CEO Nguyễn Tử Quảng từng chia sẻ: “Chúng tôi coi Bphone Fans là cộng đồng tinh hoa… Fans của Bphone thật sự là những người chung chí hướng với Bkav, muốn thúc đẩy Việt Nam trở nên hùng cường nhờ công nghệ”. Vì lẽ đó, Bkav muốn đến gần hơn, tiếp xúc và chia sẻ nhiều hơn với các Bfans.
Từ tháng 3/2021, Tập đoàn tổ chức các chương trình giao lưu giữa các lãnh đạo cấp cao của Bkav, với cộng đồng Bfans. Tại đây, mọi góp ý, thắc mắc từ các Bfans dành Bkav, xoay quanh chủ đề của buổi giao lưu đều được ghi nhận và giải đáp.
Chương trình giao lưu giữa PCT Trần Việt Hải và cộng đồng Bfans với chủ đề AIoT trong cuộc sống:
Thiên Nhiên: Đâu là cốt lõi của AIoT?
AIoT hình thành bởi 2 đặc điểm: AI trí tuệ nhân tạo và IoT (kết nối Internet cho vạn vật). Cốt lõi của nó là đưa được AI lên các thiết bị nhỏ gọn có kết nối với nhau. Việc này giống như một xã hội các thiết bị, có suy nghĩ như con người và nói chuyện được với nhau. Qua đó sẽ làm bùng nổ các ứng dụng, khai thác dữ liệu các thiết bị để hiểu thói quen và dần thay thế con người trong một số công việc hàng ngày. Như hiện nay, xe không người lái, các cửa hàng không thu ngân, các trạm gác không người lính, các công trường xây dựng không người giám sát, các bảo vệ khu phố bằng AI Camera đang dần phổ cập.
Thiên Nhiên: AIoT đã giúp ích được gì cho cuộc sống, nhất là đời sống 4.0? Ví dụ nếu không có AIoT thì sẽ thế nào, và khi có AIoT thì đã thay đổi ra sao?
Có AIoT sẽ tạo một cuộc cách mạng, tương tự như smartphone và featured phone (cục gạch). Khi đó, thế giới sẽ có thêm hàng tỉ thiết bị (với trí khôn như con người) tham gia trợ giúp cuộc sống, nâng cao năng suất lao động, giúp cho các nhà phát triển, các công ty dễ dàng biến từ ý tưởng thành sản phẩm thực tế, tạo cuộc cách mạng về sự sáng tạo như tinh thần CMCN 4.0.
Thiên Nhiên: Việc giữ an toàn thông tin trên nền tảng trí tuệ nhân tạo và thiết bị AIoT có khó không? Và Bkav đang làm như thế nào?
An toàn thông tin trên AIoT đặc biệt quan trọng, vì nó gây tác động tức thì đến chất lượng sống của con người. Vì các thiết bị này có đặc điểm hoạt động liên tục và không cho phép gián đoạn, như xe tự lái chẳng hạn, rất nguy hiểm khi bị gián đoạn. Bkav có kinh nghiệm trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực smartphone rất gần với IoT. Các biện pháp đảm bảo an toàn hoạt động, an ninh thông tin đã được triển khai. Các sản phẩm AI Camera của AI View đã đạt các chứng chỉ tín nhiệm mạng nâng cao do Cục An toàn thông tin cấp. Ngoài ra, thiết bị AIoT sẽ có cơ chế update OTA như smartphone, sẽ được cập nhật bản vá an ninh thường xuyên.
Thiên Nhiên: AIoT có đòi hỏi về hạ tầng không? Ví dụ như tủ lạnh khi có AI trở thành tủ lạnh thông minh, có yêu cầu gì về cấu hình tủ lạnh không, tủ lạnh cũ có làm được không?
