể kể đến là vấn đề tài chính. Hiện các quốc gia đầu tư rất lớn cho mảng công nghệ phần cứng. Ví dụ Trung Quốc đầu tư 100 tỷ USD chỉ để sở hữu ngành công nghiệp sản xuất bộ nhớ, để cạnh tranh Samsung.

MC: Dù dành nhiều công sức và sáng tạo, thực tế điện thoại Bphone, tai nghe AirB, ứng dụng Bluezone... gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng. Theo ông nguyên nhân là vì đâu và công ty cần làm thế nào để vượt qua định kiến đó?

 Ông Trần Việt Hải: Thẳng thắn mà nói, tiến trình phát triển của bất cứ vấn đề gì, khi ra được một sản phẩm khác biệt, chúng ta sẽ nhận nhiều ý kiến trái chiều. Chúng tôi coi những ý kiến trái chiều là động lực, là năng lượng. Khán giả, người dùng, khách hàng đều là người quan tâm theo dõi sản phẩm. Họ có ý kiến trái chiều chứng tỏ họ quan tâm. Nhiệm vụ của chúng tôi cần làm tốt hơn để có thể đáp ứng được số đông đó, biến ý kiến trái chiều thành tích cực.

Như tôi từng nói, khi các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam, họ nói Việt Nam không làm được con ốc vít. Nhưng qua quá trình chúng tôi làm smartphone từ năm 2009 đến giờ, qua những sự tranh cãi đó, hiểu biết, nhận thức về công nghệ của xã hội đã có chuyển biến tích cực. Từ chỗ không làm được ốc vít, chúng ta đã tự chủ làm được điện thoại thông minh. Giờ không ai nghi ngờ Việt Nam về khả năng tự chủ công nghệ điện thoại của Việt Nam nữa, mà coi đó là điều hiển nhiên. Chúng ta đang hướng đến những cái lớn hơn của công nghệ.

Đó là quá trình dần thay đổi định kiến, thông qua quá trình chúng tôi nỗ lực phấn đấu, cũng như ngày càng nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư, nghiên cứu, tự chủ công nghệ một cách nghiêm túc. Chuyện tranh cãi, ngay cả những công ty lớn cũng sẽ gặp khi họ ra sản phẩm mới. Tôi cho rằng đó là động lực phát triển cho tất cả các công ty.

MC: Khó khăn chung của các sản phẩm Việt là thuyết phục người dùng về chất lượng của sản phẩm. Vậy làm thế nào để người Việt tin và dùng sản phẩm của mình?

Ông Trần Việt Hải: Quá trình thuyết phục của chúng tôi theo tiến trình phát triển công nghệ. Lúc đầu, năm 2009 khi làm điện thoại, chúng ta là con số 0. Nhưng đến 2015, chúng tôi ra điện thoại đầu tiên, đã tự chủ thì nghĩ rằng cộng đồng sẽ ủng hộ. Tuy nhiên, câu chuyện cũng không dừng ở đó.

Chúng ta làm sản phẩm rồi, có công nghệ rồi, nhưng cần làm sản phẩm tốt, đáp ứng được rộng rãi người dùng. Sản phẩm năm 2015 của chúng tôi chưa thể tối ưu được các chi phí sản xuất nên giá còn cao, nhưng chúng tôi đã có định vị. Người Việt Nam tự chủ công nghệ để chúng ta có thể sử dụng những sản phẩm tốt, chứ không làm giá rẻ bằng mọi giá. Nếu làm giá rẻ, chúng ta sẽ luôn đi sau, bởi không có nguồn lực để tái đầu tư phát triển, sáng tạo công nghệ để cạnh tranh với các hãng dẫn đầu.

Sau 5 phiên bản, đến phiên bản mới nhất, chúng tôi đã có sự tối ưu về chuỗi cung ứng, Sản phẩm có thể coi là tốt nhất trong phân khúc và người tiêu dùng không còn băn khoăn về giá, trong khi vẫn được sử dụng những tính năng cao cấp.

Tóm lại, thuyết phục khách hàng là một quá trình song hành với quá trình làm chủ công nghệ, làm chủ chuỗi cung ứng, làm chủ việc huy động tài chính. Khi đó, chúng ta tạo ra những lợi thế hướng trực tiếp đến khách hàng. Một điểm nữa tôi rất đồng tình với anh Việt, đó là không ai phục vụ người Việt Nam tốt hơn chính chúng ta.

MC: Nhiều ý kiến cho rằng, để làm chủ công nghệ, đầu tiên công ty đó phải có tiền, tài chính là yếu tố tiên quyết. Ông nghĩ gì về điều này?

Ông Trần Việt Hải: Trong tập đoàn, chúng tôi được coi như "con nghiện", "đốt tiền" rất nhiều, vì vậy tôi rất hiểu giá trị của đồng tiền trong việc làm chủ công nghệ. Nhưng theo tôi, tiền chỉ là điều kiện đủ thôi. Còn điều kiện cần là ý chí, khát khao và niềm tin có thể làm được. Điều đó giúp chúng ta có thể kiên định với con đường đó ngay cả khi hết tiền.

