(Dân Việt) Kể từ khi ra mắt Bphone năm 2015 đến nay, biệt danh Quảng "nổ" xuất hiện với tần suất dày đặc trên mạng xã hội, Facebook, thậm chí cả trên các trang báo điện tử.
Rất nhiều lời chỉ trích về quyết định làm điện thoại Bphone và cho rằng ông Quảng chỉ "nổ" khiến ông rơi vào tình trạng khủng hoảng, stress mất gần một năm. Nhưng sau đó, ông đã coi sự chỉ trích là một dạng năng lượng để xoay thành chiều tích cực. Việc tiếp tục cho ra mắt Bphone, không phải vì ông là người lì lợm, mạnh mẽ hay tự tin thái quá mà chỉ có một khát khao, đam mê là làm những việc hữu ích cho xã hội.
Cái tên Nguyễn Tử Quảng được biết đến ngay là một trong những người đầu tiên xây dựng nên phần mềm diệt virus ở Việt Nam và đã thành công. Cơ duyên nào để ông chọn lĩnh vực này?
Tôi nghiên cứu phần mềm diệt virus năm 1995, khi ở Việt Nam xuất hiện một loại virus lây lan rất nhanh, phá hoại máy tính. Ở thời điểm đó, tôi đang là sinh viên năm thứ 3, dù trong trường không dạy nhưng tôi đã tự mày mò nghiên cứu về phần mềm.
Tôi thường làm gì cũng rất thực tế nhưng mục đích là hướng tới cái tốt cho bản thân, cho mọi người và cho xã hội. Chính vì mục đích ấy nên tôi đã quyết tâm nghiên cứu ra phần mềm diệt virus rất nguy hiểm ở thời điểm đó để cung cấp miễn phí cho mọi người.
Vì sao thời gian đầu ông không thương mại hóa ngay mà lại dành thời gian tới 5 năm để hỗ trợ miễn phí cho người dùng?
Tôi thấy cái gì hữu ích cho cộng đồng và xã hội là sẽ làm. Tôi cũng thử ngẫm lại tại sao lại có tính cách đó và thấy rằng, một phần là do truyền thống gia đình tôi mà có.
Ngay như ông nội tôi trước đây làm ngành y, cứ ai trong thôn, xã ốm đau là tới chữa miễn phí. Còn trên nữa là cụ nội tôi, khi các nhà khoa học ở Hà Nội về sơ tán thì cụ hy sinh nhà riêng cho mọi người sử dụng. Gia đình tôi có truyền thống sẵn sàng giúp đỡ mọi người nên tôi đã chịu tác động một cách vô thức từ gia đình là luôn hướng tới lợi ích của mọi người, của cộng đồng xã hội.
Thời gian đầu chỉ có ít virus lây qua các đĩa mềm, sau này khi có virus cả ở trên Internet lây vào máy thì ngày càng có thêm nhiều người gọi điện cho tôi nhờ hỗ trợ. Trong khi, nhóm hỗ trợ cũng chỉ có hạn, không thể giúp hết mọi người được.
Năm 2003 cũng đúng là thời điểm có Luật doanh nghiệp. Khi đó tôi đọc và ngộ ra một điều: Để làm việc gì đó bài bản, hiệu quả nhất và khoa học nhất thì phải là doanh nghiệp. Sản phẩm diệt virus cũng phải theo Luật doanh nghiệp.
Chúng ta dùng một sản phẩm nào đó đâu phải do một nhóm nào đó hay Chính phủ làm, mà là doanh nghiệp làm. Mặt khác, nếu so với một số sản phẩm phần mềm diệt virus hàng đầu thế giới vào Việt Nam, sản phẩm của tôi hoàn toàn có thể cạnh tranh được nên tôi mới quyết định lập doanh nghiệp.
Tới năm 2015 tôi vẫn tiếp tục bị gọi là Quảng "nổ". Tôi đã mất gần 1 năm bị stress. Đó cũng là lý do phiên bản Bphone tiếp theo phải 2 năm sau mới tiếp tục ra mắt.
