(Pháp luật Việt Nam) Ở Việt Nam, họ được xem là những hiện tượng khác người! Bởi họ luôn thẳng thắn với niềm tin mãnh liệt của mình, rằng nhất định Việt Nam sẽ sánh ngang thế giới về công nghệ, về bóng đá với mục tiêu nâng cao tinh thần Việt, tầm vóc Việt! Và thời gian, đã khẳng định cho sự “nổ” với những khát vọng cháy bỏng và bền bỉ ấy. Đó là bầu Đức và Quảng “nổ”…
Những người “cùng nổ” – cứ đi rồi sẽ đến.
Mới đây, CEO Nguyễn Tử Quảng ( Quảng “nổ”) - Tập đoàn Công nghệ Bkav đã có những chia sẻ về sự “nổ” của mình cũng như những điểm chung về người cùng… “nổ”: “Anh Đức mê bóng, tôi mê công nghệ, anh Đức 20 năm bỏ ra 2.000 tỉ đồng, tôi 10 năm bỏ ra 1.000 tỉ đồng và đều dành cho những đam mê của mình. Nhiều người nói tôi và anh Đức “lì lợm”, nhưng không đúng nhé. Khi đã tìm ra được triết lý công việc thì cứ thế vô tư mà làm, dù có khó khăn, có tốn kém bao nhiêu.
Anh Đức đào tạo cầu thủ từ gốc, tôi cũng vậy, đào tạo kỹ sư từ gốc. Lứa đầu tiên của Học viện HAGL như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh… đã trở thành trụ cột Đội tuyển Quốc gia; Bphone là điện thoại đầu tiên của Việt Nam, mở đường cho ngành công nghiệp smartphone nước nhà phát triển.
Có thể tôi và anh Đức đều có một chút lãng mạn trong triết lý và đam mê của mình, nhưng nó cần phải có khi mọi người còn chưa tin tưởng vào khả năng của người Việt. Khi đã tạo được nền móng vững chắc, thì không điều gì là không thể…”.
Khát vọng, tình yêu đất nước là chất “nổ” mạnh nhất!
Là người tiên phong tại Việt Nam trong lĩnh vực nghiên cứu an ninh mạng, tên tuổi của ông Nguyễn Tử Quảng gắn liền với sự phát triển của một trong những phần mềm diệt virus đầu tiên trong nước là Bkav. Từ phần mềm diệt virus, nhà thông minh Bkav SmartHome và khát vọng điện thoại “bom tấn”… đều là những sản phẩm công nghệ Made in Vietnam của Bkav.
Trước khi trở thành doanh nhân như hiện nay, Nguyễn Tử Quảng từng là giảng viên của Đại học Bách khoa Hà Nội. Nguyễn Tử Quảng sinh ngày 11/6/1975 tại Hoa Lư, Ninh Bình. Năm 1990, ông thi đỗ chuyên Toán Đại học Sư phạm Hà Nội trước khi trở thanh sinh viên khoa Công nghệ Thông tin của Đại học Bách khoa 3 năm sau đó.
Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng lúc đó đang học năm thứ 3 Đại học đã cùng một số bạn học của mình viết ra phần mềm diệt virus “Made by Việt Nam” đầu tiên và cung cấp miễn phí cho cộng đồng đến năm 2005.
Năm 2005, Công ty TNHH An ninh mạng Bkav chính thức được thành lập và Nguyễn Tử Quảng cũng đồng thời trở thành CEO của Công ty từ đó đến nay. Nguyễn Tử Quảng có thể được xem là một trong startup công nghệ đầu tiên tại Việt Nam. Ông mở đường cho các startup công nghệ sau này.
Tuy là một chàng trai của công nghệ và máy tính, nhưng Nguyễn Tử Quảng lại tự nhận rằng bản thân khá lãng mạn. Một thứ lãng mạn “rất công nghệ” và logic. Lãng mạn trong việc ôm mộng lớn, lãng mạn trong cách xây dựng một niềm tin mới cho người Việt, lãng mạn trong việc nhận ra sứ mệnh của mình và nỗ lực tuyệt đối để hoàn thành sứ mệnh cao cả ấy.
Dù cho bị chỉ trích nhiều là vậy nhưng sự thành công của Bkav thì không thể nào phủ nhận được. Báo Mỹ đã từng lấy Bkav của Nguyễn Tử Quảng làm hình mẫu cho khởi nghiệp ở Việt Nam. Chính ông cũng là những thế hệ startup đầu tiên và thành công của đất nước, được vinh danh với rất nhiều giải thưởng lớn nhỏ và có sức ảnh hưởng nhất định trong giới công nghệ nước nhà.
