Top 10 nhân vật CNTT và Truyền thông của thập kỷ
10:19:00 | 04-02-2010

Ngày 2/2/2010, tại Hà Nội, đã diễn ra lễ công bố "10 nhân vật tiêu biểu của ICT Việt Nam giai đoạn 2000-2009". Đây là lần đầu tiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cùng các nhà báo trong lĩnh vực CNTT-TT tổ chức tôn vinh những người có đóng góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển của ngành CNTT-TT Việt Nam trong thập kỷ qua. 10 đại diện tiêu biểu đó là: Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Tiến sĩ Mai Liêm Trực, Giáo sư Đặng Hữu, nguyên Thứ trưởng Bộ KHCN - Chu Hảo, nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông - Đỗ Trung Tá, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT - Trương Gia Bình, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc VDC - Vũ Hoàng Liên, cựu Tổng giám đốc Intel Việt Nam - Thân Trọng Phúc và Tổng giám đốc Bkis – Nguyễn Tử Quảng.

Bkav.com.vn mời độc giả tham khảo bài viết Top 10 nhân vật CNTT-TT của thập kỷ, được đăng tải trên VnExpress.

(VnExpress) Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng với 9 cá nhân tiêu biểu trong lĩnh vực công nghệ thông tin truyền thông vừa được các nhà báo bình chọn là nhân vật xuất sắc nhất ngành trong giai đoạn 2000-2009.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông - Nguyễn Minh Hồng trao kỷ niệm chương cho các cá nhân tiêu biểu có mặt trong sáng nay. Ảnh: Báo Bưu Điện.

1. Tiến sĩ Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông và được coi là người mở đường cho bùng nổ Internet tại Việt Nam. Ông sinh năm 1944, tốt nghiệp Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức) và thông thạo 5 ngoại ngữ. Năm 1979, ông bảo vệ luận án tiến sỹ ngành kỹ thuật thông tin liên lạc Đại học Kỹ thuật Dresden (Đức).

Từng là giám đốc của VNPT, song Tiến sĩ Mai Liêm Trực cũng là người ủng hộ việc phá bỏ độc quyền doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông. Ông là người rất tạo điều kiện cho những doanh nghiệp mới phát triển như Viettel hay S-Fone, phá bỏ thế độc quyền của VNPT trong lĩnh vực này, mang lại sức phát triển mạnh mẽ cho viễn thông Việt Nam trong những năm qua.

Tiến sĩ Mai Liêm Trực. Ảnh: Ictnews.

Nổi tiếng là người cương trực, thẳng thắn, chính ông - khi còn làm Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) - đã có lời phát biểu còn được nhớ đến ngày hôm nay: "Bóng đá Việt Nam ở dưới mặt bằng phát triển chung của xã hội".

Tiến sĩ Mai Liêm Trực sinh ra tại đất võ Bình Định trong một gia đình có 8 anh em. Trong đó, ông có người anh là Mai Kỷ - nguyên Bộ trưởng, Chủ nhiệm UB Dân số và người em là Mai Ái Trực - nguyên Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân - Người được đánh giá là nhân vật có tầm ảnh hưởng khá rõ rệt trên lĩnh vực phần mềm, nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin vào cải cách hành chính. Khi còn đảm nhận vị trí Phó chủ tịch Thường trực UBND TP HCM ông dành nhiều thời gian cho công tác chỉ đạo phát triển công nghệ thông tin của thành phố. Dấu ấn của ông còn tại Dự án xây dựng Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC). Nơi đây đã quy tụ 104 doanh nghiệp phần mềm, đào tạo trên 3.500 kỹ sư, chuyên viên.

Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân. Ảnh: GDTD

Ông cũng lưu tâm vấn đề đào tạo nhân lực, phục vụ xuất khẩu lao động, tăng cường hợp tác quốc tế trong đào tạo, mở rộng quy mô, hình thành các cơ sở nghiên cứu khoa học. Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đang đảm nhận vai trò Trưởng ban Chỉ đạo Quốc gia về Công nghệ thông tin và Bộ trưởng Giáo dục Đào tạo.

3. Giáo sư, Viện sĩ Đặng Hữu - Người đứng sau chỉ thị 58 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Bản chỉ thị này đã tạo nền tảng cho sự phát triển của CNTT-TT Việt Nam trong thập kỷ qua.

Viện sĩ Đặng Hữu sinh ngày 2/1/1930 tại tỉnh Bình Định. Ông bảo vệ luận án tiến sĩ giao thông vận tại tại trường MADI (Liên Xô cũ) năm 1966, được Viện Hàn lâm giao thông LB Nga bầu làm Viện sĩ chính thức năm 1994. Ông từng kinh qua các vị trí Hiệu trưởng Đại học Bách khoa, TP HCM (năm 1975-1976); Thứ trưởng Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp; Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và KTNN, Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường.