Lấy ví dụ về AI Camera. Nếu mua camera mới thì ta mua camera có sẵn AI trên Cam. Còn nếu biến camera cũ thành Cam AI thì ta dùng qua AI Box. Như mình được biết, các thiết bị như điều hòa có thể gắn bộ điều khiển bên ngoài, kết nối các cảm biến đo nhiệt độ, độ ẩm, dòng điện, kết nối với camera là có thể điều hòa điều chỉnh công suất, thời gian hoạt động theo thói quen của con người. AIoT thì không cần hạ tầng điện mạng đặc biệt, mà cần các nhà tích hợp giải pháp biết cách ứng dụng vào cuộc sống để phổ cập. Trong tương lai thì các nhà sản xuất thiết bị gia dụng sẽ ứng dụng AIoT vào thiết bị khi xuất xưởng. Hiện BHS cũng đang trong kế hoạch làm việc với các đơn vị này. Điều đó sẽ giúp tiện lợi hơn cho khách hàng trong việc sử dụng.
Thiên Nhiên: Bkav đã nghiên cứu AIoT bao nhiêu năm rồi? Hệ thống smarthome có phải AIoT không?
Thực sự nghiên cứu về AI thì Bkav đã lập Viện AI và có quá trình 5 năm nay. Về AIoT, từ năm 2020 khi Bkav cho ra mắt AI Camera, thiết bị Camera AIoT đầu tiên (tích hợp AI trên Camera) trên thế giới, hợp tác với Qualcomm. Hệ thống smarthome cũng có thể nói là hệ thống AIoT, nhưng quy mô hạn chế, đa phần tác vụ AI được xử lý ở server tập trung trong nhà gọi là Homecenter. Nếu sử dụng module AIoT như hiện nay BHS đang cung cấp thì nó sẽ chuyển hóa xử lý AI ngay trên các thiết bị, có thể hoạt động độc lập (stand alone) trong trường hợp homecenter bị mất kết nối.
Đinh Thế Toán: Những module AIoT mà Bkav vừa hợp tác ra mắt có thể ứng dụng vào những thiết bị nào trong cuộc sống?
Các thiết bị gia dụng từ bóng đèn, quạt điện, bình nóng lạnh, điều hòa nhiệt độ, máy lọc nước đều có thể sử dụng để ra lệnh giọng nói, tối ưu thời gian hoạt động theo thói quen của người sử dụng. Ngoài ra, ứng dụng khác trong lĩnh vực giao thông như quản lý phương tiện, hành khách, theo dõi việc tuân thủ luật giao thông. Mọi lĩnh vực trong cuộc sống đều có thể ứng dụng AIoT.
Quốc Oai: Anh có thể tiết lộ thêm về hợp tác với các ông lớn như MediaTek, Qualcomm... trong lĩnh vực AIoT là những hợp tác gì không?
Việc hợp tác với MediaTek, mình hướng đến thị trường Việt Nam do BHS đã đạt thỏa thuận độc quyền ở Việt Nam. Module AIoT sẽ có giá tốt, tài liệu mở hỗ trợ cộng đồng tự thiết kế, phát triển và sản xuất sản phẩm thương mại. Thay vì sử dụng kit phát triển vào làm sản phẩm thương mại, hạn chế về kiểu dáng sản phẩm, các tiêu chuẩn chống chịu môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, độ rung... Với việc sử dụng Module, các nhà phát triển dễ dàng tự DIY mà không cần phải có kinh nghiệm thiết kế phần cứng chuyên nghiệp. Đúng như bạn nhận định, việc hợp tác này là bổ sung có lợi cho cộng đồng. Hợp tác với Qualcomm, hướng đến thị trường toàn cầu. Đối tượng là các nhà cung cấp dịch vụ (nhà mạng) lớn, các công ty SI (tích hợp giải pháp) trên thế giới. Do chính sách của Qualcomm hiện nay chưa cho phép mở tài liệu, tài nguyên phát triển của chip cho cộng đồng, mà chủ yếu tập trung vào các doanh nghiệp có thỏa thuận với Qualcomm. Thị trường AIoT rất lớn với hàng tỷ thiết bị, việc kết hợp giữa các đối tượng, thị trường khác nhau sẽ đẩy nhanh quá trình phổ cập công nghệ ra cuộc sống.
Ngọc Thảo Nguyễn: Anh đánh giá thế nào về thị trường AI nói chung và AIoT nói riêng? Module AIoT hiện đã có nhiều thương hiệu tham gia chưa? Liệu đây có phải thị trường mới?
