Theo thống kê mới nhất từ Cổng không gian mạng quốc gia, số lượng phản ánh của người dùng Internet Việt Nam về các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam đã tăng liên tục trong 3 tuần cuối tháng 6/2024, từ 815 lên 965 và cán mốc 1.843 phản ánh trong tuần cuối cùng của quý II năm nay.
Như vậy, so với trung bình hằng tuần từ tháng 5/2024 trở về trước, số lượng phản ánh về lừa đảo của người dân tới cổng cảnh báo đã tăng từ 2 đến hơn 4 lần. Riêng trong tuần cuối tháng 6, mỗi ngày có tới hơn 263 phản ánh về lừa đảo trực tuyến được gửi về hệ thống của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia – NCSC thuộc Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT).
Ông Nguyễn Văn Thứ, Tổng giám đốc An ninh mạng Tập đoàn công nghệ Bkav cho biết: “Các vụ lừa đảo trực tuyến tại nước ta đang có xu hướng tăng nhanh, gây bức xúc trong dư luận. Tuy vậy, đây là điều rất bình thường bởi lừa đảo trực tuyến không chỉ xảy ra ở Việt Nam mà diễn ra trên toàn thế giới. Chúng ta cần chấp nhận thực tế này và có nhiều biện pháp đồng bộ để phòng tránh, giảm thiểu các vụ lừa đảo”.
Lý giải thêm nguyên do của tình trạng này, ông Nguyễn Văn Thứ chỉ ra một số nguyên nhân, trong đó có câu chuyện nhận thức về an toàn, an ninh mạng của rất nhiều người dân Việt Nam còn chưa cao, vì thế họ không cảnh giác khi nhận các cuộc gọi, tin nhắn, email hay truy cập website lừa đảo mà không hề hay biết.
Mặt khác, các hành vi lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi hơn, với nhiều thủ đoạn đa dạng đánh vào tâm lý, lòng tham của nhiều người. Song song đó, nhiều đối tượng lừa đảo còn ứng dụng công nghệ cao vào các vụ lừa đảo khiến cho người dân càng khó phát hiện hơn.
“Một nguyên nhân nữa là do môi trường mạng không có giới hạn về không gian, khoảng cách, các hoạt động lừa đảo diễn ra trên phạm vi rộng, xuyên biên giới, do đó các cơ quan chức năng cũng rất khó vào cuộc để xử lý triệt để”, ông Nguyễn Văn Thứ phân tích.
Trong "cuộc chiến" với lừa đảo trực tuyến, người dân cần giữ tâm thế luôn chủ động trong việc nâng cao nhận thức về các mối hiểm họa trên không gian mạng, trang bị tốt cho bản thân về công nghệ và kỹ năng bảo đảm an toàn thông tin, cập nhật các hình thức lừa đảo mới để luôn có những phản ứng tốt trong các tình huống.
Song song đó, các cơ quan, đơn vị, tổ chức cũng cần tiếp tục duy trì và có thêm nhiều những hoạt động truyền thông hơn nữa đến người dân; đào tạo, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh cho từng đối tượng, lứa tuổi và chuyên môn, với những tài liệu dễ hiểu, ngắn gọn và gần gũi nhất để giúp người dân dễ dàng hiểu rõ hơn về các nguy cơ có thể gặp phải trên không gian mạng. Từ đó, nâng cao nhận thức của người dân về các rủi ro gây mất an toàn thông tin mạng.
Nguồn Vietnamnet