(Vietnam+) Không giống như tưởng tượng của nhiều người về một ông chủ oai phong, bệ vệ với sơmi cắm thùng hay complet, cà vạt chỉn chu…, Quảng "nổ" (Chủ tịch Bkav) chỉ đơn giản với áo bỏ ngoài quần, lúc thì chiếc mũ vải mềm, khi thì để lộ cái đầu nhẵn thín…
Khó để hẹn gặp vì Nguyễn Tử Quảng rất bận, nhưng khi chuyện vào mạch, anh nói một cách say sưa về những sản phẩm "Made in Vietnam" mà mình cùng cộng sự lúc nào cũng đau đáu. Và, vì thế, mọi ngả đường, lối rẽ trong câu chuyện của chúng tôi đều hướng tới Bphone 2017.
Hiệp sĩ công nghệ…
Sắp xếp công việc mãi rồi Quảng "nổ" hẹn chúng tôi lúc 1 giờ trưa tại đại bản doanh của Bkav nằm ở đường Dương Đình Nghệ (Cầu Giấy, Hà Nội). Cái bất ngờ đầu tiên của khách là việc sau khi vượt quãng đường xa dưới cái nắng "rám trái bưởi" thì những vị khách lại phải… cởi giày, để ngăn nắp lên giá trước khi lên khu làm việc.
Căn phòng nhỏ bày biện đơn giản rộng chưa đầy 10m2 của Quảng "nổ" nằm lọt thỏm giữa không gian làm việc của Bkav. Trên bàn, nhõn một chiếc máy tính xách tay nhãn hiệu Dell và đặc biệt là có tới 8 chiếc smartphone của nhiều nhãn hiệu từ Bphone, Bphone 2017, HTC, Google Pixel…
Phía trên chỗ Quảng ngồi có một dòng chữ mà khi tôi hỏi, anh bảo đó là "kim chỉ nam" mà người Bkav phải nhớ, đó là "Làm-Theo-Luật-Lệ".
"Người Việt Nam mình thông minh, giỏi giang, thế nhưng một trong những điểm hạn chế chính là làm theo luật lệ. Với tôi, sẽ chỉ có thành công khi con người làm việc theo quy định và đây là điều mà Bkav hướng tới", Quảng bộc bạch sau cái bắt tay xã giao.
Nguyễn Tử Quảng, Chủ tịch Bkav
Quảng "nổ" sinh ra ở Ninh Bình, từng là học sinh khối phổ thông chuyên Toán, Đại học Sư phạm Hà Nội. Năm 1992, anh trở thành sinh viên khoa công nghệ thông tin, Đại học Bách khoa Hà Nội.
Quảng kể rằng, vào năm 1995, khi đang học năm thứ ba, ở Việt Nam xuất hiện virus máy tính qua đĩa mềm, phá hoại dữ liệu của người dùng. Với bản tính tò mò và nhận thức đây là vấn đề cần giải quyết, chàng sinh viên tỉnh lẻ khi ấy quyết định tìm hiểu về "con" virus này.
Cũng vào mùa hè năm 1995, Quảng được gia đình trang bị cho một bộ máy tính. Sau một tháng "mổ xẻ" virus, anh nghĩ đến chuyện phải viết phần mềm để diệt trừ, bảo vệ người dùng. Vài tháng sau, phần mềm hoàn thiện, anh cung cấp miễn phí cho người dùng bằng cách copy vào đĩa mềm, sau đó gửi tới tạp chí PC World để đơn vị này "nhân bản" cho những ai cần sử dụng.
Nhận thấy đây là vấn đề cần thiết, Nguyễn Tử Quảng đã cùng bạn bè tiếp tục phát triển phần mềm. Năm 1997, khi Internet vào Việt Nam, cũng là thời điểm Quảng tốt nghiệp và được giữ lại làm giảng viên tại Đại học Bách khoa Hà Nội, anh đã gửi phần mềm qua email, rồi lập ra website để cung cấp Bkav miễn phí. Tới năm 2003, Quảng được Tạp chí e-Chíp phong tặng danh hiệu Hiệp sĩ Công nghệ thông tin.