Con người đang sống trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0 và thời đại của AIoT, thời đại của trí tuệ nhân tạo kết nối vạn vật. Đây sẽ là xu hướng tiếp theo sau smartphone, các thiết bị AIoT ra đời để hỗ trợ, phục vụ đời sống như: AI camera giám sát giao thông, hỗ trợ kiểm lâm, giám sát cháy rừng, hỗ trợ tuần tra biên giới, hay các robot điều khiển máy móc, ô tô tự hành. Tương lai, thế giới sẽ cần hàng tỷ các thiết bị AIoT như vậy, dần thay thế con người. Theo một báo cáo của ResearchAndMarkets.com, thị trường AIoT toàn cầu sẽ đạt 83,6 tỷ đô la Mỹ vào năm 2027, tăng trưởng với tốc độ kép 39,1% mỗi năm. Như vậy có thể thấy, thị trường này là mới, hiện các hãng công nghệ chipset đều đầu tư lớn để thúc đẩy như Nvidia, Qualcomm, MediaTek... Và chúng ta đang được sự hỗ trợ mạnh mẽ của Qualcomm và MediaTek trong việc thúc đẩy kinh doanh, ứng dụng trên phạm vi toàn cầu.
Lê Sơn: Có mất an toàn trong an ninh mạng khi ứng dụng AIoT không?
Có nguy cơ an toàn, an ninh mạng khi ứng dụng bất cứ thiết bị kết nối mạng. Tuy nhiên, mọi nguy cơ đều có hướng giải quyết và chúng ta đã áp dụng kinh nghiệm trong nghề để khắc chế các nguy cơ. AIoT giống như smartphone, có cơ chế cập nhật phần mềm, nên các bản vá an ninh sẽ được cập nhật kịp thời.
Van Luyt: AIoT trên thế giới đã có chưa và thế giới có những cái tương tự như AIoT chưa? Bkav phát triển được thì tương lai phải mất bao nhiêu thời gian nữa mới có thể thương mại hóa đến người dân có thu nhập thấp?
AIoT trên thế giới đã có, ví dụ như các thiết bị đeo thông minh hay các xe tự lái. Trong lĩnh vực này, Bkav phát triển nền tảng AIoT để các nhà phát triển có thể dễ dàng sử dụng, ứng dụng vào sản phẩm thương mại hóa, qua đó nâng cao năng suất lao động của xã hội cũng như thu nhập của người dân. Nôm na hiểu mỗi thiết bị AIoT giống như một con người hoạt động 24/7 vậy. Trong thực tế sẽ tạo ra nhiều lái xe, nhiều bác bảo vệ, nhiều người lính, nhiều người giám sát an toàn lao động ở khắp mọi nơi, qua đó gián tiếp làm xã hội văn minh, cải thiện đời sống của con người.
Dũng Nguyễn Kostia: AIoT sẽ là một lĩnh vực mạnh và chủ yếu trong cuộc sống tương lai. Vậy để đưa AIoT vào các lĩnh vực thì cần những điều kiện tối thiểu gì?
Điều tiên quyết là cần cộng đồng các nhà phát triển, các công ty công nghệ trong các lĩnh vực để sẵn sàng chuyển đổi, ứng dụng AIoT trong sản phẩm để nâng cao năng suất, tiện ích cho xã hội.
Quý Trần: Trong tương lai, Việt Nam nói chung, Bkav nói riêng có thể cạnh tranh được với các hãng khác trên thế giới về AI không?
Việt Nam có cơ hội trong nhóm dẫn đầu thế giới về AI nói chung và AIoT nói riêng. Hiện trong hợp tác, Bkav là đối tác hàng đầu của Qualcomm và MediaTek trong việc phát triển hệ sinh thái AIoT ứng dụng. AI Camera của AI View đang dẫn đầu xu thế đưa AI xử lý tại biên ngay trên Camera. Sản phẩm hiện được phân phối tại nhiều dự án ở Hoa Kỳ.
Liễu Phạm: Anh phát triển AIoT ngày càng thông minh về nhiều bài toán như thế không sợ tương lai AIoT chiếm mất công việc của con người rồi chưa kể làm con người lười ra?
Bạn nói đúng, nhưng con người luôn có sự thích nghi. Khi cuộc sống tiện ích hơn, hiệu suất hơn, sẽ sinh ra phương thức lao động mới, giá trị mới. Ví dụ như khi dùng cục gạch mà nghĩ về smartphone thì có vẻ làm người ta lười hơn; nhưng thực tế từ khi có smartphone mình bị lệ thuộc và càng bận hơn do có nhiều ứng dụng, nhiều cách thức liên lạc, xử lý công việc, giải trí trên đó.
