(VnReview) Sau khi chứng kiến toàn bộ quy trình sản xuất chiếc smartphone "Designed by Bkav - Made in Vietnam", nhiều người Việt đã tỏ ra rất phấn khích và tự hào vì cuối cùng Việt Nam đã thực sự sản xuất được một sản phẩm công nghệ cao cấp như Bphone.
Như thông tin đã đăng tải, ngày 19/8/2015, Tập đoàn công nghệ Bkav đã tổ chức mời giới truyền thông và thành viên một số diễn đàn lớn tới tham quan hai nhà máy chế tạo Bphone và trụ sở chính của Tập đoàn, nơi có đội ngũ nghiên cứu và thiết kế chiếc smartphone này. Sự kiện còn được Bkav truyền hình trực tiếp trên mạng. Đây là lần đầu tiên quy trình sản xuất, đặc biệt là sản xuất công nghệ cao, được công khai rộng rãi tới công chúng theo thời gian thực.
Nhà máy điện tử nơi sản xuất Bphone.
Sự kiện này ngay lập tức đã thu hút sự quan tâm của dư luận, trong đó có thể nhận thấy ba luồng ý kiến chủ đạo mà phần lớn tự hào người Việt đã có thể chế tạo một sản phẩm công nghệ cao cấp.
"Ở Việt Nam chưa có doanh nghiệp nào làm được ốc vít cho Samsung. Nhưng Tập đoàn Bkav đã làm được nhiều hơn thế. Hy vọng sự phát triển của Bphone", độc giả Phạm Đức Lộc; "Đúng là trăm nghe không bằng một thấy. Thật tự hào là Việt Nam có thể phát triển được công nghệ cao như vậy", độc giả Nguyễn Đình Tuyến (báo Dân trí).
"Được nhìn một nhà máy công nghệ cao của người Việt mình rất tự hào. Mong Bkav sẽ là tên tuổi lớn trong ngành kỹ thuật cao", độc giả Hoàng Bách (báo Thanh Niên Online).
"Bkav đã cho chúng ta (đặc biệt là bạn bè quốc tế) thấy Việt Nam cũng có thể sản xuất ra được các sản phẩm công nghệ cao không thua kém gì các quốc gia khác. Hãy thử tưởng tượng xem một ngày nào đó trên đất Mỹ, logo của Bphone trở nên phổ biến giống như iPhone ở Việt Nam bây giờ thì các bạn có thấy tự hào không?", độc giả Nguyễn Trọng Hải (báo VnExpress).
Có thể nói, những hình ảnh về quy trình sản xuất Bphone đã làm thay đổi suy nghĩ của rất nhiều người trước đây chưa tin tưởng Bkav thực sự sản xuất được Bphone. Luồng ý kiến này thể hiện khâm phục những gì Bkav làm được, nhất là trong điều kiện Việt Nam còn nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng.
Độc giả Nguyễn Thành Nam trên VnExpress chia sẻ: "Mới đầu tôi nghĩ Bkav thuê Trung Quốc làm rồi mang sản phẩm về. Nhưng thế này là tốt rồi các bạn ạ".
"Thiết kế mạch điện tử cho smartphone cao cấp không hề đơn giản. Vậy mà Bkav làm được. Thật không thể tin nổi!", người dùng Facebook Nguyễn Minh Tiến.
Là người trực tiếp tới thăm nhà máy chế tạo Bphone, thành viên Giaothong chia sẻ trên diễn đàn Otofun: "Khâm phục quyết tâm của Bkav trong việc nghiên cứu và phát triển một sản phẩm như smartphone. Hiếm có đơn vị nào dám nghĩ dám làm đi từ A-Z trong quy trình sản xuất và phân phối sản phẩm như đơn vị này. Nếu bác nào từng nghiên cứu kỹ về ngành điện tử và thiết bị thông minh ở Việt Nam sẽ thấy".
