Bphone 1 ra đời cách đây 2 năm nhưng đến nay vẫn thu hút nhiều sự quan tâm từ giới công nghệ và báo chí. Nhiều người đặt câu hỏi tại sao năm 2015 Bkav không mời tham quan nhà máy sản xuất Bphone đời đầu tiên một cách rộng rãi và muốn biết nhà máy sản xuất Bphone hiện giờ thế nào. Trong buổi gặp gỡ báo chí hồi tháng 8/2017 vừa qua, CEO Nguyễn Tử Quảng đã đưa ra câu trả lời chính thức cho những thắc mắc này.
Gỡ băng Bkav chia sẻ chỉ có 0,9% linh kiện Bphone 2017 từ Trung Quốc
Gỡ băng: CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ về lợi nhuận từ Bphone và chế độ bảo hành sản phẩm
Gỡ băng: CEO Nguyễn Tử Quảng chia sẻ về AI camera và phím điều hướng toàn phần
Sau đây là nội dung chi tiết câu trả lời của CEO Nguyễn Tử Quảng được gỡ băng từ buổi gặp gỡ báo chí:
Phóng viên: Đợt ra mắt Bphone 1, chỉ có một số anh chị siêu ưu ái mới được đặt chân vào nhà máy sản xuất của Bkav trong khi tôi và một số phóng viên khác liên hệ, tự bỏ tiền vé máy bay để ra Hà Nội tham quan nhà máy mà Bkav không đồng ý. Vậy anh Quảng cho biết hiện nhà máy và nơi sản xuất Bphone của Bkav như thế nào?
Nguyễn Tử Quảng: Tôi xin chia sẻ với các anh các chị như thế này. Rõ ràng để làm những sản phẩm này thì không phải ở những nhà máy như vậy. Các anh chị chắc đã đến thăm nhà máy của Samsung, Huawei rồi đúng không ạ? Đến đấy các anh chị cũng thấy, ví dụ thậm chí là máy CNC là của đối tác chứ không phải của Samsung đâu. Samsung ở Việt Nam chỉ là nhà máy lắp ráp các thứ thôi. Nhà máy - chỗ lắp ráp như vậy đâu có tốn kém đâu. Nếu có sản lượng đủ lớn thì có bao nhiêu thì thêm vào bấy nhiêu thì có thôi. Ở Việt Nam mình công ty nước ngoài còn có thể cho thuê diện tích lớn như thế nữa là các công ty trong nước. Thế thì cái ấy không khó. Tại sao Bkav lại không cho mọi người đến thăm nhà máy? Bởi vì nhà máy của Bkav như tôi nói là chúng tôi làm từ những năm 2003, chúng tôi đã bắt đầu đầu tư vào các máy CNC và kỹ sư về thiết kế cơ khí để làm sản phẩm và tôi đặt ra các sản phẩm đấy.
Tôi nói dài thêm một chút là tại sao tôi lại tham gia vào lĩnh vực cơ khí này? Cho dù tôi là người làm về phần mềm thế. Khi làm một số sản phẩm SmartHome chúng tôi đi thuê bên ngoài họ làm cái khung vỏ, cụ thể cái chúng tôi đầu tiên làm là cái van xả trong nhà vệ sinh, các anh chị đến một số nhà hàng sang sang một chút ở Hà Nội và thành phố Hồ chí minh cũng sẽ hay gặp là dùng cái van xả đó của SmartHome. Thậm chí, tôi còn bị mọi người dè bỉu là thằng này nó đi làm cho nhà vệ sinh (cười), đấy là nói thêm một chút như thế.