Phạm Sơn: AIoT có dễ làm không, ý là Việt Nam mình về AIoT so với thế giới?
Với nền tảng hiện nay của Bkav, việc phát triển AIoT tương đối dễ dàng. Khi BHS mở nền tảng cho cộng đồng, thì nhiều người có thể làm được AIoT, cả các bạn DIY cũng có thể tham gia. Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển trong nhóm dẫn đầu về AIoT.
Van Luyt: AIoT có dễ cài đặt và điều khiển không, giá thành có cao không? Một cá nhân có thu nhập thấp có thể mua để cài đặt vào các loại máy móc phục vụ cuộc sống, hạn chế sức người trong lao động không hay chỉ dành cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có điều kiện?
Mục tiêu của BHS là sản xuất bộ Kit giá thành hợp lý tương đương các sản phẩm Arduino, kit Pi có giá thành dưới 100 USD; tích hợp ngoại vi mạnh mẽ, tương thích cao với các chuẩn công nghiệp. Khi đó cộng đồng DIY có thể tự do sáng tạo trong thực tế.
Nguyễn Văn Hòa: Bộ sản phẩm bao gồm các thiết bị AIoT có chia thành nhiều phân khúc giá thành để tiếp cận nhiều đối tượng sử dụng không?
Hiện nay BHS hợp tác Qualcomm và MediaTek trong việc phát triển Module, Kit phát triển, AI Box. Sẽ có nhiều lựa chọn tùy thuộc vào cấu hình và phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng.
Võ Thảo My: Nếu các nhãn hàng thương hiệu lớn của Việt Nam kết hợp với AI để mang lại giá trị lớn thì có thể cạnh tranh với các thương hiệu nước ngoài không?
Chính xác, ưu tiên hàng đầu của BHS là hợp tác với các doanh nghiệp truyền thống của Việt Nam để tích hợp AI vào sản phẩm duy trì vị trí dẫn đầu ở thị trường trong nước và đi ra quốc tế.
Đặng Tài: Để AIoT phát triển, Bkav có kế hoạch giới thiệu và hợp tác với các trường đại học để sinh viên tiếp cận dễ hơn không?
BHS hiện đang phát triển các phiên bản phổ thông từ Kit, SDK, hỗ trợ kỹ thuật. Dự kiến trong nửa đầu năm 2023 sẽ công bố rộng rãi cho cộng đồng phát triển. Khi đó trọng tâm của BHS là tập trung hợp tác với các trường đại học chuyên ngành điện tử, CNTT, cơ khí để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu làm sản phẩm; tổ chức các cuộc thi ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp.
Lê Nhật Nam: Bkav có dự định xây dựng một hệ sinh thái AIoT kết hợp đồng bộ các thiết bị Bphone + AirB + Smarthome + AI View + ... không?
Hiện Bkav đang tập trung đẩy mạnh xây dựng nền tảng cho phát triển AIoT từ phần cứng module, AI Box đến phần mềm AI, hệ điều hành, cloud. Mục đích phát triển hệ sinh thái các doanh nghiệp ứng dụng AIoT vào làm sản phẩm. Smartphone là trung tâm của hệ sinh thái, là thiết bị chúng ta tương tác thường xuyên; các thiết bị smarthome hiện đang tương thích với nền tảng AIoT này.
Đinh Thế Toán: Anh đánh giá thế nào về triển vọng phát triển AIoT tại Việt Nam trong thập niên tới và Việt Nam cần điều kiện gì về cơ sở hạ tầng để tạo đột phá trong lĩnh vực mới này?
