Giải pháp tổng thể phòng chống COVID-19 - Phần 1&2
11:17:00 | 11-03-2021

PHẦN 1: NỀN TẢNG LÝ LUẬN

COVID-19 gây thiệt hại hàng tỷ USD, kinh tế xã hội ngưng trệ. Chúng ta không thể đứng nhìn.

Trước khi đề xuất các giải pháp cụ thể, mời các bạn đọc bài "Tự tin với bình thường mới" tôi đã viết cho chuyên mục Góc nhìn của VnExpress vào THÁNG 9 NĂM NGOÁI, lúc gần kết thúc vụ dịch bùng phát tại Đà Nẵng.

Bài viết là những phân tích của tôi dựa trên việc theo dõi số liệu COVID-19 trên thế giới và Việt Nam, do Viện Công nghệ AI của Bkav thực hiện ngay từ đầu mùa dịch và đến nay chúng tôi vẫn duy trì hoạt động này.

Những nội dung trong bài báo đến nay cơ bản vẫn rất chính xác, đúng với các diễn biến của các vụ dịch gần đây.

PHẦN 2: NGUYÊN NHÂN BÙNG PHÁT 2 VỤ DỊCH LỚN ĐÀ NẴNG VÀ HẢI DƯƠNG

Phân tích số liệu từ 2 vụ dịch nêu trên, có thể chỉ ra cùng một nguyên nhân dẫn đến sự bùng phát. Nắm được nguyên nhân sẽ giúp ta tìm ra GIẢI PHÁP MỘT CÁCH KHOA HỌC, CHẮC CHẮN.

Đà Nẵng ngày 27 tháng 7 năm 2020, ca bệnh đầu tiên được phát hiện. Chỉ cần đọc trên báo các bạn cũng biết, trước đó bệnh nhân 418 xuất hiện các triệu chứng từ ngày 11/7 và đến khám tại Bệnh viện quận Hải Châu.

Nếu bệnh viện nêu trên áp dụng BIỆN PHÁP CHỐT CHẶN, XÉT NGHIỆM COVID-19 với những bệnh nhân có biểu hiện ho, sốt thì ngày 11/7 chúng ta đã phát hiện ra ổ dịch Đà Nẵng, TRƯỚC 16 NGÀY so với thực tế ngày 27/7 mới phát hiện được.

Trong bài viết trước tôi đã đề cập số liệu thống kê từ hàng triệu ca nhiễm COVID-19 trên thế giới. Cứ mỗi chu kỳ 5 ngày, virus sẽ lây nhiễm theo hệ số 3, tức là nhân lên gấp 3 lần. Với 16 ngày phát hiện chậm, tức là hơn 3 chu kỳ (16 chia 5), virus có cơ hội nhân lên gấp 3x3x3 = 27 lần !

Số liệu thống kê cả vụ dịch Đà Nẵng, số ca lây nhiễm bao gồm cả lây sang Quảng Nam là 531 ca. Vậy nếu ngày 11/7 ca bệnh đầu tiên được phát hiện, thì vụ dịch Đà Nẵng sẽ giảm số ca nhiễm tới 27 lần, tức là chỉ còn (531 chia 27) = 19 CA NHIỄM !

Các bạn cũng đã trải nghiệm, thời gian gần đây nếu một ổ dịch chỉ có 19 ca nhiễm thì Việt Nam có thể xử lý đơn giản như thế nào.

Hoàn toàn tương tự với ổ dịch ở Hải Dương. Ngày 28/1/2021 ca bệnh đầu tiên được ghi nhận, tuy nhiên trong buổi họp ngày 29/1, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, Tổ trưởng Tổ truy vết cho hay: "Nhiều người đi KHÁM BỆNH TỪ NGÀY 18 ĐẾN 25/1 do có triệu chứng viêm phổi, viêm họng, đau họng và mua thuốc". Các bạn có thể Google câu quote ở trên để đọc bài gốc từ website của Bộ Y tế.

Một lần nữa, nếu việc CHỐT CHẶN TẠI BỆNH VIỆN được thực hiện nghiêm, như chiến lược tôi đã nêu ra trong bài báo "Tự tin với bình thường mới" trên chuyên mục Góc nhìn của VnExpress hồi tháng 9 năm ngoái, thì chúng ta CÓ CƠ HỘI phát hiện được ổ dịch Hải Dương từ ngày 18/1, tức là TRƯỚC 10 NGÀY so với thực tế là 28/1 mới phát hiện được.

Với 10 ngày phát hiện chậm, virus có cơ hội lây nhiễm thêm (10 chia 5) = 2 chu kỳ. Chủng virus lây tại Hải Dương có mức độ lây nhanh hơn trung bình, thay vì hệ số 3, virus có hệ số 4,5.

Số liệu thống kê số ca nhiễm COVID-19 trong vụ dịch Hải Dương vào khoảng 700 ca. Như vậy nếu phát hiện ca nhiễm đầu tiên trước 2 chu kỳ như nêu trên, chúng ta có cơ hội phát hiện ổ dịch khi virus mới chỉ lây được (700 chia 4,5 chia 4,5) = 34 ca !

Như vậy, chúng ta đã rõ nguyên nhân gây ra 2 vụ dịch lớn nhất. Chúng ta cũng hiểu, Bộ Y tế đã có những văn bản yêu cầu các cơ sở y tế làm nghiêm, tuy nhiên việc thực thi của các đơn vị này chưa hiệu quả. Cần phải có sự góp sức của CÔNG NGHỆ mới làm tốt được (tôi sẽ đề cập trong các bài viết sau).

Nếu tiếp tục mắc phải những lỗi như này trong thời gian tới, chúng ta khó có thể có "Bình thường mới".

Ngược lại, nếu rút ra được bài học, từ đó THIẾT KẾ CHIẾN LƯỢC, GIẢI PHÁP BÀI BẢN chúng ta có thể BIẾN NGUY THÀNH CƠ. Việt Nam sẽ có "Bình thường mới" thực sự với sự phát triển Kinh tế Xã hội bình thường, trong khi vẫn phòng chống được dịch, khẳng định là đất nước SỐ 1 THẾ GIỚI trong lĩnh vực này.

Tôi sẽ phân tích về chiến lược và giải pháp cụ thể trong các bài post sau.

 

CEO Nguyễn Tử Quảng