Đúng 10 năm sau kể từ khi miễn phí phần mềm diệt virus Bkav ra đời, Nguyễn Tử Quảng và cộng sự bắt đầu thương mại hóa Bkav.
Việc thương mại hóa này, theo Quảng, là tất yếu bởi có như vậy thì anh và cộng sự mới không bị quá tải và có nguồn lực để xây dựng Bkav trở thành một sản phẩm hàng đầu. Một điểm đặc biệt là từ khi thương mại hóa đến tận bây giờ, Bkav vẫn có giá 299.000 đồng/năm sử dụng.
"Hé lộ" tên gọi Quảng "nổ"
Lẽ thường bao giờ cũng vậy, khi sản phẩm miễn phí, người ta có thể dễ dàng bỏ qua những lỗi nhỏ còn khi đã thương mại, Bkav bị "soi" rất kỹ. Biệt danh Quảng "nổ," chuyên gia "chất nổ"… xuất hiện khi một quảng cáo dùng lời ca ngợi sản phẩm Bkav là phần mềm diệt virus số một thế giới cũng như một số phát ngôn sau đó có phần "táo bạo" của Nguyễn Tử Quảng như "Bkav đi trước cả Microsoft, Google…"
"Năng lực của người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất tốt. Nếu biết tổ chức, người Việt Nam có thể làm ra sản phẩm hàng đầu thế giới".
Thực tế thì những năm qua, Bkav cũng có khá nhiều sản phẩm ngoài lĩnh vực an ninh mạng. Vào những năm 2001, Quảng "nổ" đã cùng cộng sự làm ra thiết bị cảnh báo cháy (phần cứng có cảm biến), tiến tới làm nhà thông minh smarthome, phần mềm văn phòng điện tử eOffice, chữ ký số… và đều đạt được những thành công nhất định. Tuy nhiên, cho đến nay, phần mềm diệt virus vẫn chiếm tới 80% doanh thu của Bkav.
Quảng bảo rằng, 10 năm miễn phí phần mềm Bkav cho anh một niềm đam mê, và khát vọng. Đó là việc người Việt Nam có thể làm những sản phẩm có thể cạnh tranh với các sản phẩm công nghệ hàng đầu thế giới. Ý nghĩ ấy, đam mê ấy chưa lúc nào nguội tắt và cứ bám riết lấy Quảng cho tới tận hôm nay.
"Qua quá trình làm phần mềm diệt virus và ứng dụng trong lĩnh vực an ninh mạng cho Bkav và cũng như cung cấp cho xã hội, Quảng thấy rằng năng lực của người Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin rất tốt. Nếu biết tổ chức thì người Việt Nam có thể làm ra sản phẩm hàng đầu thế giới", anh tâm sự.
Nhưng Quảng cũng từng thừa nhận, chính sự thẳng thắn và những phát biểu như trên mà cái tên "Quảng nổ" đã gắn liền với mình. Thế nhưng, cho dù có biệt danh gì chăng nữa cũng không ngăn cản được mục tiêu mà anh đặt ra, coi đó là sứ mệnh cần hoàn thành.
Ấy cũng chính là lý do mà Bphone ra đời…
Một công đoạn trong dây chuyền sản xuất Bphone
Sáu năm thai nghén Bphone
Vài năm trước, khi mà nhiều hãng điện thoại thông minh được đặt hàng ở Trung Quốc và "gắn mác" Việt Nam bán trên thị trường, người Việt hẳn nhiên sẽ chờ đợi một sản phẩm "Made in Vietnam" chính hiệu. Và, đầu năm 2015, khi rò rỉ thông tin Bphone, dư luận và người tiêu dùng được một phen chờ đợi.
Nhưng, để có được sự ra đời của Bphone, Quảng "nổ" và cộng sự đã trải qua không ít gian truân.
