CEO Bkav: Việt Nam sẽ là con rồng thứ 5 của châu Á
03:49:00 | 29-10-2020

Trong buổi giao lưu với các tân sinh viên Đại học Bách Khoa ngày 25/10, người đứng đầu Bkav - ông Nguyễn Tử Quảng khẳng định, Việt Nam sẽ là con rồng thứ 5 của châu Á, sau Singapore, Đài Loan, Hong Kong và Hàn Quốc. Nhưng để đạt được điều đó, các bạn sinh viên ngay từ bây giờ cần phải có những suy nghĩ độc lập, có ý chí để xây dựng hoài bão của chính mình. Chính các bạn sẽ tham gia vào xây dựng và phát triển Việt Nam thành con rồng tiếp theo của Châu Á.

Chương trình do Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – ĐH Bách Khoa Hà Nội tổ chức, với chủ đề “Vào Bách Khoa để làm việc khó”. CEO của Bkav – ông Nguyễn Tử Quảng, là cựu thầy giáo cũng là cựu sinh viên K37 trường Đại học Bách Khoa Hà Nội. Với Bkav, Bphone… thầy Quảng đã đi vào lịch sử Công nghệ Thông tin nước nhà như một cá nhân tiên phong chuyên làm việc khó, đổi mới sáng tạo để chế tạo sản phẩm công nghệ đột phá, chứng minh năng lực của người Việt ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Dưới đây là nội dung giao lưu giữa CEO của Bkav với các tân sinh viên Đại học Bách Khoa Hà Nội:

PGS Tạ Hải Tùng - Viện trưởng Viện trưởng Viện CNTT, ĐH Bách Khoa Hà Nội:

Tôi lần đầu gặp anh Quảng những năm 2000 và sau khoảng mười mấy năm học hành về, nhìn anh Quảng không thay đổi, vẫn cái áo này. Vậy tôi muốn hỏi thầy Quảng là, có cái gọi là “chất Bách Khoa” không? Và nếu có cái “chất Bách Khoa” đấy thì nó đóng góp bao nhiêu % hay đóng góp như thế nào trong sự thành công của thầy?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Chất Bách Khoa” tôi nghĩ là 100%. Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội là ngôi trường số 1 Việt Nam về công nghệ. Qua kinh nghiệm thực tế, tôi thấy điểm đầu vào hay “intelligent” như thầy Bảo (GS Hồ Tú Bảo) nói lúc nãy chưa chắc đã là quyết định.

Tôi nhớ ngày trước, khi thi vào trường tôi thừa đúng nửa điểm, tức là suýt nữa thì trượt. Như vậy, về “intelligent” có thể nói là thấp nhất, nhưng tôi nghĩ là do mình và đấy là đặc trưng của Bách Khoa. Tức là những người đã yêu thích công nghệ thì trường Đại học Bách Khoa là trường có bề dày và mọi người đều nghe thấy công nghệ vào Bách Khoa là số 1. Cho nên trường chúng ta thu hút được những người có đam mê, có ý chí về công nghệ, đó mới là điều quyết định. Thế nên tôi nói, 100% chất Bách Khoa là như vậy, tức là đây cũng là chất công nghệ.

Vừa nãy tôi với thầy Bảo không hề trao đổi trước với nhau về bài phát biểu, thậm chí thầy Bảo và tôi là đồng môn với nhau tại Chuyên toán trường Đại học Sư phạm nhưng hôm nay anh em mới gặp mặt trực tiếp. Thế nhưng rất tình cờ, tôi nghĩ cũng là chất Bách Khoa đấy. Anh Tùng (PGS Tạ Hải Tùng) vừa nói, thầy Bảo nhắc đến ý chí mới quyết định. Thầy Bảo nhắc rất nhiều đến ý chí. Nếu các bạn để ý trong bài phát biểu của tôi cũng nhắc đến ý chí rất nhiều. Ý chí quyết định thành công của chúng ta rất nhiều.

Thứ hai, thầy Bảo nêu ra, chúng ta cần đặt ra target, có những mục tiêu và mục tiêu đủ lớn. Ví dụ vào trường võ bị thì phải mong làm tướng. Các bạn thấy không, trong bài phát biểu của tôi, tôi đã cho các bạn một mục tiêu rất lớn, đó là để Việt Nam có thể trở thành con rồng châu Á thứ 5. Mục tiêu ấy có đủ lớn không ạ? (Vỗ tay)

Tôi thấy lúc tôi nói như vậy có chút xì xào ở dưới, nhưng các bạn sẽ quen với việc ấy ngay thôi. Vào trường Bách Khoa là các bạn phải có những mục tiêu lớn như vậy.

28 năm trước, khi tôi vào trường giống như các bạn ở đây thì điều kiện chưa được tốt như bây giờ. Hôm nay tôi nghe các bạn nói, tôi nghĩ: Tuyệt vời, sinh viên Bách Khoa bây giờ nói tốt thế. Tôi ra trường bao nhiêu năm mới luyện được nói gọi là tàm tạm. Thế nhưng các bạn xuất phát điểm đã tốt như vậy rồi, môi trường tốt, tôi biết là thầy Tùng đã có rất nhiều đổi mới và còn tuyệt vời hơn. Và tôi chắc chắn là chúng ta đặt mục tiêu như vậy, nó trong tầm tay. Và chúng tôi luôn luôn sát cánh cùng các bạn, sẵn sàng đón chờ các bạn để chúng ta cùng làm việc đó. Để Việt Nam có thể trở thành con rồng thứ 5 của châu Á.

