Chuyên mục Công nghệ của Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư có bài chia sẻ về việc những ngôi nhà thông minh (smarthome) đang tạo nên một trào lưu sống mới đối với người dân thành thị. Bkav.com.vn xin lược đăng bài "Nhà thông minh nở rộ: Cơ hội tỷ đô" để người đọc hiểu thêm về xu hướng này.
Đường đến 43 tỉ USD
Trên thế giới đang diễn ra cuộc đua về sản phẩm thông minh. Trong xu hướng Internet kết nối vạn vật (Internet of Things - IoT), nhiều công ty cố gắng làm nhiều sản phẩm để giữ họ ở sâu trong cuộc chơi. Samsung năm ngoái tuyên bố rằng 90% sản phẩm của công ty sẽ được kết nối Internet vào năm 2017. Nhờ kết nối Internet, người dùng có thể ra lệnh cho chiếc loa tìm kiếm và phát ra bản nhạc muốn nghe, smartphone có thể kết nối tất cả các vật dụng trong gia đình. Tập hợp các sản phẩm thông minh sẽ tạo ra ngôi nhà thông minh.
Tất cả các hãng công nghệ lớn như Google, Amazon, Apple và Samsung đều đang tìm cách tiến sâu hơn vào thị trường smarthome. Theo thống kê của Statista, năm 2020, giá trị thị trường của smarthome dự báo đạt 43 tỉ USD, gấp 3 lần so với năm 2014. Rõ ràng các khách hàng ngày càng yêu thích các ngôi nhà tự động hơn. Thị trường Việt Nam cũng được đánh giá cao khi bất động sản nhà ở đang phát triển trong xu hướng tích cực và người dùng sẵn lòng chi nhiều tiền hơn cho nội thất, tiện ích, trong đó có các sản phẩm công nghệ.
Nở rộ giải pháp nhà thông minh
Tại Việt Nam, Bkav là công ty tiên phong giới thiệu công nghệ smarthome vào năm 2013, kèm theo tuyên bố đã mất 10 năm để đeo đuổi và hoàn thiện công nghệ này, gồm cả phần cứng thiết bị và phần mềm điều khiển thông minh. Tất cả các hệ thống thiết bị của ngôi nhà như chiếu sáng, cấp nước, điều hòa, âm thanh, truyền hình… đều được gắn các bộ điều khiển điện tử để có thể kết nối với Internet và điện thoại di động, cho phép chủ nhân điều khiển vật dụng từ xa hoặc lập trình cho thiết bị ở nhà hoạt động theo lịch.
Từng giới thiệu tại CES 2015 (Mỹ) và nhiều triển lãm công nghệ trên thế giới, hệ thống SmartHome của Bkav khiến người tiêu dùng trong nước chú ý hơn tới giải pháp thông minh cho ngôi nhà.
Từ dấu ấn của Bkav, thị trường các thiết bị thông minh tại Việt Nam ngày càng phát triển. Dù chưa tiến tới khái niệm smarthome, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng muốn mở rộng thị trường thiết bị tự động (home automation). Chẳng hạn, cuối năm 2016, một nhóm các bạn trẻ ở Đại học Bách Khoa TP.HCM quyết tâm phát triển ý tưởng từ dự án tốt nghiệp: "Điều khiển hệ thống điện trong nhà bằng điện thoại Android". Kết quả là tháng 4 năm ngoái, Công ty Cổ phần Vsmarttek ra đời ở Khu Công nghệ cao TP.HCM. Vsmarttek đang chập chững đi lại con đường mà những người khởi nghiệp cùng lĩnh vực ở Đại học Bách Khoa Hà Nội đã từng trải qua với các sản phẩm thiết bị tự động thương hiệu Lumi. Hay mới đây Onsky, một công ty tư nhân có trụ sở tại Thung lũng Silicon (Mỹ), cũng tung ra loạt sản phẩm thông minh trong nhà, phần cứng và phần mềm do các kỹ sư Việt Nam thiết kế.
