TGĐ Bkav Hardware Services - Nguyễn Quốc Đăng giao lưu cùng Bfans (Phần 2)
04:14:00 | 03-08-2021

CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ: “Chúng tôi coi Bphone Fans là cộng đồng tinh hoa… Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav, muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”. Vì lẽ đó, Bkav muốn đến gần hơn, tiếp xúc và chia sẻ nhiều hơn với các Bfans.

Từ tháng 3/2021, Tập đoàn tổ chức các chương trình giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao của Bkav, với cộng đồng Bfans. Tại đây, mọi góp ý, thắc mắc từ các Bfans dành Bkav, xoay quanh chủ đề của buổi giao lưu đều được ghi nhận và giải đáp.

Chương trình giao lưu giữa Tổng giám đốc Nguyễn Quốc Đăng và cộng đồng Bfans

Việt Nam là một trong những nước có nền công nghiệp phần mềm mạnh trên thế giới. Tuy nhiên ngành công nghiệp điện tử liên quan đến phần cứng thì còn khá khiêm tốn. Một trong các nguyên nhân dẫn đến việc ngành công nghiệp điện tử chưa phát triển là chi phí đầu tư cho đội ngũ nghiên cứu và phát triển là rất tốn kém về mặt thời gian, tiền bạc chưa kể đến yếu tố liên quan đến con người.

Ngành công nghiệp phần cứng khác với ngành công nghiệp phần mềm vì chỉ một sai sót nhỏ ở bất cứ khâu nào cũng có thể làm cho sản phẩm thành phế phẩm, như trước đó anh Trần Việt Hải, PCT phụ trách mảng phần cứng đã từng nhắc tới.

Như CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ tầm nhìn “Xây dựng một nền công nghiệp điện tử do người Việt Nam làm chủ”, Bkav Hardware Services ra đời nhằm mục đích gắn kết cộng đồng, mang giá trị công nghệ, đội ngũ đã được Bkav xây dựng trong gần 20 năm qua, kết hợp với các doanh nghiệp điện tử Việt Nam làm nên các sản phẩm “Make in Việt Nam”, cạnh tranh sòng phẳng với sản phẩm trên thế giới, và chung tay phát triển Việt Nam hùng cường.

Quá trình phát triển, sản xuất một sản phẩm đầu tiên là từ ý tưởng, đưa ra các giải pháp phù hợp, thiết kế (gồm thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, phần mềm), kiểm thử, lấy chứng chỉ, tiêu chuẩn, mua hàng & sản xuất. Như vậy, để tạo ra một sản phẩm cần đầy đủ đội ngũ như cả quá trình trên.

Không phải doanh nghiệp nào cũng có đủ khả năng đầu tư, duy trì đội ngũ R&D với đầy đủ các bộ phận. Với Bkav thì đã tham gia lĩnh vực phần cứng từ năm 2003 tới nay đã gần 20 năm xây dựng và phát triển từ sản phẩm gia dụng, nhà thông minh (SmartHome), camera AI cho đến sản phẩm công nghệ cao phức tạp như Smartphone với hơn 1.000 tỷ đồng đầu tư qua các năm. Qua đó Bkav đã tích lũy công nghệ, quy trình, kiến thức, mạng lưới đối tác.... vì vậy Bkav mong muốn gắn kết cộng đồng doanh nghiệp điện tử Việt Nam nhằm tạo ra các sản phẩm do người Việt Nam làm chủ.

Các doanh nghiệp chỉ cần có ý tưởng, hay thậm chí đơn giản chỉ là mong muốn sản phẩm thông minh hơn, nhanh hơn, tốt hơn, hay chất lượng cao hơn ở một khía cạnh đặc thù nào đó phù hợp với định hướng của doanh nghiệp. Bkav sẽ hỗ trợ tư vấn, đưa ra giải pháp có tính mới, tạo sự khác biệt. Hoặc doanh nghiệp đã có một phần trong công đoạn trên thì Bkav cũng sẽ hỗ trợ để doanh nghiệp có thể phát triển sản phẩm.

