CEO Bkav Nguyễn Tử Quảng cho rằng, nếu nói về tiềm năng, người Việt Nam có thể đứng đầu thế giới về khả năng phát triển trí tuệ nhân tạo.
Để làm được trí tuệ nhân tạo tốt, một nhân sự cần có hai khả năng rất trái ngược là logic toán học và trực giác, cảm xúc tốt.
Thế giới đã công nhận khả năng học toán của Việt Nam là rất tốt. Bởi ở Việt Nam, ai cũng học toán từ bé. Chính khả năng toán học tốt sẽ giúp ta mô phỏng cách bộ não hoạt động.
Nhưng để hiểu cách bộ não hoạt động chúng ta lại phải có trực giác hay cảm xúc tốt. Tức là phải dùng trực giác, cảm xúc để hiểu cách con người nói chuyện, cách con người sử dụng hiểu biết. Phải hiểu rồi mới mô phỏng được.
Cụm từ “trí tuệ nhân tạo” vốn dĩ đã gồm có hai phần: Nhân tạo là phần toán, trí tuệ là phần người. Mà con người lại phải được hiểu bằng cảm xúc, cảm giác.
Trí tuệ nhân tạo là phép cộng của hai thứ rất trái ngược nhau: Một thứ rất cảm xúc cộng với một thứ rất logic toán học. Thường một người duy tình thì không duy lý và ngược lại. Nhưng người Việt Nam thì có cả hai. Chúng ta có truyền thống toán học lại nổi tiếng hành động theo cảm xúc.
Ví dụ, dù bạn sai nhưng tôi thích bạn nên tôi sẵn sàng bỏ qua. Nhưng một người châu Âu hay người Mỹ… sẽ không dễ dàng bỏ qua như thế. Đặc điểm này của người Việt Nam sẽ không tốt để tạo ra một xã hội công nghiệp nhưng sẽ tốt để phát triển trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó mới chỉ là tiềm năng. Để dẫn đầu nguồn nhân lực về phát triển trí tuệ nhân tạo, Việt Nam còn cần rất nhiều điều kiện “đủ” khác nữa. Giỏi toán và duy tình mới là điều kiện “cần” thôi.
Quay trở lại câu chuyện của ChatGPT, người có vai trò quyết định tới thuật toán tạo của chatbot này là một người Việt Nam - bạn Lê Việt Quốc. Quốc là một trong 4 người sáng lập ra Google Brain. Nơi đứng sau tất cả các thành tựu trí tuệ nhân tạo của Google.
Hiện nay, các chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam rất ổn, nếu không muốn nói là tuyệt vời. Nghị quyết cập nhật đúng, kịp thời. Chính sách tốt nhưng thực thi chưa tốt.
Trí tuệ nhân tạo Việt Nam thiếu một Kiến trúc sư trưởng, tức là thiếu một người đứng đầu về việc thực thi.
Để xây một toà nhà to đẹp thì bạn cần gì? Sắt thép, xi măng, cát sỏi… Đó là những thứ ai cũng có thể có, có tiền là có. Những để xây to và đẹp, cái bạn cần là thiết kế, là kiến trúc. Rồi làm sao để các công đoạn đi theo đúng thiết kế? Không có chuyện đội này vào sửa một ít, đội kia vào sửa một ít. Cuối cùng nó chẳng ra thứ ban đầu! Thứ bạn cần là một Kiến trúc sư trưởng - người thống nhất được thiết kế, quản lý được thi công.
Lấy một ví dụ rất hữu hình để chúng ta thấy xây một căn nhà cho mình ở đã như vậy rồi nữa là những lĩnh vực trừu tượng như: Chiến lược quốc gia về công nghệ, chiến lược quốc gia về trí tuệ nhân tạo…
Chúng ta cần một Kiến trúc sư trưởng để phát tiển trí tuệ nhân tạo. Nhưng đó lại là điều chưa được chú tâm. Chúng ta phải tìm kiếm họ; phải tạo điều kiện cho họ hoạt động. Quốc rất muốn về Việt Nam, khao khát đóng góp cho Việt Nam. Nhưng Quốc về mà không có chỗ để đóng góp thì khao khát ấy cũng không có giá trị gì cả.
Nhà quản lý phải tìm được những người như Quốc, giao nhiệm vụ, giao trách nhiệm cho họ. Thay đổi chế độ, quy trình để nâng cao vai trò của những người ấy. Đầu tư không cần tốn kém mà cần đúng hướng. Hướng đúng ở đây chính là con người.
Nguồn: Báo Nhân Dân