Tọa đàm "Xây dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam" do Báo Bưu điện Việt Nam tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông, diễn ra sáng 20/5 tại Hà Nội. Phóng viên báo điện tử ICTnews nhận định trong bài viết của mình: còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT của Việt Nam trở thành những thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Bkav.com.vn xin được giới thiệu lại bài viết đã được đăng tải tại ictnews.vn.
(ICTnews) - Cốt lõi của việc xây dựng thương hiệu ICT Việt Nam mạnh là hình thành được một số công ty có giá trị thương hiệu lớn, có sản phẩm và dịch vụ vươn ra thị trường toàn cầu.
Nhiều doanh nghiệp ICT Việt Nam đang chứng tỏ họ có thể đạt được điều này.
Sáng ngày 20/5, Báo Bưu điện Việt Nam đã tổ chức toạ đàm "Xây dựng thương hiệu mạnh ICT Việt Nam", với sự tham gia của đại diện các hiệp hội, các doanh nghiệp tiêu biểu trong lĩnh vực ICT, các chuyên gia tư vấn xây dựng thương hiệu và đông đảo phóng viên báo chí. Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng chủ trì buổi tọa đàm này.
Những định hướng, những tham vọng và các thành quả thực tế của một số doanh nghiệp phát biểu chia sẻ tại tọa đàm này cho thấy vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp trong lĩnh vực ICT của Việt Nam trở thành những thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Đặc biệt, theo một số doanh nghiệp, Việt Nam đang có tài sản vô cùng giá trị là thị trường trong nước đủ lớn để nuôi dưỡng và làm bàn đạp vươn ra toàn cầu.
Nhiều cơ hội vươn ra toàn cầu
Trong lĩnh vực bảo mật, ông Nguyễn Tử Quảng, Tổng giám đốc Công ty an ninh mạng Bkav khẳng định "nếu có công nghệ gốc, có đội ngũ nhân lực tốt và có quyết tâm mạnh mẽ, Việt Nam có thể cạnh tranh sòng phẳng với các công ty hàng đầu thế giới".
Công ty Bkav đang chứng tỏ điều này là có cơ sở thực tế, không phải là tham vọng viển vông. Chỉ với 2 nhân lực có 7 năm kinh nghiệm làm bảo mật và 500 triệu đồng vốn đầu tư ban đầu, công ty Bkav (thành lập năm 2001) đã phát triển thành doanh nghiệp có tên tuổi trong thị trường bảo mật trong nước với hơn 700 nhân viên sau 9 năm. Phần mềm diệt virus Bkav, theo khảo sát riêng của công ty này vào cuối năm 2009, chiếm 85% thị trường phần mềm diệt virus có bản quyền ở Việt Nam. Báo cáo điều tra tình hình ứng dụng CNTT trong các doanh nghiệp cả nước của Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa công bố đầu tháng 5 cho thấy có tới 73,95% doanh nghiệp lựa chọn phần mềm diệt virus Bkav, vượt trên sản phẩm của các thương hiệu nổi tiếng nước ngoài là Kaspersky (13,36%) và Norton Antivirus (sản phẩm của Symantec) với 8,95%.
Sau thành công ở thị trường nội địa, ông Quảng cho biết công ty này dự kiến sẽ đem sản phẩm ra thị trường quốc tế vào tháng 6 hoặc đầu tháng 7 tới để cạnh tranh với các thương hiệu toàn cầu. Chưa biết liệu Bkav có thành công ở thị trường nước ngoài như đã làm được ở thị trường trong nước hay không nhưng Tổng giám đốc Bkav tin rằng sản phẩm của họ có thể ngang ngửa với các sản phẩm danh tiếng của nước ngoài. Sự tự tin này có cơ sở hơn sau khi Bkav đã gây dựng uy tín trong giới bảo mật quốc tế sau một loạt vụ phát hiện lỗ hổng bảo mật đình đám.
Trong lĩnh vực dịch vụ viễn thông, Viettel cũng đang chứng tỏ có thể trở thành nhà cung cấp dịch vụ có thứ hạng trên thế giới. Sau khi thành công ở thị trường trong nước, Viettel đang đẩy mạnh việc mở rộng thị trường ra nước ngoài. Tập đoàn này vừa đầu tư 99 triệu USD vào Haiti, thị trường nước ngoài thứ 3 sau Lào và Campuchia. Mục tiêu của Viettel đến năm 2015 sẽ đầu tư vào từ 10-15 nước với thị trường khoảng 500 triệu dân.