Từ năm 1997 - 2002, GS. Viện sĩ Đặng Hữu là Trưởng ban chỉ đạo chương trình quốc gia về CNTT. Năm 2003, ông giành Giải thưởng ASOCIO của Tổ chức công nghiệp Tin học châu Á và Thái Bình Dương tặng cho người có đóng góp nhiều nhất cho phát triển CNTT.

4. Nguyên thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ - Chu Hảo. Ông được mệnh danh là "bộ óc" mở về phát triển công nghệ phần mềm và thu hút công nghệ cao. Ông Chu Hảo bắt đầu gắn bó với CNTT với vai trò là chánh văn phòng Chương trình quốc gia về phát triển CNTT từ năm 1995. Sau đó một năm (1996), ông được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (khi đó là Bộ quản lý nhà nước về CNTT), đồng thời giữ chức Trưởng ban quản lý khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Trong 10 năm 2000-2009, khi còn là Thứ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, ông Hảo có vai trò lớn trong việc thuyết phục Chính phủ ban hành Nghị quyết 07/CP năm 2000 đặt ra mục tiêu đưa phần mềm trở thành ngành công nghiệp đạt doanh thu 500 triệu USD vào năm 2005. Đây là văn bản đặt nền móng cho sự phát triển ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam và cũng là cơ sở cho sự ra đời những chính sách ưu cho công nghiệp phần mềm sau đó. Tuy nhiên, mục tiêu 500 triệu USD của ngành phần mềm đã không thành công, phải đến 2 năm sau (2007) mục tiêu này mới đạt được.

Ông Hảo cũng là người có đóng góp tích cực trong việc thu hút các tập đoàn công nghệ lớn đầu tư vào Việt Nam. Ông cũng là người đầu tiên gặp gỡ Intel để mời họ đầu tư nhà máy sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông đã thất bại trong việc lôi kéo Intel đầu tư xây dựng nhà máy kiểm định và lắp ráp chip tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, một dự án ông hy vọng nếu thành công sẽ thúc đẩy tiến độ xây dựng khu công nghệ cao này.

Hiện nay, ông Hảo là giám đốc NXB Tri Thức và cũng đang ấp ủ dự án 1.000 cuốn sách mang tinh hoa tri thức của nhân loại đến cho người Việt Nam.

5. Nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông - Đỗ Trung Tá - người tâm huyết "phủ sóng" viễn thông, Internet vùng nông thôn. Ông đang đảm nhận vị trí đặc phái viên của Thủ tướng về công nghệ thông tin.

Ông Đỗ Trung Tá được nhắc đến với vai trò là người "chèo lái" con thuyền Tập đoàn Bưu chính Viễn thông VNPT ở thời điểm bắt đầu mở cửa thị trường viễn thông và Internet, đưa viễn thông Việt Nam và VNPT là chủ đạo phát triển mạnh mẽ, là một trong những quốc gia dẫn đầu về tốc độ phát triển bưu chính, viễn thông.

Nguyên Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông - Đỗ Trung Tá. Ảnh: BĐ

Khi là lãnh đạo VNPT hay sau này là Bộ trưởng Bưu chính Viễn thông, ông mong muốn làm sao quan tâm hơn nữa đến khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, chiếm khoảng 70% dân số Việt Nam bởi theo ông sự khi thành phố đang dần ở mức bão hòa về nhu cầu dịch vụ viễn thông, CNTT, mỗi người cần hiểu rằng càng tới mức bão hòa bao nhiêu thì khoảng cách nông thôn - thành thị càng xa bấy nhiêu. Vì vậy, một mục tiêu khi còn là Bộ trưởng, ông Tá luôn đặt ra là phải quyết đẩy nhanh hơn để thu hẹp khoảng cách số. Khoảng cách số không chỉ nói về kỹ thuật mà là thông tin, sự gần gũi của chính quyền với người dân. Khi chính phủ điện tử ra đời, Chính phủ phục vụ các dịch vụ công tốt cho người dân, người dân gần gũi với Chính phủ hơn.

Ông Trương Gia Bình. Ảnh: H.H.

6. Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn FPT. Người được coi là "tượng đài" của ngành phần mềm Việt Nam. Ông Trương Gia Bình sinh năm 1956, là một trong những thành viên chủ chốt sáng lập ra Công ty Cổ phần FPT (công ty được thành lập ngày 13/9/1988 với 13 thành viên sáng lập). Từ năm 1988 đến năm 2008, ông Trương Gia Bình là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc của FPT, đưa công ty FPT trở thành công ty CNTT hàng đầu Việt Nam sau 20 năm thành lập và hoạt động.