Và hiện nay, Bkav ngày càng lớn mạnh với những sản phẩm mới được phát triển như Bkav Pro, Bkav SmartHome, hệ thống Camera AI an ninh và đặc biệt là Bphone - hãng smartphone đầu tiên của Việt Nam.
Ông nhớ lại: “Ngày 26/5/2015, trên sân khấu của Trung tâm Hội nghị quốc gia Mỹ Đình, “Thật tuyệt vời”, “Thật không thể tin nổi” là những cảm xúc tận đáy lòng phát ra từ sự kìm nén của tôi trong 6 năm, nó không có trong kịch bản của chương trình. Nó là sự tổng hợp của sự tự hào cá nhân và lớn hơn nữa là sự khẳng định người Việt Nam có thể.
Tuy nhiên, mọi điều không như tôi nghĩ, không nhiều người tin vào điều chúng tôi làm. Tôi rơi vào trầm cảm trong hai năm sau đó. Để vượt qua, tôi đã phải nghiên cứu sâu về triết học và khoa học vũ trụ để tìm đến bản chất của con người, của xã hội để giải thích và tìm ra cách giải quyết những trăn trở của mình.
Tôi đã tìm ra câu trả lời: Đó là định kiến. Định kiến Việt Nam là nước chưa phát triển thì không thể cạnh tranh với các nước hàng đầu. Đặc biệt, đây là định kiến của cả một xã hội thì không thể thay đổi một sớm một chiều mà phải là một công việc trường kỳ”.
Trở lại năm 2015, Bkav đã chính thức ra mắt Bphone trong đỉnh điểm tò mò. Khi ấy, nhiều người nói, Bkav đã “chơi” một canh bạc lớn và rất có thể, tập đoàn công nghệ này sẽ sớm dừng chân trong cuộc đua sản xuất smartphone Việt. Nhưng rồi, sau Bphone 1, đã có Bphone 2, Bphone 3 và giờ là Bphone 86… ra đời.
Song bất chấp điều đó, Bkav, nói đúng hơn là “ông chủ” của Bkav Nguyễn Tử Quảng vẫn miệt mài với giấc mơ smartphone thương hiệu Việt. Tại buổi ra mắt Bphone thế hệ thứ 4, ông Nguyễn Tử Quảng nói: “Từ trong tâm, hơn 10 năm qua chúng tôi muốn và nỗ lực đem tới cho người Việt Nam chiếc Bphone có mọi thứ tốt nhất nhưng với mức giá cũng hợp lý nhất. Điều này thật tham vọng nhưng không phải là không thể”…
Vào cuối năm ngoái, ông Nguyễn Tử Quảng đã chia sẻ với CNN rằng, ông có một khát vọng là “xây dựng ngành sản xuất smartphone cũng như các ngành công nghệ khác” ở Việt Nam. Ông bày tỏ: “Tôi mong muốn đất nước của tôi có thể phát triển trong các lĩnh vực khác nữa thay vì chỉ thuần túy về nông nghiệp hay các sản phẩm truyền thống”. Theo ông Nguyễn Tử Quảng, nếu thay đổi định kiến, Việt Nam sẽ trở thành cường quốc về công nghệ…
Và khát vọng World Cup!
Đến nay câu chuyện HLV Park Hang Seo bén duyên cùng bóng đá Việt vẫn được coi như công đầu thuộc về bầu Đức. Đó được coi như sự hữu duyên đầy may mắn cho bóng đá nước nhà tìm lại niềm tin khi đã chạm đáy thất vọng ở vào thời điểm đó.
Ngày khai trương điểm bán cà phê Ông Bầu thứ 100, bầu Đức đã mời cả huấn luyện viên Park Hang-seo tham dự và trải lòng những câu chuyện về bóng đá. Ông cũng công bố một con số “khủng” là sau 20 năm, đã bỏ ra gần 2.000 tỉ để làm bóng đá. Một số tiền khổng lồ để biết rằng, sự tâm huyết của bầu Đức không chỉ có nói mà là làm thật. Gia tài mà ông cống hiến cho bóng đá Việt Nam là vô giá.
Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1962 tại An Nhơn, Bình Định. Ông vốn là người con trai thứ 2 trong gia đình có 10 người con, nên mọi người hay gọi ông với cái tên thân mật: anh Ba.
Do hoàn cảnh gia đình khó khăn từ lúc còn nhỏ nên ông Đoàn Nguyên Đức đã sớm ấp ủ tâm nguyện làm giàu. Khi mới 3 tuổi, ông đã theo ba và mẹ ông chuyển lên An Phú, Pleiku, Gia Lai để lập nghiệp.
