Kết quả nghiên cứu của Bkis cho thấy, tình trạng lây nhiễm virus máy tính và các tác hại gây ra tại Việt Nam được cải thiện nhưng không đáng kể. Mỗi tháng người sử dụng máy tính tại Việt Nam phải chịu tổn thất tới 327 tỷ VNĐ. Dưới đây là một số nhận định chi tiết:
Tỷ lệ máy tính bị nhiễm virus vẫn ở mức cao
97% là số máy tính đã từng bị nhiễm virus ít nhất một lần và USB là nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất. Chức năng AutoRun trên Windows cho phép kích hoạt tự động các file thực thi có trong USB. Điều này đã giúp cho những virus ẩn mình trong USB có thể tự động lây nhiễm vào hệ điều hành ngay khi người sử dụng cắm USB vào máy tính. Đây là lý do khiến USB trở thành nguồn lây nhiễm virus phổ biến nhất hiện nay. Cũng vì thế mà Microsoft gần đây đã phải đưa ra tuyên bố sẽ thay thế chức năng AutoRun trong Windows 7 sắp phát hành.
90% người sử dụng đã từng phải cài lại Windows sau khi máy tính bị nhiễm virus
Có đến 90% người sử dụng đã từng phải cài lại Windows sau khi máy tính bị nhiễm virus. Không ít người sau đó đã bị mất những dữ liệu quan trọng hoặc nhẹ hơn là mất toàn bộ môi trường làm việc.
Đó là hậu quả của việc xử lý virus chưa chuyên nghiệp. Có tới 49,28% người tham gia khảo sát cho biết, khi gặp vấn đề về virus máy tính họ thường nhờ bạn bè, người quen giúp đỡ hoặc tự loay hoay xử lý. Đây là thói quen không tốt vì trên thực tế, người sử dụng hoặc bạn bè của họ thường không có đủ kỹ năng chuyên môn về virus, do đó không những không xử lý được virus mà có thể còn làm tình trạng máy tính trầm trọng hơn.
Nhận thức về việc sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền
Ý thức về việc sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền đã được nâng cao. Với câu hỏi để diệt virus hiệu quả, theo bạn có cần thiết phải sử dụng phần mềm diệt virus có bản quyền hay không, đã có 91% người được hỏi trả lời là "cần thiết". Chỉ có 9% trả lời là "không cần thiết". Hầu hết mọi người đã nhận thấy nếu sử dụng phần mềm diệt virus miễn phí hoặc phần mềm diệt virus thương mại nhưng không có hỗ trợ kỹ thuật đầy đủ thì cũng không hiệu quả. Song, ý thức này chưa đủ mạnh để biến thành hành động nên người sử dụng chưa từ bỏ được thói quen cố hữu hiện nay là tự loay hoay xử lý mỗi khi gặp virus.
Phần lớn người sử dụng chưa biết bảo vệ dữ liệu của mình
Có tới hơn 70% người sử dụng không thường xuyên hoặc chưa bao giờ thực hiện thao tác khóa máy tính (lock) khi rời khỏi bàn làm việc. Con số thống kê này cho thấy tình hình chưa được cải thiện nhiều so với kết quả khảo sát một năm trước đây. Để bảo vệ dữ liệu của mình, người sử dụng cần chú ý ngay từ việc đơn giản nhất là khóa máy tính khi rời khỏi bàn làm việc. Nếu không, việc bị người khác sử dụng máy tính trái phép, ăn cắp dữ liệu quan trọng hay cài đặt mã độc theo dõi, kiểm soát máy tính rất dễ xảy ra.
Bên cạnh đó, có tới 58% người sử dụng không bảo vệ mật khẩu của mình cẩn thận. Mất mật khẩu đồng nghĩa với việc dữ liệu có thể bị người khác khai thác bất cứ lúc nào. Thậm chí, đặt mật khẩu nhưng không đủ mạnh cũng có thể bị hacker dễ dàng dùng các công cụ dò mật khẩu để khai thác. Để hạn chế rủi ro, người sử dụng nên đặt mật khẩu dài trên 8 ký tự, khó đoán, bao gồm cả chữ số và chữ cái, đồng thời áp dụng chế độ định kỳ đổi mật khẩu, không dùng một mật khẩu cho nhiều tài khoản khác nhau, không cung cấp mật khẩu cho ai…
Nhận thức về lỗ hổng phần mềm tiếp tục được cải thiện
Năm 2006 chỉ có 26% người sử dụng máy tính biết thế nào là bản vá lỗ hổng phần mềm và cập nhật bản vá. Con số này tăng lên thành 49,45% trong năm 2007 và tại thời điểm hiện nay là 60%. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tỉ lệ cập nhật bản vá thường xuyên lại giảm, chỉ còn 23% trong khi năm 2007 là 24%. Như vậy nhận thức thì tăng lên, nhưng việc biến thành hành động để bảo vệ tài sản thông tin của người sử dụng lại không được cải thiện.
Bkis khuyến cáo việc cập nhật bản vá lổ hổng phần mềm cần phải được làm triệt để, vì chỉ cần tồn tại một lỗ hổng trên máy tính, hacker đã có thể lợi dụng để tấn công và chiếm quyền điểu khiển toàn bộ máy tính của bạn.
Thông tin về tình hình virus và an ninh mạng 4 tháng đầu năm 2009:
Đã có 318 website của các cơ quan, doanh nghiệp tại Việt Nam bị hacker xâm nhập, trong đó có 215 trường hợp gây ra bởi hacker trong nước, 103 trường hợp do hacker nước ngoài. Ngoài ra, Bkis đã phát hiện lỗ hổng nghiêm trọng tại website của 74 doanh nghiệp, ngân hàng, báo điện tử và cơ quan thuộc Chính phủ.
4 tháng đầu năm 2009 đã có 15.054 dòng virus máy tính mới xuất hiện tại Việt Nam, trong đó 15.038 dòng có xuất xứ từ nước ngoài và chỉ có 16 dòng xuất xứ từ Việt Nam. Các virus này đã lây nhiễm trên 21.486.000 lượt máy tính. Virus lây nhiều nhất trong những tháng qua là W32.VomoF.PE. Loại virus này đã lây nhiễm trên 418.000 lượt máy tính.
Danh sách 10 virus lây nhiều nhất trong 4 tháng đầu năm 2009:
Bkis