Nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu chia sẻ cùng Bfans chủ đề “Nhiếp ảnh và đời sống”
01:50:00 | 22-10-2021

Tối 3/10, cộng đồng Bphone Fans Club đã có buổi giao lưu trực tuyến với nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu. Tại đây, chuyên gia Đồng Hiếu đã chia sẻ những kiến thức cần thiết khi chụp ảnh đời sống, đồng thời trả lời các câu hỏi giao lưu từ Bfans. Anh Đồng Hiếu hiện là giảng viên khoa nhiếp ảnh, Trường Đại học Sân khấu điện ảnh, đồng thời từng là giám khảo trong nhiều cuộc thi lớn về nhiếp ảnh.

Mở đầu buổi livestream, nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu chia sẻ các yếu tố cần thiết cho các bạn muốn chụp ảnh đời sống. Theo anh Đồng Hiếu, điều đầu tiên cần biết là mục đích chụp ảnh là gì? Ví dụ như:

+ Chụp ảnh để thỏa mãn sở thích bản thân

+ Chụp ảnh vì thích đối tượng chụp (thích cảnh trí, thích con người, thích bông hoa, thích đồ vật…)

+ Chụp ảnh vì thích thích quá trình chụp ảnh: bởi chụp ảnh như một hình thức giao tiếp với mọi người (chụp để chia sẻ, để kể chuyện cho người khác những gì mình thấy, những gì mình nghĩ, cảm nhận…)

Với anh Đồng Hiếu, việc chụp ảnh như một phương tiện giao tiếp, trong sự giao tiếp đó, sẽ có cảm nhận và thông qua nhiếp ảnh nói lên cảm xúc của mình. Trong trường hợp này chúng ta mới có thể hiểu được ngôn ngữ hình ảnh để diễn đạt được nội dung mong muốn truyền tải.

Có 3 điều bất cứ người chụp ảnh nào nên nắm rõ:

Kỹ thuật: Nhiếp ảnh sinh ra từ kỹ thuật, nếu chúng ta không có kỹ thuật sẽ không biết cách xử lý về ánh sáng, phông nền…

Xử lý tạo hình: Chính là bố cục, mình phải tìm hiểu, ví dụ như đứng cao lên, thấp xuống gần lại để chụp ảnh và vị trí chọn lựa để đảm bảo về mặt ánh sáng.

Cảm nhận: Chính là sự quan sát, trải nghiệm, sự hiểu biết… để xây dựng nội dung, chủ đề cho một bức ảnh. Có thể cùng một bối cảnh, cùng một đối tượng nhưng các bức ảnh được chụp lại khác nhau bởi nó còn phụ thuộc vào cảm nhận riêng, cách xử lý và kỹ thuật của mỗi người.

Vì vậy 3 yếu tố: Kỹ thuật, Tạo hình và Cảm nhận có liên quan logic với nhau.

Anh Đồng Hiếu cũng dành lời khuyên dành cho những bạn mới chụp ảnh đời sống:

Hãy bắt đầu với chủ đề mình quan tâm, hứng thú thì mình mới có động lực chụp thường xuyên. Mình xem ảnh của các nhiếp ảnh gia khác để học hỏi cách họ chụp, họ kể chuyện và cũng nên chia sẻ ảnh chụp của mình, đừng nản chí, duy trì chụp hàng ngày, thường xuyên. Khi chụp ảnh nên hiểu rõ mình chụp gì, kiểm soát mọi thứ khi đưa vào hình.

Khi chụp cần phải có nội dung hình ảnh, xác định chủ thể của hình ảnh, các yếu tố liên quan đến chủ thể. Với không gian thực tế đưa vào hình, mình cần kiểm soát tốt không gian đó. Khi đã hiểu về khuôn hình thì cần phải nắm cỡ cảnh. Nó như một công cụ diễn đạt ý đồ của người chụp, do vậy nên xác định cỡ cảnh cho chủ thể trong khuôn hình. Ví dụ: Với ảnh chân dung, cỡ cảnh rộng sẽ diễn đạt hoạt động của nhân vật. Cỡ cảnh rộng hơn là toàn cảnh, cho thấy bối cảnh và hoạt động của nhân vật. Cỡ cảnh rộng hơn nữa là viễn cảnh, thông thường để chụp cảnh quan, cảnh trí. Khi trong đầu muốn diễn đạt trạng thái diện mạo nhân vật ta phải dùng cỡ cảnh hẹp để diễn đạt thì nội dung sẽ tốt hơn.

Quá trình chụp một bức ảnh đời sống

Chụp ảnh đời sống cũng như những gì được đề cập ở trên. Cuộc sống diễn ra, mình quan sát xem có gì hay, lạ với mình không. Mình luôn phải tìm cảm hứng động lực để chụp ảnh, khi muốn thể hiện hình ảnh đó, mình cần tạo hình như thế nào, xử lý bố cục, kỹ thuật để chụp. Nhờ thế các bức ảnh mới có chất tạo hình. 

Với những bạn mới chụp cần phải đặt ra mối liên hệ giữa chủ thể và hậu cảnh, nhân vật chính, nhân vật phụ thì sẽ có bức ảnh chỉnh chu.

Các kinh nghiệm khi chụp ảnh được Nhiếp ảnh gia Đồng Hiếu chia sẻ:

Yếu tố kể chuyện: Là sự quan sát tiếp cận của người chụp với nhân vật, có đủ gần đủ sâu hay không để hiểu câu chuyện của họ thì sẽ rất hay.

