Muốn đi đường dài, muốn phát triển bền vững thì phải sở hữu công nghệ lõi
08:30:00 | 19-09-2020

Đây là chia sẻ của CEO Nguyễn Tử Quảng trong buổi giao lưu trực tuyến cùng cộng đồng yêu thích và sử dụng Bphone - Bphone Fans Club tối 17/9. Với chủ đề Làm chủ công nghệ lõi trong sản xuất smartphone, CEO Quảng lý giải thế nào là công nghệ lõi cũng như trả lời những thắc mắc từ cộng đồng mạng liên quan đến việc sở hữu công nghệ lõi và vai trò của công nghệ lõi đối với ngành công nghệ nói chung và lĩnh vực sản xuất smartphone nói riêng.

Livestream của CEO Quảng thu hút sự theo dõi và thảo luận sôi nổi từ cộng đồng mạng với 21.000 lượt xem và hơn 1.000 lượt bình luận. Dưới đây là phần giao lưu của CEO Bkav và các Bfans trong buổi livestream tối 17/9 vừa qua.

Các bạn có thể xem livestream đầy đủ tại:

https://www.facebook.com/groups/yeuthichBphone/announcements

-------------------------------

Xin chào tất cả các bạn đang theo dõi buổi livestream của tôi ngày hôm nay với chủ đề: “Làm chủ công nghệ lõi trong sản xuất Smartphone”.

 

CEO Quảng trong buổi giao lưu với cộng đồng Bphone Fans Club

Để dẫn vào nội dung thì trước tiên tôi sẽ nói sơ bộ như thế nào là công nghệ lõi?

Một định nghĩa ngắn gọn chuẩn mực cũng không phải đã có sẵn sàng đâu, chúng ta sẽ phải cùng nhau tìm hiểu thì mới có thể hiểu rõ, nhưng tôi có thể nói một cách tương đối như sau:

Công nghệ lõi có thể hiểu một cách đơn giản là những công nghệ cốt lõi tạo ra một sản phẩm và để chúng ta nhận biết, thì dấu hiệu là nó phải mang tính quyết định để tạo ra sự sáng tạo. Có nghĩa là công nghệ lõi đấy nó phải mang tính quyết định để tạo ra sự sáng tạo khi người ta làm ra loại sản phẩm đó. Nó phải phụ thuộc vào từng loại sản phẩm. Công nghệ lõi của từng loại sản phẩm là khác nhau chứ nó không phải là một loại công nghệ lõi chung cho tất cả

Nói đến công nghệ lõi thường người ta nói đến trong lĩnh vực công nghệ nhiều hơn các lĩnh vực khác. Các lĩnh vực khác cũng có công nghệ lõi nhưng thường là sẽ nói đến các lĩnh vực công nghệ cao.

Để dễ hiểu hơn tôi sẽ lấy 1 số ví dụ như sau: Ví dụ cho dân dã về chế biến món phở. Ta sẽ thử tìm hiểu công nghệ lõi trong chế biến 1 món phở nó là như thế nào?

Như chúng ta biết, món phở có lẽ đặc thù nhất của nó đầu tiên là nước dùng. Chúng ta thấy các thương hiệu phở khác nhau thì nước dùng nó khác nhau. Ví dụ như Phở Hà Nội nước phở phải trong. Thương hiệu phở nổi tiếng cả nước khác là phở Nam Định, phở Nam Định thì nước phải béo, nước không trong như phở Hà Nội. Cũng là món phở nhưng chúng ta ăn chúng ta cảm thấy vị nó khác nhau và tôi nói ví dụ về nước dùng cũng đã khác nhau như vậy.

Ở món phở này công nghệ lõi là như thế nào: Về nước dùng, để tạo ra nước dùng đặc trưng của từng thương hiệu phở thì những người sở hữu các thương hiệu đó họ phải có các công thức, chẳng hạn như là nước đó phải hầm xương bao nhiêu tiếng đồng hồ, thậm chí là xương như thế nào, thế rồi là các nguyên liệu khác thì sử dụng như thế nào.

Chẳng hạn cũng là phở, có loại thì thịt thái miếng mỏng, có loại thì phải băm ra, chứ không thái miếng như phở Hà Nội. Những việc đó nó sẽ tạo ra được cách chúng ta ăn và chúng ta cảm nhận các món phở đó là khác nhau. Nó cũng ngon nhưng ngon theo kiểu khác nhau.

Ở đây chúng ta thấy đối với món phở, công thức tạo ra nước dùng gồm nguyên vật liệu thế nào, thế rồi là công thức ninh trong bao lâu, nhiệt độ như thế nào, thì nó sẽ tạo ra được các cái nước dùng tương ứng như vậy. Và đối với món phở mà chúng ta biết thì đó là bí quyết gia truyền của các thương hiệu

Vậy thì chúng ta có thể hiểu công nghệ lõi ở đây là triết lý để tạo ra món phở ý của từng cái thương hiệu. Rồi từ triết lý đấy người ta sẽ tạo ra các công thức cụ thể, có các công thức đó thì những nguyên vật liệu người ta sẽ làm theo quy trình, việc nào trước việc nào sau, dẫn đến là chúng ta làm ra được một món phở.

Chúng ta thấy mọi người hay tranh cãi với nhau, ở đây nãy giờ thì tôi nói tới công nghệ lõi của làm phở, tôi không hề nhắc nhiều đến chuyện thịt bò. Phở bò lại không nói nhiều đến thịt bò thì có gì đó sai sai hay không, hoàn toàn không.

Thịt bò đây cũng chỉ là một nguyên vật liệu. Thịt bò đấy có thể là phở bò Nam Định cũng dùng, phở bò Hà Nội cũng dùng và nó chỉ khác là cách chế biến nó, nơi thì thái nơi thì băm

Người nấu phở tìm ra công thức phở người ta cũng không cần biết quá rõ làm thế nào để có được miếng thịt bò đó. Tức là cách nuôi con bò như thế nào người ta thậm chí cũng không cần tìm hiểu, người ta chỉ cần chọn trong những con bò người ta đang bán mà đã có thể dùng được rồi. Việc này không mang tính quyết định quá nhiều cho món phở bò. Vậy thì công thức để nuôi bò cũng phải là một thứ rất là đặc biệt, có thể đó là bí quyết của người nuôi bò, cách thức nuôi con bò có thể là công nghệ lõi của việc nuôi bò nhưng nó không phải công nghệ lõi của chế biến món phở.

Tôi nói ví dụ thứ hai: Chúng ta xây dựng một ngôi nhà, một công trình. Chúng ta sẽ thấy nếu bây giờ phần lớn mọi người đi xây nhà, đầu tiên người ta sẽ phải hỏi ông kiến trúc sư, nhờ ông kiến trúc sư thiết kế ngôi nhà đó. Ông kiến trúc sư ngồi với chủ nhà, muốn ngôi nhà đó như thế nào, công năng như thế nào, bao nhiêu phòng, bao nhiêu tầng... Kiến trúc sư dựa vào yêu cầu như vậy, dựa vào kiến thức của mình, kiến trúc sư bắt đầu thiết kế ra kiểu dáng, công năng của ngôi nhà, sau đó mới lựa chọn nguyên vật liệu, sắt, thép, xi măng, đá, sơn quét tường, mái nhà… Họ chọn ra các nguyên vật liệu, thế rồi thuê các đội thợ đến để xây dựng theo thiết kế họ đã đặt ra và đội thợ nào thì cũng ok thôi, nhưng đội nào lành nghề thì sẽ làm đúng theo ý của kiến trúc sư hơn. Vậy thì trong việc xây ngôi nhà, công nghệ lõi ở đây là như thế nào. Công nghệ lõi của ngôi nhà này có phải là công nghệ tạo ra sắt, thép, xi măng không? À không phải, công nghệ lõi để xây ngôi nhà ở đây đó là các công nghệ, các quy trình của người kiến trúc sư. Một ngôi nhà khác với những ngôi nhà khác, nhìn vào là biết, đó là do thiết kế của người kiến trúc sư. Một kiến trúc sư giỏi thì người ta thiết kế ngôi nhà đẹp, hiện đại, hay theo phong cách cổ điển, và chủ nhà họ thích, kiến trúc sư sẽ thực hiện việc đó. Công năng ngôi nhà có tốt, có tiện lợi hay không thì cũng là do ông kiến trúc sư thiết kế.

