(Bưu điện Việt Nam) Sau mỗi phát ngôn mạnh miệng về phần mềm diệt virus Bkav, Nguyễn Tử Quảng lại bị nhiều cư dân mạng, nhất là các diễn đàn công nghệ lao vào "ném đá" và gán cho một loạt biệt danh nào là "Quảng nổ", "Quảng bom" hay "Quảng lựu đạn"… Nhưng thực tế công ty của "Quảng nổ" vẫn tăng tốc chóng mặt và mở ra nhiều mảng kinh doanh mới đầy tiềm năng.
Khởi sự từ virus
Năm 1995, khi là còn sinh viên khoa CNTT năm 3 Đại học Bách Khoa Hà Nội, Nguyễn Tử Quảng đã cho ra đời phần mềm diệt virus Bkav chạy trên hệ điều hành MS-DOS của Microsoft. Vào thời điểm đó, Việt Nam chưa có Internet nên virus chỉ lây qua đĩa mềm. Nguyễn Tử Quảng đã tìm cách phổ biến sản phẩm của mình bằng cách mang đĩa diệt virus đến hai tạp chí tin học Thế giới Vi tính và Tin học & Đời sống cho người dùng chép miễn phí. Sau khi Internet xuất hiện vào năm 1997, Bkav được đưa lên Internet miễn phí thông qua mạng Trí tuệ Việt Nam.
Ngày 24/11/1997, thông tin cảnh báo về virus lần đầu tiên xuất hiện trên truyền hình quốc gia. Sau sự kiện đó, virus máy tính bắt đầu nhận được sự quan tâm của cộng đồng. Các cuộc gọi và email tới Bkav yêu cầu hỗ trợ virus ngày càng nhiều lên. "Vào năm 2000, trung bình mỗi ngày chúng tôi nhận được khoảng 150 cuộc gọi và email nhờ hỗ trợ về virus", ông Quảng nói. "Khi đó, nhóm 3 người làm Bkav đều cảm thấy quá tải".
Đó là lý do Nguyễn Tử Quảng thành lập Trung tâm an ninh mạng Bách Khoa (Bkis) vào cuối năm 2001. Những năm đầu mới thành lập, Bkis chủ yếu sống dựa vào các hợp đồng làm dịch vụ bảo mật với các cơ quan và doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội. Sau khi có Luật Doanh nghiệp vào năm 2005, ông Quảng quyết định thành lập Công ty an ninh mạng Bkav để thương mại hóa phần mềm diệt virus với mục đích có nguồn thu để tiếp tục phát triển sản phẩm.
Chỉ sau 5 năm thương mại hóa, Bkis đã trở thành một tên tuổi lớn trong thị trường bảo mật và ngành CNTT nói chung với hơn 800 nhân viên. Sản phẩm Bkav chiếm 85% thị phần phần mềm diệt virus có bản quyền ở Việt Nam, theo thống kê riêng của Bkis công bố vào cuối năm 2009. Cũng có một số người hoài nghi con số này cho rằng Kaspersky đang lấn át trên thị trường bán lẻ. Tuy nhiên, theo ông Quảng, Bkav bán chủ yếu qua kênh online. "Số phần mềm virus bán qua kênh đại lý mỗi tháng chỉ tính theo đơn vị trăm. Trên kênh trực tuyến, mỗi ngày chúng tôi bán được đơn vị nghìn", ông Quảng nói.
Không tiết lộ doanh thu và số liệu phần mềm Bkav bán ra, ông Quảng chỉ nói "Bkav là nguồn thu chính để Bkis đầu tư cho hơn 100 kỹ sư nghiên cứu cập nhật virus, 300 nhân viên chăm sóc khách hàng (call center) phục vụ người dùng Bkav và giúp công ty này mở rộng đầu tư sang các lĩnh vực khác".
Sau thành công với phần mềm diệt virus, Công ty Bkav đang mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác từ giải pháp chính phủ điện tử đến chữ ký số và cả hệ thống tòa nhà thông minh.
Vì sao giới tin học "ném đá" Bkav?
Mặc dù phát triển nhanh từ sau khi thương mại hóa, Bkis đang gặp rào cản không nhỏ là thành kiến của một số người trong giới tin học. Điều này có thể thấy rõ ràng sau mỗi phát ngôn mạnh miệng của Bkis, ví dụ như "Bkav không thua kém bất kỳ sản phẩm nào, kể cả Symantec hay McAfee", "phần mềm Bkav hiện chiếm 85%" hay "Bkav sẽ lọt vào top 10 phần mềm toàn cầu"... thì ngay lập tức bị các diễn đàn công nghệ trong nước như ddth.com hay Vozforums.com lôi ra "ném đá" và gán đặt cho Bkis cũng như cá nhân ông Quảng một loạt biệt danh như "Quảng nổ", "Quảng bom" hay "Bkav cùi bắp, chỉ diệt được virus nội"... Thậm chí, ông Quảng và Bkis còn bị bôi nhọ cả trên mạng xã hội Facebook.
