Chưa được cung cấp chính thức tại Việt Nam, game đang gây sốt Pokémon GO vẫn có thể tải về từ nhiều nguồn không chính thống trên Internet. Đã xuất hiện game giả mạo khiến smartphone của người dùng có thể bị tấn công. Phân tích một số ứng dụng Pokémon GO giả mạo, Bkav cho biết loại mã độc này có khả năng kiểm soát hoàn toàn thiết bị Android của người dùng.
Mã độc có trong ứng dụng Pokémon GO giả mạo là DroidJack (thuộc loại RAT - Remote Access Tool), một trong những trojan nguy hiểm bậc nhất trên Android. Trojan này có nhiều tính năng độc hại như: tự động cài ứng dụng bất kì theo yêu cầu của hacker lên điện thoại nạn nhân, bật camera, micro để quay phim, thu âm, ghi lại tất cả các cuộc gọi và tin nhắn của chủ nhân thiết bị… đồng thời gửi các thông tin đánh cắp được cho hacker. Phân tích chi tiết mã độc chèn trong ứng dụng, Bkav phát hiện máy chủ điều khiển của hacker được đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Mã độc DroidJack trong game Pokémon GO giả mạo.
Anh Tạ Đức Thiện, chuyên gia của Bkav cho biết cách thức chèn mã độc vào ứng dụng giả mạo như sau: "Kẻ xấu chỉ cần tải file cài đặt ứng dụng Pokémon GO từ nhà sản xuất về, chèn thêm mã độc vào file mã nguồn của phần mềm. Việc này khá đơn giản nhờ sử dụng các công cụ được cung cấp phổ biến trên mạng. Phần mềm đã bị tiêm mã độc sau đó được tung lên Internet với tên giống hệt phần mềm "xịn", và có thể hoạt động bình thường khi được tải về điện thoại. Do đó, người sử dụng không hề hay biết mình đã trở thành nạn nhân, ngay cả khi điện thoại đã bị kiểm soát từ xa".
Cách thức hacker chèn mã độc vào ứng dụng Pokémon GO giả mạo.
Bkav khuyến cáo người dùng không nên tải về và sử dụng các ứng dụng Pokémon GO không rõ nguồn gốc, mà chỉ lựa chọn từ kho ứng dụng chính thống khi nhà sản xuất phát hành chính thức tại Việt Nam. Bkav đã cập nhật mẫu nhận diện mã độc trong ứng dụng Pokémon GO giả mạo vào Bkav Mobile Security, người dùng có thể tải về để kiểm tra điện thoại của mình tại đây.
Bkav