Ta không nhắc nhiều đến sắt thép, xi măng được chế tạo như thế nào. Sắt thép, xi măng họ phải có những công nghệ lõi của họ để tạo ra những thanh thép như này như kia thì nó cũng có những cái công nghệ lõi tạo ra những cái như vậy, nhưng nó thuộc về lĩnh vực chế tạo sắt thép xi măng, hay là gạch lát, sơn tường… nhưng nó không mang tính quyết định lớn cho công trình ở đây là ngôi nhà về việc nó đẹp hay không. Nó mang quyết định đáp ứng tiêu chuẩn về xây dựng được đặt ra.

Tôi phải nói rõ hơn, có bạn sẽ nói là: Có những công trình thì công nghệ chế tạo của nó cũng mang tính cốt lõi. Có. Ví dụ về một công trình đặc biệt như Tháp Eiffel, xây tháp Eiffel. Eiffel là một công trình kiến trúc, nguyên vật liệu của nó, lúc nãy tôi nói không hẳn là công nghệ lõi nhưng riêng đối với tháp Eiffel là trường hợp đặc biệt trong ví dụ này. Nhờ tại thời điểm người ta xây tháp Eiffel thì công nghệ chế tạo thép phát triển, giúp cho có thể xây dựng một công trình lớn như vậy mà hoàn toàn bằng thép, thì lúc đó công nghệ lõi ở đấy thì lại là thép, ngoài chuyện kiến trúc ra. Nhưng nó chỉ là những trường hợp đặc biệt còn phần lớn thì vẫn là để xây dựng thì đó là thiết kế kiến trúc, thiết kế công năng, đó là về công trình và tôi nói đặc biệt là các ngôi nhà.

Thế thì chúng ta có một kiến trúc mà kiến trúc sư đưa ra như vậy và đưa cho các đội thợ khác nhau họ xây. Họ sử dụng thiết kế đó họ xây lên các ngôi nhà thì nó sẽ giống nhau. Còn các ngôi nhà khác nhau là cần có thiết kế sáng tạo của đội ngũ kiến trúc sư, họ sẽ sáng tạo ra những cái khác, nó sẽ ra ngôi nhà khác, có giá trị khác.

Quay về vấn đề smartphone của chúng ta. Công nghệ lõi trong sản xuất smartphone nó là như thế nào:

Smartphone nó phức tạp hơn chúng ta chế biến một món phở, smartphone thì chúng ta thấy là, điều quyết định ở đây thứ nhất là kiểu dáng trông nó như thế nào, cầm lên là thấy các chiếc smartphone nó khác nhau, đó là dựa vào kiểu dáng trước tiên. Chúng ta phải nói đến kiểu dáng.

Nói đến smartphone, là trong này có hàng nghìn linh kiện rất nhỏ, sắp xếp trong một không gian rất nhỏ như thế này, thế thì chúng ta nói đến thiết kế về cơ khí để nó sắp xếp các linh kiện, hàng nghìn linh kiện trong không gian nó nhỏ như thế này thì chắc chắn nó phải nắm vai trò rất là quyết định. Đó là thiết kế về cơ khí.

Cũng nói đến smartphone, thì nó là một thiết bị thông minh, nhỏ gọn. Nhỏ thế này mà giờ chúng ta thấy nó làm được đủ mọi thứ, vậy thì không thể không nói đến thiết kế mạch điện tử, nó là phần mạch điện tử ở trong này. Thế rồi mạch điện tử vẫn chưa đủ, mạch điện tử không có phần mềm, không có hệ điều hành thì nó không tạo ra chiếc smartphone của chúng ta.

Như vậy chúng ta thấy là trong smartphone nó phức tạp hơn là món phở chúng ta nói lúc nãy. Chiếc smartphone chúng ta sẽ có các công nghệ lõi xoay quanh, thứ nhất là thiết kế kiểu dáng, thứ hai là thiết kế cơ khí, thứ ba là thiết kế điện tử, thứ tư là thiết kế phần mềm.

Thế thì có nhiều lĩnh vực tham gia vào chiếc Smartphone này hơn và như vậy thì chúng ta nói về từng thứ. Vậy thì trong thiết kế về kiểu dáng thì công nghệ lõi là như thế nào? Mỗi một nhà sản xuất sẽ có một triết lý của mình. Tôi nói ví dụ như với Bkav thì triết lý thiết kế của Bkav là tối giản, đấy là triết lý tổng quát. Nhưng để đạt được thiết kế tối giản thì nó lại không hề đơn giản. Chúng ta sẽ phải thấu đáo được các phương pháp, các công thức trong việc thiết kế. Chúng ta sẽ phải làm chủ công nghệ trong việc về cơ khí để chúng ta có thể hiện thực hóa các thiết kế đưa ra. Thiết kế xong nhưng về là cơ khí không thể sắp xếp nổi các linh kiện thì chúng ta cũng phải chịu. Như là chúng ta có được công nghệ lõi về thiết kế cơ khí, có thể sắp xếp đến từng 0,1mm; 0,01mm thì chúng ta có thể gần như có thể nói là tất cả các nhu cầu về kiểu dáng đặt ra. Dĩ nhiên là cái yêu cầu về kiểu dáng đó là nó cũng phải thực tế chứ không phải trên trời.

Như vậy là chúng tôi có triết lí, chúng ta có các công thức. Sau nhiều năm chúng tôi làm việc, chúng tôi đã đúc kết được các công thức để có thể thiết kế ra được một thiết bị mà nó đáp ứng được thị hiếu của thị trường nhưng lại đáp ứng được các công năng

Chúng tôi có đội ngũ kĩ sư đã có nhiều năm kinh nghiệm thiết kế, công nghệ lõi ở đây không thể thiếu đó là đội ngũ kĩ sư nghiên cứu.

Tương tự như vậy, về cơ khí chúng ta cũng sẽ có công nghệ lõi về cơ khí.

Về thiết kế mạch điện tử, tôi nhớ ngày 2009 chúng tôi bắt đầu làm smartphone, có thể nói là đơn vị lần đầu tiên tại Việt Nam làm được. Sau đó 3 năm mới làm thành công phiên bản đầu tiên của bảng mạch điện tử với tốc độ cao như là ở trên smartphone. Có thể nói là đầu tiên ở Việt Nam làm thành công bảng mạch như vậy.

Và công nghệ lõi ở đây là các bí quyết, là các công thức, là các quy trình để chúng ta có thể thiết kế được những bảng mạch như vậy. Thiết kế mạch như vậy thì nó gọi là công nghệ lõi.

Các bạn sẽ thấy ở trên một bảng mạch điện tử thì nó có các con chip, con tụ, con trở. Tất cả những thiết bị đó chúng ta gọi là linh kiện hay nguyên vật liệu. Linh kiện hay nguyên vật liệu chế tạo con tụ, con trở có thể nó không giống như là chúng ta đang chế tạo smartphone. Có thể thiên về hóa học hay là thiên về vật lý, tức là công nghệ lõi về hóa học, vật lý để chế tạo ra con tụ, con trở đó. Chúng ta sẽ mua nó với tư cách như là một linh kiện, thậm chí chúng ta không cần biết họ chế tạo nó như nào.

Hay là ví dụ gần đây nhất cũng là lý do của buổi livestream ngày hôm nay, đó là trên thế giới đã diễn ra 1 vụ mua bán: Công ty Nvidia đã mua công ty ARM của Anh. Đây là một công ty thiết kế chip, tức là công ty họ sở hữu các bản thiết kế chip vi xử lý, các chip cho máy tính, cho điện thoại. Họ đang cung cấp các thiết kế của họ cho rất nhiều hãng trên thế giới. Ví dụ họ cung cấp cho Apple để làm ra chip dòng A, họ cung cấp cho Samsung để làm ra chip (Exynos), họ cung cấp thiết kế của họ cho Qualcomm để làm ra chip Snapdragon, hay là họ cung cấp thiết kế của họ cho MediaTek. Tất cả các đại gia trong lĩnh vực này đều xuất hiện trong danh sách đó. Tất cả những công ty này đều sử dụng thiết kế của hãng ARM. Thiết kế của hãng ARM này có đặc thù chúng ta có thể làm những con chip rất là nhỏ, các bạn có thể thấy trên Bphone, con chip này chỉ nhỏ cỡ bằng đầu ngón tay này của tôi nhưng nó có thể làm tất cả những tác vụ của con chip lớn nhất ở trên tay bằng đầu ngón tay cái.