Ngoài ra, đối với một sản phẩm điện tử công nghệ cao thì phần thiết kế khó nhất là việc thiết kế cho các khối Chipset, bộ nhớ (Memory), nguồn, các kết nối như wifi… trên mạch điện tử 8-12 lớp là một trong những trở ngại cho các doanh nghiệp phát triển sản phẩm của mình. Nhìn thấy vấn đề đó, Bkav đã đóng gói các các thành phần trên tạo nên 1 module (SOM – System on Module) và cung cấp các module này cho các doanh nghiệp cần phát triển sản phẩm. Khi đó các doanh nghiệp phát triển sản phẩm điện tử chỉ cần thiết kế ở các phần đơn giản hơn trên mạch điện tử từ 2-4 layer, và đảm bảo độ chắc chắn của thiết kế.

Việc này tạo cho doanh nghiệp tự do, tự chủ cũng như sự tự tin khi muốn phát triển từ một ý tưởng thành sản phẩm cuối cùng, không phải lo lắng về tổ chức, chi phí cho đội ngũ nghiên cứu, phát triển khổng lồ với thời gian ra thị trường (time to market) ngắn, chất lượng sản phẩm đảm bảo.

Nếu sản phẩm mà công ty khác đặt hàng Bkav làm giống sản phẩm của Bkav đã có, ví dụ đặt điện thoại. Thì tính cạnh tranh sẽ như thế nào? Có sợ mất đi tính cạnh tranh không?

Để 1 sản phẩm cạnh tranh thì sản phẩm tốt là 1 trong những yếu tố quan trọng. Tuy nhiên, nó không phải là tất cả mà cần cần đến các vấn đề khác như: ý tưởng, hệ thống bán hàng, chăm sóc khách hàng… Trong các lĩnh vực sản phẩm khác nhau (ví dụ điện thoại, camera, ô tô....) thì hiểu biết thị trường cũng là những giá trị cạnh tranh. Do vậy Bkav không sợ mất đi tính cạnh tranh.

Vấn đề là khi làm ODM cho công ty khác, thì cạnh tranh rất lớn từ Trung Quốc. Vậy liệu có điểm gì nổi trội hơn Trung Quốc để doanh nghiệp khác lựa chọn dịch vụ Bkav hay không?

Bkav là 1 doanh nghiệp Việt Nam có thâm niên trên 20 năm trong nghành sản phẩm công nghệ cao, có những hiểu biết sâu sắc về văn hóa nhu cầu của người Việt Nam. Ngoài ra, Bkav nắm trong tay các công nghệ lõi dễ dàng tùy biến sản phẩm theo nhu cầu của Khách hàng. Hiện tại, trong xu thế chiến tranh thương mại Mỹ - Trung các doanh nghiệp điện tử có xu hướng chuyển dịch về Việt Nam, đây là 1 trong những cơ hội cho nền công nghiệp điện tử Việt Nam nói chung và Bkav nói riêng bứt phá trở thành nền công nghiệp điện tử mạnh trên Thế giới.

Ví dụ, có 1 công ty đặt Bkav làm sản phẩm vì họ chỉ có nhà máy, có ý tưởng. Vậy có khi nào công ty kia không thống nhất được với Bkav, hoặc ý tưởng quá viển vông không? Nếu ý tưởng quá viển vông thì Bkav sẽ làm gì?

Khi có 1 công ty có ý tưởng về sản phẩm, đội ngũ Bkav sẽ cùng công ty đó phân tích tính khả thi về sản phẩm đó về mặt kỹ thuật, qua đấy đánh giá ý tưởng đó có thể đi vào hiện thực hay không. Mình tin rằng các công ty có định hướng làm sản phẩm đều có tầm nhìn về sản phẩm chứ không đưa ra những ý tưởng 1 cách quá viển vông.

Khi mảng phần cứng đã tiêu tốn ko biết bao nhiêu tiền của Bkav, theo anh để phát triển phần cứng vươn tầm thế giới thì Bkav đã có kế hoạch và định hướng bao nhiêu năm ạ?

