(VnReview) Sau bài trên tay và đánh giá nhà thông minh Bkav SmartHome trong trải nghiệm thực tế, chúng tôi tiếp tục mổ các thiết bị thuộc hệ thống này để tìm hiểu chất lượng thiết kế, lắp ráp cũng như nguồn gốc linh kiện bên trong.
Nhà thông minh SmartHome là căn nhà được tích hợp công nghệ vào các vật dụng để dễ dàng điều khiển, kết nối thông qua mạng Internet, tự động làm những công việc đã được lập trình sẵn... Hệ thống SmartHome gồm các bộ điều khiển không dây, thiết bị mạng, cảm biến và phần mềm điều khiển… với tổng cộng khoảng 10 đầu sản phẩm.
Trong khuôn khổ bài viết này, chúng tôi đã mổ 6 sản phẩm trong hệ thống SmartHome gồm 2 thiết bị điều khiển (bảng điều khiển 6 kênh SH-CC 6, công tắc cảm ứng 4 kênh SH-CTZ4), thiết bị kết nối trung tâm SH – BZ, thiết bị cảnh báo an ninh SH – SCZ, thiết bị bật đèn cảm ứng SH-DZ và cảm biến môi trường SH-SSZ. Đây là những thiết bị chính giúp người dùng làm chủ ngôi nhà thông minh Bkav SmartHome.
Bkav tuyên bố làm chủ công nghệ sản xuất nhà thông minh nhờ việc làm chủ thiết kế tạo dáng công nghiệp, thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử, phát triển phần mềm và hệ điều hành hoàn thiện cho nhà thông minh. Nhà sản xuất chỉ nhập khẩu các linh kiện phụ trợ từ nước ngoài (tụ điện, điện trở từ Nhật, kính cường lực Gorilla Glass từ Corning của Mỹ…). Bkav cho biết các đối tác này cũng là đối tác cung cấp linh kiện cho Apple hay Samsung.
VnReview đã mổ khá nhiều sản phẩm công nghệ nhưng đây là lần đầu tiên chúng tôi tiến hành mổ xẻ nội thất một giải pháp nhà thông minh. Quá trình mổ các thiết bị SmartHome không gặp trở ngại nào đáng kể, thời gian mổ diễn ra nhanh do các thiết bị này có cấu tạo cơ khí ít phức tạp hơn smartphone hay tablet.
1. Thiết bị điều khiển
Như đã đề cập trong các bài viết trước, việc điều khiển toàn bộ căn nhà SmartHome có thể thực hiện bằng nhiều cách: ngoài phần mềm trên điện thoại/máy tính bảng còn có hệ thống bảng điều khiển 6 kênh SH-CC6 và công tắc cảm ứng 4 kênh SH-CTZ4.
Cả hai bảng điều khiển đều có thiết kế liền mạch do phần panel cảm ứng (dùng kính cường lực Gorilla Glass) được gắn chặt với khung nhôm. Nhà sản xuất rất chú trọng vào thiết kế và tính thẩm mỹ của sản phẩm nên không cho phép người dùng có thể tháo thiết bị từ mặt trước (phần mặt kính cảm ứng). Các thành phần bo mạch, khung đỡ và màn hình được định vị bằng vít từ phía mặt sau, được gắn kết với nhau thông qua gần chục con vít và dùng cơ cấu nhựa để gá đỡ các bộ phận, không dùng băng keo. Việc tháo vít cũng không đơn giản bởi các con vít dùng cốt đồng nên được bắt rất chặt.
Bảng điều khiển trung tâm 6 kênh SH-CC6
Bảng điều khiển SH-CC6 được thiết kế nhỏ gọn, hiện đại và tinh tế với khung nhôm phay nguyên khối và màn hình Gorilla Glass thường thấy ở iPhone và các smartphone cao cấp
Việc tháo rời nắp lưng thiết bị không gặp khó khăn gì do bảng mạch phía sau được định vị vào khung bằng 4 ốc vít.
Bảng mạch phía sau điều khiển việc hiển thị các chuỗi ký tự trên màn hình LCD phía trên. Các vùng khoanh đỏ là vị trí các connector: 1- Connector kết nối với bảng mạch điều khiển phía trên. 2- Connector nối với màn hình LCD.
Tiếp tục tháo 10 con vít kết nối giữa phần nhựa giữ màn hình LCD phía dưới. Màn hình hiển thị LCD do Thingwell International, hãng chuyên sản xuất màn hình LCD và module LCD trong các linh kiện điện tử trong ô tô, máy công nghiệp, thiết bị gia dụng, thiết bị y tế…
Bảng mạch thứ hai này đặt ngay phía dưới bề mặt cảm ứng của SH-CC6. Bảng mạch điều khiển này chứa các con chip và module kết nối không dây: 1- Vi xử lý chính ST M32F100 của ST Micro Electronics, nhà sản xuất chip bán dẫn lớn nhất thế giới có trụ sở tại Thụy Sĩ. 2- Còi chip. 3- Module ZigBee. 4- Cảm biến điện dung ST16M31.