Có phải đấy cũng là thời điểm biệt danh "Quảng nổ" xuất hiện?
Mọi người bắt đầu gọi tôi là "Quảng nổ" từ năm 2005, tuy nhiên thời điểm đó chưa phổ biến. Lý do mọi người gọi tôi là "Quảng nổ" khi tôi bắt đầu thương mại hóa phần mềm diệt virus, sau 5 năm miễn phí. Đang từ "hiệp sĩ công nghệ thông tin" chuyển sang bán nên nhiều người đã ném "gạch, đá" quyết định đó của tôi. Biệt danh "nổ" có từ khi đó.
Khi chuyển sang thương mại hóa Bkav, tôi cũng triển khai rất bài bản, không chỉ đơn giản vì bản thân mà vì phần nào đó tôi cho rằng Việt Nam cần có phần mềm cạnh tranh với thế giới.
Tôi đang không hiểu vì sao một doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT lại có cái tên là công ty "chân đất"?
Nhiều người tới công ty tôi đều có thể thấy, tất cả nhân viên khi đến công ty làm việc đều đi chân đất. Nhưng tôi rất vui khi ai đó gọi Bkav là công ty "chân đất", vì có cảm giác mọi người đến công ty như đang ở nhà. Nhưng với một công ty có quy mô 1.500 nhân viên, thì việc nhỏ đó cũng không đơn giản khi chuẩn bị chỗ để giầy dép và quản lý thế nào để tránh nhầm lẫn.
Nếu có ai đó nghĩ theo hướng không tốt thì sẽ nghĩ một doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT mà lại thế này thế kia.
Được biết công ty ông cũng từng sản xuất các thiết bị thông minh cho ngôi nhà, gọi tắt là smarthome. Nhưng đến nay sản phẩm này chưa mang lại doanh thu lớn và chưa nhiều người biết đến. Vì sao "đứa con" này lại im hơi lặng tiếng như vậy?
Chúng tôi đã làm "nhà thông minh" từ rất sớm. Ngay từ những năm 2004 chúng tôi đã làm nhà thông minh rồi và phải tới 10 năm sau thế giới mới nhắc tới. Một trong thiết bị đầu tiên chúng tôi làm là thiết bị tự động bật, tắt điện. Hay thiết bị tự động dội nước trong nhà vệ sinh chúng tôi cũng có.
Tuy nhiên, khái niệm "nhà thông minh" không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới cũng chỉ khoảng 2 đến 3 năm trở lại đây người ta mới nói tới nhiều.
Vì thế, do sản phẩm quá mới đối với thị trường nên không đem lại doanh thu. Nhiều người cũng hỏi tại sao chúng tôi làm. Tôi đã trả lời: "Chúng tôi luôn tập trung vào làm những cái gì đam mê, hữu ích cho xã hội".
Bphone là khát vọng, là tầm nhìn của Bkav
Tại sao ông lại quyết định đầu tư sang lĩnh vực sản xuất điện thoại di động?
Tôi quyết định làm điện thoại từ năm 2009. Thời điểm đó, điện thoại di động còn là mặt hàng tương đối xa xỉ, chưa thông dụng như bây giờ. Khi đó, tôi nhận định smartphone sẽ là thiết bị thiết yếu của mọi người trong tương lai. Vậy là làm thôi. Khi quyết định làm, tiền không phải là vấn đề được đặt ra đầu tiên, mà chúng tôi hướng đến cái lớn hơn, làm ra sản phẩm hữu ích cho xã hội, làm vì đam mê.
Nếu làm bất cứ sản phẩm gì mà đặt ra bao nhiêu năm có lãi, nếu không thành công sẽ chán nản ngay. Còn một khi đã làm vì đam mê, vì hữu ích thì việc chưa có lãi chỉ là công việc phải làm trong tương lai mà thôi.
Vậy ông đã đầu tư bao nhiêu tiền vào Bphone?