Việt Nam có cơ hội vươn lên trong nhóm dẫn đầu, giống như Hàn Quốc, Trung Quốc trong cách mạng smartphone. Thực ra, Bkav đang phát triển hạ tầng cho AIoT, muốn AIoT phổ cập thì cần giải pháp dễ triển khai, giá tốt. BHS tạo ra phần cứng module giá tốt; cung cấp AI Platform nền tảng phần mềm dễ dàng quản lý thiết bị, phát triển ứng dụng AI. Vấn đề còn lại là cộng đồng cùng sáng tạo trên hạ tầng này. Còn về hạ tầng truyền dẫn thì công nghệ 5G sẽ là câu chuyện riêng cho AIoT khi hỗ trợ kết nối số lượng lớn (>1 triệu thiết bị/BTS), độ trễ thấp, tốc độ cao. Ngoài ra hạ tầng về an ninh mạng, trung tâm dữ liệu là những cái Việt Nam đang có thế mạnh.
Nguyễn Văn Vịnh: Liệu AIoT của Bkav có quan tâm, hỗ trợ và tạo đột phá trong lĩnh vực quản lý phương tiện, điều tiết giao thông không? Hiện tại, phương tiện cá nhân quá lớn, hạ tầng thì không đủ đáp ứng, văn hóa, ý thức tham gia giao thông chưa cao...
Cách tiếp cận của Bkav là làm nền tảng, làm các module phần cứng với chi phí tốt; cung cấp năng lực chuyển hóa các bài AI chạy trên thiết bị. Và BHS đang làm với các đối tác trong lĩnh vực giao thông để minh bạch hóa các bài toán kiểm soát phương tiện, kiểm soát hành khách. Ngoài ra, cũng phát triển các phương tiện tự lái giúp nâng cao hiệu suất khi tham gia giao thông. Mình thấy nếu mọi phương tiện tham gia giao thông đạt tốc độ cao thì sẽ giảm áp lực cho hạ tầng rất nhiều; tắc đường hiện nay là do một số người đi chậm và không tuân thủ. Nếu để robot lái xe thì có lẽ đã giải quyết vấn nạn này rồi.
Chi Chi: Khi AI vào ngõ ngách của cuộc sống, công nghệ hỗ trợ giúp cuộc sống con người tiện nghi hơn và chắc chắn có những việc làm của con người AI sẽ thay thế, nhưng đó là sự dịch chuyển cơ cấu việc làm. Thời kỳ AIoT sẽ xuất hiện những việc làm mới. Anh có thể tư vấn một số ngành học mới và việc làm mới để thế hệ trẻ tham khảo?
Với xu hướng phát triển công nghệ như hiện này, sáng tạo và thương mại hóa các sáng tạo đó trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. AIoT là công cụ để thúc đẩy việc ứng dụng AI vào mọi ngõ ngách cuộc sống. Và có lẽ trong tương lai, người ta sẽ coi AI là một kỹ năng bắt buộc như Tin học, Ngoại ngữ... Khác với tư duy hiện nay, AI cần phải có nghiên cứu thuật toán chuyên sâu, cần có nhiều tập dữ liệu (data set), cần có đội ngũ lớn. Hiện nay, bất kỳ ai cũng có thể tiếp cận, trải nghiệm và sáng tạo AI ứng dụng. Các bạn trẻ đang học tập và nghiên cứu, hãy tự do sáng tạo và tự tin ứng dụng AI vào công việc của mình bất kể ở ngành nghề nào. Dù AI có thay thế việc làm của con người, AI không thay thế hoàn toàn con người.
Khúc Duy Nam: Tuy nhìn thấy tiềm năng về yếu tố kĩ thuật-công nghệ là rất lớn khi ta có thể "thông minh hóa" và "kết nối hóa" gần như mọi vật dụng xung quanh. Tuy nhiên, cũng vì quá mới mà sự tiếp cận còn khá rụt rè, vô tình khiến thị trường (theo yếu tố kinh doanh) còn hạn hẹp. Vậy Bkav và các đối tác có những chiến lược gì để phá bỏ nút thắt liên quan đến sự rụt rè (và phần nào đó là ngại thay đổi) để khơi thông thị trường chưa? Các sản phẩm và các công nghệ hoàn toàn mới nếu không phá được nút thắt thì sẽ không thể sống lâu, ngược lại thì sẽ chiếm lĩnh thị trường rất nhanh với ưu thế của kẻ tiên phong, iPhone và các điện thoại cảm ứng của Nokia là ví dụ.
