Facebook cung cấp tích xanh để xác thực tài khoản chính chủ. Song, những lỗ hổng trong quy trình cấp và quản lý tích xanh đang bị kẻ xấu lợi dụng, lập ra nhiều tài khoản, trang giả mạo cơ quan, đơn vị nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tiền, tài khoản mạng xã hội của người dùng.
Một trong những kịch bản lừa đảo của kẻ xấu là tạo ra các fanpage giả mạo "Cục An ninh", “Bộ Công an”, giao diện giống hệt trang thật và đăng nội dung cảnh báo lừa đảo kèm lời hứa giúp lấy lại tiền bị lừa, giải quyết vấn đề pháp lý... Do có tích xanh, nhiều người từng bị lừa mất tiền hay tài khoản mạng xã hội tin tưởng liên hệ các trang này tìm trợ giúp và bị yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và hướng dẫn chuyển tiền “làm thủ tục”. Kết quả, họ lại tiếp tục bị mất tiền.
Các chuyên gia Bkav cho biết, không khó để kẻ xấu có được tích xanh cho các tài khoản giả mạo. Chúng có thể lợi dụng lỗ hổng trong quy trình xác thực của Facebook hoặc dùng nhiều thủ đoạn khác như: mua tích xanh từ chợ đen, tấn công chiếm đoạt tài khoản sau đó đổi nội dung thành trang giả mạo hoặc dùng dịch vụ “xác thực thuê”... Người dùng không nên tuyệt đối tin tưởng vào độ xác thực của dấu tích xanh vì rõ ràng Facebook quản lý điều này không tốt.
Bộ Công an cũng khuyến cáo người dân tuyệt đối không liên hệ với các fanpage, tài khoản mạng xã hội quảng cáo dịch vụ”tiếp nhận hồ sơ”, “hỗ trợ lấy lại tiền”, “thu hồi tiền lừa đảo”, dù có tích xanh.
Bkav