Tinhte.vn tham quan nhà máy sản xuất Bphone của Bkav
08:06:00 | 22-08-2015

Có mặt trong chuyến tham quan nhà máy sản xuất Bphone của Bkav ngày 19/8, một thành viên trên diễn đàn Tinhte.vn có nickname Didu đã có bài viết chia sẻ các thông tin, video và hình ảnh trong buổi tham quan này với các thành viên khác trên diễn đàn. Bkav.com.vn xin đăng lại bài viết này.

(Tinhte.vn) Mình vừa có cơ hội được đi tham qua khu trụ sở chính cũng như hai nhà máy cơ khí và điện tử Bphone của  Bkav đặt tại nội thành Hà Nội. Để có được một chiếc Bphone hoàn chỉnh, Bkav cần 3 khu tổ hợp gồm nơi thiết kế phần cứng, phần mềm, nhà máy cơ khí và cuối cùng là nhà máy điện tử. Các khu này cách nhau khoảng 10 phút đi xe ô tô, tức nó không quá xa để các kỹ sư có thể trao đổi, đi lại để thảo luận các vấn đề.

Thiết kế phần cứng

Chúng tôi bắt đầu chuyến tham quan lúc 8h30 sáng từ trụ sở chính và cũng là nơi nghiên cứu phát triển phần cứng, phần mềm cho Bphone. Sau khi nghe Phó chủ tịch Bạch Thành Lê khái quát về buổi tham quan, mình và cả đoàn được dẫn tới phòng thiết kế phần cứng, nơi có hàng chục kỹ sư làm việc trên các sản phẩm phần cứng, không chỉ riêng Bphone. Để có được một chiếc Bphone hoàn chỉnh, các kỹ sư phải trải qua tổng cộng 6 công đoạn từ thiết kế kiểu dáng cho tới lắp ráp, nó ngốn của Bkav khoảng 5 năm.

Có tổng cộng 6 công đoạn trong khâu thiết kế kiểu dáng, từ thiết kế bản mẫu 2D, 3D cho tới mô hình. Các kỹ sư Bkav phải nghiên cứu kiểu dáng của các điện thoại trên thị trường để biết điểm mạnh và điểm yếu từ đó thiết kế nên Bphone. Triết lý của Bkav là đơn giản và phẳng khi bắt đầu với dự án Bphone. Không chỉ thiết kế phần cứng mà phần mềm cũng theo đuổi triết lý phẳng đang thịnh hành. Để bảo vệ cho thành quả đó, Bkav cho biết đã đăng ký độc quyền cho thiết kế công nghiệp của Bphone từ nhiều năm trước. Khi mà công đoạn thiết kế phần cứng trên máy tính hoàn tất, dữ liệu sẽ được chuyển xuống phòng thiết kế để cho ra các mô hình và bản mẫu trước khi đi vào sản xuất hàng loạt.

Nói về việc 'made in Vietnam', đại diện Bkav cho biết gần như toàn bộ linh kiện cho Bphone đều được nhập về và lắp ráp tại Việt Nam, ngoại trừ bo mạch chủ. Bo mạch trên Bphone được in tại Trung Quốc vì ở đây có nhà máy in bo mạch tốt nhất thế giới (bo mạch của Bphone có hàng trăm thành phần và có tổng cộng 10 lớp chồng lên nhau). Các linh kiện dùng cho Bphone cũng được mua từ các hãng sản xuất có tiếng như Qualcomm, Sharp, SK Hynix... Sau đó mang về và lắp ráp tại Việt Nam.

(Ảnh chụp từ bài viết trên diễn đàn Tinhte.vn)

Thiết kế cơ khí

Một khâu cũng rất quan trọng trong thiết kế phần cứng đó là thiết kế cơ khí, nói cách khác là làm khung, khoét các vị trí ốc vít, đặt bảng mạch trong phần cứng của máy. Để có được một thiết kế hoàn chỉnh, Bkav đi qua hơn 600 bản vẽ 2D, 3D và mô hình. Bphone cũng được hoàn thiện theo cách các smartphone cao cấp được làm ra đó là khung nhôm nguyên khối và các linh kiện đặt bên trong, ốp hai mặt trước và sau lại.