Thị trường smartphone thực sự bùng nổ khi Google mua Android và thúc đẩy nền tảng, tạo cơ hội cho rất nhiều nhà sản xuất, nhà sáng tạo tham gia thị trường này, trong đó có Bkav. Điều này tương tự với AIoT, nút thắt ở chỗ cộng đồng đang loay hoay, chưa biết tiếp cận AI như thế nào, đưa AI vào thiết bị ra làm sao, thương mại hóa thì thế nào. Chúng ta đã chứng minh AI ứng dụng thực sự lợi hại, đó là chỉ cần tập mẫu nhỏ (khoảng 1.000 mẫu) là có thể có độ chính xác tương đương với con người bình thường. Đây là lời giải vạn năng cho nhiều bài toán thực tế, minh chứng là các bài toán công trường xây dựng, giám sát an toàn lao động: không cần nhiều công sức xây dựng data set mà đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, việc giá thành chip AI rẻ hơn và chúng ta module hóa cho cộng đồng dễ tiếp cận, cung cấp cả Hệ điều hành mở, các SDK phát triển cũng là bước ngoặt cho các nhà phát triển, các doanh nghiệp làm ứng dụng nhanh chóng thương mại hóa. Và sự phát triển của AI View trong lĩnh vực này là minh chứng cho xu hướng không thể đảo ngược của AI ứng dụng trong cuộc sống.
Khúc Duy Nam: Như vậy là Bkav đang cung cấp ra thị trường một bộ công cụ hoàn thiện để các doanh nghiệp khác sử dụng vào trong dự án sản phẩm của họ. Vậy anh có thể chia sẻ một chút về sự đón nhận của các đối tác làm sản phẩm không? Các đối tác nội địa thì như thế nào, đối tác quốc tế thì ra sao và có đối tác nào sau khi tiếp cận giải pháp của BHS thì đặt hàng BHS phát triển trọn bộ sản phẩm theo hình thức ODM cho họ không?
Đa số các đối tác đang tiếp cận AI Box để phát triển nhanh giải pháp của mình. Có các khách hàng lớn đặt hàng và đã thành công trong việc thử nghiệm, chuyển sang giai đoạn thương mại hóa. Do tính chất white label của các nền tảng nên BHS giữ bí mật thông tin khách hàng cuối. Cũng có các khách hàng yêu cầu ODM luôn vì tính chất tích hợp của thiết bị phần cứng. Thị trường quốc tế thì chúng ta phối hợp với Excelpoint và Qualcomm để mở rộng tập khách hàng. Hiện đang có các đối tác lớn ở Mỹ, Malaysia, Thái Lan, Singapore, Hàn Quốc đang thử nghiệm sản phẩm.
Lê Sơn: Đối với môi trường, AIoT có những tác động tích cực nào?
AI Camera làm việc hiệu quả khi giám sát việc xả rác ra đô thị, giúp môi trường sạch hơn. Ngoài ra, tích hợp AIoT ở các trạm quan trắc môi trường giúp cảnh báo sớm các sự kiện như cháy, khói, lũ lụt...
Nguyen Trung: AIoT áp dụng vào đời sống hằng ngày như thế nào? Nó thay thế được những gì và xử lý những tác vụ đó được bao nhiều so với bản chất thật của thiết bị?
Các ứng dụng hiện nay như việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên sẽ giúp các thiết bị trong nhà hiểu giọng nói của con người. Xử lý hình ảnh trên AI Camera sẽ giúp phát hiện và xử lý các sự kiện liên quan đến an toàn an ninh như xâm nhập, cháy khói, mất an toàn lao động hay đơn giản là giám sát con người như chấm công, theo dõi vị trí làm việc, mức độ tập trung. Trước đây AI chưa đưa vào thiết bị thì các thiết bị này hoạt động theo một logic được lập trình sẵn. Hiện nay, khi có AI thì thiết bị hoạt động giống như một con người và hoàn toàn thay thế được nhân sự trong công việc cụ thể.
Khoa Bui: Làm chủ công nghệ trí tuệ nhân tạo sẽ giúp đất nước phát triển. Đây cũng là lĩnh vực nhiều cường quốc trên thế giới đang chạy đua. Vậy Tập đoàn Bkav có chiến lược hợp tác với đối tác sản xuất ra các dòng sản phẩm gì để đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước, cải thiện cuộc sống người dân?
