Hãy đợi, chúng tôi sẽ thuyết phục được các bạn
08:36:00 | 29-07-2015

[Nhân dân] Không quá bận tâm đến những ồn ào trên cộng đồng mạng sau màn ra mắt Bphone, Chủ tịch và CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng  vẫn tràn đầy nhiệt huyết, không ngại tung ra các phát ngôn vốn lâu nay bị gán cho biệt danh "nổ" và cũng chẳng mảy may né tránh các câu hỏi của báo giới. Thẳng thắn, chân tình, Nguyễn Tử Quảng chia sẻ với Nhân Dân hằng tháng về những mục tiêu và tầm nhìn của mình.

Tâm trạng của anh hiện nay thế nào, sau màn ra mắt Bphone đầy ấn tượng?

Đối với chúng tôi bây giờ mọi thứ mới thật sự bắt đầu. Tôi biết để chinh phục được thị trường khó tính như Việt Nam thì phải chinh phục bằng kết quả cuối cùng, đó là Bphone chiếm được thị phần của các đối thủ khác. Mảng phần mềm diệt virus cũng vậy, chúng tôi cũng chịu rất nhiều những hoài nghi, cuối cùng thực tế đến thời điểm này thì phần mềm diệt virus của Bkav đã có thể nói là chiếm thị phần áp đảo trước các sản phẩm của nước ngoài. Cũng từng có người hỏi, rằng tôi sẽ nói gì với những người chê bai hoặc không thích sản phẩm của Bkav. Câu trả lời của tôi là: "Hãy đợi, chúng tôi sẽ thuyết phục được các bạn".

Hơn 10 năm nay, Bkav là cái tên rất quen thuộc, nhưng định vị về công ty trong cộng đồng mới chỉ là phần mềm diệt virus được phổ cập rộng rãi. Vậy thực chất sức mạnh của Bkav còn nằm ở những lĩnh vực nào?

Chúng tôi có văn hóa công ty riêng, có tôn chỉ xuyên suốt: Chúng tôi làm việc theo đam mê, theo tiêu chí là có ích cho xã hội. Chính vì thế, dù có tham gia vào những lĩnh vực nào thì Bkav cũng sẽ làm được như trong lĩnh vực an ninh mạng.

Từ sau lần kỹ sư Nguyễn Tử Quảng rụt rè lên máy thu hình trong chương trình Chào buổi sáng để cảnh báo cho người dùng máy tính về một loại virus đang phát tán nhanh năm 1996, cho tới giờ bản thân ông đã thay đổi như thế nào?

Bản thân tôi thì không có gì thay đổi, tôi vẫn thế, vẫn tràn đầy sự nhiệt tình muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội.

Tại sao Bkav lại chọn smartphone, một mặt hàng tiêu dùng xa xỉ để chinh phục người tiêu dùng Việt, trong khi người Việt nặng tâm lý chuộng ngoại và độ cuồng iPhone, Samsung chưa hề có dấu hiệu dừng lại?

Smartphone là đỉnh cao về công nghệ, mọi tập đoàn công nghệ trên thế giới như Google, Samsung, Apple... đều mơ ước làm được smartphone. Tuy nhiên, mục tiêu của chúng tôi lớn hơn nhiều việc sản xuất một sản phẩm cụ thể. Để một tập đoàn phát triển bền vững, trường tồn thì bạn cần mục tiêu lớn hơn, triết lý lớn hơn. Mục tiêu của chúng tôi ở đây là xây dựng tập đoàn công nghệ thành công trên toàn cầu. Thông qua đó, để người Việt Nam tự tin hơn, Việt Nam có nhiều tập đoàn như vậy và trở thành một nước phát triển trong tương lai. Chỉ những mục tiêu lớn như thế mới giúp chúng ta vượt qua mọi thách thức. Và đó là lý do tại sao dù hoàn cảnh ở Việt Nam khó khăn trong mọi mặt, nhưng chúng tôi vẫn đưa ra được sản phẩm đẳng cấp hàng đầu thế giới. Nhìn thẳng vào sự thật thì chúng tôi đã phải nỗ lực hơn nhiều lần so với các nhà sản xuất khác như Apple hay Samsung. Nói vui chứ Tim Cook có sang Việt Nam, với điều kiện của Việt Nam hiện nay thì chưa chắc đã sản xuất được smartphone.

