(VnReview) Chỉ mới chính thức ra mắt thị trường thời gian gần đây nhưng Bkav SmartHome đã gây sự chú ý với phát ngôn gây sốc "hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nhà thông minh". Không khó để kiểm chứng phát ngôn này của Bkav, bởi ở Việt Nam đã có nhiều khách hàng đang sử dụng giải pháp nhà thông minh của các hãng nước ngoài. Biên tập viên VnReview đã đến khu nhà mẫu và showroom của Bkav SmartHome và hai hãng điện tử có thâm niên 30 năm trong lĩnh vực nhà tự động là Siemens (Đức) và Schneider (Pháp) để trực tiếp so sánh trải nghiệm.
Ở Hà Nội, Bkav SmartHome có 2 showroom đặt tại Times City và Royal City, nhưng để có trải nghiệm đầy đủ nhất đặc tính nhà thông minh của Bkav, chúng tôi đã trực tiếp tới căn hộ thông minh SmartHome của Bkav tại Green Valley, thuộc khu Phú Mỹ Hưng (Q.7, TP. Hồ Chí Minh) nơi nhà mẫu SmartHome được tích hợp đầy đủ nhất. Hệ thống Wiser Home Control nổi tiếng của Schneider - Clipsal được trưng bày tại tòa nhà Etown 1, Q. Tân Bình, TP. Hồ Chí Minh và giải pháp Bus của Siemens có tại khu biệt thự số 14 Thụy Khuê, Q. Tây Hồ (Hà Nội), đây đều là những nơi trưng bày giới thiệu sản phẩm chính của Schneider và Siemens.
Một giải pháp nhà thông minh toàn diện luôn phải bao gồm hệ thống các thiết bị/sản phẩm phần cứng và hệ thống phần mềm điều khiển để vận hành các thiết bị trong ngôi nhà một cách tự động, thông minh. Để "đọ" giải pháp nhà thông minh của ba nhà sản xuất này, chúng tôi lần lượt so sánh tương ứng về phần cứng, phần mềm (tức giao diện người dùng) và phân tích thêm về các tính năng nổi trội của từng hệ thống cũng như khả năng triển khai áp dụng vào thực tế.
Hệ thống phần cứng
Mỗi hệ thống nhà thông minh đều sẽ bao gồm rất nhiều thiết bị khác nhau được nhà sản xuất thiết kế và sản xuất riêng để phục vụ cho việc vận hành nhà thông minh, như bộ điều khiển trung tâm, các bảng điều khiển chi tiết, các bộ công tắc, các cảm biến, bộ phát sóng…
Tại showroom của Schneider, các công tắc, bảng điều khiển được gắn thành một dãy trên tường. Nhìn kỹ, tôi nhận thấy đây là các công tắc sử dụng những nút bấm tròn nhỏ bằng nhựa cứng với phần đế là lớp kính thông thường khá dày và bóng bẩy. Với hệ thống Bus của Siemens cũng vậy, các thiết bị cho tôi cảm giác về sự bền bỉ, chắc chắn nhưng lại khá to, thô nên khiến tôi khó hình dung được chúng thông minh đến mức nào.
Công tắc đèn tự động của Siemens và Schneider có thiết kế chắc chắn nhưng khá thô
Về cảm quan bên ngoài, trong khi sản phẩm của Schneider và Siemens khá cổ điển, Bkav SmartHome với lợi thế đi sau đã tiếp cận được với xu hướng công nghệ hiện đại: các bảng điều khiển, công tắc đều là thiết bị cảm ứng với giao diện điều khiển "phẳng". Chất liệu nhôm nguyên khối và kính cường lực Gorilla Glass thường thấy trên các dòng smartphone cao cấp nay cũng đã được SmartHome đưa vào các sản phẩm của mình, giúp mang lại cảm giác sang trọng, hiện đại, cao cấp cho sản phẩm. Về mặt cảm quan bên ngoài, dễ thấy sản phẩm SmartHome bắt mắt hơn sản phẩm của hai hãng nước ngoài.
Sản phẩm của Bkav gây ấn tượng mạnh với thiết kế bền, đẹp, sang trọng
Khi mới sử dụng, tôi nhận thấy các loại công tắc của ba giải pháp đều dùng nhiều nút bấm giống nhau. Tôi thường bị nhầm và bấm sai vị trí các công tắc đèn như đèn bếp, đèn ngủ… Giải pháp của Siemens đã xử lý vấn đề này khi cho phép người dùng đặt các ghi chú về vị trí công tắc vào phần khoảng trống giữa hai hàng nút bấm, nhưng nó lại làm giảm tính thẩm mỹ.