Ông Quảng thừa nhận đây là vấn đề với Bkis bởi những người làm CNTT không chỉ là khách hàng tiềm năng mà còn là những người tham gia tư vấn sản phẩm cho người dùng khác. Nhưng ông Quảng cho rằng vấn đề này không phải do Bkis gây ra mà là rào cản dân tộc và tâm lý sùng ngoại của số đông. "Trong khu vực, chưa có nước nào có công nghệ cao về an ninh mạng, chỉ có Mỹ, Nga, Trung Quốc hay Phần Lan có được. Thế mà lại nói Bkav tốt hơn là điều khó chấp nhận. Vì vậy, người ta nghĩ mình nói khoác. Nhất là trong điều kiện Việt Nam, tình trạng làm ăn chộp giật nhan nhản, làm xói mòn niềm tin", ông Quảng nói.
Trong năm 2010, Bkis đã 3 lần vượt qua kỳ sát hạch khắt khe của Virus Bulletin (VB), tổ chức uy tín trên toàn cầu về kiểm định giải pháp diệt virus, để khẳng định chất lượng không thua kém những sản phẩm ngoại. Không chỉ có vậy, ông Quảng và Bkis đã cầu thị trực tiếp gặp gỡ các diễn đàn công nghệ trong nước để chứng minh rằng những tuyên bố của họ là có cơ sở. Tuy nhiên, những thành kiến về Bkis trên các diễn đàn này dường như có phai mờ hơn nhưng chưa nhạt.
Muốn trở thành "Microsoft Việt Nam"
Hiện nay, ngoài mảng kinh doanh chính là phần mềm diệt virus, ông Quảng đang mở rộng sang nhiều lĩnh vực khác, gồm giải pháp chính phủ điện tử (phần mềm eOffice), chữ ký số, dịch vụ nội dung trên di động (với thương hiệu VMG), hệ thống tòa nhà thông minh với tham vọng đưa công ty Bkav phát triển trở thành một "Microsoft Việt Nam".
Bạch Thành Lê, một trong ba người gây dựng Bkav đầu tiên cùng với Nguyễn Tử Quảng và hiện là Giám đốc Trung tâm chăm sóc khách hàng cho rằng "phần mềm diệt virus vẫn là nguồn thu chính của Bkav nhưng các mảng kinh doanh khác của công ty đã có thể tự cân đối thu chi và hứa hẹn nhiều tiềm năng".
Ít người biết rằng van cảm ứng xả tiểu nam SmartHome, một sản phẩm đang bán rất chạy trên thị trường chỉ sau sản phẩm của Caesa, là sản phẩm của Bkav. Ngoài sản phẩm này, Bkav đang phát triển hệ thống tòa nhà thông minh (SmartHome). Theo ông Quảng, đây là hệ thống kết nối các thiết bị điện tử gia dụng trong gia đình thành mạng thiết bị và hoạt động theo nhu cầu của người dùng, ví dụ như vào phòng thì đèn bật hay có trộm thì hệ thống sẽ nhắn tin cảnh báo cho chủ nhà... Bkav đang thử nghiệm hệ thống này trên một tòa nhà ở Ninh Bình và dự kiến sẽ ra mắt thị trường trong nửa đầu năm nay.
Ở mảng giải pháp chính phủ điện tử, khác với các doanh nghiệp khác tập trung vào phần mềm "may đo", Bkav hướng đến những giải pháp đóng gói tương tự như Microsoft để bán được số lượng lớn. Bộ giải pháp Chính phủ điện tử của Bkav hiện có hai sản phẩm là phần mềm văn phòng eOffice và phần mềm "một cửa điện tử" đóng gói eGate. Sau 3 năm ra mắt thị trường, phần mềm eOffice của Bkav đã được sử dụng trong các cơ quan nhà nước của 23 tỉnh/thành phố và hơn 300 doanh nghiệp.
Chữ ký số, với thị trường khoảng 500.000 doanh nghiệp và hàng triệu cá nhân sắp tới phải thực hiện thuế điện tử, cũng là mảng tiềm năng lớn của Bkav. Ở thị trường này, Bkav đã đầu tư hơn 30 tỷ đồng với tham vọng cạnh tranh với 4 nhà cung cấp khác như VNPT, FPT và Hanel.
Trong lĩnh vực chủ đạo là phần mềm diệt virus, Bkav đang lên kế hoạch mở rộng ra thị trường nước ngoài với tham vọng lọt vào top thương hiệu phần mềm diệt virus hàng đầu trên thế giới vào năm 2012.
Theo Bưu điện Việt Nam, số tháng 2/2011