PGS Tạ Hải Tùng:

Nhắc đến câu chuyện về Bphone, tôi rất ấn tượng khi sang thăm Bkav thấy được sự đầu tư bài bản của các anh Bkav. Đó là một cuộc chơi lâu dài chứ không phải một cuộc đầu tư ngắn hạn. Và chính vì vậy tôi rất trân trọng. Vì nó vô cùng tốn kém, không chỉ tốn kém về tiền bạc đâu, mà nó tốn kém về thời gian, về công sức và thậm chí có cả cơ hội khi chúng ta có một cuộc chơi lâu dài như vậy. 

Quay lại câu chuyện 20 năm rồi thầy Quảng không thay đổi. Tôi biết thầy Quảng từ lâu đã có thể gọi là đại gia rồi, nhưng thầy không hề thay đổi, thầy vẫn giản dị như vậy. Vậy xin hỏi thầy Quảng, chắc vật chất không phải là đam mê mà thầy Quảng theo đuổi trong cuộc sống, vậy nó là cái gì?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Trước khi anh Tùng hỏi như vậy tôi cũng đã suy nghĩ về việc này. Nói thật với các bạn, lúc tôi còn đang học thậm chí khi ra trường tôi cũng không hề nghĩ đến việc kiếm tiền. Ngày đấy ra trường tôi còn chẳng biết doanh nghiệp là như thế nào. Chia sẻ hết sức thật là như vậy. Tức là tôi làm theo đam mê của mình. Cũng là điều may mắn tôi sinh ra sau chiến tranh, ngay sau chiến tranh đâu đó khoảng hơn 1 tháng thôi. Nó cũng khác với các đàn anh đi trước về doanh nghiệp công nghệ ở Việt Nam. Chỗ này chúng ta có thể nói thẳng thắn. Tức là, các bạn, các anh, các chị, các thầy ở đây, ở Việt Nam cũng có nhiều doanh nghiệp công nghệ nhưng mọi người vẫn đánh giá Bkav là công ty đích thực làm công nghệ.

Tôi, với thói quen là hay tìm triết lý của các vấn đề để mình tự giải thích mình là ai, mình như thế nào. Tại sao mình có thể làm công ty công nghệ đích thực như vậy? Các anh thế hệ trước cũng làm doanh nghiệp nhưng có thể nói là rất ít để có thể nói là công ty công nghệ đích thực. Có thể là công ty lớn nhưng chưa chắc mọi người coi đó là công ty công nghệ đích thực.

Tôi tìm ra câu trả lời là, các anh thế hệ trước sinh ra trước chiến tranh và họ có một giai đoạn rất khó khăn. Lúc các anh ra trường, lập nghiệp thì động lực lớn nhất là phải sống, phải đủ ăn. Còn tôi, may mắn là tuy sinh ra ngay sau chiến tranh, lúc lớn lên cũng có giai đoạn phải ăn độn chứ không phải không, nhưng chỉ là lúc còn rất nhỏ thôi. Còn khi mình vào học Đại học rồi thì gần như không phải lo nghĩ đến câu chuyện sợ đói nữa rồi.

Thế cho nên một cách rất tự nhiên, mọi động lực của mình là những thứ mình thích, là công nghệ, là những thứ mình theo đuổi và sau đó như lúc nãy tôi nói, cung cấp phần mềm miễn phí. Thì mình tìm ra được rất nhiều ý nghĩa khi mình làm những công việc xã hội như vậy. Dẫn đến là càng ngày mình càng gắn bó với các công việc xã hội hơn và mình cứ làm rồi cuối cùng mọi thứ mình cũng đều có cả.

Thậm chí tôi rất ngây thơ khi vừa ra trường, như lúc nãy tôi có nói, tức là các bạn đừng nghĩ ra trường sẽ làm, sẽ kiếm tiền như thế nào, mà hãy theo đuổi đam mê của mình. Năm nay các bạn được tuyển thẳng, tức là các bạn được chọn vào đây, tôi nghĩ rằng học phí cao nhưng nhiều bạn vẫn chọn vào đây. Điểm đã cao rồi nhưng học phí cũng cao nhưng vẫn vào đây, tức là các bạn đã có sự đam mê trong lĩnh vực này. Thì đó chắc chắn là tiền đề cực kỳ giá trị để các bạn trở nên thành công. Và hãy tiếp tục như vậy, không phải lo đến chuyện kiếm tiền, tiền sẽ tự đến và rồi các bạn sẽ thấy tiền không để làm gì cả, nó chỉ là công cụ để chúng ta làm việc thôi.

Sinh viên: Là một startup rất thành công, xin thầy chia sẻ khó khăn và thất bại trong quá trình xây dựng Bkav?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Thường tôi cũng không nghĩ đến thành công hay thất bại. Thường thì thích thì mình làm. Sau đó kết quả đưa ra thì người khác sẽ nói với mình đó là thành công hay thất bại. Với mình, đó là trải nghiệm, thế thì cứ thích thì mình làm nhưng mình phải đặt ra mục tiêu rất lớn như tôi nói lúc nãy.