Giao diện người dùng
Ngoài phần cứng, khi tiếp cận trực tiếp với cả ba giải pháp Bkav SmartHome, Siemens và Schneider, điều chúng tôi ngay lập tức nhận ra sự khác biệt là giao diện sử dụng. Với Bkav SmartHome là phần mềm điều khiển trên máy tính bảng hỗ trợ cả 3 loại hệ điều hành Windows, Android và iOS (iPad), với 2 giải pháp "ngoại" là phần mềm trên iPad.
Với Bkav SmartHome, tôi cảm thấy rất "sướng" khi có thể tương tác trực tiếp trên giao diện đồ hoạ 3D mô phỏng căn nhà thông minh. Theo cảm nhận riêng thì giao diện hoàn toàn dùng tiếng Việt của Bkav SmartHome rất dễ hiểu và mọi thành viên trong gia đình, từ người già mắt kém đến trẻ em đều có thể sử dụng được.
Hơn nữa, cách mà phần mềm quản lý SmartHome hoạt động cũng rất thông minh. Chỉ ngồi một chỗ là tôi có thể điều khiển các thiết bị như tivi, rèm cửa, điều hòa... trong từng ngõ ngách của ngôi nhà bằng cách chạm vào đúng hình ảnh 3D của các thiết bị này trên màn hình cảm ứng. Tại các thời điểm khác nhau như sáng, chiều, tối và tùy theo trước đó chức năng nào đã được kích hoạt, chỉ các nút bấm phù hợp với ngữ cảnh này mới hiện ra màn hình.
Giao diện điểu khiển 3D rất trực quan của SmartHome
Nếu như Bkav SmartHome trình bày giao diện thoáng và dễ tìm kiếm khi cần, thì cả Siemens và Schneider đều khiến tôi rối mắt khi bày sẵn tất cả các tính năng điều khiển trên giao diện, nhiều nút bấm ít khi dùng đến cũng luôn hiện trên màn hình. Do các nút bấm đặt sát nhau nên đã không ít lần tôi muốn giảm ánh sáng đèn nhưng lại thất bại do chạm phải nút điều khiển rèm mở. Có lẽ giao diện này không phù hợp với trẻ con, người già hay những người ngại phải sử dụng thiết bị một cách cẩn thận, chính xác.
Dù vậy, giao diện người dùng của Siemens và Schneider cho tôi cảm giác khá "thật" nhờ có hình ảnh quay trực tiếp từ mỗi căn phòng. Tôi có thể dễ dàng kiểm tra và phát hiện ngay xem các thiết bị điện nào đang hoạt động ở trạng thái tốt hay đã gặp phải sự cố nhờ một cửa sổ camera ở góc phải giao diện. Mặc dù, tôi có một chút lo ngại những hình ảnh riêng tư ăn mặc "thoải mái" của những người trong nhà có thể sẽ bị camera "chộp" được bất cứ lúc nào. Trong khi đó giải pháp SmartHome thực tế và tiện nghi hơn do vẫn thể hiện trạng thái các thiết bị gia dụng nhưng không vi phạm riêng tư của người sống trong nhà.
Giao diện hệ thống Bus (Siemens) có nhiều tùy chọn
Hệ thống Wiser Home Control (Schneider) cũng có triết lý thiết kế giống với Bus (Siemens)
Tính năng
Trong quá trình trải nghiệm, tôi nhận thấy cả ba hệ thống đều cho phép điều khiển các thiết bị điện trong nhà như đèn chiếu sáng, điều hòa nhiệt độ, máy giặt, khóa cửa điện tử, tivi, dàn âm thanh, camera… thông qua các kịch bản sẵn có, người dùng có thể bấm chỉ 1 nút để đóng mở, bật tắt đồng thời nhiều thiết bị trong nhà theo 1 kịch bản đặt trước như "xem phim", "đi ngủ" hay "chào buổi sáng"… thay vì phải chạy khắp phòng để thực hiện điều này với các giải pháp thông thường. Tuy nhiên các tính năng kể trên mới chỉ dừng lại ở mức nhà tự động, chưa thể hiện sự "thông minh" của ngôi nhà.
Kịch bản ngữ cảnh thông minh là ưu điểm nổi trội của SmartHome
Để kiếm chứng sự thông minh của cả 3 hệ thống, chúng tôi đã đặt ra kịch bản "lắt léo" nhưng lại là nhu cầu trong thực tế.