Đó, lúc đầu làm chúng tôi thuê người ta làm cái vỏ nhựa thì thấy làm như thế này kém quá, nó quá xấu không đáp ứng được nhu cầu của mình. Tôi nói với các bạn như thế này: các bạn định vị vấn đề này như thế nào. Xin lỗi, tôi nói thế này: "chúng mày xem đấy nhá". Bây giờ tôi lấy sản phẩm ra đưa cho mọi người, đấy các bạn thấy không, cái này nhìn phát người ta nhận ra nó là của châu Âu, nhìn cái này người ta bảo của Nhật, nhìn cái này người ta bảo của Trung Quốc, nhìn cái này người ta bảo của Việt Nam. Tôi tin các anh chị cũng thế, nhìn một sản phẩm sẽ biết ngay cái này xuất xứ ở đâu bằng cảm nhận của mình, cái độ tinh xảo tất cả các thứ đặc thù của nó. Rõ ràng Việt Nam chúng ta hay là Trung Quốc nhìn một cái: cái này là Trung Quốc, cái này là Việt Nam nhưng khi nói đến Nhật Bản thì nói, "Đấy đồ Nhật đấy". "Chắc chắn là Nhật Bản đấy". Ví dụ như vậy. Đó là khi tôi nói thật với các bạn trong nội bộ như vậy là "đấy chúng mày phải phân tích". Đó là khi chúng tôi đặt mục tiêu làm sản phẩm để cạnh tranh với Nhật Bản, người Nhật làm sản phẩm tự động rất nhiều. Định hướng là sẽ cạnh tranh với các sản phẩm của Nhật Bản. Các bạn thấy không bây giờ sản phẩm chúng ta làm ra cứ cho là ngang bằng đi, cộng với thương hiệu quốc gia cũng của Nhật, Việt Nam làm ra sản phẩm, thương hiệu quốc gia Việt Nam đây. Có làm bằng họ cộng vào mình vẫn nhỏ hơn rồi. Nếu chỉ làm bằng họ thì không bao giờ mình có thể cạnh tranh được với họ. Tôi bảo với các bạn, xin lỗi, "bọn mày phải làm hơn họ thì cái này cộng vào nó mới bù trừ cho cái kia thì mới có thể có sản phẩm tốt". Tôi định hướng như vậy ngay từ đầu và dẫn đến sau khi đi thuê về tại các xưởng cơ khí ở Việt Nam, thậm chí tôi là người trực tiếp đây có cả anh Chính, trợ lý của tôi ngày ấy cùng xuống các xưởng cơ khí đầu tiên để thuê các anh các chị làm. Làm sau mấy tháng sau ra sản phẩm vẫn không tốt tôi vẫn yêu cầu các anh ấy làm cho tốt hơn. Anh ấy vẫn muốn làm nhưng vợ anh thì không muốn làm nữa vì mãi chẳng thấy bọn này ra sản phẩm, ra tiền đâu cả. Tôi chia sẻ rất thật trong lúc làm việc với cái anh đấy tôi phải ra nói chuyện, "nịnh" chị vợ để chị ấy gọi là ủng hộ anh ấy làm tiếp. Nhưng sau quá trình ấy thì ra sản phẩm đầu tiên thì tôi thấy như thế là không ổn, chất lượng vẫn chưa đáp ứng như mình muốn, thế là chúng tôi quyết tâm quyết định đầu tư mình phải làm việc đó thôi. Đấy là tính cách của tôi và cũng như Bkav, chúng tôi coi mọi khó khăn ở Việt Nam là tất yếu khách quan và mình phải vượt qua nó không thể trông chờ vào đâu. Không có kêu ca, không có chờ đợi ở đâu cả. Ví dụ, thiếu nhân lực tôi tuyển sinh viên vào tôi đào tạo: cơ khí, phần mềm, điện tử tôi đều làm thế cả, kể cả truyền thông marketing tôi cũng đào tạo.
Tôi quay về vấn đề, sau đó chúng tôi mua máy CNC và chúng tôi làm. Chúng tôi làm ra những sản phẩm đáp ứng và càng ngày nó càng tốt hơn. Đấy là tại sao đến ngày hôm nay chúng tôi mới có cái này chứ không phải là đùng một cái vài năm, cho dù 10 năm mọi người biết như vậy. Cũng chẳng có công ty nào từ 2005 mới ra sản phẩm như thế này. Thực ra, chúng tôi đã có quá trình bắt đầu từ năm 2003, tức là đến nay đã 14 năm rồi thì nó mới có cái này.