Ông có nản khi gặp phải những phản ứng tiêu cực, những bình luận thiếu ủng hộ Bphone những ngày qua?

Như đã chia sẻ ở trên, tôi sẽ nói với những người có phản ứng tiêu cực, bình luận thiếu ủng hộ Bphone rằng: "Hãy đợi, chúng tôi sẽ thuyết phục được các bạn" (cười). Mọi thứ mới bắt đầu, nhưng Bkav nói riêng và Việt Nam nói chung đang có một cơ hội rất lớn để có thể bắt kịp với thế giới về công nghệ. Thời cơ chưa từng có. Bạn có thể thấy chúng tôi làm ra chiếc Bphone không khác gì Apple làm ra iPhone, Samsung làm ra Galaxy. Bạn nên nhớ rằng với chúng tôi, đây mới chỉ là phiên bản đầu tiên, trong khi với họ đã là phiên bản thứ 7, thứ 8 rồi.

Nếu không phải là những vấn đề cần bảo mật, ông có thể bật mí, tỷ lệ nội địa hóa của Bphone là bao nhiêu, nhà máy sản xuất đặt ở đâu?

Nhà máy sản xuất Bphone được đặt ở đường Phạm Hùng, quận Cầu Giấy (Hà Nội). Điện thoại Bphone là smartphone Designed by Bkav - made in Việt Nam (Thiết kế bởi Bkav - sản xuất tại Việt Nam). Tỷ lệ nội địa hóa là hơn 70% tập trung chủ yếu ở khâu thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, thiết kế phần mềm, lắp ráp sản phẩm... Phần nhập ngoại là các linh kiện điện tử như chip, ram, camera, điện trở, tụ điện... Như vậy, phần giá trị gia tăng lớn nhất của một chiếc smartphone là do chúng tôi làm chủ, còn lại là của các nhà cung cấp linh kiện phụ trợ. Phương thức này giống như cách mà Apple hay Samsung đang làm.

Ông có lạc quan với mức độ tiêu thụ Bphone trong tương lai. Và đâu là chiến lược phân phối ông nhắm tới. Các nhà mạng Việt Nam có ủng hộ Bphone như vẫn từng tham gia phân phối iPhone, Samsung?

Ngay trong ngày mở bán (2/6), chỉ sau hai giờ đồng hồ, đã có 4.800 máy được bán. Trong đó, phiên bản 16GB có số lượng đặt hàng nhiều nhất, chiếm gần 50%. Có một điều ngoài dự kiến của chúng tôi là bản mạ vàng, ban đầu chúng tôi dự kiến chỉ khoảng vài % khách hàng sẽ đặt hàng. Nhưng hiện nay đã lên đến gần 20%. TP Hồ Chí Minh có số lượng mua hàng lớn nhất, sau đó là Hà Nội, tiếp theo đó là các tỉnh, thành như: Đà Nẵng, Nghệ An, Quảng Ninh... Đây quả thật là một điều tuyệt vời. Khách hàng của chúng tôi là những người thậm chí chưa cầm sản phẩm bao giờ nhưng họ có niềm tin rất lớn. Điều đó cũng cho thấy sự kỳ vọng của người Việt Nam vào sự phát triển của công nghệ và chúng tôi sẽ đáp ứng được kỳ vọng đó. Ngay trước khi ra mắt cũng có nhà mạng lớn ở Việt Nam muốn phân phối, nhưng trước mắt chúng tôi đang chọn giải pháp phân phối qua mạng để cắt giảm chi phí nhằm đem đến mức giá hợp lý nhất cho khách hàng.

Làm CEO một tập đoàn công nghệ thông tin lớn, ông có tiếc khi nhà lập trình game Nguyễn Hà Đông sau thành công bất ngờ của Flappy Bird lại chọn Mỹ là nơi sinh sống, làm việc. Chất xám của giới IT hình như cũng đang bị "chảy máu" ra ngoài?