Thí dụ, từ 18h đến 23h tôi thường để nhiệt độ điều hòa là 25 độ C, từ 12h đêm khi đi ngủ đến 4h sáng tôi điều chỉnh nhiệt độ lên 26 độ C để không bị lạnh, sáng hôm sau tôi lại đặt điều hòa ở mức 25 độ C. Đây cũng là nhu cầu của nhiều người, ngoài ra mỗi gia đình lại có thói quen khác nhau với giờ đi ngủ, mức nhiệt độ là khác nhau. Thậm chí cùng 1 gia đình các thói quen này có thể thay đổi theo thời gian. Nếu các giải pháp nhà thông minh có thể giải quyết được vấn đề này thì sẽ rất tiện nghi.
Qua trao đổi với ông Lê Thanh Phong, Giám đốc kỹ thuật Gamma (đơn vị phân phối nhà tự động Siemens) tôi được biết giải pháp của Siemens hiện chưa thể thực hiện được kịch bản này, hệ thống của Siemens chỉ áp dụng được các kịch bản cứng không thể thay đổi. Trưởng phòng tiếp thị hệ thống Schneider tại TP.HCM, ông Lê Minh Khải cũng cho biết giải pháp của Schneider có thể học được thói quen người dùng, tuy nhiên ông Khải lại chưa thể "show" các tính năng này cho tôi trải nghiệm. Trong khi đó, Giám đốc SmartHome Vũ Thanh Thắng cho biết Bkav SmartHome có thể tự động học theo thói quen người dùng và đã chứng minh cho tôi thấy bằng cách hướng dẫn tôi điều chỉnh hệ thống để có thể thấy hệ thống học theo ngữ cảnh giả định này như thế nào. Các điều chỉnh lặp đi lặp lại đã được hệ thống Bkav SmartHome tự học và điều khiển hoàn toàn tự động cho thời gian sau đó.
Như vậy trong khi các giải pháp của Siemens, Schneider hiện mới chỉ dừng lại ở mức nhà tự động (home automation) thì với Bkav SmartHome tôi có thể thiết kế các kịch bản ngữ cảnh thông minh dựa vào thói quen, thời điểm và mệnh lệnh của mình.
Tôi nhận thấy hệ thống SmartHome rất mềm dẻo và không bị cứng nhắc như các hệ thống khác. Các thiết bị trong SmartHome được tích hợp nhiều tính năng và có thể tự thay đổi linh hoạt vai trò trong hệ thống. Ví dụ: vào ban ngày thì cảm biến ánh sáng sẽ giúp chủ nhân căn nhà điều chỉnh hệ thống ánh sáng, đến giờ đi ngủ thì các cảm biến này sẽ tự động chuyển sang chế độ an ninh, cho phép gửi cảnh báo nhanh chóng cho chủ nhà nếu phát hiện thấy có sự xâm nhập trái phép.
Bkav SmartHome sẽ cảnh báo cho chủ nhà biết khu vực nào bị xâm nhập trái phép
Theo đại diện của Bkav, sở dĩ Bkav SmartHome có thể thực sự "thông minh" là vì triết lý tiếp cận từ Phần mềm, với hệ điều hành SmartHome OS do Bkav phát triển. Phần cứng chỉ đảm đương các chức năng chuyển tải các mệnh lệnh, tính năng tự động hóa thông thường, còn phần mềm SmartHome OS đảm đương mọi chức năng tính toán trung tâm, các kịch bản ngữ cảnh, tạo nên sự thông minh của hệ thống. Trái lại, sản phẩm của Siemens và Schneider lại có xuất phát từ phần cứng với phần mềm đơn giản, sự sáng tạo vì vậy mà bị hạn chế.
Triển khai mở rộng
Siemens và Schneider đã có thâm niên trên 30 năm trong việc sản xuất các thiết bị tự động nhưng có lẽ triết lý để tạo ra sản phẩm của các công ty này được hiểu theo nghĩa đơn giản là đem sự tự động hoá trong các nhà máy vào ngôi nhà.
Do đó, kết cấu, nguyên tắc hoạt động của các vật dụng trong ngôi nhà sẽ được mô phỏng tương tự như một nhà máy thu nhỏ. Các thiết bị điện trong nhà sẽ kết hợp với nhau và hoạt động theo các kịch bản tự động được lập trình trước. Điều đó cũng khiến cho việc triển khai trở nên rất phức tạp, bởi các vật dụng khi kết nối với nhau sẽ cần lắp đặt thêm nhiều tủ điện điều khiển (mỗi tầng một tủ điều khiển) và dây nối nên buộc phải đục tường đi dây.... Không chỉ tốn diện tích sử dụng, việc triển khai hệ thống nhà tự động chỉ thực hiện được với những ngôi nhà mới, chưa có người ở. Với những ngôi nhà đang sử dụng thì việc triển khai giải pháp của Siemens và Schneider là gần như không thể thực hiện được.