Trong vòng 8 năm, chi phí cho Bphone hết khoảng 500 tỷ đồng. Nhiều người thấy 500 tỷ đồng là khoản tiền lớn nhưng nếu xét tới mục đích để Việt Nam có một nền công nghiệp sản xuất smartphone và rộng hơn nữa là nước ta có một nền công nghiệp sản xuất sản phẩm công nghệ thì số tiền đó lại quá nhỏ bé.
Mọi người cứ nghe dự án nghìn tỷ hay chục nghìn tỷ rất nhiều, nhưng tại sao mọi người vẫn rất để ý tới dự án của BKAV dù chỉ 500 tỷ đồng thôi. Chắc chắn đó là khát khao, niềm tự hào của người Việt muốn có một sản phẩm công nghệ tự mình làm ra.
Có khi nào dự án Bphone của ông gặp khó khăn về vấn đề tài chính không?
Có những lúc chúng tôi đã gặp khó khăn về tài chính, bởi nguồn vốn cho Bphone đều chủ yếu lấy từ lợi nhuận của phần mềm diệt Virus Bkav.
Ông có nghĩ nếu tiếp tục đầu tư vào Bphone 2017, không khác gì ông tham gia một canh bạc, bởi trên thị trường có nhiều rất nhiều những "ông trùm" về lĩnh vực này như Samsung, Apple... Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?
Có thể với mọi người Bphone là canh bạc, nhưng với tôi, mọi thứ có được đến hôm nay không thể gọi đó là canh bạc bởi tất cả đã có kế hoạch, chiến lược rất cụ thể. Tất nhiên chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn và cũng chưa thể khẳng định Bphone có thể thành công hay không. Để có được điều đó còn phải chờ thêm thời gian.
Thực tế, các công ty trên toàn cầu hiện nay cũng đều lép vế so với Samsung và Apple. Nhưng với các sản phẩm smartphone khác, chiếc Bphone của tôi cũng không thua kém về sự tinh tế, tinh xảo và các phần mềm cũng rất thông minh.
Một cách công bằng, Bphone không thua kém gì bất cứ sản phẩm điện thoại nào đang có trên thị trường hiện nay, chỉ trừ Iphone 8 mới ra và chờ chất lượng xem thế nào.
Chúng tôi mất 8 năm để tổ chức sản xuất được Bphone. Từ kỹ sư thiết kế kiểu dáng, thiết kế phần mềm, thậm chí cả marketing và truyền thông chúng tôi đều tổ chức được đội ngũ hàng đầu ở Việt Nam hiện nay.
Là doanh nghiệp, tôi luôn đề cao hiệu quả nhưng không thể cứ đầu tư là tính tới lợi nhuận ngay. Nếu chỉ dựa vào phần mềm diệt virus, tôi đã trở thành người rất giàu trên sàn chứng khoán. Nhưng tôi đã lấy lợi nhuận từ mảng phần mềm diệt virus để tái đầu tư, làm ra Bphone thì mục đích của tôi còn lớn hơn rất nhiều.
Có lẽ câu chuyện của Bphone đang nằm ở khâu sản xuất. Mặc dù ra mắt Bphone rất hoành tráng nhưng người tiêu dùng, thị trường lại không biết tí gì về nhà máy lắp ráp và sản xuất Bphone như thế nào?
Đúng là có nhiều nghi vấn Bphone của Trung Quốc không, có nhà máy đâu mà có điện thoại…Khi niềm tin không đủ lớn thì mọi thứ đều bị nghi ngờ.
Trong lúc ra mắt Bphone 2017, chúng tôi cũng đã chỉ rất rõ ràng và cụ thể là thiết bị có xuất xứ từ Trung Quốc trong Bphone chỉ chiếm 0,9%.
Việc chúng tôi không đưa mọi người tới nhà máy ngay là vì nhà máy của chúng tôi chỉ mang tính chất làm sản phẩm mẫu. Sau đó là đưa cho các công ty làm phụ trợ, chuyển giao công nghệ để họ làm gia công cho mình. Bản mạch cũng tự thiết kế và chuyển cho các đối tác để gia công.