Quảng bảo, là dân công nghệ, anh đã từng dùng những chiếc PDA (thiết bị kỹ thuật số hỗ trợ cá nhân) từ rất lâu. Sau đó, những chiếc smarphone bắt đầu xuất hiện với những tính năng từ giản đơn đến phức tạp. Đầu năm 2009, Bkav quyết định "dấn thân" vào lĩnh vực này khi cảm thấy đây sẽ là thị trường tiềm năng. Và, không lựa chọn theo cách mà nhiều doanh nghiệp khi đó làm là mua sẵn rồi gắn logo, Quảng chọn cho mình một con đường khó khăn hơn, làm mọi thứ từ đầu…
Với 20 nhân lực đầu tiên, Bkav mua những chiếc smartphone đắt tiền của các hãng, "mổ" ra xem linh kiện là gì, đơn vị nào cung cấp. Sau đó, Bkav đã tiếp cận Qualcomm để mua chip nhưng nhanh chóng bị từ chối. Không nản, Bkav liên hệ với các đơn vị làm chip xử lý cho di động khác nhưng cũng nhận được câu trả lời là cái lắc đầu.
Nhưng, sau nhiều lần thuyết phục, Bkav cũng nhận được cái gật đầu của Freescale và đơn vị này cung cấp một số con chip mẫu để thiết kế bo mạch. Suốt từ đó tới năm 2011, Bkav thường xuyên gửi bo mạch đi nhờ in để kiểm tra, nhưng không một bo mạch nào chạy được…
Nguyễn Tử Quảng tâm sự về quá trình làm ra chiếc Bphone đầu tiên.
Không nản, Quảng vẫn chỉ đạo nhóm kỹ sư đi theo con đường đã chọn. Tới 2013, nghĩa là sau bốn năm, bo mạch đầu tiên đã chạy. Bkav mang sản phẩm sang Qualcomm Việt Nam để nhờ hỗ trợ và họ đã nhận được cái gật đầu đồng thuận từ ‘Gã khổng lồ' này…
Từ đầu 2014, Qualcomm và Bkav ‘bắt tay.' Qualcomm đã cung cấp chip và hỗ trợ những kỹ thuật cần thiết để Bkav làm Bphone. Mọi việc bắt đầu thuận lợi với Bkav.
Đầu 2015, Bkav đã có một chiến lược truyền thông khá bài bản khi rò rỉ thông tin về Bphone. Ngay lập tức, báo giới, các diễn đàn xôn xao về sản phẩm và chờ đợi sản phẩm của Việt Nam. Và, ngày 26/5/2015, Bphone chính thức được trình làng trong một sự kiện khá hoành tráng.
Tại sự kiện, CEO Nguyễn Tử Quảng bước ra với chiếc Bphone cáu cạnh. Sau này, Quảng tâm sự rằng, dù không nằm trong kịch bản, nhưng anh đã thốt lên cụm từ "không thể tin nổi" và đó cũng là câu nói được nhắc đi nhắc lại rất nhiều trong hai năm qua…
Tưởng rằng đầu sẽ xuôi thì buồn thay, Bphone ra đời không đạt như kỳ vọng, sản phẩm vướng nhiều lỗi như nóng, phần mềm không tốt… cho dù về ngoại hình thì đây là chiếc điện thoại khá đẹp.
Và, dù Bkav có nỗ lực cải tiến thì Bphone "đời đầu" cũng không lấy lại niềm tin từ người dùng. Theo một chia sẻ mới đây của Nguyễn Tử Quảng, chỉ khoảng 3.000 người sử dụng chiếc điện thoại này.
Trong sự kiện ra mắt Bphone 2017, Quảng thẳng thắn chia sẻ rằng mình không lường trước được Bphone ra đời lại nhiều khó khăn đến thế…
<iframe width="560" height="315" src="https://www.youtube.com/embed/V7k7skGaSow" frameborder="0" allowfullscreen></iframe>
CEO Nguyễn Tử Quảng cho biết không lường trước được Bphone ra đời lại nhiều khó khăn đến thế. (Ảnh: Doãn Đức/Vietnam+)
500 tỷ đồng xây ước mơ lãng mạn
Không nản. Quảng ‘nổ' tiếp tục xắn tay cùng cộng sự xây dựng Bphone thế hệ kế tiếp trên những phân tích thực tế về nguyên nhân chủ quan, khách quan trong quá trình ra mắt Bphone năm 2015.