Bkav tham gia mảng phần cứng từ năm 2003 đến nay đã gần 20 năm trong lĩnh vực này. Như chia sẻ của anh Quảng thì Bkav có một tầm nhìn xây dựng nền công nghiệp do người Việt Nam làm chủ. Đấy là con đường Bkav đang đi, và hướng tới vươn tầm thế giới.

Anh có thể tiết lộ từ ý tưởng đến thực hiện công đoạn đầu tiên có mất nhiều thời gian không ạ? Mỗi mẫu smp của đơn vị trung bình sau bao nhiêu mẫu ban đầu sẽ cho ra sản phẩm cuối cùng ạ?

Quy trình thông thường khi thiết kế một sản phẩm phần cứng có độ phức tạp như Bphone sẽ mất khoảng 6 tháng trải qua các mẫu EVT (Kiểm tra xác nhận kỹ thuật)-> DVT (Kiểm tra xác nhận thiêt kế) -> PVT (Kiểm tra và xác nhận sản xuất) cuối cùng là MP (Mass production - sản xuất hàng loạt). Thời từ ý tưởng đến khi có trên tay mẫu thử nghiệm đầu tiên thường kéo dài khoảng 3 tháng.

R&D Bkav đã tiêu tốn hơn 1.000 tỷ. Vậy giá thành cho dịch vụ R&D cho doanh nghiệp khác sẽ rất cao đúng không?

Việc đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng, kết quả mang lại đã được kết tinh trong văn hoá, quy trình và đội ngũ Bkav đến ngày hôm nay. Qua đó Bkav có thể mang lại cho khách hàng sản phẩm tốt, chi phí hợp lý và thời gian ra thị trường ngắn như mình chia sẻ ở trên.

Vậy các doanh nghiệp khác vẫn bị phụ thuộc R&D vào Bkav thì khác gì lúc trước?

Đối với các doanh nghiệp ở trong các lĩnh vực khác nhau như gia dụng, ô tô, nông nghiệp thì họ là những người hiểu rõ nhất về lĩnh vực qua đó vẽ nên hình hài sản phẩm phù hợp với định hướng doanh nghiệp của mình. Bkav sẽ là miếng ghép giúp cho doanh nghiệp có thể tạo ra sản phẩm tốt, phù hợp với họ. Đây không phải là sự phụ thuộc mà đây là sự liên kết để doanh nghiệp mạnh lên, và tự chủ trong lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Theo anh, ở hiện tại, khách hàng coi trọng phần cứng hơn hay phần mềm hơn? Vì sao?

Ở 1 sản phẩm để mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng cần cả yếu tố phần cứng và phần mềm. Chúng ta không thể nói phần cứng quan trọng hơn hay phần mềm quan trọng hơn. Tuy nhiên đối với phần cứng như mình chia sẻ ở trên thì sẽ gây tốn chi phí hơn và dễ dàng bị trả giá hơn khi có sai sót ở bất cứ khâu nào.

Anh từng thực hiện bao nhiêu Turnkey Solution? Anh đã từng gặp khó khăn hay có những thành công gì về giải pháp dịch vụ này chưa?

Cho đến hiện tại Bkav đã cung cấp khá nhiều Full Turnkey Solution cho nhiều khách hàng trong các lĩnh vực từ gia dụng, ô tô, các thiết bị sinh trắc học cho đến các thiết bị IoT khác. Mỗi lần cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp ở một lĩnh vực mới là một khó khăn và là một trải nghiệm mới mẻ, và các khó khăn đến hầu như không giống nhau.

Quy trình để hoàn thiện cho ra một sản phẩm Bphone gồm những công đoạn nào? Điều gì là cần thiết nhất?

Quy trình để hoàn thiện sản phẩm Bphone hay một sản phẩm điện tử bao gồm các công đoạn: Từ ý tưởng sản phẩm, EVT (Kiểm tra xác nhận kỹ thuật), DVT (Kiểm tra xác nhận thiết kế), PVT (Kiểm tra xác nhận sản xuất, sản xuất hàng loạt. Và điều cần thiết nhất là kiểm soát sai sót, vì chỉ cần một sai sót nhỏ trong bất cứ khâu nào cũng có thể biến sản phẩm thành phế phẩm.