Với việc Bkav ra mắt nền tảng AIoT và cam kết hỗ trợ cộng đồng trong việc nghiên cứu phát triển, sản xuất, thương mại sản phẩm sẽ giúp ứng dụng AI phổ biến trong cộng đồng điện tử Việt Nam. Qua đó sẽ tạo ra nhiều sản phẩm trong nhiều lĩnh vực cho cuộc sống. Hướng hiện nay là các sản phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp, giao thông vận tải, giáo dục, y tế, xây dựng, môi trường. BHS đang xúc tiến làm việc với các công ty nghiệp vụ trong các lĩnh vực này để đưa AI vào các sản phẩm của họ.
Phùng Huy Hải: Sản phẩm IoT ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) mà Bkav đã nghiên cứu và đang phát triển được biết là lĩnh vực mới. Vậy hành trình triển khai tại Việt Nam sẽ ra sao?
Đợt này mô hình mình đi khác với Bphone. Lần này mình làm nền tảng bao gồm: nền tảng phần cứng có SOM, KIT, AI Box; nền tảng phần mềm AI Platform; dịch vụ chuyển AI từ nền tảng khác sang thiết bị. Trên thị trường cũng có Nvidia là đối thủ khi họ có các loại KIT có hỗ trợ xử lý AI. Ngoài ra, có thêm các bạn phát triển FPGA như Xilinx cũng tham gia. Tuy nhiên, ưu điểm của mình là đi từ nhà phát triển AI và sản xuất sản phẩm. Nên mình cho ra nền tảng phần cứng thuận tiện cho các công ty có thể phát triển sản phẩm nhanh chóng, đáp ứng yêu cầu kiểu dáng công nghiệp, độ bền với môi trường (sử dụng SOM nhỏ gọn). Ngoài ra, kế thừa dự án AI Camera của AI View, mình đã triển khai AI Platform - một dịch vụ quản lý thiết bị, quản lý AI. Các nhà phát triển dễ tương thích với hệ thống nghiệp vụ sẵn có và thương mại hóa được ngay. Tại Việt Nam, mình sẽ phát triển các sản phẩm giá tốt, cạnh tranh với NVidia và các loại Arduino, PI để cộng đồng có thể dùng ngay vào phát triển sản phẩm, các công ty có thể làm thử nghiệm dễ dàng. Qua đó, xây dựng cộng đồng điện tử sáng tạo AIoT của Việt Nam.
Lâm Tấn Thành: Ứng dụng cụ thể phổ biến nhất cho toàn dân dùng AIoT để cải thiện chất lượng cuộc sống là gì?
Ứng dụng phổ biến nhất hiện này là AI Camera. Việc phổ cập Camera có AI sẽ giúp xã hội văn minh, đảm bảo vấn đề an toàn, an ninh. Camera AI sẽ theo dõi các vấn đề vệ sinh môi trường (hành vi xả rác), trật tự an ninh, an toàn giao thông, an toàn lao động, an toàn sinh hoạt... Có rất nhiều ứng dụng hữu ích, camera AI như con người có thể hoạt động 24/7 trợ giúp chúng ta trong cuộc sống.
Nguyễn Ngọc Linh: Giá của AI camera vẫn còn khá cao, mình có kế hoạch ‘cost down’ cho sản phẩm này để dễ thâm nhập thị trường không?
Hiện mình có giải pháp AI Box nhỏ gọn có thể hỗ trợ 4 camera thường xử lý giống 4 Camera AI, sẽ giảm giá thành đầu tư. Một số dự án còn sử dụng AI Box 24 kênh. Theo thời gian, giá thành chipset sẽ giảm xuống và lượng người sử dụng sẽ tăng lên. Do vậy, theo tự nhiên giá cũng sẽ giảm xuống. Tương tự như thị trường smartphone, giai đoạn đầu chỉ có phân khúc cao cấp, nhưng hiện nay phân khúc giá rẻ có rất nhiều hãng tham gia.
Nguyễn Đạt Tiến: AIoT có thể được tích hợp vào các sản phẩm phần cứng chủng loại gì để giúp cho việc quản lý sinh viên, học viên được hiệu quả như: hỗ trợ mượn-trả sách thư viện, điểm danh ra-vào lớp, giải quyết thủ tục hành chính một cửa…?