Và với định hướng mình phải làm chủ và mình phải làm ra cái sản phẩm đẳng cấp phải hơn của những nước mình muốn cạnh tranh vì thương hiệu quốc gia mình kém hơn. Đấy là lý do tại sao chúng tôi có nhà máy, nhưng phải chia sẻ rất thật với các anh các chị là nhà máy đấy chúng tôi những ngày đầu là chúng tôi mua về là những máy cũ. Đây thằng Thắng có thể chia sẻ có máy của Nhật Bản, máy CNC có tuổi đời lên đến 31 năm. Hiện nay, ở nhà máy chúng tôi vẫn còn cái máy đó và thực sự tôi vẫn có cảm xúc với những chiếc máy đó đến ngày hôm nay. Nó đã sử dụng 31 năm rồi và chúng tôi mua máy cũ đó ở trong Sài Gòn này, từ Hà Nội nhưng nó thực sự vẫn đáp ứng tốt, độ chính xác của nó vẫn rất cao và giá tốt. Mình không phải là nhà đầu tư, mình là người làm phần mềm và mình thấy cần phải làm và làm như vậy. Và chúng tôi vẫn dùng những chiếc máy đó, thậm chí đến ngày hôm nay. Tất nhiên để làm ra Bphone này thì những chiếc máy đó chỉ tham gia làm phần phay thô thôi còn phần phay tinh là những máy mới rồi. Đấy là chia sẻ tại sao chúng tôi rất khó xử trong việc mời các anh chị đến vì các anh chị thường đến đi thăm nhà máy của Samsung rất là hoành tráng, máy móc như thế này thế kia bây giờ đến đây thì các anh chị bảo này thì chắc chắn mình không thể đỡ nổi. Mình giải thích sao nổi đây. Mình chỉ giải thích trong khuôn khổ thế này thôi. Không thể giải thích nổi. Chỉ có thể hơn nếu như mọi người đến thăm, chưa kể là còn rất nhiều thứ khác trong khi mình làm như vậy, như hoàn thiện quy trình này kia các thứ khi chưa thể là răm rắp công nhân mọi thứ như họ. Đấy, rất là khó xử với các anh các chị. Tôi cũng nhớ như in chứ không phải mình các anh chị đâu. Bkav làm mọi thứ đều rất là thật, đấy là tại sao các anh chị cứ bảo sao Bkav cứ dấu diếm để đến nỗi các phóng viên quay chụp post lên sao lụp xụp thế này trong khi nhà máy Samsung nó thế kia. Tôi khẳng định với các anh chị bây giờ chúng tôi có đủ sản lượng, chúng tôi ngày mai thôi có ngay nhà máy và thậm chí đối tác ở Hàn Quốc có hàng trăm máy CNC người ta sẵn sàng tham gia vào quá trình này.
Hay như chúng tôi cũng chia sẻ nhà máy Meiko của Nhật trước tôi có xuống audit thì hệ thống của họ thực sự là tuyệt vời về chất lượng và quy mô. Thế thì những cái đó là mình có thể thuê vì họ làm 1 tiếng đồng hồ đã ra hàng chục nghìn sản phẩm rồi và họ làm cho cả thế giới nên mình cũng không cần phải đầu tư những cái như vậy vì như vậy là lãng phí, đầu tư một nhà máy như thế chỉ làm mấy trăm nghìn, triệu sản phẩm. Họ làm vài triệu m2 bản mạch 1 tháng. Không ai, kể cả Apple hay Samsung lại đi đầu tư nhà máy như vậy cả, bởi vì làm xong rồi ngồi chơi. Họ làm cho cả thế giới. Chắc là tôi nói hơi quá nhiều nhưng bởi câu hỏi thú vị nên tôi chia sẻ thế. Và có thêm một số trao đổi nữa thì tôi nghĩ sẽ rõ hơn.
Để nghe nội dung chi tiết buổi gặp gỡ báo chí, bạn vui lòng truy cập link tại đây.
Bkav