Dây chuyền sản xuất thiết bị smarthome của Bkav. Ảnh: T.H.
Sự tham gia của Vsmarttek, Onsky hay Lumi cho thấy nhu cầu khá cao trong thị trường home automation, đáp ứng trải nghiệm của nhiều khách hàng về hệ thống các thiết bị tự động trong nhà. Ưu thế của các giải pháp này là chi phí phù hợp với nhu cầu của người dùng tại Việt Nam, chỉ với khoảng 9-40 triệu đồng.
Ngoài các doanh nghiệp trên, thị trường có nhiều thương hiệu nước ngoài như Schneider, Smartg4, Arteor, My Home, WattStopper... Đồng thời, cũng có không ít sản phẩm có xuất xứ từ Đài Loan, Trung Quốc với giá rẻ, cung cấp các thiết bị chiếu sáng tự động bằng cảm biến, công tắc thông minh, đến các gói giải pháp điều khiển thiết bị đèn, quạt, điều hòa... bằng smartphone.
Trước sự đa dạng về chất lượng và giá cả, người dùng lại khá bối rối khi lựa chọn giải pháp cho smarthome. Theo ông Vũ Thanh Thắng, Phó Chủ tịch phụ trách phần cứng Bkav, thị trường smarthome không hẳn đang ở trong tình trạng "loạn" mà tách biệt rõ giữa smarthome và home automation. Điều này tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. "Hệ thống smarthome đúng nghĩa chứa đựng rất nhiều công nghệ hiện đại, thiết bị cao cấp… gồm cả phần cứng và phần mềm. Trong đó có cả trí tuệ nhân tạo để đáp ứng được đòi hỏi độ thông minh của ngôi nhà", ông Thắng giải thích.
Đầu tư cho giải pháp smarthome hay home automation tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng. Thực tế, giá cả là một rào cản lớn đối với các sản phẩm smarthome không riêng gì ở Việt Nam. Theo khảo sát năm 2016 của Buzz, 2 nguyên nhân lớn khiến gia chủ ở Mỹ không sử dụng smarthome là vì không có hứng thú (37%) và quá đắt (31%), tiếp theo là nhu cầu riêng tư (21%).
Mặc dù theo đuổi công nghệ smarthome cho cả thị trường trong và ngoài nước, nhưng Bkav hiện cũng chia làm 2 gói sản phẩm smarthome là Premium và Luxury để phù hợp hơn với nhu cầu thị trường. Trong khi gói sản phẩm Luxury tối thiểu 300 triệu đồng thì Premium cũng đáp ứng được tới 80% cơ bản như gói Luxury (không có giao diện 3D và trí tuệ nhân tạo), chỉ có 30 triệu đồng. Theo Bkav, ngày càng nhiều khu đô thị áp dụng giải pháp smarthome trong các căn hộ sang trọng, cao cấp. Tính đến thời điểm hiện tại, Bkav SmartHome đã được triển khai tại 60 dự án trong và ngoài nước. "Hiện tại, thị trường địa ốc và căn hộ đang bắt đầu thu hút và sôi động trở lại. Đây là tín hiệu tốt cho việc đầu tư phát triển thêm các dòng sản phẩm mới của nhà thông minh", ông Thắng cho biết.
Công ty Tư vấn nghiên cứu Gartner dự báo năm 2020 sẽ chứng kiến gần 21 tỉ thiết bị được kết nối toàn cầu, cao hơn so với năm 2016 là 7 tỉ thiết bị. Vì vậy, smarthome hay home automation là những thị trường đầy tiềm năng khi thay đổi phong cách sống và không gian sống của con người. "Smarthome là xu hướng công nghệ tất yếu", ông Thắng khẳng định.
Theo Tạp chí Nhịp Cầu Đầu Tư
Các bạn có thể xem bài viết gốc tại đây.