Về kinh nghiệm cụ thể với cá nhân tôi, chắc các bạn ở đây nhiều bạn cũng biết tôi có biệt danh là “Nổ”. Có lẽ là người đầu tiên ở Việt Nam được gọi là “Nổ”. Các bạn khi làm các việc lớn thì phải sẵn sàng đón nhận những biệt danh như vậy. Và lúc này, tôi có thể nói như vậy là tôi đã phải trải qua quá trình rất trăn trở: tại sao bị gọi như vậy, trong khi mình chỉ đơn giản mình thích là mình làm và mình hướng tới mục tiêu tốt cho xã hội.

Thế nhưng sau đó tôi đã tìm ra, tất cả những ai đặt những mục tiêu lớn đều bị như vậy cả. Cho nên các bạn hãy sẵn sàng như vậy, sinh viên Đại học Bách Khoa hãy sẵn sàng như vậy. Điều đó cũng dễ hiểu thôi, bởi vì mình đặt ra những mục tiêu lớn, tức là nó khác với những thứ bình thường, thì nó sẽ gây ra những sự so sánh. Và phần lớn mọi người sẽ coi đấy là lạ lẫm và coi đấy là không tưởng. Và hiển nhiên bạn sẽ bị nói bằng những ngôn từ mà như bây giờ gọi là “nhận gạch đá”.

Thế thì các bạn hãy đọc về tất cả những nhà bác học từ Newton cho đến Einstein, hay Edison… tất cả cũng đều nhận gạch đá rất nhiều. Có một đặc điểm là tất cả những nhà khoa học về công nghệ, toán, lý, CNTT như bây giờ là những người bị ném đá rất là nhiều. Hãy đọc như vậy để thấy khi mình có một ý tưởng, mình theo đuổi nó một cách nghiêm túc thì việc mình nhận gạch đá đấy là chuyện hiển nhiên. Và mình hãy quen với việc đó và coi là động lực thì lúc đó những thứ mình làm sẽ trở nên bình thường và nó sẽ tốt cho xã hội.

Sinh viên: Sinh viên chúng em có rất nhiều ngã ba. Khi bước vào đây, chúng em đã chọn được ngã ba cho mình là đi theo công nghệ, dẫu cho con đường đó có rất nhiều khó khăn và thử thách nhưng chúng em vẫn vững tâm. Vậy em xin hỏi, thầy đã đi đoạn đường đó rồi thì thầy có những bí quyết nào, có những hành trang nào, có những niềm tin nào để bước đi vững vàng trên con đường đó?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Điều thứ nhất tôi muốn nói với các bạn, chúng ta chọn cho mình con đường khoa học công nghệ, nó không hề gian khó đâu, nó rất sướng, bởi vì đó là những thứ chúng ta đam mê. Khoa học công nghệ liên tục tạo ra sự phát triển của loài người. Trong bài phát biểu của tôi, tôi có dẫn đến Isaac Newton. Ông Newton ở lứa tuổi sinh viên đã khám phá ra những điều mang lại cảm hứng cho cả loài người. Cụ thể lúc đó là châu Âu. Họ khám phá những quy luật về Vật lý, về Hóa học… từ cảm hứng đó. Thế thì sự khám phá đó luôn đem đến cho chúng ta sự sung sướng, đem đến cho chúng ta cảm hứng. Các bạn cứ nghĩ như vậy, nó không hề gian khó. Mọi người hay dùng từ gian khó nhưng tôi luôn luôn không dùng từ đấy. Vì gian khó thì sao chúng ta có thể chịu nổi như vậy, sao chúng ta có thể làm bền bỉ như vậy. Đấy là điều thứ nhất.

Điều thứ hai, tất nhiên con người cũng không thể gọi là sắt thép. Nói như lúc nãy thì cũng hơi quá lên một chút thôi (cười). Cũng có những lúc, ví dụ bị ném đá, ném gạch nhiều quá thì cũng hơi gọi là cảm thấy bức xúc một chút. Thế nhưng bí quyết là như thế này, tôi đúc rút ra ấy, là chúng ta đặt cho mình những mục tiêu lớn, và mục tiêu ấy là hướng cho xã hội. Thế thì nó đủ lớn để chúng ta theo đuổi, đủ lớn để chúng ta bỏ qua hết tất cả mọi thứ mà ở thời điểm đó chúng ta cảm thấy đó là một chút khó khăn đối với bản thân mình.

Tôi thường đặt ra những mục tiêu cho dân tộc cho đất nước, thế thì đối với mình có thể là một chút khó khăn nhưng đối với một đất nước, đối với dân tộc thì đó là quá nhỏ bé. Và mỗi lần như vậy tôi đều có thể giải quyết chút khó khăn đó. Đấy là hết sức là thật, nếu ai theo dõi sẽ biết tôi nhận gạch đá rất nhiều nhưng mà tôi rất là thoải mái. Thậm chí là bây giờ tôi nhận danh hiệu đó bởi vì tôi luôn luôn hướng tới những thứ rất lớn và theo đuổi nó và mọi việc khác nó trở lên rất là nhỏ bé.

Đấy là bí quyết của tôi!