Việc triển khai hệ thống nhà tự động rất phức tạp
Trái với 2 giải pháp "ngoại", khi triển khai hệ thống nhà thông minh SmartHome cho ngôi nhà đang sử dụng, bạn có thể dùng lại hệ thống đường điện cũ mà không cần phải sửa chữa, đục tường để đi thêm đường điện mới. Với công nghệ truyền thông và điều khiển không dây ZigBee, Wifi, việc lắp đặt hệ thống chỉ là thay thế các công tắc, ổ cắm điều khiển cũ bằng các công tắc, ổ cắm thông minh SmartHome. Việc triển khai (trong khoảng vài ngày) như vậy sẽ vẫn giữ nguyên được kiến trúc và thiết kế ban đầu của ngôi nhà.
Bộ truyền tín hiệu (tủ điện) của Siemens (trái), Schneider (giữa) và thiết bị không dây của Bkav (phải)
Một ưu thế vượt trội của nhà thông minh Việt Nam so với "hàng ngoại" còn được thể hiện rõ nét trong trường hợp hệ thống truyền tín hiệu gặp sự cố. Với giải pháp của Siemens và Wiser Home Control, khi tủ điện gặp sự cố thì toàn bộ các thiết bị điện tử trong căn nhà sẽ ngừng hoạt động do không thể kết nối với nguồn điện. Với Bkav SmartHome, các thiết bị gia dụng được kết nối thẳng tới nguồn điện và nhận "mệnh lệnh" thông qua kết nối không dây, nên khi hệ thống truyền dẫn gặp sự cố thì chủ nhà vẫn có thể tiếp tục sử dụng các chức năng cơ bản.
Kết luận
Tuy là hai nhà sản xuất tên tuổi trong lĩnh vực nhà tự động nhưng cả Siemens (Đức) và Schneider (Pháp) lại chưa đưa ra được một giải pháp nhà thông minh đầy đủ. Sự khác biệt nằm ở triết lý tiếp cận sản phẩm: trong khi cả Siemens, Schneider lựa chọn phần cứng và mang tự động hóa vào ngôi nhà (home automation) thì triết lý của Bkav lại xuất phát từ phần mềm, nhằm giúp ngôi nhà trở nên thông minh hơn (smart home).
Có lẽ lựa chọn này còn đến từ lịch sử của các nhà sản xuất trước khi họ đến với lĩnh vực smart home: Bkav xuất phát từ nhà sản xuất phần mềm còn Siemens, Schneider là các công ty tự động hóa. Điều này cũng lý giải vì sao gần đây các "đại gia" công nghệ như Google, Apple, Microsoft và cả Samsung cũng tích cực nhảy vào lĩnh vực này, với những sản phẩm còn sơ khai nhưng hứa hẹn sự cạnh tranh khốc liệt theo xu hướng tất yếu của IoT (Internet of Things).
Với việc áp đảo hai giải pháp của Siemens và Schneider, nhà thông minh SmartHome của Bkav là một minh chứng rõ nét cho thấy vẫn tồn tại những sản phẩm "thuần" Việt hoàn thiện, đủ "đẳng cấp" để cạnh tranh với các sản phẩm mang thương hiệu quốc tế. Để làm được điều này, Bkav đã xây dựng nhà máy với vốn đầu tư hàng chục triệu USD để sản xuất khuôn mẫu. Hiện công ty đã có thể làm tất cả các khâu của dây chuyền sản xuất sản phẩm thiết bị phần cứng, từ thiết kế, tạo dáng công nghiệp, cơ khí, điện tử, cho đến phần mềm. Ngoài ra, các sản phẩm SmartHome được Bkav chủ động hoàn toàn về giá nhờ hoạt động theo phương thức "làm tận gốc, bán tận ngọn".
Theo VnReview
Xem thêm hình ảnh các thiết bị SmartHome tại đây
Bạn có thể bấm vào đây để tìm hiểu thêm về Bkav SmartHome
Tin bài liên quan:
Nhà thông minh Bkav SmartHome bất ngờ xuất hiện tại CES 2015