(ICTnews) - Tại hội nghị toàn cầu về công nghệ viễn thông di động của Qualcomm tổ chức ở Hồng Kông, Bkav sẽ có những buổi xúc tiến thương mại với các nhà mạng của Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia… để đưa sản phẩm Bphone ra thị trường toàn cầu.
Các công nhân đang làm việc trong nhà máy sản xuất Bphone của Bkav
Năm nay hội nghị toàn cầu về công nghệ viễn thông di động diễn ra tại Hong Kong từ ngày 14-16/9/2015. Đây là hội nghị thường niên lớn nhất trong khu vực và toàn cầu về công nghệ viễn thông, di động do Qualcomm tổ chức. Sự kiện có hơn 600 đối tác tiềm năng về viễn thông di động trên toàn cầu.
Tại hội nghị này, Bkav cùng Qualcomm đàm phán hợp tác với nhà phân phối lớn tại Mỹ và các nhà mạng trong khu vực để đưa Bphone vào thị trường các nước như Indonesia, Thailand, Ấn Độ... Bkav sẽ có buổi làm việc với True Move (mạng di động lớn thứ 3 của Thái Lan) về hợp tác bán hàng. Bkav cũng sẽ có buổi làm việc với các nhà mạng Ấn Độ, Indonesia…
Ngay sau khi ra mắt tại Hà Nội, Bphone luôn là chủ đề bàn luận của giới truyền thông cũng như trên các trang mạng xã hội. Công bằng mà nói, một doanh nghiệp Việt Nam như Bkav có thể sản xuất được một sản phẩm như Bphone là một thành công quá lớn, thậm chí so với cả nhiều hãng chuyên về sản xuất PC và bắt đầu chuyển sang sản xuất smartphone.
Cũng tại hội nghị này, Toshiba sẽ có bài thuyết trình về công nghệ TransferJet thông qua Bphone. Bphone là điện thoại di động đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công công nghệ này. TransferJet là một giao thức không dây tầm ngắn do Sony phát triển và họ tạo ra một tổ chức gồm nhiều công ty khác nhau, trong đó có Toshiba.
Trước đó, ông Eric Reifschneider, Phó Chủ tịch cấp cao và Tổng giám đốc Qualcomm Technologies Licensing phát biểu: "Qualcomm và Bkav cùng chia sẻ cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp di động tại Việt Nam. Thỏa thuận này cho phép Bkav phát triển, sản xuất và bán các sản phẩm 3G và 4G LTE cao cấp, nâng cao vị thế của Bkav trong ngành công nghiệp di động, không chỉ tại thị trường Việt Nam mà còn trong khu vực Đông Nam Á".
Bình luận về khả năng sản xuất smartphone của doanh nghiệp Việt Nam, ông Thiều Phương Nam, Tổng Giám đốc khu vực Việt Nam, Lào và Campuchia của Qualcomm cho rằng Việt Nam đang có cơ hội nhảy vào lĩnh vực sản xuất thiết bị đầu cuối bởi chi phí sản xuất rất cạnh tranh. Qualcomm muốn hỗ trợ Việt Nam phát triển nền công nghiệp này.
Theo ICTnews
Xem thêm một số bài viết về Bphone tại đây