PGS Tạ Hải Tùng:

Tôi theo dõi giai đoạn phát triển tương đối dài của Bkav thì thấy rằng, chúng ta theo đuổi những định hướng công nghệ mới ở Việt Nam và không đi theo lối mòn, và cũng không muốn làm việc dễ. Ta cứ tạm gọi là “việc dễ”. Vì tôi cũng biết rằng, Bkav phát triển ở giai đoạn đầu rất dễ để thầy Quảng có thể làm về outsourcing rồi tích hợp cho các dự án của Nhà nước, Chính phủ… Nhưng Bkav không lựa chọn con đường đó mà chọn con đường rất khó. Và khó như vậy thì cũng trả giá những cơ hội để mình bật lên thành những Tập đoàn lớn hơn nữa. Vậy thầy Quảng có thể bật mí trong 5 năm tới, 10 năm tới thầy mong muốn Bkav sẽ thành một Tập đoàn như thế nào? Và kết nối câu chuyện đấy, thì các em sinh viên 5 năm nữa ra trường thì có cơ hội nào cho các em ở Tập đoàn của mình?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Trước tiên, tôi nói đến mục tiêu lớn hơn mục tiêu của Bkav, như trong bài phát biểu của tôi lúc ban đầu. Tôi nói một cách hết sức nghiêm túc về mục tiêu của chúng ta, là Việt Nam sẽ là con rồng châu Á thứ 5.

Vừa nãy tôi có nói chuyện với thầy Bảo. Thầy Bảo là một người làm việc ở Nhật Bản rất lâu năm. Thực ra tôi cũng đã nghĩ như vậy rồi nhưng nghe ý kiến của thầy Bảo thì thêm khẳng định suy nghĩ của tôi. Đó là thầy Bảo nói rằng, Nhật Bản hiện nay giới trẻ không còn động lực nữa. Đấy cũng là suy nghĩ của tôi, không chỉ Nhật Bản đâu, châu Âu cũng vậy, động lực của họ bây giờ không còn lớn. Bởi vì, mọi sự phát triển đều theo hình Sin, lên rồi xuống. Châu Âu là văn minh của công nghệ, là cái nôi của công nghệ. Thế nhưng khi mọi thứ phát triển quá rồi, mọi thứ tốt đẹp quá rồi thì con người bớt đi động lực. Đặc biệt giới trẻ là bớt đi động lực. Nhật Bản cũng là một nước như vậy. Chúng ta thấy những năm gần đây Nhật Bản ít được đề cập đến công nghệ. Các Tập đoàn công nghệ của Nhật Bản cũng dần dần bị các công ty của Mỹ hay của Hàn Quốc, Trung Quốc họ mua. Đấy là một sự thật.

Hay là đợt dịch Covid vừa rồi, châu Âu liêu xiêu với Covid nhưng các nươc châu Á, như Việt Nam chúng ta, là điểm sáng về chống dịch. Không phải tự nhiên đâu. Tôi là một người tham gia rất nhiều vào công việc chống Covid ở khía cạnh công nghệ. Tôi biết đấy là năng lực của chúng ta.

Thế thì, một vấn đề rất lớn là châu Âu và một số nước như Nhật Bản, động lực của con người đặc biệt giới trẻ đã kém hơn rồi. Còn đất nước chúng ta lúc nào cũng hừng hực khí thế. Các bạn ở đây hay rộng hơn là bên ngoài cũng vậy. Tôi còn bị ném đá tức là đất nước này còn cảm xúc. Còn đến lúc mà người ta không còn để ý ông này làm smartphone hay làm an ninh mạng nữa thì đất nước này không còn cảm xúc nữa, không còn năng lượng nữa.

Như vậy là chúng ta còn rất nhiều năng lượng, nhưng năng lượng nó đang tản mát ở đâu đó. Và nhiệm vụ của chúng ta là thu gom năng lượng đó, phải thu gom, điều chỉnh hướng của các năng lượng đó để nó cùng hướng với nhau, để tạo ra một năng lượng khổng lồ. Tất cả những nước là con rồng châu Á họ đều đã trải qua một giai đoạn như vậy.

Tôi nói rất nghiêm túc, các bạn có thể kể tên các nước trên thế giới. Như châu Âu sẽ không có sự phát triển đột phá nữa, Nhật Bản khó có thể có sự phát triển đột phá nữa. Hàn Quốc đang làm rất tốt, Trung Quốc đang làm rất tốt, nhưng rồi họ cũng sẽ xuống sườn phía sau của hình Sin. Thế thì đất nước nào sẽ là tiếp theo? Tôi nói rất nghiêm túc, nó phải có điều kiện, phải có năng lượng, phải có cảm xúc. Việt Nam là một đất nước có cảm xúc như vậy. Rất lớn!

Sau đó bây giờ tôi mới nói đến công việc của tôi. Tôi rất nghiêm túc trong việc đặt cho mình mục tiêu tham gia, góp phần vào để Việt Nam trở thành con rồng châu Á thứ 5. Một cách rất nghiêm túc.

Cách đây hơn 10 năm, tôi đã bắt đầu làm smartphone. Với một suy nghĩ như thế này: rõ ràng là những đất nước hàng đầu thì họ phải sở hữu những công nghệ hàng đầu. Và lúc đó, smartphone là công nghệ hàng đầu và mình phải làm chủ được nó thì mình mới có thể tham gia vào phát triển đất nước bằng công nghệ. Và điều đó đến ngày hôm nay vẫn còn rất đúng.