Thế và các hãng như tôi nói mua thiết kế của hãng ARM và sau đó họ tùy biến nó để tạo ra các con chip như là chip A, chip Snapdragon... Và như vậy chúng ta có thể hiểu để chế tạo ra một chiếc smartphone thì công nghệ lõi của nhà sản xuất smartphone chưa chắc và thậm chí không hẳn là những công nghệ để thiết kế chip đâu và chip lúc đó là một loại linh kiện. Và các bạn thấy đấy các hãng có chip của mình cũng là mua thiết kế của hãng khác, trong trường hợp này là của ARM và họ có một chuỗi cung ứng là như vậy.

Sự quyết định đến chiếc smartphone như thế nào nó quyết định bởi thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí của nó, sắp xếp các linh kiện để cho nó tạo ra kiểu dáng như vậy, thiết kế các mạch điện tử. Mạch điện tử trong đó thì con chip chỉ là một phần thôi, còn rất nhiều những thứ khác trên mạch điện tử đó thì mới quyết định được chiếc điện thoại đó chạy như thế nào. Còn các nhà sản xuất đều có thể mua những con chip lớn nhất, tốt nhất từ những con chip tầm trung, chip cận cao cấp từ các nhà sản xuất khác về chip và không nhất thiết là cứ phải sản xuất chip của mình. Dĩ nhiên họ có thể sản xuất chip riêng của mình vì nhiều lý do: vì lý do tối ưu lợi nhuận, họ làm luôn từ A đến Z để lợi nhuận nhiều hơn, hay cũng có khi vì nhiều tính năng nhưng nó không mang tính quyết định vì các hãng chip họ cũng làm được điều đó. Đó cũng là những câu hỏi quan tâm đầu tiên của các bạn.

Minh Tuấn: Công nghệ lõi có mua được không và nếu mua được thì cần gì công nghệ lõi nữa?

Tôi nghĩ câu hỏi này rất là thú vị, tôi nghĩ câu hỏi này rất nhiều bạn cũng quan tâm và muốn hỏi. Công nghệ lõi có thể mua được không?

Các bạn có thể tự thấy thôi, mọi thứ đều có thể mua về cơ bản, về công nghệ. Vấn đề là mua nó như thế nào và mua nó với bao nhiêu tiền. Chúng ta thấy là vừa rồi hãng Nvidia mua hãng ARM với 40 tỷ đô la, đó là một con số khổng lồ về tiền. Một năm GDP Việt Nam đâu đó nay được 250 hay 300 tỷ đô thôi. Chứ đây họ mua một công ty như này họ mua đã gần 40 tỷ đô rồi. Hay là một ví dụ khác, gần với hãng smartphone hơn, tôi nhớ ngày trước Google có mua Motorola 18 tỷ đô, lúc ấy Motorola cũng là xuống dốc rồi chứ không còn thời hoàng kim nữa. Hay là gần đây hơn cũng Google đã mua một phần của HTC cũng đã là 1 tỷ đô la Mỹ.

Như vậy là chúng ta có thể mua, nhưng là với giá rất nhiều tiền, nhưng tiền không cũng chưa phải là quyết định. Hãng ARM vừa rồi có rất nhiều hãng nhòm ngó. Tất cả các hãng như Apple, hay là Samsung, Qualcomm, tôi tin là cũng nhòm ngó, muốn có phần sở hữu. Thế nhưng không hề dễ, cần phải có thời cơ nữa.

Chúng ta biết, trước khi ARM được bán cho Nvidia, nó thuộc hãng SoftBank của Nhật Bản với ông Son Masayoshi rất là nổi tiếng. Nhiều bạn trong giới công nghệ biết đấy. Thì SoftBank đã mua ARM từ trước đó với giá là 31-32 tỷ USD. Bây giờ họ bán lại 40 tỷ USD. Chẳng qua là ông Son vừa rồi ông ấy đầu tư hơi quá đà nên có nhiều thứ vượt ngoài tầm kiểm soát của ông ấy và ông phải bán bớt tài sản của ông ấy. Tôi được biết là đến nay ông ấy đã bán 90 tỷ USD rồi, trong đó 40 tỷ USD là bán hãng ARM. Thế thì cũng phải rất là hi hữu thì mới có thể mua được ngoài chuyện có tiền, không hề dễ để mua công nghệ lõi.

Quay về món phở nhớ, món phở các bạn có thể mua được công thức để làm được món phở Hà Nội: bạn hầm xương trong bao nhiêu lâu, mắm muối như thế nào, nhiệt độ đun như thế nào... bạn có thể mua được để tạo ra được món Phở Hà Nội nhưng đấy là bạn chỉ mua được thiết kế thôi, không phải là mua được kiến thức của nghệ nhân đã tạo ra món phở đó. Nếu có kiến thức đó thì không những tạo ra được món phở Hà Nội mà còn món phở khác, có đặc thù khác. Bạn có được công thức của món phở Hà Nội, chưa chắc bạn đã tạo ra được món phở khác ngon hơn, nói là thành công cũng chưa chắc.

Như vậy tương tự trong vấn đề này, chúng ta phải phân biệt giữa mua thiết kế và mua công nghệ lõi. Mua thiết kế thì chúng ta có bảng thiết kế đó giống như chúng ta có bản thiết kế của một ngôi nhà, chúng ta có thể xây ra những ngôi nhà giống hệt nhau. Nhưng người đã sở hữu thiết kế ngôi nhà đó cũng không dễ dàng thiết kế ra được một ngôi nhà khác đẹp hơn. Và lúc đó muốn mua phải mua ông kiến trúc sư, mua đội ngũ của ông kiến trúc sư, tức là mua cái kiến thức của ông đấy nữa. Vậy thì mua công nghệ lõi nó không đơn giản chỉ là công thức, nó còn là đội ngũ, nó là kinh nghiệm đã đúc kết của người ta. Cho nên các bạn thấy vừa rồi Nvidia mua cả công ty ARM chứ không có chuyện là mua một thứ công thức nào đó của ARM, nó còn là văn hóa của công ty đó nữa thì mới tạo ra được công nghệ lõi.

Tương tự như vậy, như là Google vẫn phải mua một phần, bộ phận của HTC. Trước đây họ vẫn thuê HTC gia công nhưng khi HTC họ kém xuống họ đành phải bán một phần để có tiền, để làm việc khác. Và Google họ mua là phải mua cả đội đấy thì mới có thể tạo ra được chiếc smartphone của riêng mình. Chúng ta phải phân biệt mua công nghệ lõi là phải có rất nhiều tiền và phải có cơ hội, đặc biệt là mua cả đội ngũ thì mới gọi là sở hữu công nghệ lõi một cách đúng nghĩa. Nhưng nó rất khác với việc mua thiết kế của một thiết bị.

Vậy thì câu hỏi của bạn là: "Nếu mua được thì cần gì đầu tư cho công nghệ lõi nữa?". Đúng rồi, nếu bạn có rất nhiều tiền, ví dụ như lĩnh vực smartphone, bạn muốn mua công nghệ lõi thì bạn phải bỏ hàng chục tỷ USD để bạn mua. Tôi nói ví dụ, ngày trước là Nokia bán rất là kém rồi, Google mua Motorola là 10 tỷ USD, tức là rất là nhiều tiền và đều là những lúc người ta đã xuống dốc rồi chứ không phải ở những lúc thành công.

 

Nguyễn Chi Dương: Các công nghệ của mình có được đăng ký bản quyền không?

Dĩ nhiên rồi, nếu các bạn là fan của Bphone từ 2015 thì biết thiết kế của Bphone 1 có từ 2009, 2010 chúng tôi đã nộp lên Cục sở hữu trí tuệ về thiết kế của Bphone 1. Mọi người cầm đến nay vẫn nói là nó không hề cũ, 11 năm rồi nó không hề cũ. Chúng tôi đã nộp lên Cục sở hưu trí tuệ vào cuối 2009, đầu 2010. Những hãng đã làm ra những thiết bị gốc, sở hữu những công nghệ lõi thì hiển nhiên việc đăng ký sở hữu trí tuệ đó là bản năng của họ rồi. Trong đó có Bkav thì tất cả các công nghệ lõi chúng tôi đều phải đăng ký bản quyền, vì nó là riêng mình có, không ai có cả.