Ông Trương Gia Bình còn được biết đến với vai trò đầu tàu trong việc phát triển một trong những doanh nghiệp phần mềm đầu tiên tại Việt Nam là Công ty cổ phần phần mềm FPT, cùng chiến lược toàn cầu hóa vào năm 1999. Ông cũng là người tham gia tích cực vào việc xây dựng Nghị quyết 07/CP của Chính phủ ngày 5/6/2000 về phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam giai đoạn 2000-2005, cùng việc tham gia tích cực thành lập và xây dựng nên Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm Việt Nam (VINASA). Trên con đường phát triển của ngành phần mềm Việt Nam trong những năm qua, cho dù có những lúc thuận lợi hay khi gặp những chông gai, trắc trở thì dấu ấn của Trương Gia Bình - con người có năng lực lãnh đạo, tài thuyết khách và khả năng quy tụ tài năng xung quanh mình - và vẫn luôn nổi bật.

Hình ảnh cá nhân của Trương Gia Bình trong con mắt cộng đồng CNTT thế giới cũng rất đậm nét. Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp CNTT nổi tiếng như Bill Gates của Microsoft, Paul Otellini của Intel… khi đến thăm Việt Nam đều có những cuộc tiếp xúc riêng với Trương Gia Bình. Ông Trương Gia Bình cũng được bình chọn là một trong 10 nhân vật có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của Internet Việt Nam giai đoạn 1997-2007.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Viettel. Ảnh:ictnews.

7. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Viettel - linh hồn của cỗ máy khiến dịch vụ di động, Internet nhanh chóng trở thành dịch vụ bình dân. Năm 2000, Viettel bắt đầu bước chân vào thị trường Viễn thông với dịch vụ điện thoại giá rẻ đường dài trong nước (VoIP). Đây là dịch vụ viễn thông đầu tiên được mở ra để cạnh tranh trên thị trường viễn thông lúc bấy giờ. Thời điểm đó, dịch vụ VoIP được mệnh danh là "thu hồi vốn trong 1 ngày". Từ dịch vụ này Viettel đã tiến đến cuộc cách mạng thứ hai là mở mạng di động vào tháng 9/2004. Trước đó năm 2003, liên doanh SPT và SK Telecom đã khai trương mạng di động S-Fone. Nhưng thị trường di động chỉ bị phá vỡ thế độc quyền khi Viettel chính thức cung cấp dịch vụ và góp phần lớn định nghĩa lại dịch vụ từ xa xỉ trở thành bình dân.

Năm 2006, Viettel bắt đầu tiến ra thị trường nước ngoài với việc cung cấp dịch vụ viễn thông và Internet tại thị trường Campuchia và sau đó là cung cấp dịch vụ di động tại Lào và Campuchia trong năm 2009. Chỉ sau 9 năm bước vào thị trường viễn thông Việt Nam, Viettel đã bước đi từ con số không đến trở thành doanh nghiệp có mạng di động lớn nhất Việt Nam và có tiếng vang ra quốc tế. Liên tục trong 5 năm liền Viettel đạt mức tăng trưởng doanh thu năm sau gấp đôi năm trước.

Xuyên suốt quá trình phát triển thần tốc của Viettel đó có vai trò to lớn của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó tổng giám đốc của Viettel. Ông Hùng được các đối thủ nhìn nhận là người có tầm nhìn xa, có chiến lược tốt và có tài lãnh đạo và được mệnh danh là "bộ não" của Viettel.

Ông Vũ Hoàng Liên - Giám đốc VDC. Ảnh: Ictnews.

8. Ông Vũ Hoàng Liên - thuyền trưởng VDC - doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet và có công lớn trong việc đưa công nghệ ADSL vào Việt Nam từ ngày 1/7/2003 với thương hiệu MegaVNN. Từ khi Việt Nam có Internet băng rộng, số lượng người được sử dụng dịch vụ này tăng lên với cấp số nhân. Internet từ chỗ là thứ xa xỉ phẩm, chỉ là băng hẹp, giá cao, các dịch vụ hạn chế nay đã trở nên phổ biến với nhiều dịch vụ gia tăng, với khoảng 30% dân số Việt Nam sử dụng. ADSL đã thúc đẩy sự phát triển bùng nổ của các dịch vụ nội dung số, đặc biệt là game online, mạng xã hội và những dịch vụ giải trí như nhạc số... và trở thành phần không thể thiếu của xã hội ngày nay.