Nếu các bạn kể ra các cường quốc như là Mỹ, các bạn sẽ thấy doanh nghiệp lớn nhất của Mỹ là doanh nghiệp làm smartphone, đó là Apple. Hàn Quốc là một con rồng rất lớn, công ty lớn nhất của họ cũng là một Tập đoàn mà hiện nay nổi bật với smartphone, đó là Samsung. Gần đây, Trung Quốc cũng nổi lên về công nghệ và chúng ta nghe đến là Huawei. Thậm chí vừa rồi thương chiến giữa Mỹ và Trung Quốc thì Huawei được đem ra làm đối tượng để thương chiến giữa 2 quốc gia.

Thế thì các bạn thấy, smartphone (giơ điện thoại Bphone) - trong này có rất nhiều tinh hoa về công nghệ, từ phần cứng, phần mềm đến cơ khí, điện tử đến kiểu dáng, rất là nhiều, kể cả là về Marketing. Mọi vấn đề!

Thế thì, nếu chúng ta làm chủ được các công nghệ như vậy thì chúng ta có được một nền tảng để từ đó, cũng giống như các nước khác – những con rồng, con hổ khác mới có thể phát triển được. Và chúng tôi rất nghiêm túc để làm điều này. Hiện nay đã đầu tư hơn 10 năm và bỏ ra rất nhiều tiền để làm, nhưng chúng ta nhìn thấy kết quả. Chúng ta nhìn thấy hàng ngày kết quả tốt hơn lên. Nếu chúng ta làm chủ các công nghệ như thế này, rồi làm chủ các công nghệ về an ninh mạng, làm chủ công nghệ về smart city và với Cách mạng công nghệ 4.0 là những thứ chúng tôi đang theo đuổi và hoàn toàn có thể nắm được công nghệ lõi, thì chúng ta có cơ hội đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Anh Tùng có nói về việc cơ hội của sinh viên Bách Khoa như thế nào ở Bkav. Tôi xin chia sẻ, phần lớn các kỹ sư của Bkav hiện nay, có lẽ phải trên 90% là từ sinh viên Đại học Bách Khoa. Sinh viên ở đây tôi tuyển các em vào là từ năm thứ 2. Các em vào kết hợp môi trường đào tạo của nhà trường và môi trường thực tế của doanh nghiệp. Và thực chất cả những người đang tham gia làm những sản phẩm như thế này (chỉ vào Bphone) đều trưởng thành từ quá trình như vậy. Tất cả Ban lãnh đạo của Bkav cũng là sinh viên tôi hướng dẫn tốt nghiệp từ cách đây hơn chục năm. Thế thì cơ hội rất là lớn đối với các em. Hãy theo dõi Bkav thường xuyên, chúng tôi tuyển vào để thực tập và cùng nhau làm những điều như tôi nói. 

CEO Nguyễn Tử Quảng (bên phải) tại buổi giao lưu

PGS Tạ Hải Tùng: Ý kiến của thầy về việc nên đi du học hay phát triển trong nước?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Về việc du học, đây là việc tôi suy nghĩ rất nhiều. Bản thân tôi cũng giống như rất nhiều bạn sinh viên khác, trong thời gian học Đại học thường xuyên tìm cách để săn học bổng nước ngoài. Sau đó thì tôi trượt hết tất cả các học bổng như vậy. (cười)

Sau này tôi nghĩ, đối với tôi đó là một điều may mắn. Các bạn nếu để ý thì trong các bài phát biểu của tôi lúc nãy, tôi suy nghĩ rất nhiều để viết vào trong đấy một ý. Hiện nay điều kiện học tại Việt Nam đang rất tốt, đặc biệt là ở lĩnh vực công nghệ tương đương với các trường Đại học hàng đầu trên thế giới. Đặc biệt các bạn muốn tìm hiểu gì thì đều có trên Internet hết. Nhưng sự hun đúc ý chí của mình, mình hàng ngày ở đất nước Việt Nam, nhìn thấy các vấn đề ở Việt Nam, những trăn trở ở Việt Nam thì ở đây bạn mới có. Nếu bạn ở môi trường nước ngoài thì bạn sẽ không có điều đó. Còn về trình độ công nghệ, thì hiện nay đã có đầy đủ, như chúng tôi đã xây dựng đầy đủ để có thể cạnh tranh với bất kỳ Tập đoàn nào về công nghệ trên thế giới.

Nói như vậy thì cũng không phải là tôi bài xích việc du học ở nước ngoài nhưng các bạn hãy suy nghĩ, không nên thiên lệch. Hãy cứ đam mê, có những người theo cách như tôi nói, thậm chí là tôi nghĩ rằng Việt Nam bây giờ hiện đang cần những người có ý chí để xây dựng những nền tảng trong nước.

Câu chuyện các thí sinh Đường lên đỉnh Olympia ở lại hay về đang gây tranh cãi, tôi cũng đang trăn trở về việc đó. Bởi vì tôi thấy rằng ở Bkav, gần như 100% kỹ sư là đào tạo trong nước, có đúng một người ở nước ngoài thôi nhưng anh ấy lại không dùng chuyên môn anh ấy học. Có đúng 1 người đấy thôi còn hiện hơn 1.000 kỹ sư thì đều đào tạo trong nước.