Bkav cho biết có tới hơn 200 linh kiện cơ khí cấu thành nên một chiếc Bphone hoàn chỉnh. Chỉ riêng phần khung nhôm thôi thì cũng đã có tới 30 chi tiết cơ khí khắp xung quanh đảm nhiệm nhiều nhiệm vụ. Đến các con vít bắt cố định nắp lưng với máy cũng được Bkav thiết kế theo kiểu riêng để khiến việc mở máy không còn dễ dàng với đa số người. Dù Bphone không có khả năng chống nước nhưng Bkav cũng khéo léo và tỉ mỉ thiết kế các gioăng cao su xung quanh các nút bấm để ngăn chặn nước xâm nhập vào bên trong. Đây là một chi tiết rất đáng khen bởi nó sẽ bảo vệ cho máy tránh khỏi nước trong các trường hợp như đi mưa hoặc bị nước té vào.

(Ảnh chụp từ bài viết trên diễn đàn Tinhte.vn)

Thiết kế phần mềm

Phòng thiết kế phần mềm nằm chung tòa nhà với phần cứng và cũng có nhiều kỹ sư tham gia phát triển, thiết kế. Bkav luôn tự hào vì họ là đơn vị làm thành công một chiếc điện thoại cao cấp từ khâu phát triển tới lắp ráp, điều đó được nhắc tới khá nhiều trong buổi tham quan. Bkav cho biết phiên bản Bphone đầu tiên ra đời mà không thể chạy một tính năng nào và sau đó 1 năm là bản thử nghiệm thứ 2 với một số chức năng đã có thể hoạt động. Sau đó phải mất thêm vài năm nữa để Bphone có thể hoạt động ổn định tất cả các chức năng, như vậy tổng thời gian cho dự án này là khoảng 5 năm, theo Bkav.

Ở đây là nơi mà giao diện đồ họa, hệ điều hành BOS được phát triển. Bkav cho biết rằng họ phải trải qua nhiều thiết kế giao diện người dùng, qua nhiều thiết kế biểu tượng chương trình trong nhiều năm trước khi chọn thiết kế cuối cùng như chúng ta thấy ngày hôm nay. Chính CEO Bkav, anh Nguyễn Tử Quảng là người duyệt những thiết kế này. Giao diện ứng dụng và biểu tượng chương trình được làm theo xu hướng phẳng và đơn giản, với các mảng màu rõ ràng.

(Ảnh chụp từ bài viết trên diễn đàn Tinhte.vn)

BOS không phải là một launcher đơn thuần

Trong khi nghe chia sẻ về phần mềm thì mình cũng được anh kỹ sư nói thêm về hệ điều hành BOS. Có nhiều tranh luận cho rằng Bkav đã sai khi gọi BOS là một OS vì nó thực chất là Android còn Bkav thì nói rằng BOS không phải là một launcher đơn thuần, nó là nhiều hơn thế nữa. Trong các lớp phần mềm thì launcher nằm một phần nhỏ ở lớp trên cùng, tức lớp đơn giản và ít phức tạp nhất trong khi để làm nên BOS thì kỹ sư Bkav phải đi vào tận trong kernel và framework của Android, đó là lý do họ tự tin gọi BOS là một hệ điều hành.

Nếu chỉ có như vậy thì hơi chủ quan, cũng phải nói thêm là kỹ sư của Bkav đi vào tận sâu bên trong hệ điều hành để tinh chỉnh các driver cho phù hợp với Bphone. Đơn cử như bảng điều khiển, thay vì vuốt từ trên xuống thì ở Bphone chúng ta vuốt từ dưới lên để điều khiển nhanh các kết nối, chức năng cơ bản của điện thoại. Hay như tính năng chống làm phiền (Do not Disturb), Bkav cũng phải chỉnh sửa lại thông báo, âm thanh, các cửa sổ để tính năng này hoạt động một cách chính xác và không làm phiền người dùng khi họ đang ngủ.

Nhà máy cơ khí

Sau khi tham quan trụ sở chính thì mình được đưa sang nhà máy cơ khí, nơi các máy chủ yếu là CNC gia công các khối nhôm cho thiết kế của Bphone. Cũng bắt đầu từ đây mình không được cầm máy ảnh, máy quay nữa, toàn bộ hình bên dưới là do Bkav cung cấp nhưng mình cũng đảm bảo rằng nó chính xác như những gì mình được nhìn và nghe thấy. Nhà máy cơ khí của Bkav có diện tích không quá lớn và nằm ngay trong nội thành. Trong tương lai, Bkav có mục tiêu mở thêm trụ sở tại khu Hòa Lạc hoặc thậm chí là các nhà máy ở những tỉnh lân cận Hà Nội nếu nhu cầu Bphone cao hơn nữa.