Anh có định bán công nghệ của Bkav cho các hãng khác không?

Các bạn thấy đấy, trên thị trường giao dịch quốc tế, các hãng đều có thể cho phép các hãng khác sử dụng các sáng chế của mình với điều kiện là có thể là những thỏa thuận hợp tác hay là thỏa thuận mua bán. Việc đấy hoàn toàn có thể xảy ra.

Lê Mạnh Khoa: Sao bác không làm một chiếc điện thoại flagship thật sự, dùng chip 865+ hay 875, dùng một công nghệ cao cấp nhất để chứng minh tôi ngang hàng với mấy ông.?

Rất cảm ơn bạn Lê Mạnh Khoa, bạn gọi tôi là bác chắc là bạn còn ít tuổi nhưng suy nghĩ của bạn thực sự chín chắn đấy. Đây cũng là trăn trở của chúng tôi.

Các bạn biết tôi dùng Bphone 1. Chúng tôi sử dụng chip đầu 8, flagship. Tại thời điểm Bphone 1 ra mắt thì chip 801 vẫn là chip flagship nhất tại lúc đó. Vài tháng sau, Qualcomm mới ra phiên bản tiếp theo. Ngay từ phiên bản đầu tiên chúng ta đã có thể làm ra những chiếc flagship rồi. Việc đó là trong tầm tay khi chúng ta có công nghệ lõi thì những việc đó là đơn giản. Chiến lược của Bkav sau khi chiếc Bphone 1 ra mắt thì chúng tôi mới định hình được rõ hơn là chúng tôi sẽ làm thiết bị cận cao cấp trước: B2, B3, B86 gần đây. Thiết bị cận cao cấp là thiết bị nếu như tính về công năng sử dụng và giá là tối ưu nhất cho người sử dụng. Chắc chắn là như vậy. Với mức giá như vậy bạn không thể có được các thiết bị chống nước, tính năng phần cứng, phần mềm, thiết kế nhôm kính với cùng mức giá như vậy. Đây là chúng ta không nói hàng xách tay nhé. Hàng xách tay thực chất là hàng buôn lậu và sắp tới luật mới của Việt Nam sẽ xử phạt rất nặng những người mang hàng buôn lậu đấy về. Chúng ta không nói chuyện về hàng buôn lậu nhé, chúng ta chỉ nói về hàng chính hãng.

Với phiên bản cận cao cấp, nó là phiên bản đáng để dùng nhất. Nhưng câu chuyện về thương mại, nó không đơn giản là thiết bị đáng sử dụng thì mọi người sẽ công nhận như vậy. Tôi đánh giá rất cao bạn Khoa, đúng là nếu như tôi làm thiết bị flagship cấu hình cao nhất thì sẽ không có ai có thể nói điều tiếng nào nữa cả. Nhưng vì chúng tôi muốn làm ra thiết bị hữu dụng, nó tận dụng được tối đa năng lực với cùng một mức tiền như vậy để mọi người sử dụng, thì chúng tôi mới làm thiết bị cận cao cấp. Từ thiết bị cận cao cấp thì chúng ta có thể làm thiết bị ở phân khúc thấp hơn và chúng ta cũng có thể làm được những thiết bị ở phân khúc flagship.

Các bạn hỏi thế này thì tôi cũng tiết lộ là phiên bản sắp tới của Bphone sẽ là flagship. Và chúng tôi đang xúc tiến mấy tháng nay rồi. Chip đầu 8 sẽ xuất hiện trong phiên bản sắp tới. Rất là cảm ơn bạn Khoa đã chia sẻ. Đúng, khi chúng ta làm như vậy thì mọi người sẽ ghi nhận nó dễ dàng hơn và bây giờ đã đến lúc để chúng ta làm điều đó rồi.

Mai Minh Cường: Sở hữu công nghệ lõi là việc của chính phủ hay của doanh nghiệp? Nếu chỉ ở phía doanh nghiệp thì có quá sức không?

Đây có lẽ là Bfan nên có tìm hiểu rất là kỹ về Bphone. Tôi nghĩ đây cũng là một câu hỏi khá thú vị.

Đúng. Các bạn biết đấy, các quốc gia phát triển bởi công nghệ mà chúng ta biết, chẳng hạn như Nhật Bản, Hàn Quốc, trước đây là Đài Loan (Đài Loan là một nền kinh tế) và gần đây nhất là Trung Quốc. Các nước đó họ đã sở hữu công nghệ lõi, vì vậy nên lĩnh vực công nghệ của họ đang rất phát triển, góp phần làm cho các nước này trở thành các nước phát triển. Nhật Bản, Hàn Quốc, thậm chí gần đây là Trung Quốc, họ có công nghệ lõi và họ có một đặc thù là đứng sau các công ty sở hữu các công nghệ lõi là chính phủ các nước đó. Tôi được biết, chẳng hạn như chính phủ Hàn Quốc, họ có hẳn một chiến dịch trong nhiều chục năm vừa qua để các công ty của họ có thể sở hữu được các công nghệ lõi. Tôi lấy ví dụ như về ngân hàng, Hàn Quốc có hẳn một ngân hàng công nghiệp, ngân hàng này chuyên sử dụng vốn của nhà nước để cho vay các công ty công nghệ, để họ có thể sử dụng vốn đó theo cách khác các công ty truyền thống sử dụng. Bởi vì lĩnh vực công nghệ rất khác với các công ty truyền thống.

Ví dụ như công ty bất động sản, người ta xây ra một móng nhà thì người ta có thể đưa vào ngân hàng để thế chấp móng nhà đó, họ chỉ bỏ một đồng vào nhưng sau đó họ có thể có cả trăm đồng để xây các tòa nhà cao tầng lên. Thế nhưng đối với công ty công nghệ thì bạn phải bỏ vào cả một trăm đồng đấy, đặc biệt ở Việt Nam là bạn không thể được vay đồng nào cả. Thế nhưng một số nước họ đã trải qua nền công nghiệp rồi, họ có chủ trương rất lớn từ chính phủ. Như tôi nói, chẳng hạn như Hàn Quốc họ có hẳn một ngân hàng công nghiệp để cho các công ty này vay. Và các công ty này, sau đó họ đã sở hữu các công nghệ lõi như chúng ta đã thấy, tạo nên sự phát triển.

Hay là như Trung Quốc, họ đưa ra các luật, họ yêu cầu các công ty công nghệ vào thị trường Trung Quốc là phải chuyển giao công nghệ cho các công ty của Trung Quốc. Và đấy cũng là một trong những lý do vừa rồi ông Trump “đánh” các công ty Trung Quốc. Cũng là một phần vì lý do như vậy. Tức là trước đây, luật của Trung Quốc là yêu cầu các công ty vào phải chia sẻ công nghệ và do đó các công ty Trung Quốc họ có công nghệ lõi từ những việc đó.

Thế thì, chúng ta cũng phải thấy rằng, những nước tôi kể đều là những cường quốc. Họ có thể làm những điều như vậy. Thế nhưng Việt Nam chúng ta có hoàn cảnh rất khác. Chúng ta có hàng ngàn năm chiến tranh triền miên, chúng ta mới chỉ thoát khỏi chiến tranh mấy chục năm gần đây, và trong điều kiện phức tạp của kinh tế - chính trị - xã hội. Thế thì chúng ta chưa có điều kiện để trải qua một nền công nghiệp phát triển, chúng ta chưa bao giờ trải qua. Phải nói thẳng thắn như vậy. Cho nên, ở Việt Nam, kể cả là ở chính phủ, chúng ta chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc này. Cho nên, việc đó phải ở cả chính phủ, ở cả các doanh nghiệp như chúng tôi – là những người tự nhận mình là những người tiên phong, tiên phong bằng sự nỗ lực của mình. Chúng ta cũng có thể làm được điều đó. Và chúng ta, như chúng tôi chẳng hạn, không trông chờ quá nhiều vào phía nhà nước bởi vì điều kiện hoàn cảnh của chúng ta là chưa trải qua một nền công nghiệp nào và kinh nghiệm của nhà nước về những vấn đề này cũng chưa nhiều. Thì nó phải bắt đầu từ những doanh nghiệp, nó mới khơi vấn đề lên.