Năm 1982, ông vào TP HCM thi đại học nhưng không đậu. Nhưng dường như ông không có duyên với con đường học vấn khi cả 4 lần đi thi ông đều không đậu. Sau này có lần ông bộc bạch: “Sau những cú sốc, đau và thừa nhận mình dốt, tôi đã ngửa mặt lên trời và tự nói với bản thân rằng ngã ở đâu tôi sẽ đứng lên ở đó”.
Và ông Đoàn Nguyên Đức đã bắt đầu khởi nghiệp bằng một xưởng mộc nhỏ vào năm 1990. Thời gian đầu, xưởng mộc của ông chủ yếu đóng bàn ghế cho học sinh tại xã. Sau một thời gian hoạt động, ông Đoàn Nguyên Đức bắt đầu mở rộng hoạt động kinh doanh sản xuất, và thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku 3 năm sau đó.
Đến năm 2006, ông Đoàn Nguyên Đức chính thức thành lập Công Ty Cổ Phần Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, thủy điện, nông nghiệp. Vào năm 2008, ông phát triển công ty thành Tập Đoàn Hoàng Anh Gia Lai và chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM (HoSE). Chỉ trong vòng 3 năm đến năm 2011, tổng vốn hóa thị trường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai do bầu Đức làm chủ đã đạt giá trị khoảng 22.524 tỷ đồng.
Bầu Đức vốn có niềm đam mê với bóng đá. Nhắc đến đào tạo trẻ tại Việt Nam, học viện HAGL Arsenal JMG được xem là lò đào tạo cầu thủ trẻ nổi tiếng nhất. Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đã sang tận London (Anh) để bắt tay với CLB Arsenal và nhà quản lý - HLV Arsene Wenger. Đây là những bước đầu tiên của bầu Đức mang về Việt Nam quy trình đào tạo trẻ theo chuẩn châu Âu để áp dụng cho học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai - Arsenal JMG.
Đầu năm 2007, bầu Đức đã cho động thổ xây dựng Học viện Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG ngay trên chính khu đất rộng 5 ha đang được trồng cao su. Vào năm 2008, Bầu Đức còn định mua 20% cổ phần của Arsenal. Đến nay, chưa kể những khoản đầu tư cho đào tạo và thi đấu, Bầu Đức đã chi ít nhất 50 triệu USD để thương hiệu Arsenal được song hành cùng với Học viện Arsenal HAGL JMG.
Vượt qua những thị phi, ông Đoàn Nguyên Đức như một người chèo thuyền trên dòng nước ngược. Và rồi vị trí Á quân giải U23 Châu Á của đội tuyển khiến cả nước vỡ òa. Chưa bao giờ người dân cả nước được sống trong những ngày tràn ngập không khí bóng đá cuồng nhiệt như thế. Cũng như mãi nhớ một Thường Châu tuyết trắng.
Tiếp đó, dưới sự dẫn dắt của ông Park, bóng đá Việt Nam đã lần thứ 2 bước lên đỉnh vinh quang sau 10 năm chờ đợi với chức vô địch AFF Cup 2018. Bên cạnh đó, đội tuyển bóng đá Việt Nam đã chính thức vươn lên thứ hạng 100, với 1224 điểm. Cùng với đó là xuất sắc lọt vào top 8 đội mạnh nhất tại giải Asian Cup năm 2019. Dàn cầu thủ có công đem về những thành công trên chính là lứa cầu thủ ưu tú đầu tiên của học viện HAGL Arsenal JMG.
Trong đó có những cái tên trở nên nổi tiếng và được yêu mến như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường. “Riêng các cầu thủ của tôi, tôi đã ươm mầm nhân cách và tự họ đã chăm sóc mình thành người tử tế, đó là giá trị lớn nhất”. Không những vậy, ông cũng khẳng định rằng: “Khi tôi bỏ công bỏ của đào tạo lứa cầu thủ trẻ cách đây hơn 10 năm không phải để lấy tiếng hay nhận lời cảm ơn của ai cả! Tôi làm vì đam mê và tự hứa với lòng đã làm thì làm cho tới cùng”.
Nhắc tới khát vọng World Cup 2026, ông Bầu phố núi vẫn nói rằng: “Giá mà đầu tư đào tạo bóng đá trẻ sớm hơn, giá mà có chiến lược đào tạo bóng đá trẻ xuyên suốt ở tầm quốc gia sớm hơn, có lẽ Việt Nam đã sớm vươn lên thành con rồng châu Á trong bảng xếp hạng bóng đá, thậm chí có quyền chạm đến suất dự World Cup”…
Theo Pháp luật Việt Nam