Vi xử lý chính ST M32F100 của ST Micro Electronics cho phép điều khiển các phần hiển thị trên màn hình LCD.
Còi chip (khi chạm vào nút bấm cảm ứng sẽ kêu bíp để thông báo đã nhận lệnh) do hãng TDK (Nhật) sản xuất.
Cảm biến điện dung ST16M31 có tác dụng "đọc" lệnh từ phím cảm ứng phía trên.
Module kết nối không dây ZigBee (công nghệ không dây công suất thấp an toàn cho sức khỏe, dùng cho các thiết bị gia dụng) với tần số 2.4 Ghz của Murata Nhật Bản. Murata cũng là đối tác cung cấp module WiFi cho iPhone 6
Công tắc cảm ứng 4 kênh SH-CTZ4
Công tắc cảm ứng 4 kênh SH-CTZ4 sử dụng khung nhôm nguyên khối và có thiết kế tương tự như SH-CC6.
Phần mạch công suất (bên phải) được ráp với bảng điều khiển (bên trái) bằng 2 mấu gài.
Mấu gài kết nối mạch công suất và bảng điều khiển
Chúng tôi lật mặt sau của SH-CTZ4, tháo 4 ốc vít để mở mạch công suất. Phần khoanh đỏ là rơ le để đóng/ngắt mạch điện, bốn rơ le này tương ứng với 4 nút bấm cảm ứng. Đây là linh kiện của SUN Hold Electric (Hồng Kông). Tên mã 1216A cho thấy linh kiện được điều khiển bằng tín hiệu một chiều 12V và chịu được dòng tải tối đa 16A.
IC nguồn (của Power Integrations) gắn ở mặt sau mạch công suất sẽ chuyển từ dòng điện xoay chiều sang điện một chiều 12V để cung cấp năng lượng điều khiển rơ le.
Chúng tôi tiếp tục khám phá phần bảng mạch điều khiển bằng cách tháo 8 ốc vít ở xung quanh các cạnh.
Các linh kiện trên bảng mạch điều khiển cảm ứng: 1- Cảm biến điện dung ST16M31 của ST Micro Electronics, tương tự như trên SH-CC6. 2- Còi chip của TDK. 3- Module ZigBee của Murata.
2. Thiết bị kết nối trung tâm và thiết bị cảnh báo an ninh
Thiết bị kết nối trung tâm
Thiết bị kết nối trung tâm SH – BZ
Thiết bị kết nối trung tâm SH – BZ là cầu nối mạng thiết bị ZigBee với server của hệ thống nhà thông minh Bkav SmartHome. Trong bán kính 8m, các thông tin trạng thái của tất cả các thiết bị trong căn nhà được truyền về SH - BZ và sau đó được chuyển đến server SmartHome.
Để mở thiết bị kết nối trung tâm, chúng tôi lật nắp che (đồng thời là chân đế) ở mặt sau của thiết bị, tháo 4 ốc vít ở các góc trên bộ kết nối trung tâm SH-BZ để thấy bảng mạch phía trong.
Bảng mạch chính trong thiết bị kết nối trung tâm gồm: 1- Vi xử lý Cortex-M3. 2- Module ZigBee. 3- Module nguồn NFM 5-5
Vi xử lý Cortex-M3 của Texas Intruments (Mỹ), hãng sản xuất vi xử lý hàng đầu thế giới. Vi xử lý này cũng tích hợp chip giao tiếp với máy tính qua mạng LAN, Ethernet.
Khác với hai bảng điều khiển, module ZigBee trên bộ kết nối trung tâm SH-BZ được tích hợp thêm kết nối với ăng-ten ngoài để tăng khoảng cách thu phát. Module ZigBee này là sản phẩm của Catcan (Đài Loan).
Modul nguồn NFM 5-5 của Meanwell (Đài Loan) sẽ chuyển từ dòng điện 220V sang điện một chiều 5V cho thiết bị
Thiết bị cảnh báo an ninh SH – SCZ
Thiết bị cảnh báo an ninh SH – SCZ
SH – SCZ tuy sở hữu thiết kế đơn giản nhưng lại kiêm nhiệm được khối lượng công việc khổng lồ: thu thập tín hiệu từ các cảm biến an ninh như hàng rào điện tử, cảm biến vị trí, cảm biến kính vỡ, cảm biến báo khói… SH - SCZ hỗ trợ 4 kênh an ninh gồm Zone 1, Zone 2, Zone 3 và Zone 4.
Tháo 4 vít phía sau để mở thiết bị an ninh trung tâm
Bảng mạch bên trong SH – SCZ, phần khoanh đỏ là rơ le PA1a -5V của Panasonic cho phép điều khiển còi báo động bên ngoài căn nhà.