Chẳng hạn như gần đây, với những vấn đề của Bkav chúng tôi đã khởi xướng ra ngành công nghiệp sản xuất smartphone. Theo đó thì các chính sách của nhà nước cũng bắt đầu cởi mở, bắt đầu hỗ trợ hơn rất nhiều. Tuy tôi nghĩ rằng vẫn còn rất nhỏ bé so với những nước như Hàn Quốc, Trung Quốc họ đã có. Nhưng tôi nghĩ là mỗi này sẽ một tốt hơn. Chẳng hạn như hôm trước tôi có chia sẻ là tôi có được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc mời uống trà cùng các anh em startup. Điều đó cũng cho thấy sự cởi mở và sắp tới tôi tin rằng chắc chắn sẽ có nhiều sự hỗ trợ - hỗ trợ ở đây là bằng cơ chế nhé, chúng tôi cần cơ chế - để chúng ta có thể xây dựng thành công ngành công nghiệp sản xuất smartphone này. Như vậy thì không hề quá sức.

Hoặc ở Mỹ, lịch sử nước Mỹ tạo ra bởi các doanh nghiệp. Nó không hề quá sức, nó tạo ra bởi các doanh nghiệp. Nếu trong trường hợp này là từ những doanh nghiệp như HP, Intel, sau đó là Microsoft, rồi IBM… Lịch sử của các đất nước phát triển bằng công nghệ đích thực được hình thành bởi các doanh nghiệp. Cho nên chúng ta cứ nhận sứ mệnh đó, tôi nghĩ không vấn đề.

Đình Phong: Bkav đang sở hữu những công nghệ lõi gì?

Vừa nãy tôi có nói, trong smartphone, từ thiết kế chúng tôi phải có triết lý thiết kế của mình, có các quy trình của đội ngũ thiết kế để có thể tạo ra những thiết kế như mong muốn. Giống như món phở ấy, phải có công thức để tạo ra món phở đó, hay là kiến trúc sư phải có công thức, có trình độ, có kinh nghiệm để có thể tạo ra. Hay là chúng tôi về thiết kế điện tử chẳng hạn, chúng tôi đang sở hữu những công nghệ về thiết kế mạch cao tần, với hàng nghìn linh kiện rất nhỏ. Trong diện tích nhỏ như vậy nhưng nó có thể chạy với tốc độ rất cao. Đặc biệt là về phần mềm, Bkav xuất phát là công ty phần mềm, chúng tôi sở hữu rất nhiều các công nghệ, các sáng chế về phần mềm.

Tôi có thể nói qua, chẳng hạn như công nghệ trí tuệ nhân tạo. Các bạn biết đấy, công ty đầu tiên trên thế giới đưa ra khái niệm Camera AI là Bkav và nó có ở trên Bphone 2017. Các bạn có thể search trên internet các bạn sẽ thấy, công ty đưa ra Camera AI đầu tiên là Bkav với Bphone 2017. Và rõ ràng bây giờ chúng ta thấy tất cả các hãng đều không thể thiếu Trí tuệ nhân tạo AI trong camera của mình. Đó, thì chúng ta đã sở hữu các công nghệ lõi về trí tuệ nhân tạo cho camera. Từ đó chúng ta sẽ có những công nghệ khác, như công nghệ chụp ảnh macro chẳng hạn. Đấy các bạn biết không, bây giờ gần như smartphone nào theo trend, cũng phải trang bị ống kính macro. Nhưng rõ ràng, có thể nói chưa hãng nào có khả năng chụp macro có thể so với sMacro của Bphone. Chúng ta cứ đem ảnh ra so là thấy ngay. Và rất nhiều người còn tưởng những ảnh chụp sMacro của Bphone là phải dùng ống kính, dùng lens. Nhưng không hề. Đấy là niềm tự hào. Và chúng ta cũng là công ty đầu tiên thúc đẩy mạnh mẽ việc chụp ảnh macro và sau đó bây giờ thì tất cả các hãng đều có chụp ảnh macro. Đó là công nghệ lõi.

Hay là gần đây chúng ta có chụp khoảnh khắc. Để chụp được bức ảnh như Bphone chụp, trước đây để làm các quảng cáo thì người ta sẽ phải dùng các máy ảnh chuyên nghiệp, cộng với những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp, phải làm thậm chí trong nhiều ngày, trong nhiều tuần mới có thể chụp được những bức ảnh như vậy. Nhưng với Bphone, một người bình thường cũng có thể làm được một cách đơn giản. Nếu không có công nghệ lõi, không có bí quyết, quy trình, công thức để làm ra các công nghệ điện toán như vậy thì bạn sẽ không thể nào làm được công nghệ đó đâu.

Hay như về thiết kế cơ khí, các bạn biết Bphone 3 vào thời điểm đó tất cả các thiết bị smartphone đều có viền trên viền dưới rất dày, đặc biệt là những thiết bị sử dụng màn hình LCD. Nhưng chúng ta đã sở hữu Bphone 3 với viền rất mỏng, viền đều xung quanh rất mỏng mà chúng ta gọi là “không cằm”. Sau đó, chúng ta thấy rất tự hào khi các thiết bị của Sony đã thiết kế như vậy. Hay thiết bị của Google – Pixel 3 – cũng thiết kế theo phong cách như vậy. Muốn làm được như vậy thì chúng ta phải sở hữu những quy trình về thiết kế, những công nghệ về thiết kế cơ khí để có thể sắp xếp được những linh kiện đạt mức độ [viền] đều và mỏng như vậy.

Trần Huỳnh Thái: Bác Quảng có ra sản phẩm trong phân khúc giá rẻ không?

Nếu kế hoạch không thay đổi thì cuối năm nay chúng ta sẽ có một phiên bản Bphone giá rẻ để phủ được nhiều phân khúc. Kế hoạch của chúng tôi là từ các phiên bản Bphone hằng năm là phiên bản cận cao cấp thì chúng ta sẽ có các phiên bản giá rẻ và flagship như tôi đã nói lúc trước.

Trần Văn Đạt: Anh có kế hoạch kết hợp với một tập đoàn nào đó để phát triển Bphone không?

Thực ra, nói về câu chuyện kết hợp, nếu các bạn theo dõi Bphone thì các bạn biết đấy, chúng tôi ở đây không đơn thuần là để sản xuất ra Bphone đâu. Chúng tôi muốn xây dựng ra một ngành công nghiệp sản xuất smartphone do người Việt Nam làm chủ. Và với cách như vậy, thì chúng ta sẽ hạn chế được nhập khẩu, chúng ta sẽ làm chủ được nhiều công nghệ lõi trong smartphone. Smartphone thì các bạn biết nó là tinh hoa của ngành công nghệ. Các bạn thấy không, những hãng lớn nhất thế giới, chẳng hạn như hiện nay Apple là công ty lớn nhất thế giới, là các hãng sản xuất smartphone. Hay Hàn Quốc có Samsung, Huawei của Trung Quốc, là những công ty lớn nhất của các đất nước đó. Thế thì, rõ ràng nếu chúng ta thành công, có chỗ đứng trên thị trường, dựa vào những công nghệ lõi đích thực chúng ta làm chủ, thì hoàn toàn chúng ta có thể làm “hình mẫu” để cho các lĩnh vực công nghệ khác của đất nước phát triển. Để đất nước Việt Nam trở nên hùng cường thì chúng tôi phải bắt đầu từ những công việc rất cụ thể, đó là ngành công nghiệp sản xuất smartphone.

Trong quá trình làm, chúng tôi đã từng liên hệ để làm việc với một số công ty, tập đoàn khác ở Việt Nam, để cùng phối hợp làm việc đó. Tuy nhiên, chúng tôi thấy không cùng tiếng nói, bởi vì phần lớn các công ty ở Việt Nam xuất phát từ lĩnh vực bất động sản. Bất động sản thì không xấu, nhưng rõ ràng từ bất động sản để làm về công nghệ thì rất khác nhau. Để sở hữu công nghệ lõi, phải là các kỹ sư đam mê nghiên cứu, bằng cách tổ chức bài bản, bằng những khát khao, khát vọng thì mới có thể sở hữu được những công nghệ lõi. Với cách tiếp cận về thương mại sẽ phá hỏng triết lý đó và sẽ không thể có công nghệ lõi. Nếu không có công nghệ lõi thì các bạn cũng biết rồi đấy.

