TỐI ƯU GIẢM THIỂU DIỆN PHẢI CÁCH LY ĐƯỢC HAY KHÔNG ?
Bkav nói chung và tôi nói riêng, may mắn được tham gia khá sâu vào công việc của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống COVID-19. Những ngày tháng 7 năm 2020, lúc dịch bệnh bùng phát tại Đà Nẵng, mọi hoạt động xã hội ngưng trệ. Đấy cũng là lúc chúng tôi cử chuyên gia của mình, cùng với Bộ TTTT vào vùng tâm dịch. Khi vụ dịch Hải Dương diễn ra, một lần nữa chúng tôi cử người về Hải Dương giúp địa phương trong công tác truy vết.
Cũng vì các hoạt động như vậy, đã giúp chúng tôi có những kinh nghiệm thực tế. Hơn thế nữa, chúng tôi có cơ hội tiếp xúc với các số liệu thống kê. Điều này vô cùng quý giá trong việc hoạch định chiến lược phòng, chống COVID-19 trong dài hạn.
Mỗi khi phát hiện một ổ dịch mới, thường bắt đầu bằng một F0 được phát hiện do vào khám bệnh tại bệnh viện, sau đó tổ truy vết sẽ tiến hành hỏi bệnh nhân F0 đã từng gặp ai, làm gì, ở đâu. Từ các mối quan hệ này ra được danh sách các F1, tương tự như vậy ra F2, F3. Điều này thì chúng ta đã quá quen trong năm COVID vừa qua.
Ngoài danh sách các F, cơ quan chức năng sẽ loan báo lịch trình những nơi công cộng mà F0 đã từng đến, để những người cùng có mặt tại đó biết mình thuộc diện F1.
Như vậy chúng ta có thể phân các F làm 2 nhóm. Nhóm thứ nhất là những người tiếp xúc hàng ngày với F0, bao gồm người nhà, hàng xóm, người làm cùng cơ quan, bạn bè có gặp nhau trực tiếp. Đây cũng là những người mà F0 có thể BIẾT CHẮC CHẮN CÓ TIẾP XÚC. Nhóm thứ 2 là những người mà F0 KHÔNG BIẾT HỌ LÀ AI, do tiếp xúc gián tiếp tại các nơi CÔNG CỘNG.
Số liệu thống kê chúng tôi có được cho thấy, nhóm thứ nhất chiếm tới 89% các ca sau này trở thành F0, tức là những người nhiễm COVID-19. Nhóm thứ 2 chỉ chiếm có 11%. Đây là một phát hiện CỰC KỲ GIÁ TRỊ !
Có thể hiểu là mỗi khi có một F0, chỉ cần hỏi rõ những người mà F0 này có thể nhớ được đã tiếp xúc, là ĐÃ "BẮT" ĐƯỢC TỚI 89% CÁC CA NHIỄM trong ổ dịch.
Như vậy, chúng ta cần tập trung vào chiến lược truy vết làm sao "bắt" gọn được 11% còn lại. Số lượng này không nhiều, nhưng như phân tích ở trên, nó xảy ra lây nhiễm ở NƠI CÔNG CỘNG nên không dễ truy được vết.
So khớp với chiến lược CHỐT CHẶN XÉT NGHIỆM COVID-19 tôi đã nói trong các phần trước, lúc đó số ca nhiễm mỗi ổ dịch chỉ trong khoảng từ 9 đến 27 ca, nếu làm tốt việc chốt chặn. Khi đó con số 11% chỉ tương ứng với tối đa 27x11% = 3 ca nhiễm.
Vậy là, nếu làm tốt CHỐT CHẶN XÉT NGHIỆM COVID-19, thì tất cả các nỗ lực trong việc cách ly sẽ CHỈ ĐỂ "BẮT" ĐƯỢC 3 CA NHIỄM tại các nơi CÔNG CỘNG.
Nếu áp dụng phương pháp cách ly như hiện nay, số lượng người phải cách ly lên đến hàng chục, hàng trăm ngàn. Tuy nhiên, nếu biết chắc số ca nhiễm chỉ nhỏ như vậy, tức là 3 ca nhiễm, chúng ta chắc chắn có thể TỐI ƯU GIẢM THIỂU ĐƯỢC DIỆN PHẢI CÁCH LY.
Một lần nữa CÔNG NGHỆ có thể giải được bài toán này, và tôi sẽ đề cập trong các bài tiếp theo.
Số lượng và phạm vi cách ly giảm thiểu sẽ giúp xã hội, kinh tế phát triển bình thường, song song với phòng chống dịch.
Chúc các bạn ngày mới làm việc hiệu quả !
CEO Nguyễn Tử Quảng
Xem bài viết gốc tại đây.
Giải pháp tổng thể phòng chống COVID-19 – Phần 4
Giải pháp tổng thể phòng chống COVID-19 – Phần 3
Giải pháp tổng thể phòng chống COVID-19 – Phần 1&2