Cũng là người có mặt trong đoàn tham quan trực tiếp, thành viên Didu của Diễn đàn Tinh tế, trong bài tường thuật toàn bộ quy trình thiết kế, sản xuất Bphone phát hiện chi tiết ấn tượng là nhà sản xuất đã đặt mình vào vị trí người dùng để chăm chút chi tiết cho sản phẩm như thế nào: "Dù Bphone không có khả năng chống nước nhưng Bkav cũng khéo léo và tỉ mỉ thiết kế các gioăng cao su xung quanh các nút bấm để ngăn chặn nước xâm nhập vào bên trong. Đây là một chi tiết rất đáng khen bởi nó sẽ bảo vệ cho máy tránh khỏi nước trong các trường hợp như đi mưa hoặc bị nước té vào".
Bên cạnh nhiều ý kiến phản hồi tích cực cũng vẫn còn một số người tỏ thái độ chưa tin tưởng, tuy nhiên số lượng không đáng kể so với trước khi các hình ảnh về nhà máy sản xuất Bphone được truyền hình trực tuyến trên mạng.
Một nội dung trong sự kiện tham quan nhà máy sản xuất Bphone đáng lưu ý là Tập đoàn Bkav thông báo mở bán Bphone đợt hai, chỉ trong ngày 25/8/2015 bắt đầu từ 10 giờ sáng đến 22h.
Dưới đây là một số hình ảnh bên trong nhà máy sản xuất Bphone:
Bkav cần 3 khu tổ hợp: Trụ sở tập đoàn ở Cầu Giấy, đây là nơi nghiên cứu thiết kế; nhà máy cơ khí ở Mỹ Đình là nơi chế tạo các linh kiện và nhà máy điện tử ở Phạm Hùng, nơi lắp ráp trực tiếp Bphone.
Tại trụ sở Tập đoàn Bkav, ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng của Bkav, giới thiệu về quy trình thiết kế cơ khí của Bphone.
Ông Hoàng Mạnh Cường, Giám đốc Thiết kế giới thiệu về thiết kế kiểu dáng của Bphone. Có tổng cộng 6 công đoạn trong khâu thiết kế kiểu dáng, từ thiết kế bản mẫu 2D, 3D cho tới mô hình.
Nhà máy cơ khí ở Mỹ Đình, nơi đảm nhiệm việc sản xuất các chi tiết cơ khí cho Bphone.
Một khuôn mẫu cho khung máy Bphone.
Công nhân vận hành máy phay tại nhà máy cơ khí.
Máy CNC đang xử lý phần khung Bphone.
Phải qua rất nhiều khâu mới tạo ra khung máy hoàn chỉnh cho Bphone.
Nhà máy điện tử của Bkav với các dây chuyền lắp ráp và cũng là nơi hoàn thành những công đoạn cuối cùng trong việc lắp ráp Bphone.
Chuẩn bị dán mã tại nhà máy điện tử.
Lắp ráp các chi tiết linh kiện cho Bphone. Trên ảnh là tấm tản nhiệt được gắn vào bảng mạch điện tử.
Các dây chuyền lắp ráp của Bphone, trong đó công nhân làm việc trên các ghế xoay có đệm thay vì phải đứng như thường thấy trong các nhà máy sản xuất khác.
Để vào bên trong phòng sạch, công nhân cần đi qua một khoang nhỏ để thổi sạch bụi trước khi vào trong làm việc.
Phòng sạch là nơi mà Bphone được lắp ráp những chi tiết cần độ sạch gần như tuyệt đối như màn hình, camera.
Phòng này là riêng biệt so với phần còn lại và có áp suất cao hơn để đẩy bụi ra bên ngoài.
Bắt vít để cố định các linh kiện của Bphone.
Mặt lưng Bphone được gắn lên khung máy.
Gắn kính cường lực vào khung máy.
Bphone được kiểm tra kỹ lưỡng màn hình và các kết nối.
Kiểm tra nguồn vào của Bphone.
Mỗi chiếc Bphone đều phải trải qua nhiều khâu kiểm tra trước khi xuất xưởng.
Đóng gói sản phẩm đã hoàn thiện. Bphone đã sẵn sàng lên kệ.
Theo VnReview
Tham khảo bài viết gốc tại đây
Xem thêm một số bài viết về Bphone tại đây