Ở Việt Nam cũng từng có nhiều công ty sản xuất smartphone, tôi không tiện nêu tên, trong hơn chục năm qua họ cũng từng có lúc chiếm 5% hoặc mười mấy phần trăm thị phần. Thế nhưng cuối cùng bây giờ họ đều thất bại và không còn có trên thị trường nữa. Chắc các bạn cũng biết đó là những công ty nào. Bởi vì họ không sở hữu công nghệ lõi, hoặc sở hữu công nghệ không thực sự là công nghệ lõi. Tại vì như vậy nên các bạn theo dõi Bkav sẽ thấy, chúng tôi cần đến sáu năm rưỡi để có thể sở hữu các công nghệ này. Đó là tính từ khi chúng tôi bắt đầu làm cho đến 2015 khi xong thiết bị đầu tiên, là lúc chúng tôi có thể nói là sở hữu các công nghệ lõi trong lĩnh vực. Như khi nãy tôi nói rồi, nó không đơn giản chỉ là mua, mà nó phải là cả một bộ máy, là văn hóa của một doanh nghiệp, văn hóa của những người có khát khao thì mới có thể sở hữu được công nghệ lõi. Nếu không thì nó có thể sẽ giống như trước đây, khi nhiều công ty, nhiều tập đoàn đã bỏ cuộc.

Chu Văn Trung: Cách làm màn hình tràn đáy trên Bphone có giống như cách Apple làm màn hình tràn đáy trên iPhone hay không? Cách làm nào khó hơn?

Bạn nói đúng đó. Thường là câu chuyện của Apple sẽ thu hút mọi người hơn câu chuyện của các hãng khác. Cụ thể ở đây, để làm màn hình tràn đáy, iPhone X có thể nói là thiết bị đầu tiên trên thế giới có màn hình tràn đáy, tức là nó đều 3 cạnh và làm cho chúng ta có cảm giác tràn đáy. Thế nhưng, vấn đề là họ bán ở phân khúc cao, họ bán với giá gần gấp đôi Bphone và ngày đó họ sử dụng màn hình OLED, màn hình OLED có thể dễ để làm việc đó. Nhưng với màn hình LCD IPS, để làm được tràn đáy thì câu chuyện phức tạp hơn rất nhiều. Các bạn nghe câu chuyện của Apple để làm ra màn hình tràn đáy như vậy thì họ cũng phải tạo ra công nghệ lõi. Đó là về cơ khí, họ có những thiết kế các mạch FLEX cộng với màn hình LCD đặc biệt, các kỹ sư cơ khí của họ đã phải làm những việc như vậy. Và cả thế giới đã đem ra mổ xẻ điều đó.

Câu chuyện về Bphone cũng không khác, tuy nhiên tất nhiên là chúng ta nhỏ hơn họ nên mọi người sẽ không để ý nhiều. Các kỹ sư của Bkav cũng phải mổ sẻ đến từng mm của màn hình LCD, các bạn nhớ là như vậy nhé. Để tạo ra màn hình IPS LCD chúng ta vẫn có được thiết kế tràn đáy. Nói là khó với dễ thì cũng khó để so sánh nhưng tôi tin rằng nó không hề kém như vậy, không hề khác câu chuyện của họ đâu. Tuy vậy, dù thế nào thì họ cũng đã thành công hơn rồi, họ đã là người làm trước thì thế giới biết đến nhiều hơn. Chúng ta phải kiên trì thôi, dần dần thì thế giới cũng sẽ biết đến chúng ta thôi.

Lương Xuân Cường: Nếu nắm các công nghệ lõi thì chúng ta có thể thực sự nắm thế chủ động trong cạnh tranh và phát triển ?

Đấy như mình đã nói, nếu mua thiết kế thì chúng ta có thể mua thiết kế một ngôi nhà chúng ta có thể làm ra một ngôi nhà giống hệt như thế nhưng chúng ta muốn một ngôi nhà khác, phong cách khác thì chúng ta không thể sử dụng thiết kế đó để sửa đâu. Chúng ta phải mua đội ngũ thiết kế, đó là cả một vấn đề. Vì thế tôi nói ngay từ lúc đầu, như Google họ phải mua Motorola lúc đã kém xuống rồi với giá 10 tỷ đô la, hay Google vừa rồi cũng mua một bộ phận nhỏ của HTC để về sở hữu các công nghệ lõi về thiết kế. Đấy là đã phải trả một tỷ đô la rồi. Không hề là đơn giản. Trong khi đó, một số quốc gia nổi tiếng như Singapore, Luxembourg, Hà Lan không nổi tiếng trong việc sở hữu công nghệ lõi. Ở đây có mâu thuẫn gì không?

À như thế này, nãy tôi có nói nấu món phở cũng cần công nghệ lõi. Như Singapore không phải họ không có công nghệ lõi đâu. Họ không nhiều công nghệ lõi như chúng ta biết thôi. Nhưng Singapore phát triển được là do họ đã làm công nghệ lõi rất tốt, họ làm quốc gia trung chuyển cho cả khu vực này. Tất cả ở đây chúng tôi có hơn 200 công ty phụ trợ cho Bkav để làm Bphone thì phần lớn các công ty đó đều có Văn phòng đại diện ở Singapore. Công ty đó có thể ở Châu Âu, Hàn Quốc, Hồng Kông… nhưng đại diện của họ lại ở Singapore. Thế thì đó công nghệ lõi của Singapore là như thế nào, đó là bí quyết là quy trình của họ để làm một đất nước trung chuyển cho các nước khác. Họ có cơ chế, quy định, pháp luật hỗ trợ thuận lợi cho các công ty làm đại diện ở đó hay trung chuyển của cả khu vực châu Á này. Công nghệ lõi của họ nằm ở đó chứ không phải là ở smartphone hay thứ gì khác. Thường các nước nhỏ như singapore phải bằng những cách như vậy chứ không hẳn là công nghệ. Các nước lớn, dân số nhiều thì họ sẽ làm những công nghệ kiểu như chúng ta đang làm. Ví dụ như: Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc hay Hàn Quốc…thì là những công nghệ về sản xuất. Các bạn thấy không, các nước có dân số lớn muốn thực sự phát triển thì phải bằng công nghệ, bằng sản xuất.

Hay có nhất thiết phải nắm các công nghệ lõi mới phát triển phải không? Phải có. Như tôi đã nói đấy phải nắm công nghệ lõi như Singapore đấy.

Muốn tham gia vào lĩnh vực sản xuất smartphone của Bkav thì học đại học ngành gì?

À, như tôi thì tôi học Bách khoa Hà Nội ngành Công nghệ Thông tin, có thể nhiều ngành khácđều có thể làm được nhưng tôi nghĩ đúng chuyên ngành thì tốt hơn thôi.

Lâm Bảo: Cụm từ Designed by để chứng minh do chính mình thiết kế?

Cảm ơn bạn đã nhắc, chúc tôi thực sự rất tự hào với Designed by Bkav.

Đó trên thế giới các bạn thấy không nhiều hãng có dòng chữ này đâu. Thế thì ngay từ đầu chúng ta đã tìm hiểu công nghệ lõi trong lĩnh vực công nghệ cao đó là thiết kế. Chúng ta vẫn phải quay lại câu chuyện là hãng ARM với 40 tỷ đô được Nvidia mua, hãng này cung cấp thiết kế con chip cho tất cả các hãng khác trên thế giới, có thể nói là như vậy. Tức là họ chỉ có thiết kế thôi, họ không hề có một nhà máy nào cả, họ cũng không sản xuất trực tiếp ra một con chip nào cả, họ đơn giản chỉ ngồi trên máy tính thiết kế các con chip.

Tương tự như vậy bây giờ để sản xuất smartphone kỹ sư của chúng tôi cũng như vậy thôi, kiểu dáng bây giờ có phải như ngày xưa đâu dùng bút màu thước kẻ đâu, cũng có nhưng mà rất ít thôi, chủ yếu bây giờ các bạn ý là thiết kế trên máy tính. Thiết kế cơ khí cũng vậy, điện tử cũng vậy ngồi trên máy tính gõ bàn phím, di con chuột nhưng họ phải là người có kiến thức, có văn hóa của những người làm R&D. Thế thì rõ ràng những người có thể làm như vậy thì tôi rất tự hào. Bphone những ngày đầu tiên các bạn thấy đấy. Bphone 1 Designed by Bkav và Made in Vietnam. Nói tôi không khỏi xúc động. Sáu năm rưỡi chúng tôi mới có thể ghi được dòng chữ này lên đây. Và hàng trăm người bỏ ra rất nhiều tiền để có được dòng chữ Designed by Bkav và Made in Vietnam. Như vậy những nhà sản xuất rất tự hào và họ không thể bỏ qua cơ hội để ghi dòng chữ đó lên đâu.