Mình thấy Bkav đã kết hợp với các hãng sản xuất chip trên thế giới tích hợp AI vào các module để phục vụ học tập, nghiên cứu và cuộc sống. Là giảng viên, mình muốn cùng sinh viên nghiên cứu, khai thác sử dụng các module đó (kiểu như đề tài nghiên cứu khoa học của sinh viên) có được không? Và bắt đầu như thế nào?
Trong bài toán giáo dục thông minh, AI trong các camera có thể theo dõi hành vi của học sinh đảm bảo an toàn an ninh trong giáo dục, ví dụ như đếm sĩ số, theo dõi việc đổi chỗ, rời khỏi chỗ ngồi, theo dõi đánh giá mức độ tập trung của học sinh với bài giảng... Ngoài ra, bài toán thư viện có thể áp dụng thư viện không thủ thư, sinh viên tự mượn trả sách; có robot hỗ trợ việc này giống như các cửa hàng không thu ngân. BHS hiện đang phát triển các phiên bản phổ thông từ Kit, SDK, hỗ trợ kỹ thuật. Dự kiến trong nửa đầu năm 2023 sẽ công bố rộng rãi cho cộng đồng phát triển. Khi đó trọng tâm của BHS là tập trung hợp tác với các trường đại học chuyên ngành điện tử, CNTT, cơ khí để hỗ trợ các nhóm nghiên cứu làm sản phẩm; tổ chức các cuộc thi ứng dụng, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp. Rất mong có sự tham gia của các thầy cùng sinh viên để chung tay xây dựng ngành.
Luân Hoàng: Bkav đã nghiên cứu và áp dụng vào lĩnh vực y tế chưa? Anh có thể chia sẻ về khả năng cũng như tiềm năng của AIoT trong y tế?
Hiện Bkav có AI Camera dưới thương hiệu AI View trong lĩnh vực y tế. Bạn tham khảo thêm https://www.aiview.ai/benh-vien-thong-minh Ngoài ra lần này, BHS ra mắt nền tảng AIoT hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tự phát triển sản phẩm. Tiềm năng ứng dụng AIoT rất lớn trong việc theo dõi, chuẩn đoán cũng như điều trị.
Võ Phan Misel: Theo mình hiểu, AIoT nôm na là đưa trí tuệ nhân tạo vào mọi lĩnh vực trong cuộc sống, mọi thiết bị phục vụ con người. Nhưng theo mình được biết để huấn luyện AI thì cần nguồn Big Data rất lớn. Vậy làm sao để Bkav có được nguồn Big Data ấy?
Liên quan việc này, kế hoạch làm máy xét nghiệm Covid bằng nước xúc miệng chưa đạt tiến độ có phải do thiếu nguồn dữ liệu này không?
Với AI ứng dụng thì ngược lại, chỉ cần nguồn dữ liệu vừa đủ là có thể hoạt động thay thế con người. Qua thực tế triển khai các bài toán mới, chỉ cần nguồn data khoảng 1.000 mẫu, AI đã hoạt động tốt đối với các ứng dụng như giám sát đồng phục, phân loại phương tiện, giám sát an toàn, vũ khí... Đối với các bài phổ biến như khuôn mặt, biển số, giọng nói thì cần lượng mẫu lớn để đạt độ chính xác gần tuyệt đối. Bkav kết hợp với các đối tác để làm giàu dữ liệu, một phần đến từ cộng đồng Bfans. Mô hình hiện nay là Bkav kết hợp với chính các công ty làm giải pháp của các nơi, họ sẽ phối hợp trong việc triển khai thực tế và làm giàu dữ liệu.
Liên quan câu hỏi của anh về máy xét nghiệm thì không nằm ở vấn đề dữ liệu mà nằm ở vấn đề độ đồng nhất của cảm biến. Nếu làm 1 thiết bị thì rất tin cậy, nhưng áp dụng sang các thiết bị khác thì không có sự đồng đều. Lý do là các cảm biến quang phổ có độ sai khác, các vật dụng đựng mẫu có độ trong suốt khác nhau dẫn đến việc bị nhiễu và bế tắc trong việc khử các nhiễu này. Đây cũng là lý do mà nhiều hãng tiếp cận nhưng chưa hãng nào thương mại hóa rộng rãi được.
Bkav, Bphone Fans Club