Chúng tôi coi làm chủ công nghệ như một cuộc cách mạng, hướng đến mục tiêu giải phóng khỏi sự phụ thuộc công nghệ vào các nước khác trên thế giới. Muốn làm cường quốc dẫn đầu thì phải tự chủ.

Nếu tự chủ càng cao, tiền bỏ ra sẽ càng hợp lý hơn. Ngày xưa chúng tôi tiêu tiền rất thoải mái để mua công nghệ này, công nghệ kia. Chúng tôi từng nghĩ rằng có thể chi tiền để làm chủ công nghệ. Nhưng thực tế không phải. Các công ty khi bán công nghệ cho chúng ta, họ không bán phần công nghệ lõi, họ chỉ bán linh kiện. Chúng ta cần đầu tư nghiêm túc, bài bản, mọi thứ sẽ đến đúng lúc, kể cả tài chính.

Bkav không phải doanh nghiệp quá lớn, nhưng lượng chi tiêu cho nghiên cứu, phát triển vẫn chiếm phần lớn trong lợi nhuận. Chúng tôi tự tin sở hữu công nghệ lõi với chi phí thấp nhất, do phải căn ke, tính toán để duy trì phát triển trong điều kiện tài chính có hạn.

MC: Một trong những vấn đề với việc làm chủ công nghệ lõi như anh vừa nêu là thiếu nhân lực, công ty anh đã vượt qua thách thức này như thế nào?

Ông Trần Việt Hải: Ở Bkav, chúng tôi có nhận định về nguồn nhân lực thế này: Chúng ta "không may" là có nhiều doanh nghiệp Việt cùng phát triển công nghệ, vô hình trung tạo ra sự cạnh tranh. Trong đó có những doanh nghiệp nghĩ họ có tiền, có thể có được nhân lực. Vì vậy, trong ngành công nghệ cao, chúng tôi chịu áp lực từ chính các doanh nghiệp nội. Thay vì hợp tác, nhân lực "chảy máu" từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp kia.

Để xây dựng ngành công nghiệp, tôi nghĩ cần nền tảng về nhân lực. Để xây dựng nguồn lực, chúng tôi có một số kênh. Chúng tôi duy trì tuyển dụng, đào tạo từ sinh viên năm 2, năm 3, bắt đầu cho tiếp cận với công nghệ cao. Khi sinh viên ra trường là đã có 2-3 năm kinh nghiệm và có thể trở thành thế hệ kế cận chúng tôi.

Một hướng đi nữa là khi chúng ta làm chủ công nghệ, chúng ta càng có điều kiện để tiếp cận với các nhân sự chất lượng cao. Trong ngành điện tử, chúng tôi đã kết nối với những người Việt ở thung lũng Silicon, đồng thời thuyết phục một số tập đoàn mở các trung tâm nghiên cứu ở Việt Nam, để kết hợp với họ làm sản phẩm.

MC: Bkav có dự định gia công cho hãng khác không?

Ông Trần Việt Hải: Câu trả lời của tôi là Có. Hiện nay, không có một công ty, quốc gia nào tự hào sở hữu 100% các công nghệ được. Trong phần mềm, có tới 99% dự án sử dụng mã nguồn mở, tức sử dụng tri thức nhân loại. Còn trong phần cứng, chúng tôi có thể sử dụng chipset Qualcomm, còn khi gia công bảng mạch in thì dùng công nghệ của Nhật, châu Âu, Hàn Quốc và một số công nghệ của Việt Nam, ví dụ gia công cơ khí chống nước.

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng như hiện nay, khi có công nghệ lõi, chúng tôi xây dựng nền tảng để tạo ra cơ chế hợp tác, để công nghệ của mình hướng đến rộng rãi nhất vào các sản phẩm thực tế, thông qua hợp tác hai chiều. Bất cứ công ty nào có nhu cầu làm sản phẩm, cần công nghệ lõi, chúng tôi sẽ hợp tác.

MC: Khi nào Bphone có phiên bản mới?

Ông Trần Việt Hải: Liên quan đến tiến trình ra mắt sản phẩm, chúng tôi có truyền thống sẽ giữ thông tin đến phút chót. Bkav đang quyết tâm chuẩn bị nguồn lực, nghiên cứu phát triển Bphone và đã có hướng đưa ra sản phẩm với chi phí phù hợp.

Nếu đủ nguồn lực, chúng tôi sẽ ra flagship. Quá trình nghiên cứu sẽ khoảng 6 tháng. Còn nếu không bố trí được, chúng tôi sẽ tiếp tục ra bản tầm trung. Chúng tôi sẽ ra Bphone 5G trong một vài tháng tới.

Theo: VnExpress