Nguyễn Nam: Chip Kirin là công nghệ lõi của Huawei nhưng cũng không thể vượt qua lệnh cấm của Mỹ vì thế anh Quảng có phương án nào để vượt qua không?

Đây câu hỏi tôi thấy thú vị đấy!

Nhiều người lo lắng vì ông Trump ra lệnh cấm Huawei thì giờ khả năng là Huawei sụp đổ như Nokia trước đây. Đấy là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Thế thì, dân gian có câu ‘Lo bò trắng răng’. Đây câu chuyện không chỉ đơn thuần là một công ty nào đó đâu. Tôi khẳng định là không có công ty nào có thể được phép làm mọi thứ như vậy và cũng không nên làm như vậy.

Tôi lấy ví dụ: lúc trước Huawei chế tạo con chip. Người Trung Quốc chắc chắn rất tự hào về điều đó nhưng bây giờ mới vỡ lẽ ra là rất nhiều thứ bị phụ thuộc và ngay cả Mỹ, bây giớ muốn làm từ A-Z một con chip cũng không đơn giản như thế đâu. Tôi nghe nói có một công nghệ mà họ cắt các miếng silicon để tạo ra các transistor trên con chip. Nó là công nghệ cực kỳ nhỏ, trên đó có hàng tỷ transistor. Thì đó là những công nghệ cắt rất tinh vi mà trên thế giới chỉ có hai công ty sở hữu công nghệ đó. Một công ty ở châu Âu, một công ty ở Nhật Bản. Thế thì nếu giả sử có chiến tranh, có đánh nhau, những công ty đó không cung cấp cho Mỹ nữa thì Mỹ cũng chịu không làm được chip đâu các bạn.

Cũng giống như là Huawei hiện nay đang bị cấm vận. Thế nên là bạn cũng đừng kỳ vọng là làm chủ hết để đừng bị đánh như ông Huawei. Đánh như Huawei nó còn là cuộc thương chiến giữa hai nước lớn. Còn chúng ta một đất nước ưa chuộng hòa bình, chúng ta đã trải qua quá nhiều những năm tháng chiến tranh nên chúng ta sẽ không thể để xảy ra điều đó nữa và vì vậy Việt Nam là nước cởi mở với tất cả các nước trên thế giới nên không có câu chuyện sẽ bị cấm như Trung Quốc đâu. Chẳng qua là do Trung Quốc từng cấm các công ty của Mỹ như Google hay Facebook, thì giờ Mỹ cấm các công ty Trung Quốc. Còn Việt Nam là một nước trung lập, thực ra tôi chia sẻ với các bạn những khó khăn của chúng tôi cũng đến một phần do chúng ta là đất nước trung lập, chúng ta làm bạn với tất cả các nước, nên chúng ta tham gia tất cả các hiệp định quốc tế. Bkav tuân thủ tất cả các hiệp định đó. Chúng ta không có bất kỳ một cái độc quyền nào. Các công ty nước ngoài cũng thuận lợi hơn các công ty trong nước nên chúng tôi phải vượt qua tất cả khó khăn đó để có thể làm chủ công nghệ lõi, để có thể sản xuất những thiết bị như thế này và chúng tôi không kêu ca và các bạn thấy nó sẽ có giá trị sau này.

Tôi hay lấy ví dụ với đội ngũ của chúng tôi rằng các em khó khăn đừng có ngại giống như các em trong lĩnh vực thể thao. Để đạt thành tích cao, các bạn ấy còn đeo chì vào chân để tập chạy, nhảy. Đến khi bỏ chì ra các bạn ấy sẽ thành người khổng lồ. Thế thì, chúng tôi chấp nhận như vậy. Đất nước Việt Nam chơi với các nước, không độc đoán với bất kỳ nước nào. Chúng ta chấp nhận xuất phát chậm, khó khăn nhưng bằng công nghệ, chúng ta hoàn toàn có thể sở hữu các công nghệ lõi không khác các công ty hàng đầu thế giới và khi đã sở hữu rồi chúng ta hoàn toàn có thể cạnh tranh sòng phẳng, đến lúc thành công. Các bạn thấy không, chúng ta rèn luyện trong một trường khó hơn, giống như các bạn vận động viên ấy, đeo chì vào chân ấy thì chúng ta có khả năng vượt được họ. Đấy là ý chí, là khát vọng của chúng tôi. Và thực sự chúng tôi đã phần nào làm được việc đó. Và ở đây tôi tin nhiều bạn là Bfans, là những người đang sử dụng Bphone cũng đồng cảm với tôi về điều đó.

Chúng ta có thể hòa bình với tất cả các nước. Sau này, chúng ta đứng đầu thế giới thì chúng ta không ngại ai đánh chúng ta cả, chúng ta là bạn của họ. Và cụ thể, hiện nay Bkav đang phối hợp rất chặt chẽ với Mỹ. Các bạn không lo, Mỹ là nước số một thế giới, thì Bkav là đối tác chặt chẽ với công ty Mỹ như Qualcomm. Như sáng nay tôi có cuộc họp với Qualcomm và một công ty thương mại ở thị trường Mỹ để cung cấp smartphone vào thị trường Mỹ. Ví dụ như vậy là chúng ta đang có tín hiệu rất tích cực trong thị trường đó. Chia sẻ một chút là như vậy!

Bkav có bao giờ có ý tưởng chia sẻ những công nghệ lõi cho những công ty sản xuất phụ trợ ở Việt Nam hay không, công ty nhỏ nhưng đó có lẽ mới là bền vững?

Thực tế trong 200 công ty phụ trợ cho Bkav thì có rất nhiều công ty là của Việt Nam và chúng tôi đều chia sẻ với họ công nghệ lõi trong lĩnh vực của họ. Bởi vì chúng tôi với tư cách là một nhà sản xuất smartphone thì chúng tôi có điều kiện về R&D, công nghệ cao nhiều hơn. Chúng tôi không những chuyển giao công nghệ để họ có thể sản xuất cùng với chúng tôi, chúng tôi còn cùng với họ nghiên cứu những công nghệ của họ trong lĩnh vực của họ. Đã nhiều công ty là chúng tôi đã hỗ trợ cho việc đấy.

Vai trò của các viện nghiên cứu, các nhà khoa học trong việc sở hữu các công nghệ lõi của doanh nghiệp có lớn không và như thế nào?

Đúng là như vậy. Ví dụ như ở Mỹ, thung lũng silicon xuất phát từ một trường đại học. Từ trường đại học đó sản sinh ra các công ty.

Tôi cũng rất tự hào vì Bkav là một công ty sinh ra từ trường đại học, cụ thể ở đây là Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Thung lũng silicon xuất phát từ các trường đại học. Chính những công ty như vậy tạo ra văn hóa là những người kỹ sư là những người miệt mài vì công nghệ, vì niềm đam mê là chủ yếu và bằng các biện pháp bài bản họ có thể tạo ra những sản phẩm cho cả thế giới. Rõ ràng là các trường đại học đóng vai trò quyết định. Và ở Việt Nam các trường đại học cũng đóng vai trò quyết định.

Bkav chúng tôi khởi sướng ra ngành công nghiệp sản xuất smartphone tại Việt Nam, thì chúng tôi cũng xuất phát từ trường đại học và phần lớn các kỹ sư, chuyên gia của chúng tôi hiện nay cũng tốt nghiệp từ các trường đại học công nghệ của Việt Nam như Đại học Bách Khoa Hà Nội, Đại học Công nghệ và các trường đại học công nghệ khác. Chắc chắn rồi, các trường đại học đóng vai trò rất then chốt.

 

Bkav có đầu tư vào viện nghiên cứu và nhà khoa học không?

Hiện nay chúng tôi có hợp tác với tất cả các trường đại học tại Việt Nam. Các trường đại học thường sẽ nghiên cứu lý thuyết và hàn lâm nhiều hơn. Nhưng ở doanh nghiệp cũng có những yêu cầu mang tính hàn lâm nhưng có thể đưa ra ứng dụng ngay. Tại Bkav, chúng tôi có hai viện nghiên cứu là Viện Công nghệ AI và Viện Công nghệ Phần mềm. Những Viện này được tự do nghiên cứu các ý tưởng thành các công nghệ và không phụ thuộc vào việc các công nghệ có làm ra tiền ngay hay không hay là có ra sản phẩm ngay hay không để họ có thể tự do sáng tạo. Có thể nói đó là hình ảnh đặc thù của Bkav từ các trường đại học sinh ra.