Mỗi một kỹ sư đều quý, ở trong nước hay ở nước ngoài thì đều quý. Nhưng ở trong nước có nhiều thì chúng ta sẽ tạo ra được một nền móng trong đất nước. Khi đạt được một mức độ nào đó thì chúng ta sẽ gọi được nguồn lực từ nước ngoài, trong đó có du học sinh, người nước ngoài… Nhưng chúng ta cũng phải có nền móng.

Tôi nghĩ là như này, giống như ngày xưa Bác Hồ làm cách mạng. Ở Việt Nam chúng ta, tất nhiên Bác Hồ là người xuất chúng rồi, Bác đi tìm đường cứu nước, sau đó vẫn phải về Việt Nam để tạo ra cách mạng ở Việt Nam. Và những người đầu tiên, những Đại tướng là người Việt Nam. Đạt được một mức độ nào đó thì Bác mới mời những người nước ngoài như Trần Đại Nghĩa, Trần Duy Hưng về Việt Nam và đóng góp vào quá trình đó.

Tức là nó phải có một điều kiện nhất định nào đó thì cộng vào nó mới có giá trị. Chứ tất cả đều ở nước ngoài hết thì nó không có giá trị. Đào tạo ở nước ngoài thì thường chỉ có một ngạch nào đó và chúng ta sẽ rất khó làm việc ở Việt Nam, nơi mà chúng ta phải làm tất cả, còn đang thiếu nhiều thứ, chúng ta phải làm tất cả mọi thứ. Còn ở kia chúng ta chỉ làm một số thứ nào đó thôi. Nó phù hợp với điều kiện trong nước đã, tạo ra một điều kiện tương đối rồi thì không lúc này thì lúc khác người ta sẽ về để xây dựng đất nước. Giống như cha anh chúng ta ngày xưa vậy.

Tôi nghĩ rằng chúng ta có thể làm theo hai cách như tôi nói, các bạn nào xác định là những người xây nền móng trong nước, các bạn hãy cứ kiên trì theo cách như vậy. Còn các bạn khác có thể theo cách học bổng, cũng không vấn đề. Tôi nhắc như vậy, tôi thấy rằng phần lớn chúng ta, ngay cả tôi cũng vậy thôi, trải nghiệm thời sinh viên suốt ngày săn học bổng và đôi khi tốn thời gian cho việc đó. Xin cảm ơn các bạn.

Sinh viên: Theo như em được biết, trong quá trình sản xuất điện thoại Bphone nói riêng và phát triển Tập đoàn Bkav nói chung, thầy luôn có sự sáng tạo và đột phá. Em muốn thầy chia sẻ cách để sáng tạo và giữ được ngọn lửa sáng tạo trong suốt 20 năm làm như vậy?

CEO Nguyễn Tử Quảng: 

Cảm ơn em! Ngày hôm qua tôi có một buổi họp Bkav Fans Club, tức là Câu lạc bộ của những người yêu thích và sử dụng Bphone, những người có cùng chí hướng để thúc đẩy nền công nghiệp sản xuất smartphone tại Việt Nam. Tôi cũng chia sẻ với các bạn cách làm smartphone của Bkav, nhìn tổng thể có thể giống với Samsung hay Apple đang làm. Nhưng thực ra, nó đang rất là khác.

Cùng tạo ra sản phẩm như thế này (giơ Bphone) nhưng cách làm rất khác. Và Bkav chúng tôi đang làm với độ khó hơn. Bởi vì như thế này, các kỹ sư của Apple hay Samsung, khi họ thiết kế ra chiếc điện thoại, đầu tiên là thiết kế kiểu dáng, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử… thì người ta có quyền chỉ định đối tác cung ứng nguyên vật liệu. Tức là, giống như mình xây một tòa nhà, mình là người thiết kế nhưng xi măng, sắt thép là các nhà cung ứng khác nhau. Thế thì có 200 nhà cung cấp để làm nên một chiếc điện thoại như thế này.

Với cách làm của Apple hay Samsung hiện nay, họ đã có tiềm lực tốt rồi thì họ chỉ việc gọi các đối tác đấy đến: Đây tôi thiết kế như này, ông làm cho tôi những thứ nguyên vật liệu trong đấy như thế kia, nguyên vật liệu tương ứng theo thiết kế của tôi.

Còn Bkav đang làm thì nó khó hơn, ở chỗ chúng ta chưa có quyền áp đặt như vậy với chuỗi cung ứng. Chúng ta chỉ được quyền hỏi, các bạn hiện nay đang có những thứ nào có sẵn, và với những thứ có sẵn như vậy mình vẫn phải sáng tạo để tạo ra được một thiết kế tốt. Tức là độ khó nó phức tạp hơn rất nhiều, độ khó cao hơn rất nhiều.

