Khi công nghệ phát triển, vấn đề không phải là các doanh nghiệp quyết định khi nào chuyển đổi số, mà là chuyển đổi số như thế nào mới hiệu quả, phù hợp với khả năng ngân sách thực tế.
Thế giới kết nối ngày nay đã dẫn đến thời đại của khách hàng: Được hỗ trợ bởi công nghệ và internet, khách hàng có kỳ vọng cao hơn bao giờ hết. Mạng xã hội đã tạo ra một cộng đồng người có ảnh hưởng kỹ thuật số; giọng nói, nhận diện khuôn mặt đã mang lại sự hài lòng và tiện lợi tức thì.
Sự thay đổi này đã khiến các quy tắc kinh doanh phải thay đổi. Chúng ta thấy các doanh nghiệp đang phản hồi bằng cách ưu tiên trải nghiệm khách hàng và triển khai các chiến lược chuyển đổi số (Digital Transformation - DX). Chuyển đổi số thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của doanh nghiệp và cung cấp giá trị cho khách hàng. Nó sẽ mang lại kết quả tích cực: cho dù đó là hợp lý hóa các quy trình, khai thác nguồn tài nguyên dữ liệu hay định hình các cách thức kinh doanh hoàn toàn mới.
Tuy nhiên, sự chuyển đổi số diễn ra chậm chạp ở doanh nghiệp cho đến khi đại dịch Covid-19 bùng phát trên toàn cầu từ cuối năm 2019. Cuộc khủng hoảng COVID-19 đã kéo theo thay đổi trong cách thức kinh doanh của các công ty ở mọi lĩnh vực với tốc độ nhanh chóng. Theo một Khảo sát toàn cầu mới của hãng tư vấn Mỹ McKinsey, các doanh nghiệp đã tăng tốc số hóa các hoạt động tương tác với khách hàng, chuỗi cung ứng cũng như các hoạt động nội bộ từ ba đến bốn năm. Thị phần của các sản phẩm kỹ thuật số hoặc hỗ trợ kỹ thuật số doanh nghiệp đã tăng nhanh đáng kinh ngạc. Gần như tất cả những người được hỏi đều nói rằng công ty của họ đã ít nhất đưa ra các giải pháp tạm thời để đáp ứng nhiều nhu cầu mới và nhanh hơn nhiều so với trước đại dịch.
Tại Việt Nam, theo khảo sát của của Viện Phát triển doanh nghiệp (Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI), trước dịch Covid-19, hơn 50% doanh nghiệp ứng dụng các công nghệ số. Song từ khi xảy ra dịch Covid-19, thêm hơn 25% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số, tập trung vào việc chỉ đạo, điều hành, làm việc từ xa qua môi trường trực tuyến.
Nói như vậy không có nghĩa là quá trình chuyển đổi số chỉ là màu hồng. Vẫn còn nhiều khó khăn đặt ra với doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Về cơ bản, hầu hết các công nghệ kỹ thuật số giúp doanh nghiệp tăng khả năng đáp ứng kỳ vọng của khách hàng, tăng hiệu quả sản xuất kinh doanh, nhưng nếu doanh nghiệp thiếu tư duy đúng đắn để thay đổi, khắc phục những hạn chế của các phương thức tổ chức hiện tại, thì chuyển đổi số sẽ chỉ càng làm cho hạn chế đó trầm trọng thêm.
Từ thực tế khảo sát và tư vấn chuyển đổi số cho doanh nghiệp, ông Đỗ Hưng Thuận, Tổng giám đốc phụ trách DX Solutons Tập đoàn Công nghệ Bkav cho biết tư duy của chủ doanh nghiệp hiện nay về chuyển đổi số có hai quan niệm phổ biến: chuyển đổi số hoặc bị coi quá đơn giản, là việc dùng các ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý; hoặc chuyển đổi số là việc gì đó rất vĩ mô, hoành tráng và tốn kém.
Phản ánh của Bkav cũng tương đồng với kết quả một nghiên cứu của Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam – VINASA – cho thấy rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang quan niệm chưa chính xác về chuyển đổi số. Trong khi có doanh nghiệp cho rằng chuyển đổi số là đưa ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, do vậy chỉ dành cho doanh nghiệp lớn và tốn nhiều tiền thì có nhiều doanh nghiệp lại nghĩ triển khai công nghệ thông tin càng nhiều, càng nhanh càng tốt và là chiếc đũa thần giúp doanh nghiệp cất cánh.
Điều này dẫn đến thực trạng chuyển đổi số ở không ít doanh nghiệp chẳng giống ai: Hoặc làm manh mún, mua các phần mềm, ứng dụng có sẵn, đâu dùng được thì dùng. Hoặc trì hoãn, ngại đầu tư nên đầu tư nhỏ giọt, chắp nối các quy trình, hệ thống hiện có.
Kết quả của cái gọi là chuyển đổi số như vậy là hệ thống quản lý bị phân mảnh, không đồng nhất. Hệ thống không có tính lâu dài, hiệu quả ngắn hạn có thể có nhưng thường nhanh chóng bị giảm hiệu quả, thậm chí vô hiệu sau một thời gian khi các hệ thống của nền kinh tế phát triển hoặc khi doanh nghiệp phát triển, nâng cấp hoạt động kinh doanh. Nói một cách ngắn gọn là gây lãng phí tiền của, nguồn lực của doanh nghiệp.
Đây là một vấn đề nan giải, thậm chí bế tắc và giải pháp, theo quan điểm của Bkav là bắt đầu phải từ nhận thức được rằng chuyển đổi số không phải là về công nghệ. Chuyển đổi kỹ số chỉ có hiệu quả nếu các nhà lãnh đạo doanh nghiệp quay lại các nguyên tắc cơ bản: tập trung vào việc thay đổi tư duy của các thành viên cũng như văn hóa tổ chức và quy trình trước khi quyết định sử dụng công cụ kỹ thuật số nào và sử dụng chúng như thế nào. Điều mà tất cả các thành viên hình dung là tương lai của tổ chức đã thúc đẩy công nghệ chứ không phải ngược lại.
Tập đoàn công nghệ Bkav bắt đầu tham gia vào quá trình chuyển đổi số ngay từ giai đoạn sớm. Trong thời gian này, Bkav đã đồng hành cùng hàng trăm doanh nghiệp, khảo sát hiện trạng tư duy và hoạt động của doanh nghiệp để tư vấn cho doanh nghiệp thấy được cần làm gì, làm thế nào, khi nào làm. Cách tiếp cận của Bkav cũng khác với các nhà tư vấn chuyển đổi số khác, đó là tư duy đúng, tư vấn đúng để doanh nghiệp thực hiện chính xác việc cần làm, tối ưu chi phí và nguồn lực để đạt kết quả chuyển đổi số tốt nhất.
"Chuyển đổi số không có nghĩa là phủ nhận cái cũ mà là sự kế thừa", ông Đỗ Hưng Thuận nói. "Đó không phải là sự thay mới mà là từ cái hiện tại, nâng tầm lên để thành cái tốt hơn, hiệu quả hơn, chính xác hơn. Khi nhìn nhận và hiểu đúng về bản chất của chuyển đổi số, tư duy đúng sẽ quyết định hành động đúng, hành động đúng sẽ cho kết quả đúng".
Nguồn: VnReview