Tại đây, mình được giới thiệu về cách mà khung nhôm nguyên khối được tạo ra từ một khối nhôm. Thiết kế phần cứng khi hoàn thành trên máy tính sẽ được chuyển xuống đây để máy CNC phay và cắt gọt trên vật liệu thật. Từ những chi tiết nhỏ nhất tới lớn nhất đều được làm tại đây với quy mô vừa phải. Ở bản mạ vàng, khung nhôm sau khi được máy CNC cắt sẽ chuyển qua một đơn vị đối tác để mạ vàng. Hiện Bkav chỉ có duy nhất một đối tác cho việc mạ vàng Bphone và họ đánh giá rất cao đối tác này.

(Ảnh chụp từ bài viết trên diễn đàn Tinhte.vn)

Nhà máy điện tử

Cuối cùng là nhà máy điện tử nơi lắp ráp, đóng gói Bphone. Đây là khu khép kín được kiểm soát chặt chẽ với nhiều dây chuyền. Công nhân hầu hết đều ngồi trong ca làm việc thay vì đứng làm như tại các nhà máy gia công lớn. Các linh kiện đạt chuẩn sẽ được lắp ráp tại đây để cho ra một chiếc Bphone hoàn chỉnh. Để kiểm tra các tính năng liên quan tới chụp hình, âm thanh, Bkav cũng có những phòng lab riêng để thử nghiệm và tinh chỉnh khả năng chụp hình cũng như nghe nhạc của sản phẩm.

Trong phòng sạch là nơi mà Bphone được lắp ráp những chi tiết cần độ sạch gần như tuyệt đối như màn hình, camera. Phòng này là riêng biệt so với phần còn lại và có áp suất cao hơn để đẩy bụi ra bên ngoài. Để vào bên trong, mỗi người cần vào một khoang nhỏ để thổi sạch bụi trước khi đi sâu vào trong tham quan. Chỉ trong buổi tham quan thì mới nhiều người được vào đây còn trong ngày bình thường thì chỉ có ai có phận sự mới được vào để tránh mang bụi vào bên trong gây ảnh hưởng tới sản phẩm. Bkav cũng đầu tư từ các ghế ngồi và găng tay đeo tránh tích điện nhằm tránh gây ảnh hưởng xấu về điện. Sau khi lắp ráp, Bphone tới khâu cuối cùng là kiểm tra lỗi. Chỉ khi máy và con người nhận thấy rằng mỗi một chiếc điện thoại không có bất cứ lỗi nào thì nó mới được đóng gói trước khi đến tay người dùng.

(Ảnh chụp từ bài viết trên diễn đàn Tinhte.vn)

Tổng kết

Sau buổi tham quan, Bkav cũng chia sẻ một số thông tin liên quan tới Bphone của họ. Đầu tiên, ở thế hệ Bphone thứ 2, họ sẽ tập trung cải thiện khả năng kết nối cũng như pin của thiết bị so với hiện tại. Họ không đề cập tới thiết kế nhưng mình nghĩ rằng sẽ có thay đổi ở phiên bản thứ 2. Tuy nhiên, còn quá sớm để nói về bản nâng cấp trong tương lai vì Bphone chưa mở bán đợt 2 nữa.

Bkav đã thuê một khu đất rộng hàng héc-ta để làm khu nghiên cứu phát triển tại Hòa Lạc. Nếu trong tương lai, nhu cầu về Bphone quá tải thì Bkav cũng sẽ xem xét mở nhà máy tại các tỉnh gần Hà Nội để giảm chi phí nhân công, gia tăng quy mô và sản lượng so với hiện tại.

Cuối cùng, Bkav cho biết họ sẽ mở bán đợt hai của Bphone vào ngày 25/8 tới đây, từ 10h sáng tới 10h tối.

Theo Tinhte.vn

Xem bài viết gốc tại đây.

Xem thêm bài viết về Bphone tại đây.