Module ZigBee với tần số 2.4 Ghz của Murata (Nhật) được gắn ở mặt sau của bảng mạch
3. Các cảm biến
Thiết bị bật đèn cảm ứng SH-DZ
Thiết bị bật đèn cảm ứng SH-DZ
Thiết bị bật đèn cảm ứng SH-DZ sẽ bật đèn khi có người trong khu vực cảm ứng (khoảng 20m2) và tự động tắt đèn khi không có người đi lại, hay hoạt động trong khu vực cảm ứng. Theo ông Vũ Thanh Thắng, Phó chủ tịch phụ trách phần cứng và SmartHome của Bkav thì đây là 1 trong các thiết bị "xưa" nhất của Bkav SmartHome khi phiên bản đầu tiên được chế tạo cách đây 10 năm, có thể coi là thiết bị đầu tiên tạo cảm hứng để Bkav phát triển toàn bộ hệ thống SmartHome sau này.
Mở SH-DZ bằng cách xoay phần đế ngược theo chiều kim đồng hồ. Phần nắp của thiết bị được ghép với phần đế bằng 3 ngàm và không sử dụng ốc vít cố định.
Bên trong thiết bị bật đèn cảm ứng SH-DZ: 1- Rơ le của SUN Hold Electric tương tự như trên SH-CTZ4. 2- Cảm biến hồng ngoại. 3- Module ZigBee với tần số 2.4 Ghz của Murata. Module này xuất hiện trong mọi thiết bị để truyền dữ liệu về trung tâm.
Cảm biến hồng ngoại và bảng mạch phía dưới do Bkav sản xuất. Lens S9004 được nhập từ công ty Nysenba có dạng vòm, để tập trung tín hiệu hồng ngoại thu được từ người đi lại phía dưới thiết bị trong diện tích 20m2 vào chip cảm biến đặt bên trong.
Cảm biến môi trường SH-SSZ
Cảm biến môi trường SH-SSZ
Cảm biến SH-SSZ có thể đo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng môi trường và gửi tín hiệu về server hệ thống SmartHome. Sau đó chính thiết bị này sẽ điều khiển các vật dụng khác như: điều hòa nhiệt độ, máy tạo độ ẩm, hệ thống chiếu sáng... nhằm tạo ra môi trường sống tiện nghi cho người sử dụng.
SH-SSZ hoạt động trên điện áp 220V - 50/60Hz, có thể đo nhiệt độ trong khoảng -40oC đến 60oC, đo độ ẩm trong khoảng 0 - 100% RH, đo ánh sáng từ 0 - 1800 lux.
Việc mở phần trước của cảm biến SH-SSZ bằng cách tháo nắp và 4 ốc vít. Phần nắp trước có tác dụng che các đầu vít kết nối nhằm tăng tính thẩm mỹ cho sản phẩm
Bảng mạch nằm phía dưới nắp che cảm biến gồm: 1 - Cảm biến xử lý nhiệt độ, độ ẩm, SH T10 của Sensirion (Thụy Sĩ). 2- Cảm biến xử lý ánh sáng TSL2550D của TAOS (Mỹ).
Cảm biến xử lý nhiệt độ, độ ẩm, SH T10 của Sensirion (Thụy Sĩ)
Tháo 4 ốc vít để xem bảng mạch phía sau
1 - Module ZigBee được đặt chính giữa bảng mạch. 2 - Module nguồn của thiết bị do Bkav thiết kế
Module nguồn do Bkav thiết kế và sản xuất được đặt đứng cho gọn. Module này có tác dụng chuyển dòng điện xoay chiều sang điện một chiều để thiết bị hoạt động.
Kết luận
Các sản phẩm trong hệ thống SmartHome của Bkav có thiết kế cơ khí, thiết kế điện tử và lắp ráp tốt. Các bảng điều khiển sử dụng vành nhôm đúc nguyên khối và mặt kính cường lực Gorilla Glass chắc chắn. Trong khi đó các cảm biến, thiết bị truyền dẫn cũng sử dụng chất liệu nhựa cao cấp. Bo mạch được thiết kế cẩn thận, các cáp flex gọn gàng và sử dụng nhiều đầu nối (connector) để gắn kết các thành phần với bo mạch.
Bkav đã sử dụng các linh kiện điện tử từ các nhà sản xuất tên tuổi trên thế giới để tạo nên "đẳng cấp" không chỉ trong thiết kế mà ngay cả trong chất lượng của sản phẩm. Do đó, nếu không được giới thiệu là một sản phẩm "Made in Vietnam" thì khách hàng sẽ dễ nghĩ rằng đây phải là các sản phẩm mang thương hiệu nước ngoài. Đây là điều bất ngờ và cũng đáng để tự hào bởi đã lâu lắm rồi mới có được một sản phẩm xứng tầm quốc tế, do doanh nghiệp Việt Nam nghiên cứu, phát triển và đầu tư sản xuất sản phẩm từ thiết kế kiểu dáng, thiết kế điện tử, cơ khí... đến phần mềm.
Bài viết tới sẽ tìm hiểu quá trình Bkav SmartHome được sản xuất như thế nào. Mời bạn đọc tiếp tục theo dõi.
Theo VnReview
Xem thêm hình ảnh các thiết bị SmartHome tại đây
Bạn có thể bấm vào đây để tìm hiểu thêm về Bkav SmartHome
Tin bài liên quan:
Đánh giá nhà thông minh SmartHome