Chuyển đổi số được nói đến nhiều từ báo chí, mạng xã hội đến tọa đàm, bài phỏng vấn. Lãnh đạo các tổ chức mong muốn và thể hiện quyết tâm chuyển đổi số cho tổ chức của mình, nhưng tỉ lệ tổ chức đã, đang chuyển đổi số là rất thấp. Đa số đang bị mắc kẹt về điểm bắt đầu thực hiện chuyển đổi cho tổ chức của mình.
Chuyển đổi số không phải là đích đến, nó là một hành trình giúp tổ chức chuyển đổi chính mình để thích nghi với sự thay đổi như vũ bão của xã hội, của thị trường. Đó là thách thức rất lớn với tổ chức, đồng thời tạo ra nhiều cơ hội mới cho tổ chức.
Theo Gartner, hành trình chuyển đổi số của tổ chức được đúc kết trong “mô hình trưởng thành của chính phủ số” hoặc “Hành trình kinh doanh số”. Hành trình chuyển đổi số một tổ chức sẽ trải qua sáu giai đoạn: tin học quá quy trình nghiệp vụ (Service – Centric), sử dụng dữ liệu (Data – Driven), dữ liệu làm trung tâm (Data – Centric), kết nối vạn vật (IOT – Centric) đến tiến hóa đỉnh cao là tự động hóa hoàn toàn bằng việc sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và thiết lập các hệ sinh thái mới (eCoSystem). Dựa vào mô hình trưởng thành của Gartner, tổ chức có thể xác định được mình đang ở giai đoạn nào, bước tiến tiếp theo và định vị được đích đến hay nói cách khác, tổ chức có thể xác định được “con đường chuyển đổi số” cho mình.
Hành trình kinh doanh số - Gartner
Để xác định được điểm bắt đầu chuyển đổi số, tổ chức có thể tham khảo một số gợi ý sau:
Cần xác định được thực trạng hệ thống công nghệ thông tin của mình, đánh giá mức độ chuyển đổi số. Đánh giá cần được lượng hóa, có thể đo lường được, chỉ khi xác định được chính xác hiện trạng mới tìm được đúng đường đi. Tổ chức có thể tham khảo, sử dụng bộ chỉ số đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông như: bộ chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh, bộ; hay bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số cho doanh nghiệp SME, doanh nghiệp lớn và tập đoàn; bộ đánh giá chuyển đổi số của các công ty uy tín như Delloite, Gartner,...
Cách tiếp cận chuyển đổi số là mới và hiện đại, khác với cách làm tin học hóa thông thường. Người hiểu tổ chức nhất chính là lãnh đạo cấp cao nhất của tổ chức, do đó, người lãnh đạo chuyển đổi số phải CEO của tổ chức. CEO của tổ chức cần xác định được mục tiêu rõ ràng chuyển đổi số cho tổ chức (ví dụ: tăng doanh thu từ kinh doanh số; tăng trải nghiệm người dùng từ dịch vụ số; sử dụng dữ liệu trong các quyết định của tổ chức;...) từ đó tư vấn hỗ trợ chỉ ra điểm bắt đầu chuyển đổi cho tổ chức. “Việc đầu tiên thực hiện tư vấn chuyển đổi số, chúng tôi phải thuyết phục được lãnh đạo cao nhất làm lãnh đạo chuyển đổi số cho tổ chức” – Ông Đỗ Hưng Thuận, TGĐ Công ty Bkav DX Solutions chia sẻ - “Vì chuyển đổi số là chuyển đổi toàn bộ hoạt động của tổ chức từ văn hóa tổ chức, vận hành tổ chức đến phương thức kinh doanh, phương thức hoạt động của tổ chức. Do vậy, chỉ có CEO của tổ chức mới là người thấu hiểu nhất tổ chức, có quyền quyết định thay đổi tổ chức và là chuyên gia trong lĩnh vực hoạt động của tổ chức. Chúng tôi sẽ hỗ trợ giải các bài toán bằng công nghệ. Tư vấn chuyển đổi số khác hoàn toàn với tư vấn tin học hóa, tư vấn ERP”.
Sau khi xác định được hiện trạng, định vị mục tiêu chuyển đổi số, tổ chức cần thiết kế con đường chuyển đổi số bài bản, dài hạn nhưng cần chia nhỏ thành các chặng, từ đó phân kỳ giai đoạn đầu tư để có thể thấy được kết quả ngay. Do vậy, tổ chức cần có một khung kiến trúc hoàn chỉnh có tầm nhìn, giai đoạn. Dựa vào khung kiến trúc xác định được thành phần có thể tiếp tục sử dụng, thành phần cần nâng cấp bổ sung tránh đầu tư lãng phí trùng lặp. Điều quan trọng, phải lượng hóa được để đo lường được, giám sát được quá trình chuyển đổi.
Khác với quá trình tin học hóa, chuyển đổi số là một hành trình chuyển đổi toàn bộ tổ chức, thách thức nhiều nhưng quả ngọt cũng lắm. Để đi trên con đường đó, tổ chức phải tự xác định được đường đi cho mình, sử dụng công nghệ làm phương tiện và tư vấn làm hoa tiêu hỗ trợ cho tổ chức tiến ra biển lớn.
Nguồn: VnReview