Lý ra, vào tháng 6/2016, Bkav đã định cho ra mắt phiên bản Bphone kế tiếp. Nhưng sau đó, Bkav đã quyết định không ra mắt phiên bản này mà làm một thiết bị mới hoàn toàn. Quảng "nổ" đã bay vào Thành phố Hồ Chí Minh, gặp đối tác nhờ tư vấn để hoàn thiện Bphone 2017.
Cho đến thời điểm này, theo lời Quảng, Bkav đã "ném" vào Bphone tới 500 tỷ đồng. Và, số tiền này được lấy từ việc bán phần mềm diệt virus trong những năm qua.
Cũng giống với Bphone thế hệ trước đó, khi làm Bphone 2017, Quảng "nổ" đã cùng cộng sự chăm chút từng li từng tí, để ý rất kỹ tới tâm lý trải nghiệm của người dùng. Tuy không tiết lộ con số cụ thể, song Quảng cho hay con số đặt hàng đã cao hơn kỳ vọng của Bkav.
Khi Bphone 2017 ra đời với mức giá được cho là khó tiếp cận với người dùng, Quảng nhận được những câu hỏi từ báo giới tại sao không làm sản phẩm ở ngưỡng giá trung bình. Khi ấy, anh hỏi ngược: "Nếu Việt Nam có một ngành công nghiệp sản xuất smartphone, một ngành sản xuất công nghệ cao thì các anh chị muốn có thương hiệu như Apple, Samsung hay muốn có một thương hiệu như kiểu Xiaomi của Trung Quốc?".
Rồi anh bảo, cách làm của Xiaomi cũng rất tốt, nhưng nếu làm được Samsung hay Apple còn tốt hơn. Và, nếu như có đủ năng lực, đủ quyết tâm thì cớ gì không phấn đấu, không làm như vậy?
"Nếu như Quảng thành công, Bphone thành công thì người Việt Nam có thể tự tin hơn để làm những sản phẩm cạnh tranh với các hãng hàng đầu thế giới".
Cũng theo Quảng "nổ," hiện Bphone bán ra không có lợi nhuận nhưng đó không phải là vấn đề. Điều quan trọng nhất, là anh đang có kế hoạch dài hạn để hiện thực một ước mơ mà nhiều người cho rằng khá "lãng mạn." Đó là có một ngành công nghiệp smartphone do người Việt làm chủ. Anh bảo, "nếu như Quảng thành công, Bphone thành công thì người Việt Nam có thể tự tin hơn để làm những sản phẩm cạnh tranh với các hãng hàng đầu thế giới."
Thực tế cho thấy, một sản phẩm đến được với người dùng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Với Bphone 2017, ngoài việc hoàn thiện sản phẩm tốt hơn, Bkav đã khôn ngoan hơn khi kết hợp cùng chuỗi hơn 1.500 cửa hàng của Thegioididong để bán hàng ra thị trường chứ không chỉ bán trên Website của hãng như "đời đầu." Cùng lúc, các chiến lược marketing, truyền thông cũng đang được phối hợp nhịp nhàng…
Trong bối cảnh công nghệ cuốn như vũ bão, không thiếu những công ty "lớp sóng sau đè sóng trước" khi chúng ta đã thấy những ông lớn như Yahoo, Nokia… gục ngã. Hay ở Việt Nam, Zalo của VNG tính tới tháng 8 đã có 80 triệu người dùng, trở thành một thế lực về OTT cho dù ra đời khi mà Viber, Kakao Talk… đã xâm chiếm thị trường Việt.
Vẫn còn quá sớm để phỏng đoán hay đánh giá sự thành công hay thất bại của Bphone 2017. Thế nhưng, hẳn sẽ không ít người yêu công nghệ đang chờ đợi kết quả này…
Còn với Quảng "nổ," anh tâm sự rằng, cho dù thế nào đi chăng nữa thì Bkav vẫn sẽ làm Bphone đến khi nào có thể để thực hiện khát khao, sứ mệnh mà anh đã tự đặt ra trên vai mình.
Còn sớm để nói về thành công hay thất bại của Bphone, nhưng rõ ràng Quảng "nổ" và Bkav đã và đang thực hiện ước mơ của chính mình.
Theo Vietnam+