9. Ông Thân Trọng Phúc - người Intel về Việt Nam. Ông Thân Trọng Phúc sinh ra ở Sài Gòn, Việt Nam, di cư đến Mỹ năm 1975 và hiện mang quốc tịch Mỹ. Ông tốt nghiệp ĐH California năm 1985 với tấm bằng cử nhân chuyên ngành kỹ nghệ điện tử và khoa học máy tính (Electrical Engineering and Computer Sciences). Ông khởi nghiệp ở Tập đoàn Intel tại Santa Clara (Mỹ) năm 1986 ở vị trí kỹ sư phát triển thị trường (Market Development Engineer), chịu trách nhiệm phát triển kinh doanh của Intel trong thị trường CAD/CAM.

Tháng 1/2000, Thân Trọng Phúc được bổ nhiệm làm Giám đốc Intel tại Việt Nam, chịu trách nhiệm phát triển các hoạt động kinh doanh của Intel ở Việt Nam. Năm 2002, ông gánh thêm trách nhiệm kinh doanh của Intel ở thị trường Lào và Campuchia. Tháng 10/2009, ông Phúc quyết định rời Intel Việt Nam - một quyết định được cho là "mang tính cá nhân"- và đến trung tuần tháng 12/2009, Quỹ DFJ VinaCapital (DFJV) công bố ông Phúc là Giám đốc điều hành của Quỹ này.

Trong 9 năm làm việc tại Intel Việt Nam, ông Thân Trọng Phúc đã góp phần quan trọng vào sự thành công của hãng sản xuất chip hàng đầu thế giới này tại thị trường Việt Nam, Lào và Campuchia. Thị phần chip của Intel tại Việt Nam hiện đạt hơn 90% (thị phần của Intel trên toàn cầu hiện là khoảng 80%), đưa Intel Việt Nam trở thành một trong số ít các công ty của Intel trên toàn cầu hoạt động hiệu quả và sáng tạo trong lĩnh vực bán hàng. Sự thành công của Intel tại thị trường Việt Nam cũng góp phần không nhỏ vào sự phát triển và phổ cập của máy tính và CNTT tại Việt Nam trong thập kỷ qua.

Ông Thân Trọng Phúc cũng được biết đến với vai trò là cầu nối thành công giữa Intel với Chính phủ Việt Nam, mà nổi bật trong đó là việc góp phần đưa dự án đầu tư xây dựng nhà máy kiểm định và đóng gói chip Intel - nhà máy lớn nhất của Intel trong hệ thống 7 nhà máy của hãng trên toàn thế giới - trị giá 1 tỷ USD về Khu Công nghệ cao TP HCM năm 2006. Nhà máy của Intel tại Việt Nam sẽ đi vào hoạt động trong năm 2010 này...

Ông Nguyễn Tử Quảng. Ảnh: Saigontimes.

10. Ông Nguyễn Tử Quảng - người tiên phong trong lĩnh vực bảo mật Việt Nam. Khi còn là sinh viên năm thứ 3 năm 1995, ông đã viết phiên bản đầu tiên của phần mềm diệt virus Bkav (Bách khoa Antivirus) và cung cấp miễn phí trên phạm vi cả nước. Đến năm 1997, phần mềm này được cung cấp miễn phí trên mạng ngay sau khi Việt Nam kết nối với mạng Internet toàn cầu.

Cùng thời với Bkav, Việt Nam còn có một số phần mềm diệt virus khác như FAV, TAV, ATV, D2. Nhưng trong số các phần mềm ra đời sớm này, chỉ còn Bkav và gần đây có thêm sản phẩm nữa của CMC Infosec tồn tại để cạnh tranh với các thương hiệu phần mềm diệt virus của nước ngoài. Theo số liệu Bkis cung cấp, phần mềm Bkav có 10,5 triệu người sử dụng sản phẩm với 110.000 lượt người truy cập mỗi ngày, sản phẩm đã có mặt ở 103 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tính đến cuối quý III/2009, Bkav chiếm khoảng 85% thị phần phần mềm diệt virus có bản quyền ở Việt Nam.

Cuộc bình chọn cá nhân xuất sắc nhất thập kỷ 2000-2009 do Báo Bưu điện - Cơ quan ngôn luận của Bộ Thông tin và Truyền thông cùng với phóng viên chuyên trách của trên 30 tờ báo lớn, trong đó có VnExpress.net tham gia. Tiêu chí đánh giá được căn cứ trên các thành tựu đóng góp của các cá nhân đối với ngành viễn thông, công nghệ thông tin và truyền thông. Nhân vật tiêu biểu sẽ do các đơn vị, tổ chức, các nhà báo đề xuất kèm bản lược trích về cuộc đời, sự nghiệp và những đóng góp của họ cho ngành. 10 nhân vật tiêu biểu được lựa chọn từ danh sách trên 20 cá nhân được đề cử... đều là những nhân vật có thành tích xuất sắc, có góp quan trọng, thiết thực và hiệu quả cho sự phát triển ngành công nghệ thông tin, truyền thông của VN trong suốt 10 năm qua.

Theo VnExpress.net