Một bên là ý như nào làm y như vậy. Một bên là họ có như nào thì mình phải dựa trên đấy và nó không theo ý của mình mà mình vẫn có thể thiết kế dựa trên những thứ như vậy để tạo ra một thứ tốt. Và vì như vậy mình phải làm chủ mọi công nghệ từng milimet ở trong này. Ví dụ như là, kết nối giữa màn hình với khung nhôm ở đây có độ sai số đến 0,15 milimet. Thế thì để làm được việc đó chúng tôi đã tốn đến 6 năm rưỡi để làm ra phiên bản đầu tiên. Để làm chủ tất cả mọi thứ, trong điều kiện khó khăn như vậy. Chưa kể là mình phải đàm phán với họ về MOQ tức là số lượng tối thiểu cung cấp. Đối với các hãng đã có tên tuổi rồi người ta có thể có số lượng lớn ngay, còn ở đây, mọi thứ mình phải cân đối và nó trở nên bài toán phức tạp hơn. Thế nhưng rõ ràng là trí tuệ của người Việt Nam rất tốt để dựa vào những điều kiện khó như vậy mà chúng ta vẫn có thể làm ra được những sản phẩm cạnh tranh sòng phẳng.

Lúc nào các em có điều kiện có thể đến Bphone Store, các em cầm để trải nghiệm được công nghệ của Việt Nam.

Thế thì rõ ràng chúng ta phải bền bỉ hơn, chúng ta phải kiên trì hơn, trong điều kiện khó khăn. Ví dụ như Xiaomi hay Huawei cũng tầm như Bkav bắt đầu làm smartphone nhưng họ chỉ đâu đó 2 năm họ đã ra mắt smartphone rồi và với rất nhiều điều kiện khác họ đã có chỗ đứng trên thị trường. Việt Nam chúng ta không có điều kiện đấy nhưng chúng ta phải làm chủ, như anh Tùng nói, phải làm chủ, không phải để cho sướng đâu. Làm chủ để thực sự mình mới có thể xây dựng được bài bản chứ không thì đến một lúc nào đó mình không thể sáng tạo được hay mình sẽ bị phụ thuộc vào đối tác quá nhiều. Ở đây mình không phụ thuộc đối tác. Thế thì dẫn đến là mình cần phải tốn công hơn, nhưng mình đã nhìn thấy target của nó, mục đích của nó. Người ta làm 2 năm, mình làm 6 năm, không vấn đề. Người ta đã có tên tuổi, mình chưa có tên tuổi, nhưng mình sẽ có tên tuổi. Bởi vì hình Sin như tôi đã nói vừa nãy, cơ hội rất lớn. Không có vấn đề, nhưng chúng ta có một nền tảng bài bản.

Đó, cũng câu hỏi của em về việc làm thế nào giữ được lửa sáng tạo, nhiệt huyết. Thực ra lúc nãy tôi cũng có nói rồi, chúng ta đặt cho mình một mục tiêu đủ lớn và hướng tới xã hội. Xã hội tốt thì mình cũng tốt và mình cũng luôn luôn hướng tới những mục tiêu lớn như vậy và hướng tới xã hội như vậy thì mình vượt qua được tất cả khó khăn và mình luôn luôn giữ được sự nhiệt huyết. Khó khăn lắm để đàm phán với các nhà linh kiện trong này, 200 nhà cung cấp. Nhưng mình luôn luôn có khát vọng. Mình luôn có khát khao và mình biết làm việc này để mình biết mục đích của nó như thế nào thì việc đó trở nên, đơn giản thì không đúng, nhưng trở nên khả thi, trở nên có thể thực hiện được.

Sinh viên: Thầy Quảng từ năm 3 đã có ý tưởng và thực hiện được ý tưởng phần mềm diệt virus. Em muốn biết cách học của thầy, thầy đã làm thế nào để mới năm 3 đã có thể làm được như vậy?

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Khi tôi học đến năm thứ 3 tôi đã có phần mềm diệt virus đầu tiên ở đây. Trên thế giới họ cũng bắt đầu vào thời điểm đó thôi. Điều đó cho thấy là, hãy cứ đam mê, đầu tiên là đam mê, khát khao. Tôi nhớ ngày đó virus máy tính vẫn là một thứ rất là mới lạ đối với thế giới và ở Việt Nam. Ngày đấy ở trường chưa dạy những thứ như vậy, nên là tôi tự học, tự tìm hiểu. Vậy thì thứ nhất các bạn hãy tự đặt ra cho mình những thứ để mình tự học, thậm chí là ngoài chương trình, để mình tự bổ sung kiến thức cho mình.

Thứ hai, như lúc nãy tôi có nói, mình gắn những công việc của mình luôn hướng tới xã hội. Nó là một động lực rất lớn. Sau khi tôi nghiên cứu về công nghệ, về virus máy tính thì lúc đó ở Việt Nam có một loại virus lây ở khắp nơi trên cả nước và xóa dữ liệu. Thế thì mình hướng tới là đấy là một đầu bài đặt ra và mình có thể viết một phần mềm để diệt những con virus đó giúp đỡ mọi người. Thế thì động lực của mình rất lớn, thay vì mình chỉ biết hay mình làm để kiếm tiền. Động lực để giúp đỡ mọi người, giúp đỡ xã hội rất là lớn. Ở đây có thầy Nguyễn Kim Khánh – thầy giáo của tôi, là thầy đã hướng dẫn tôi từ ngày sinh viên từ những năm thứ 3 như vậy, từ lúc tôi làm phần mềm diệt virus, cùng với thầy Quách Tuấn Ngọc.