Nếu Bkav cung cấp dịch vụ Hardware Servive thì Bkav có đủ nhân lực, tài chính, thiết bị để thực hiện khi có nhiều đơn đặt hàng của khách không?

Bkav đã có một quá trình chuẩn bị lâu dài trước khi cung cấp dịch vụ này. Vì vậy các vấn đề liên quan đến nhân lực, tài chính... đã được Bkav tính toán từ trước.

Chi phí đầu tư cho phần cứng tốn khá nhiều chi phí như vậy Bkav đã giải quyết thế nào?

Từ năm 2003 Bkav bước vào lĩnh vực phần cứng, thì ban lãnh đạo Tập đoàn đã chuẩn bị kế hoạch như anh Quảng chia sẻ là một kế hoạch "dài hạn" để xây dựng một nền công nghiệp điện tử do người Việt Nam làm chủ.

Hiện tại đang khan hiếm chip, vậy nếu doanh nghiệp yêu cầu làm sản phẩm liên quan tới chip thì Bkav sẽ xử lý thế nào?

Về vấn đề liên quan khan hiếm linh kiện thì có nhiều phương án Bkav triển khai đồng thời bao gồm:

1. Huy động toàn bộ mạng lưới đối tác trong việc tìm kiếm nguồn hàng, nguồn chip.

2. Thực hiện Cross (chuyển đổi thay thế) các linh kiện sẵn sàng nguồn cung ứng hơn thậm chí có thể thay đổi cả giải pháp để đảm bảo leadtime mua hàng.

Để làm được điều này Bkav cần tự chủ, sở hữu các công nghệ trong thiết kế sản phẩm

Việc cạnh tranh trong dịch vụ này sẽ có nhiều khó khăn vì có nhiều công ty cũng làm. Bkav sẽ có giải pháp gì để cạnh tranh với công ty khác?

Đúng là có nhiều công ty cũng cung cấp sản phẩm dịch vụ tương tự. Tuy nhiên ở Bkav đi lên từ một công ty làm sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm công nghệ cao như Smartphone với rất nhiều công nghệ cùng với đó là văn hóa làm sản phẩm. Bkav mang những giá trị tốt nhất đã được tích lũy gần 20 năm để phục vụ khách hàng. Theo mình đấy là giá trị cạnh tranh lớn nhất.

Bkav có hướng đến trở thành một công ty cung cấp giải pháp phần cứng không? Ví dụ như giải pháp camera ẩn được trang bị trên Bphone thế hệ tiếp theo?

Đúng như bạn nói Bkav nói chung và Bkav Hardware Services nói riêng hướng tới công ty cung cấp giải pháp phần cứng bạn nhé.

Việc đưa AI tham gia vào quá trình “check” sản phẩm hàng loạt. Ví dụ: hiện tại khi QC hàng cần nhiều nhân công, mất thời gian, năng xuất thấp và không ổn định do yếu tố con người. Mà việc kiểm tra sản phẩm hàng loạt thường dựa vào một số đặc điểm quy định có sẵn để kết luận chất lượng sản phẩm đó.

Vậy, trường hợp này có thể đưa AI vào được không? Tức công nhân chỉ cần đưa sản phẩm vào, AI phân biệt được lỗi nhanh để đưa ra kết quả hoặc gợi ý cho nhân viên kiểm tra chất lượng?

Việc đưa AI vào trong quá trình IQC và OQC là một việc khả thi. Hiện tại cũng đã có nhiều nhà máy áp dụng công nghệ AI hỗ trợ cho việc sản xuất nhanh và kiểm soát chất lượng sản phẩm. Nếu bạn có ý tưởng cụ thể vui lòng gửi thông tin cho BQT Bphone Fans Culb để cùng thảo luận giải pháp chi tiết nhé.

Một công ty Hardware Services sẽ được phát triển để trở thành một công ty ODM (Original Design Manufacturer) nằm trong tập đoàn Bkav. Vậy với vị trí CEO anh có tự tin để phát triển công ty trở thành một trong những "nồi cơm chính" của tập đoàn không ạ?

