Để tạo bệ phóng cho khoa học và công nghệ tăng tốc, theo CEO Nguyễn Tử Quảng "cần phải có ngân hàng công nghệ".
"Hàn Quốc và Trung Quốc là hai ví dụ thành công nhất về công nghệ, cả Hàn Quốc và Trung Quốc, đều có ngân hàng công nghệ hay ngân hàng công nghiệp tùy từng nước gọi. Họ thấy nhu cầu hết sức cần thiết và đã tạo ra cơ chế riêng - là ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực công nghệ. Ngân hàng này hoạt động theo cách thức: nguồn vốn do Chính phủ đưa vào và ngân hàng quản lý. Nhưng cách duyệt vốn (cho doanh nghiệp khoa học và công nghệ vay vốn) khác với ngân hàng truyền thống khi dựa vào bất động sản (tài sản hữu hình) cùng kết quả kinh doanh và tài sản hữu hình mang tính tiên quyết.
Tuy nhiên, với ngân hàng công nghệ, việc cho vay vốn cũng dựa trên kết quả kinh doanh nhưng ngân hàng không đòi hỏi phần tài sản hữu hình, tài sản cố định, vì đây là đặc thù của doanh nghiệp công nghệ. Tại Trung Quốc và Hàn Quốc, người ta có một hội đồng quốc gia của những người có kiến thức, hiểu biết và trách nhiệm với ngành, và hội đồng này quyết định việc rót vốn vào dự án.
Ngoài ra, ở Trung Quốc còn có quỹ. Trong lĩnh vực công nghệ, tư nhân năng động hơn nên Trung Quốc khuyến khích tư nhân đầu tư các quỹ tư nhân đầu tư vào venture (quỹ đầu tư mạo hiểm). Nói là đầu tư mạo hiểm nhưng các quỹ này siêu lợi nhuận, vì một người thành công thì vẫn bằng rất nhiều “ông” thất bại.
Trung Quốc khuyến khích các quỹ tư nhân bằng cách cùng đầu tư vào các quỹ tư nhân, cho quỹ tư nhân dẫn dắt, còn Nhà nước góp tiền, tất nhiên phải chọn lọc các quỹ để Nhà nước rót vốn. Nhà nước đầu tư vào quỹ, nếu quỹ thành công thì Nhà nước cũng không lấy tiền đó ra mà quỹ sẽ được sử dụng, nghĩa là Nhà nước đưa thêm vốn vào, hỗ trợ thêm để khuyến khích, còn quỹ chịu trách nhiệm.
Những nước muốn nắm bắt công nghệ thì phải thúc đẩy rất nhanh, chứ không thể để tự nhiên có được mà phải có định hướng của Nhà nước. Ngân hàng công nghệ chính là lời giải của Trung Quốc và Hàn Quốc, đây cũng là hai ví dụ rất điển hình. Nhờ vậy họ mới có được những đột phá về khoa học và công nghệ như hiện nay. Trong đó, các công ty công nghệ lớn của Trung Quốc và Hàn Quốc cũng đều dựa vào ngân hàng công nghệ và những quỹ như vậy để phát triển.
Với Việt Nam, muốn phát triển và phát triển nhanh về khoa học công nghệ, theo tôi, phải có ngân hàng công nghệ, không có cách nào khác. Đây là điểm khó nhất mà Việt Nam phải giải, cũng là điểm mấu chốt cho sự phát triển khoa học và công nghệ của quốc gia. Thực tế đã dẫn chứng ở trên, đó là những điển hình mà Việt Nam phải nghiên cứu rất kỹ. Cả quỹ mạo hiểm cũng vậy, cũng phải nghiên cứu kỹ để đưa vốn vào quỹ của tư nhân. Còn đường đấy là phải làm, chỉ có điều cách làm như thế nào thôi.
Mỗi một giai đoạn sẽ có một số quốc gia nổi lên. Giai đoạn này Việt Nam có cơ hội rất lớn, nếu Việt Nam không bắt nhịp được, không phá được “bức tường thành” để có ngân hàng công nghệ thì khó có thể phát triển tăng tốc và bền vững”.
Theo Vneconomy