Ở đây tôi lại thấy một điều nữa, mình được tiếp xúc với những người thầy có những tố chất để từ đó giúp cho mình cũng tạo ra những tố chất như vậy. Thế thì, cứ hướng tới mục tiêu xã hội. Ở Bách Khoa tôi thấy rất nhiều thầy có tố chất như vậy. Những thầy tiền bối từ thế hệ trước, rất tên tuổi cũng hướng tới xã hội như vậy. Và cuối cùng chúng ta đều có được sự thành công. Thành công với xã hội và trong đó dĩ nhiên có cả cá nhân mình.

Sinh viên: Xin hỏi thầy những tố chất, điều kiện nào để trở thành một kỹ sư CNTT giỏi?

Câu hỏi của em gợi cho tôi một kỷ niệm tại trường Đại học Bách Khoa. Năm thứ nhất tôi bị thi lại gần như tất cả các môn. Thầy Bảo nói đúng, khi vào Đại học sẽ rất khác khi các em còn học cấp 1, cấp 2, cấp 3. Tức là sẽ có một khối lượng kiến thức khổng lồ ngay ban đầu có thể làm các em choáng ngợp. Tính cách của tôi thì đôi khi mình chưa thấy ý nghĩa của nó như thế nào, mình sẽ không quyết liệt theo nó. Và với bình thường như cấp 1, cấp 2, cấp 3 thì sau đó mình có thể học bù. Nhưng với Đại học thì không có chuyện đấy. Khối lượng khổng lồ, và đặc biệt là trường Đại học Bách Khoa. Và kết quả là như vậy. Sau đó thì tôi đã kịp khắc phục vào học kỳ II. Tức là ngay sau học kỳ I tôi ở lại mùa hè và ôn thi các môn đấy. Và cuối cùng thì phần lớn đều được điểm 9 và điểm 10.

Các bạn đã vào học 2 tuần rồi vậy nếu có trải nghiệm như vậy thì cũng đừng thấy lo lắng, nó là tất yếu. Mấy bữa rồi các em sẽ quen thôi. Với năng lực của các em thế này thì các em sẽ quen thôi. Các em sẽ có thể thành công.

Thứ hai nữa, để làm việc bài bản, tôi muốn nói với các bạn là tính kỷ luật. Đất nước chúng ta, giá trị của con người đã được khẳng định, nhưng là trong chiến tranh. Chúng ta không muốn nói đến chiến tranh. Nhưng đó là sự thật. Tất cả đế quốc, thực dân sừng sỏ trên thế giới đều đã đến Việt Nam và đều bị đánh bật ra. Không một đất nước nào làm được như vậy. Chúng ta không muốn nhắc đến chiến tranh, nhưng chúng ta phải nhìn vào lịch sử để nhìn thấy giá trị của con người Việt Nam.

Ở Bkav có câu là “Không ra bản chất, không tận gốc vấn đề”. Tôi giải thích vấn đề đó là tại sao, tại sao thời bình này chúng ta lại có vẻ như là chưa được như vậy.

Bởi vì trong chiến tranh, kẻ thù là 1 và tất cả mọi người hướng vào đó. Chúng ta có tính kỷ luật rất cao, nên mọi tố chất của người Việt Nam được phát triển và tạo nên sức mạnh ghê gớm, hàng đầu thế giới luôn.

Nhưng trong thời bình, mỗi người có mục đích khác nhau. Cho nên các năng lượng đấy không được tập trung. Và tính kỷ luật không được thể hiện. Thế thì khắc phục được về tính kỷ luật thì chúng ta có thể làm được mọi thứ và tôi vẫn luôn tin tưởng và đang cố gắng để chứng minh việc đấy. Và tôi nghĩ phần nào đã chứng minh được dân tộc Việt Nam là một trong những dân tộc xuất sắc trên thế giới.

Ở Bkav, trong các phòng của các anh em trong Ban Giám đốc luôn luôn tôi yêu cầu phải ghi một câu trên cùng là “Làm theo luật lệ”. Đó là tính kỷ luật. Chúng ta khắc phục được điều đó, cộng với những khát vọng, ý chí, cộng với môi trường học tập, như ở trường Đại học Bách Khoa Hà Nội đây thì chúng ta có thể xây dựng đất nước trở nên hùng cường và là con rồng châu Á thứ 5. Tôi tin tưởng là như vậy!

PGS Tạ Hải Tùng: Nếu có một thông điệp ngắn gọn mà thầy gửi tới các bạn sinh viên thì đó là gì?            

CEO Nguyễn Tử Quảng:

Thứ nhất là các bạn không còn nhỏ, đừng nghĩ mình còn nhỏ. Ở Việt Nam mọi người thường nghĩ đang đi học là còn nhỏ. Từ nãy giờ mấy lần tôi sửa chữ, tôi nói là “các em”, sau đó tôi sửa ngay là “các bạn”. Vì tôi coi các bạn là lớn rồi, là ngang hàng với tôi.

Thứ hai, câu tôi đúc kết trong sự nghiệp của mình và làm kim chỉ nam cho Bkav, đó là: “Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn!”

Xem đầy đủ buổi giao lưu tại đây.

Bkav