Đưa mọi người tới thăm nhà máy sản xuất mà chắc chắn không thể to bằng của Samsung hay các hãng khác thì thà mình không công bố còn hơn là khoe nó ra. Ngoài ra, trong nhà máy làm thí nghiệm thì không phải máy móc mới, khoe ra có khi lại bị "ném đá" (cười).
Đến thời điểm này số người hoài nghi về Bphone đã đỡ hơn trước ngày ra mắt rất nhiều.
Ông từng nói rằng Bphone 2017 là sản phẩm cao cấp về công nghệ, không thua kém gì các sản phẩm cao cấp của các hãng sản xuất có danh tiếng trên thế giới, nhưng đến thời điểm này những người xung quanh tôi chưa có ai dùng Bphone cả?
Nếu bạn nói bạn bè của bạn đều dùng Bphone thì tôi đã thành công rồi.
Tôi làm 8 năm và ra thị trường mới được có 2 tháng thì không thể đòi hỏi thành công ngay được. Kế hoạch của tôi là dài hạn, không thể đòi hỏi mọi người mua ngay sản phẩm của tôi khi chỉ mới ra đời.
Nhưng với những người đã tiếp cận họ nghĩ khác về Bphone. Chúng tôi đang nỗ lực làm cho mọi người hiểu Bphone. Nếu thành công thì không chỉ với việc sản xuất smartphone, chúng tôi còn tạo cảm hứng cho người Việt Nam tiêu dùng hàng Việt Nam.
Ông đặt ra thời gian bao lâu để chinh phục khách hàng yêu mến Bphone?
Tôi không có thói quen đặt ra mục tiêu cụ thể chi tiết như vậy. Tùy theo tình hình thực tế như thế nào tôi sẽ đặt ra mục tiêu trong vài năm nữa, nếu khó hơn thì mục tiêu dài hơi hơn. Chúng tôi vẫn làm chừng nào có thể vì mục đích của tôi lớn hơn rất nhiều. Chúng tôi có hoài bão, Bphone là khát vọng, là tầm nhìn của Bkav.
Khi vẫn đang còn tìm kiếm khách hàng trong nước ông đã nói đến câu chuyện xuất khẩu Bphone 2017 (bản Gold). Tại sao lại tìm kiếm thị trường để xuất khẩu Bphone?
Không có công ty nào trên thế giới thành công ở khắp thế giới trước khi thành công tại nội địa. Apple hay Samsung đều thành công ở đất nước họ trước. Lĩnh vực bất kỳ nào cũng thế. Đó là triết lý! Tôi cũng vậy, việc chiếm lĩnh thị trường trong nước là mục tiêu hàng đầu và kế hoạch của chúng tôi. Còn nói tới xuất khẩu là nói tới bản Gold.
Chắc chắn phải đi tới cùng, dù Bphone không phải thứ duy nhất tôi sẽ làm. Tất cả những thứ khác có thể nhỏ hơn hoặc lớn hơn nhưng cứ hữu ích cho xã hội là chúng tôi sẽ làm. Đã làm là làm cho tới nơi tới chốn, làm hết mình luôn.
Đám đông dư luận "ném đá" và ông làm gì để đương đầu với điều đó?
Từ năm 2005 tôi đã quen với việc bị chỉ trích rồi và có thời điểm đã vượt quá giới hạn của tôi. Nhưng tôi vẫn nhìn sự việc theo cách tích cực khi bị ném đá hay bị chỉ trích.
Việt Nam vẫn là nước nghèo, tôi muốn làm ra một sản phẩm của riêng mình với hy vọng đưa đất nước thoát khỏi cái nghèo. Mục đích của tôi là rất lớn. Sự chênh lệch giữa cái tôi làm và cái mọi người thấy và nghĩ tới cũng rất lớn. Ngoài ra, đúng là có nhiều doanh nghiệp làm ăn "chộp giật" nên niềm tin của mọi người vào doanh nghiệp Việt cũng rất thấp.