Bkav đang mong muốn xây dựng nhiều “nồi cơm” chứ không phải một “nồi cơm chính”, và Bkav Hardware Service cũng một trong những định hướng của tập đoàn trong tương lai.

Về phần linh kiện, cụ thể là màn hình thì Bkav thiết kế và đặt gia công ngoài, nếu vậy thì những công nghệ mới đang được phát triển như camera ẩn, viền màn hình mỏng, các đối tác sản xuất màn hình của Bkav có đáp ứng được các công nghệ để sản xuất, hoàn thiện sản phẩm tốt nhất không?

Bkav luôn cùng với đối tác cập nhật các công nghệ mới qua đó đánh giá sự phù hợp với sản phẩm của mình. Như bạn thấy đấy, bằng sự sáng tạo của mình thì Bkav cho ra đời Bphone 3 là chiếc Smartphone Android tràn đáy đầu tiên trên thế giới qua đó tạo nên sự khác biệt về trải nghiệm người dùng.

Nhiều người nói chỉ cần tuyển nhân lực về là có thể làm được sản phẩm. Theo anh, ý kiến này thế nào? Doanh nghiệp họ tuyển người về có kinh nghiệm sẵn về phần cứng, thì có làm được không?

Nếu các công ty chỉ cần tuyển nhân sự có kinh nghiệm có thể làm được sản phẩm công nghệ tốt thì đã có rất nhiều công ty công nghệ lớn trên Thế giới xuất phát từ các công ty nghành Bất động sản, tài chính.... Tuy nhiên, để làm được sản phẩm công nghệ tốt đáp ứng được công nghệ thị trường thì đòi hỏi 1 văn hóa doanh nghiệp hướng tới làm các sản phẩm công nghệ như Bkav.

Phần bảng mạch trên Bphone đang khá tốt, không kém các smartphone cao cấp, quay về câu chuyện máy giá tốt, liệu Bkav vẫn giữ thiết kế bảng mạch mạ vàng xịn xò hay thay đổi để giảm thiểu chi phí cho dòng sản phẩm giá tốt?

Bkav luôn hướng tới sản phẩm mang lại trải nghiệp tốt và chất lượng cho Khách hàng. Khi cung cấp sản phẩm cho Khách hàng Bkav tâm niệm đang mang đến cho Khách hàng một giá trị. Thay vì cắt giảm, giảm thiểu chất lượng để giảm thiểu chi phí thì Bkav nghiên cứu các giải pháp để giữ nguyên chất lượng nhưng giá thành sẽ được tối ưu hơn.

Thiết kế điện tử có phức tạp không? Tôi từng đọc thấy nói thiết kế 12 lớp rất khó?

Thiết kế điện tử có độ phức tạp từ thấp đến cao, tuỳ thuộc vào sản phẩm ở phân khúc nào. Ví dụ, đối với sản phẩm phức tạp, mật độ linh kiện cao như Bphone được thiết kế trên mạch từ 8 - 12 lớp. Để làm được như vậy Bkav đã có nhiều năm mày mò nghiên cứu từ năm 2003 khi bước chân vào lĩnh vực phần cứng, cho đến năm 2010 bắt đầu phát triển điện thoại thông minh và năm 2015 cho ra đời chiếc điện thoại Design by Bkav đầu tiên.

Để nâng cao trải nghiệm chạm cảm ứng khi gõ phí Apple đã thiết kế chế tạo lập trình riêng 1 modul rung chuyên biệt chỉ có trong các sản phẩm Apple... Vậy trong Bphone 5 sắp ra mắt Bkav đã có cụm modul linh kiện cơ bản nào tự thiết kế chế tạo riêng tương tự như bộ rung kia hay chưa trong số khoảng 900 linh kiện của bphone?

Mỗi hãng sản xuất Smartphone đều có những đặc trưng mang lại những trải nghiệm người dùng khác biệt. Ví dụ như Bphone bạn sẽ thấy hệ thống “Cử chỉ điều hướng, toàn diện bỏ qua phím cứng” tạo cho khách hàng trải nghiệm không giới hạn.

Bkav