Việc sở hữu công nghệ lõi thì giúp Bkav có những lợi thế cạnh tranh như thế nào với các hãng sản xuất smartphone khác?

Như từ nãy tới giờ chúng ta đã nói, các bạn sẽ thấy các công ty đang thành công trong lĩnh vực công nghệ như Apple, Samsung hay gần đây là Huawei, các bạn sẽ thấy họ đều sở hữu những công nghệ lõi, có đội ngũ kỹ sư, văn hóa về công nghệ rất là đặc thù. Xuất phát điểm của họ là như vậy. Và vì có như vậy mà họ có năng lực cạnh tranh lớn. Họ có thể sáng tạo ra những sản phẩm đặc biệt thay vì họ chỉ đặt hàng và làm những sản phẩm giống giống nhau thôi, khó có thể tạo ra đột phá. Muốn đi đường dài, muốn phát triển bền vững thì phải sở hữu công nghệ lõi.

Công nghệ lõi có vẻ là cuộc chơi của những ông lớn, về tiền, nhân sự, kỹ sư, nhà khoa học, v.v. So với các tập đoàn hàng đầu thế giới thì Bkav nhỏ bé hơn nhiều. Điều này sẽ gây khó khăn thế nào cho Bkav nói riêng và các doanh nghiệp Việt nói chung trong việc sở hữu công nghệ lõi?

Các bạn biết không, rất là đặc biệt, hầu hết các tập đoàn đa quốc gia mà các bạn đã biết hiện nay, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ, họ đều được bắt đầu từ một vài cá nhân. Công ty của họ có thể chỉ bắt đầu từ nhà kho của họ. Phần lớn các công ty công nghệ thành công hiện nay đều như vậy.

Đó là lý do vì sao điều đó rất liên quan đến công nghệ lõi mà chúng ta nói từ đầu đến bây giờ. Họ rất nhỏ nhưng họ sở hữu công nghệ lõi. Công nghệ lõi đến thời điểm chín muồi sẽ tạo ra sự bùng nổ. Có thể trong giai đoạn đầu thì nó nhỏ hơn.

Tôi nói ví dụ như Bkav, sáu năm rưỡi đầu tiên chúng tôi không hề có một sản phẩm nào, chỉ nghiên cứu công nghệ để sở hữu những công nghệ lõi đó. Sau sáu năm rưỡi ra mắt phiên bản đầu tiên, Bphone 1 thì đến nay là B86. Sau bốn năm nó đã khác hẳn rồi. Bây giờ một năm chúng tôi có thể ra hai phiên bản. Trước kia phải sáu năm rưỡi để ra một phiên bản.

Làm chủ công nghệ lõi như vậy, mình hoàn toàn có thể làm và cạnh tranh sòng phỏng với các hãng hàng đầu trên thế giới. Hiện nay chúng tôi không ngại cạnh tranh cả về thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế mạch điện tử và thiết kế mạch phần mềm. Chúng tôi không ngại bất kỳ một điều gì cả. Và với Bkav, như các bạn đã thấy rồi đấy, chỉ là vấn đề thương mại nữa thôi.

Tôi cũng chia sẻ rất thẳng thắn với các bạn, ở đây có rất nhiều bạn là Bfans. Có thể trong một dịp khác tôi sẽ chia sẻ nhiều hơn nhưng buổi hôm nay tôi cũng có thể chia sẻ với các bạn một phần. Vì nhiều bạn sẽ nói là các ông làm thương mại kém lắm, chán lắm, marketing chán lắm. Các bạn có biết tại sao không? Các bạn thấy Samsung, Apple, Oppo về marketing để xuất hiện thì họ phải bỏ tiền ra để quảng cáo. Marketing tốt hay không phụ thuộc vào việc có nhiều tiền hay không.

Lúc nãy tôi cũng chia sẻ rồi, tại Việt Nam, các ngân hàng chưa hề cho vay trong lĩnh vực này, họ chỉ cho vay trong bất động sản là chủ yếu. Tính đến nay tôi đã bỏ ra hơn một nghìn tỷ đồng tiền mặt. Và nếu các bạn tìm hiểu thì rất ít người bỏ ra một nghìn tỷ tiền mặt kể các là lĩnh vực bất động sản. Thường họ chỉ bỏ vài trăm tỷ, vài chục tỷ. Sau đó họ xây, ngân hàng lại tiếp tục cho vay và cứ như thế nó lên đến hàng chục nghìn tỷ.

Thế nhưng làm công nghệ nó khác. Tôi chấp nhận bỏ tiền túi của mình ra. Chính vì vậy, tôi nói thẳng thắn là chúng tôi thiếu cho phần marketing và thương mại. Chứ phần đấy không hề khó đâu. Các bạn thấy ở Bkav không hề bỏ nhiều tiền cho phần đấy nhưng mỗi một lần ra mắt còn thu hút hơn cả các hãng khác, lớn trên thế giới.

Vậy thì gỡ bằng cách nào, ngân hàng cũng không có đâu. Tôi nói như vậy cũng không phải tôi trách mà bởi vì hệ thống của chúng ta đang là như vậy và không dễ thay đổi điều đó. Chúng tôi đang phải gọi vốn đầu tư và rất vui là chúng tôi đã có nhà đầu tư để chúng ta có thể thực hiện việc đó. Tất nhiên, tôi sẽ bán bớt cổ phần của mình và điều đó là hoàn toàn bình thường đối với lĩnh vực công nghệ. Và tôi tin rằng chúng ta sẽ thành công bởi cơ bản nhất trong lĩnh vực này là công nghệ lõi.

Tôi có thể lấy một ví dụ khác, các nước châu Âu hiện nay đang phải mua smartphone của Huawei rất nhiều. Chúng ta sẽ thấy một hình ảnh hơi kỳ lạ đó là ông Trump “cấm” các nước châu Âu mua smartphone, các thiết bị của Huawei, của Trung Quốc. Nếu họ mua, ông ấy sẽ không cung cấp thông tin tình báo cho các nước đấy nữa. Nếu đặt mình vào vị trí của các nước đấy, nếu là tôi, tôi sẽ cảm thấy rất trăn trở. Ở đây tôi không muốn nói nặng lời. Cả các nước châu Âu hùng mạnh như vậy mà vẫn bị ông Trump đe dọa vì mua điện thoại của Huawei. Tại sao họ không có thiết bị riêng của họ mà phải đi mua của Huawei. Trước đây họ từng có Nokia là niềm tự hào của châu Âu. Nhưng sau đó Nokia thất bại và cũng không dễ để các nước châu Âu có hãng smartphone thực sự.

Việt Nam chúng ta là một nước chưa giàu, còn rất nhiều khó khăn nhưng chúng ta đã sở hữu công nghệ để có thể sản xuất những thiết bị như vậy và chúng ta có chiến lược. Đây là một tiềm năng vô cùng lớn. Tôi chắc rằng các bạn đang theo dõi livestream này cũng là những người như vậy, là những người đang cùng trí hướng với chúng tôi. Chúng ta cùng nhau lan tỏa những khát vọng của chúng ta, của Bkav để không chỉ chúng ta thành công trong lĩnh vực này, mà thành công trong lĩnh vực công nghệ nói chung, có thể giúp cho công nghệ là động lực chính để phát triển đất nước, giúp chúng ta thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, thoát khỏi nước đang phát triển để trở thành một cường quốc trong tương lai, một đất nước hùng cường trong tương lai.

Tôi khát khao và từ trong đáy lòng tôi thấy chúng ta đã chạm tay vào điều đó và tự tin chúng ta có thể làm được. Tôi tổ chức buổi livestream như này với mong muốn tất cả các bạn có cùng khát vọng đó với chúng tôi, cùng nhau chúng ta chung tay, xây dựng nước Việt Nam hùng cường bằng công nghệ.

Xin cảm ơn các bạn đã theo dõi buổi livestream ngày hôm nay và hẹn gặp các bạn trong các buổi livestream khác trong thời gian sắp tới. Hẹn gặp lại các bạn !

Bkav