Xử lý về sáng tối và màu sắc: Thông thường với mình thường xử lý ánh sáng để tạo hình. Ánh sáng xuất phát từ bối cảnh. Để có các ảnh phong phú về không gian thời gian thì phải đi săn và đôi khi rất khó mà bố trí được ánh sáng.

Về không gian: Rất quan trọng bởi nhiếp ảnh là thực tế không gian 3 chiều, và hình ảnh khi chúng ta xem là 2 chiều, do đó có nhiều cách để tạo ra chiều sâu không gian, ví dụ như: gần - to, xa - nhỏ… Bản thân mình cũng hay áp dụng cái đó.

Sự liên tưởng: Có những bức ảnh khi xem có thể liên tưởng tới điều gì đó, cũng làm nên giá trị của bức ảnh.

Chi tiết: Cũng là yếu tố quan trọng, các chi tiết nhỏ gắn kết với nhau tạo nên sự nổi bật

Sau phần chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm về chụp ảnh đời sống. Anh Đồng Hiếu cũng đã trả lời các câu hỏi từ Bfans:

Trong trường hợp chụp ảnh đời sống mà mình chụp lén thì có cần xin phép chủ thể khi chụp không ạ?

Đó là câu chuyện nan giải cho những người chưa nhiều kinh nghiệm. Đầu tiên mình ngại tiếp cận với nhân vật nên thường chụp xa chụp từ sau lưng nên biểu cảm trên ảnh ít. Đó là do ngại tiếp cận nhân vật. Việc tiếp cận nhân vật không có một công thức nào cả. Đầu tiên mình nghĩ phải làm quen với nhân vật, sau đó xin phép để có thể chụp ảnh.

Khi nào chụp ảnh đen trắng, và nên dùng trong trường hợp nào?

Khi chụp đen trắng mình cần tư duy khác, khi đó mình đang nhìn vào mật độ. Những đề tài không cần thu hút về màu sắc thì mình sẽ chụp đen trắng. Nếu ngay từ đầu muốn chụp đen trắng thì mình nên tư duy về mật độ nhiều lên.

Tốc độ màn chập của anh thường là bao nhiêu?

Độ nét của bức ảnh liên quan tới khẩu độ bao nhiêu, bạn càng khép khẩu độ nó càng nét sâu, liên quan đến tiêu cự bạn dùng nữa, còn tốc độ màn chập mình thường không để cố định.

Nhiếp ảnh đời thường thiết bị có quan trọng không?

Thiết bị quan trọng vì nó hỗ trợ việc chụp ảnh. Nếu ngày xưa chụp ảnh tối ko thể nét, nhưng bây giờ với các máy hiện đại thì cho phép chúng ta chụp tối nét căng. Thiết bị quan trọng nhưng quan trọng hơn là mình sử dụng thiết bị đó như thế nào. Tiện nhất là máy có trong túi để lúc cần có mình chụp luôn.

Ảnh đời thường có quy tắc nào không, yếu tố con người, hành động?

Nguyên tắc chính là xử lý ánh sáng, bố cục, còn chụp như thế nào là cảm xúc là dấu ấn của mỗi cá nhân.

Khi chụp bộ ảnh “Anh Ý điên”, cá nhân anh có cảm xúc như thế nào?

Khi học trò đưa mình đến gặp anh Ý “điên” thì mình cảm thấy chất của anh cũng rất giống thế. Anh Ý làm việc không ngừng nghỉ, sáng tạo liên tục, nên khi chụp mình thấy cần phải có 2 yếu tố là cái sự “điên điên” và tài năng của anh. Mình phải trộn được cả 2 yếu tố đấy trong bộ ảnh. Nói thật là lúc đầu mình bị ngợp và sau lại rất thèm một lần được sáng tạo, được làm việc “điên” như anh.

Làm thế nào để chụp cảnh hoàng hôn bằng HDR không bị giả?

Khi chụp bằng HDR, tất cả phần tối mình cố cứu mà đôi khi không để ý được các vùng tương quan thì dễ tạo ra cảm giác giả. Bạn nên tiết chế ở đó. Tạo cảm giác về không gian sẽ tốt hơn để ý màu sắc. Việc chỉnh đôi lúc quá tay nên mình cũng phải tiết chế.

Khó khăn khi chụp ảnh đời thường bằng điện thoại?

Máy ảnh sinh ra để chụp ảnh, nó sẽ rất tối ưu. Những năm gần đây ảnh chụp từ điện thoại cũng rất là tốt không khác nhiều so với máy ảnh. Chế độ khoảnh khắc của Bphone cũng vậy, mình có thể bắt dính được khoảnh khắc rất nhanh. Nhưng hiệu quả từ ống kính máy ảnh hay tính năng máy ảnh thì chắc phải một thời gian nữa mới có trong điện thoại.

Anh từng làm giám khảo trong nhiều cuộc thi ảnh lớn. Vậy lời khuyên anh cho các thí sinh khi tham gia các cuộc thi ảnh?

Với mỗi chủ đề thi, bạn nên tìm hiểu kỹ và khi mình nộp ảnh sẽ phù hợp với cuộc thi. Đó là tiêu chí đầu tiên ban giám khảo chọn. Khi bức ảnh được chọn rồi mà tạo được ấn tượng thị giác tốt, hội tụ nhiều ưu điểm so với ảnh khác thì sẽ thành công. Một cuộc thi là nơi cân đo đong đếm giữa các bức ảnh được gửi đến nên mình cứ tự tin gửi dự thi.

Bkav