Việt Nam là một nước đang còn nhiều khó khăn, cho nên có một điều chắc chắn là phát triển khoa học công nghệ sẽ gặp phải những rào cản khó khăn hơn nhiều so với các nước phát triển. Tuy nhiên, chúng tôi luôn coi đó là tất yếu khách quan và mình phải vượt qua. Nếu không phải chính chúng ta tạo dựng nên nó và thay đổi nó thì sẽ là ai?

Sau Bphone, Bkav sẽ làm gì tiếp tục?

Tham gia vào lĩnh vực này, chúng tôi phải có kế hoạch dài hạn và chuyên nghiệp. Hiện tại, nhiều bản thiết kế, các chương trình sản xuất thử nghiệm cho sản phẩm tiếp theo đã được thực hiện. Để tránh rò rỉ thông tin, tôi xin phép chưa tiết lộ cụ thể.

Người Việt, trí tuệ Việt, các công ty an ninh mạng Việt liệu đã bảo đảm được an toàn cho mạng Internet Việt. Và Bkav chiếm vị trí thế nào trong trận chiến này?

Nếu xét về năng lực an ninh mạng, có thể tự tin rằng Việt Nam đứng hàng đầu trên thế giới. Người Việt Nam thông minh, nếu được đặt trong môi trường chuyên nghiệp, đề cao tính kỷ luật thì họ có thể phát huy hết khả năng và làm được tất cả. Cạnh tranh với toàn cầu trong lĩnh vực an ninh mạng là hoàn toàn khả thi. Bkav là như vậy, một tổ chức có kỷ luật của những người trẻ tuổi đầy khát vọng và chúng tôi đã khẳng định mình bằng công việc thực tế. Năm 2008, Bkav là đơn vị đầu tiên phát hiện ra lỗ hổng an ninh nghiêm trọng trên Google Chrome chỉ vài ngày sau khi trình duyệt này ra đời. Bkav cũng là hãng đã tìm thấy dấu vết của máy chủ đặt tại Anh quốc từng thực hiện hàng loạt cuộc tấn công DDoS, nhắm mục tiêu vào các website của Chính phủ Mỹ và Hàn Quốc trong tháng 7/2009...

Ngoại trừ một Chủ tịch, CEO, người đứng đầu là ông - Nguyễn Tử Quảng - được biết đến nhiều, cộng đồng dường như rất ít biết đến nhân viên, hệ thống, văn hóa doanh nghiệp của Bkav. Điều này hoàn toàn khác với FPT, một doanh nghiệp có văn hóa mở, tương tác tốt với cộng đồng. Văn hóa doanh nghiệp của Bkav dường như đang "đóng", đang hướng nội. Và đây có phải lý do khiến Bkav, nói theo ngôn ngữ mạng bây giờ là rất hay thành đối tượng bị "ném đá" tập thể?

Ngay từ những ngày đầu thành lập, chúng tôi đã chọn slogan cho công ty của mình là "Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn". Tôi cho rằng một công ty mạnh phải xuất phát từ nhân viên, tất cả đều hết mình thì khát vọng sẽ được thực hiện, khách hàng sẽ được phục vụ với cả cái Tâm chứ không chỉ là mối quan hệ trên thị trường. Triết lý này cũng được thể hiện ngay trong việc tuyển người của Bkav. Kinh nghiệm của chúng tôi cũng cho thấy, nếu như cứ làm việc hết mình thì một nhân viên ban đầu có hơi kém cũng sẽ phát triển rất nhanh sau đó và cống hiến nhiều hơn cho công ty so với những người thông minh, kỹ năng tốt nhưng kém nhiệt tình. Sản phẩm lớn nhất Bkav mang lại không phải là phần cứng, smartphone hay smarthome, mà tự hào đó là những con người trong hệ thống, do văn hóa doanh nghiệp tạo ra. Sản phẩm chỉ là hệ quả. Những con người ấy cho họ làm ở bất kỳ lĩnh vực gì cũng sẽ làm tốt và thành công.

Trân trọng cảm ơn ông và chúc cho thành công sẽ đến với Bphone, chiếc điện thoại thông minh đầu tiên dán nhãn "Made in Việt Nam"...

Theo Nhân Dân

Xem bài viết gốc tại đây