Mặc dù Viettel là doanh nghiệp nhỏ nhất trong số 30 tập đoàn viễn thông đang đầu tư ra thị trường quốc tế, nhưng ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng tập đoàn này vẫn có cơ hội để thành công ở thị trường nước ngoài. "Với giá nhân công rẻ hơn, Viettel có thể kinh doanh được ở cả những thị trường có doanh thu trung bình trên thuê bao khoảng vài USD", ông Hùng nói. Trong khi đó, theo ông Hùng, các tập đoàn viễn thông nước ngoài họ chỉ kinh doanh ở thị trường có doanh thu trung bình mỗi thuê bao từ 10 USD trở lên.
Trong lĩnh vực tưởng như Việt Nam không có cơ hội cạnh tranh là sản xuất điện thoại di động thì cũng có dấu hiệu cho thấy chúng ta vẫn có thể sánh ngang các đại gia như Nokia, Samsung.
Ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Công ty viễn thông An Bình cho biết các sản phẩm điện thoại thương hiệu Q-Mobile của công ty này đã chiếm 28% thị phần điện thoại trong nước cuối tháng 4/2010, đứng thứ hai sau Nokia. Công ty này thậm chí còn đặt mục tiêu sẽ vượt Nokia để trở thành doanh nghiệp đứng đầu thị trường điện thoại di động Việt Nam vào quý III năm tới.
Trong sản xuất điện thoại di động, ông Minh nói An Bình hiện chưa đi vào nghiên cứu phát triển mà chỉ tập trung thiết kế, tích hợp công nghệ vào sản phẩm, thuê nước ngoài sản xuất sau đó đem về bán ở thị trường trong nước. Các công đoạn này chiếm khoảng 70% giá trị của chiếc điện thoại di động.
Sau khi có thị trường lớn ở trong nước, ông Minh cho biết công ty này đang tính đến kế hoạch mở rộng thị trường sang các nước có điều kiện tương tự Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanma và các nước châu Phi.
Nhiều phát biểu tại buổi tọa đàm khẳng định: Vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp ICT trở thành những thương hiệu mạnh trên toàn cầu. Ảnh: Thanh Hải
Gỡ một số rào cản
Để có doanh nghiệp ICT lớn mạnh và vươn ra toàn cầu, các doanh nghiệp cho rằng Chính phủ cần coi việc xây dựng các thương hiệu ICT lớn của Việt Nam là chương trình quốc gia và có hành động thiết thực.
Bên cạnh đề xuất Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xúc tiến đầu tư ra thị trường nước ngoài, đại diện Viettel, VTC Intecom và công ty viễn thông An Bình đề nghị miễn thuế thu nhập với các lao động chất lượng cao từ nước ngoài để thu hút chất xám; xem xét lại chính sách cho sản phẩm "Made by Vietnam" thay cho yêu cầu sản phẩm "Made in Việt Nam" như truyền thống. Ví dụ, Q-Mobile hiện là sản phẩm 100% của công ty An Bình nhưng khi đưa về Việt Nam vẫn bị nghi ngờ không phải là hàng Việt Nam.
Ở lĩnh vực viễn thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết Trung Quốc đã đầu tư 10 tỷ USD cho tập đoàn Huawei để cạnh tranh với các tập đoàn nước ngoài. Chỉ sau hơn chục năm, hiện nay Huawei đã sánh ngang với tập đoàn viễn thông lớn nhất thế giới Ericsson. Ở Việt Nam, Huawei cũng chiếm khoảng 50% thiết bị viễn thông, ngang với Ericsson. Cụ thể với Viettel, ông Hùng cho rằng nếu được giảm thuế thu nhập doanh nghiệp (năm ngoái Viettel đóng 3.000 tỷ đồng thuế thu nhập doanh nghiệp), tập đoàn này sẽ có nhiều điều kiện mở rộng thị trường nước ngoài hơn.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết gốc tại đây.
Theo ICTnews