Tôi coi sự chỉ trích là một dạng năng lượng để xoay thành chiều tích cực. Thậm chí, có người nói tôi là lì lợm. Tôi không hề lì lợm mà chỉ có khát khao, có động lực. Tôi không phải là mạnh mẽ, hay tự tin thái quá mà mọi vấn đề tôi đưa ra đều rất cẩn thận và có dẫn chứng. Tôi có động lực rất lớn như thế! Nhiều người nói tôi "nổ", nhưng tôi "nổ" có căn cứ.
Với những gì đang có, ông có nghĩ mình là người thành công?
Chưa bao giờ tôi nghĩ tôi đã thành công mà chỉ nghĩ đang làm như thế nào, cần làm như thế nào, khó khăn như thế nào và phải tiếp tục làm thế nào. Tôi cũng để slogan cho riêng mình: "Cứ làm việc hết mình những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn".
Tôi không phải là người "dị" đâu, tôi chỉ rất hào hứng đối với công việc và dành thời gian cho công việc, đam mê cho công nghệ.
Con người ẩn sau biệt danh "Quảng nổ" là con người như thế nào?
Nhân viên đánh giá tôi là người đặc biệt đam mê công việc, coi công việc là niềm vui. Tôi tự nhận là tôi có phần nào tính cách luôn nghĩ cho người khác.
Công việc cũng là một thứ thư giãn của tôi. Tôi cũng giống như mọi người, ngoài ăn, ngủ thì nghĩ về công việc. Mỗi năm tôi dành thời gian đi chơi cùng cơ quan một lần.
Trung bình một ngày ông làm việc bao nhiêu tiếng?
Có những thời điểm tới 20 tiếng, tôi không khuyến khích việc đó mà là do công việc. Tôi thường về nhà lúc 10h tối, cũng có những thời điểm tôi phải ở lại cơ quan rất muộn.
Ông có nghĩ đó là một cuộc sống khá nhàm chán không? Và người phụ nữ bên cạnh ông nghĩ sao?
Cô ấy có cùng suy nghĩ và đam mê với tôi nên mọi chuyện không phải là vấn đề. Về nhà, tôi cũng chia sẻ với vợ những chuyện về cách mạng 4.0, về smartphone, trí tuệ nhân tạo… Mọi người trong gia đình cũng rất hào hứng với những vấn đề tôi quan tâm.
Tôi cũng khuyên mọi người ở Ban Giám đốc Bkav đừng nên học tôi, cá nhân mỗi người phải có cái riêng của mình.
Vậy khi có thời gian rảnh ông thường làm gì?
Tôi rất thích đọc sách. Khi rảnh tôi thường đọc rất nhiều thứ để có thêm hiểu biết và chiêm nghiệm những điều mình đọc được.
Có điều gì đặc biệt ở Bkav không, ví như câu chuyện văn hoá doanh nghiệp chẳng hạn?
Tôi là người thực sự để tâm tới văn hóa doanh nghiệp. Mọi thứ đúc kết đều có văn bản. Quy định từ cái nhỏ nhất đều có văn bản, từ công việc cụ thể cho tới các chiến lược lớn của công ty...
Chúng tôi còn văn bản hóa, có phần mềm để tự động nhắc nhở. Do đó, không phải tự nhiên tôi làm ra Bphone mà nó là từ văn hóa doanh nghiệp, tầm nhìn, định hướng là có hữu ích cho xã hội. Để làm điều đó phải rất cụ thể, không đơn giản. Cái tôi làm đâu có thể đưa cho mọi người thấy hết đâu. Muốn làm để cạnh tranh với nước ngoài thì phải làm tốt hơn họ mới có thể cạnh tranh với họ được. Tất nhiên, bảo mọi người thừa nhận ngay là không thể mà cần có kế hoạch dài hạn.
Xin cảm ơn ông!
Theo Dân Việt