Ngày nay, cùng với sự bùng nổ của công nghệ thông tin và truyền thông là sự xuất hiện ngày càng nhiều của những thành phố thông minh, có thể kể đến Barcelona (Tây Ban Nha), Paris, Lyon (Pháp), Amsterdam (Hà Lan), Stockholm (Thụy Điển)… Trong khi đó, Singapore đang nỗ lực triển khai chiến lược trở thành quốc gia thông minh đầu tiên trên thế giới. Chiến lược này sẽ tạo nên một thị trường tiềm năng cho các công ty công nghệ trên thế giới và Nhà thông minh Bkav SmartHome của Việt Nam đang được đánh giá là một giải pháp hữu hiệu cho chiến lược của Singapore.
Nhà thông minh Bkav SmartHome kết nối tất cả các thiết bị trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng, để có thể điều khiển chúng theo các kịch bản thông minh.
Quốc đảo sư tử lên kế hoạch triển khai chiến lược tham vọng này trong vòng 10 năm tới với mục tiêu cao nhất là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân. Việc triển khai chiến lược quốc gia thông minh đã tạo điều kiện cho người dân Singapore được tiếp cận với các công nghệ tiên tiến nhất. Cho đến thời điểm này, những ứng dụng từ smartphone cho đến ngôi nhà thông minh đã xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống của mỗi người dân Singapore, giúp họ có một cuộc sống có chất lượng ngày càng cao hơn và dần hiện thực hóa mục tiêu trở thành một quốc gia thông minh mà Singapore đang dần hướng tới.
Theo ông Foong King Yew – Phó chủ tịch Nghiên cứu, Công ty Tư vấn công nghệ Gartner: "Người dân Singapore đi đầu trong việc nắm bắt công nghệ tiên tiến trong khu vực. Họ có khả năng và sẵn sàng ứng dụng công nghệ smarthome. Điều quan trọng đối với các nhà cung cấp dịch vụ và sản phẩm là phải cho người dân thấy giá trị nâng cao chất lượng cuộc sống mà công nghệ mang lại".
Cũng theo Gartner, chiến lược phát triển ngôi nhà thông minh của Singapore đang tạo ra một thị trường tiềm năng cho các công ty công nghệ trên thế giới. Thực tế cho thấy có rất nhiều lĩnh vực cần đến giải pháp thông minh, từ y tế, giao thông công cộng, Chính phủ điện tử, giáo dục đào tạo cho tới smarthome.
Bkav là Tập đoàn công nghệ đầu tiên của Việt Nam đưa công nghệ smarthome do chính các kỹ sư của Việt Nam phát triển, tham gia cạnh tranh bình đẳng tại thị trường Quốc đảo sư tử và đã thành lập Bkav Singapore.
Nhà thông minh Bkav SmartHome kết nối tất cả các thiết bị trong ngôi nhà thành một hệ thống mạng, để có thể điều khiển chúng theo các kịch bản thông minh. Theo tiêu chí xếp hạng của Gartner, Bkav SmartHome là hệ thống nhà thông minh thế hệ mới nhất trên thế giới, công nghệ vượt trội so với các sản phẩm của Mỹ và châu Âu.
Ông Mark Chang – Chủ nhân ngôi nhà có lắp đặt giải pháp Nhà thông minh Bkav SmartHome tại Singapore
(Ảnh: VTV)
Với những ưu điểm so với nhà tự động (home automation), Bkav SmartHome đã tạo dựng được chỗ đứng của mình trong lòng người dùng tại Quốc đảo sư tử. Ông Mark Chang – một kỹ sư về hưu tại Singapore chia sẻ đã hoàn thành ước muốn lâu nay, đó là được sinh sống và làm chủ nhân một ngôi nhà thông minh. Toàn bộ thiết bị trong căn hộ mới của ông Chang, từ rèm cửa, hệ thống chiếu sáng, điều hòa, thiết bị giải trí, an ninh… được tích hợp thành một hệ thống mà ông có thể kiểm soát từ bất cứ đâu qua máy tính bảng của mình.
Ông Mark Chang cho biết thêm: "Tôi có tham khảo các công ty có cùng công nghệ smarthome ở Singapore thì thấy hệ thống Bkav SmartHome của Việt Nam linh hoạt hơn. Việc lắp đặt thiết bị smarthome đạt cả 2 mục tiêu, với cá nhân tôi là ngôi nhà thông minh, và với Chính phủ là quốc gia thông minh".
Cận cảnh ngôi nhà được lắp đặt hệ thống Bkav SmartHome của ông Mark Chang
(Ảnh: VTV)
Ông Andy Chu – Giám đốc Bkav SmartHome tại Singapore cho biết: "Tại Việt Nam, Nhà thông minh Bkav SmartHome đã trở nên rất phổ biến và đang hiện diện tại hàng loạt các khu đô thị cao cấp như Thăng Long Number One, Mandarin Garden, Royal City, Times City... Với việc triển khai hệ thống Bkav SmartHome tại Singapore, chúng tôi hy vọng chứng minh được tiềm lực công nghệ của Việt Nam cũng như khả năng nghiên cứu, sản xuất những thiết bị tiên tiến nhất, bắt kịp với xu hướng. Ngoài ra, chúng tôi mong muốn tìm hiểu thị trường hết sức tiềm năng tại đây".
Theo Tạp chí Kiến trúc
Tham khảo bài viết gốc tại đây