Giám đốc Bkis Nguyễn Tử Quảng và những mục tiêu mới
11:10:00 | 17-02-2009

Phần mềm diệt virus Bkav đã có lịch sử 14 năm bảo vệ, hỗ trợ người sử dụng máy tính và gần 4 năm phát triển theo con đường thương mại hóa. Kiến trúc sư trưởng của Bkav Nguyễn Tử Quảng đã có cuộc trò chuyện với phóng viên báo Doanh nhân Sài Gòn trong vai trò là một hiệp sĩ công nghệ thông tin và là một doanh nhân của thời đại mới. Bkav.com.vn mời bạn tham khảo bài viết được đăng tải trên Doanh nhân Sài Gòn số 269.

(Doanh nhân Sài Gòn) - Quảng "Hiệp sỹ Công nghệ thông tin" 10 năm trước và Quảng doanh nhân lúc này không khác nhau là mấy: vẫn chân chất đến mộc mạc, vẫn say mê đến hứng khởi mỗi khi nói về virus, về công nghệ. Duy chỉ có điểm khác khi anh nói về mục tiêu mới của mình…

Anh Nguyễn Tử Quảng trong một buổi hội thảo công nghệ thông tin do báo Doanh nhân Sài Gòn tổ chức

Từ "hiệp sỹ Công nghệ Thông tin" đến phần mềm thương mại hóa và một doanh nghiệp phần mềm có sự ngẫu nhiên nào không, thưa anh?

Phần mềm diệt virus Bkav được ra đời và phát triển một cách miễn phí. Năm 1997, mạng Internet chính thức vào Việt Nam, Bkav lúc đó chỉ có 3 người. Mỗi ngày chúng tôi nhận tới 100 cuộc gọi và 50 email nhờ hỗ trợ diệt virus máy tính. Chúng tôi lúc đó vừa lên lớp giảng dạy, vừa nghiên cứu, phát triển phần mềm, vừa trả lời mọi người khắp cả nước, công việc thực sự quá tải. Tôi trăn trở rất nhiều: Làm thế nào để công việc hỗ trợ mọi người được hiệu quả? Chỉ có cách phải tăng thêm nhân lực, phải có cơ sở hạ tầng và có chi phí vận hành. Tuy nhiên, công việc từ trước tới thời điểm này hoàn toàn là phi lợi nhuận, việc tăng nhân lực, đầu tư cơ sở hạ tầng và kinh phí vận hành là bài toán nan giải. Đúng lúc đó (năm 2000) Luật Doanh nghiệp ra đời, toàn xã hội quan tâm nhiều hơn tới lĩnh vực thương mại. Tôi cũng nhờ đó mà thay đổi tư duy. Lời giải đã được tìm ra: Phải thương mại hóa Bkav! Tôi nghĩ nếu Luật Doanh nghiệp có sớm hơn hoặc tôi thương mại hóa Bkav sớm hơn thì sẽ tốt hơn nhiều.

Nhưng kinh doanh là một chuyện hoàn toàn khác với những thuật toán?

Đúng vậy. Kỹ thuật là tự đặt ra đầu bài và tìm lời giải, còn kinh doanh là bài toán do thị trường đặt ra, khó hơn và toàn diện hơn nhiều. Với Bkav, khó khăn ban đầu là những lời chỉ trích từ chính những người đã ủng hộ phần mềm miễn phí trước đây. Họ coi việc thương mại hóa như một sự "phản bội". Lúc đó, tôi thấy tủi thân vì không ai hiểu được mục đích của mình. Chúng tôi tìm các chuyên gia kinh tế để được hỗ trợ, nhưng tất cả đều từ chối vì không mấy ai tin rằng ở Việt Nam lúc đó lại bán được phần mềm có bản quyền. Cuối cùng, tôi ngẫm ra rằng: "Mình là người hiểu nhất, mình không làm thì ai làm? Mình phải làm thôi!". Thế rồi, chúng tôi bắt đầu tự kinh doanh sản phẩm, lấy ngắn nuôi dài. Trung tâm từ 3 người, 5 người, 10 người rồi lên đến hàng trăm người như hiện nay…

Anh Nguyễn Tử Quảng trên báo Doanh nhân Sài Gòn số 269

 

Cô nhân viên marketing sản phẩm Bkav một mực "em không thể giảm giá hay tặng" và cũng đã từ chối luôn một đơn hàng vài trăm triệu đồng vì đối tác gợi ý khoản "hoa hồng". Đấy là cách Giám đốc Tử Quảng đưa sản phẩm vào thị trường theo quan niệm "giá trị của sản phẩm không nằm ở việc đem tặng hay giảm giá".

Tôi nghe nói anh muốn có một sản phẩm diệt virus toàn cầu? Đó là một tham vọng hay là theo phong trào "toàn cầu" đang rầm rộ trong giới doanh nghiệp Việt Nam? Anh thấy đấy, ngay tại Việt Nam đây đã có quá nhiều phần mềm diệt virus nổi tiếng mà còn bán chật vật. Ra biển lớn không thể bằng thúng mủng được, phải có tàu to chứ?

Nếu 8 năm trước thì chắc tôi cũng chưa dám nghĩ tới điều này. Nhưng hãy nhìn vào thực tế của chúng tôi. Từ 3 nhân viên, đến nay chúng tôi đã có hơn 300 nhân viên, 5 Trung tâm chăm sóc khách hàng. Bkis có sản phẩm, có giải pháp kỹ thuật tốt. Vấn đề còn lại chỉ là tạo ra niềm tin cho khách hàng. Có người cho rằng Bkav chỉ diệt virus "nội". Tôi xin đưa ra những con số thực tế để nói về vấn đề này. Năm 2007, chúng tôi cập nhật hơn 7.000 dòng virus mới, trong đó chỉ có 14 là virus "nội", tức là có xuất xứ Việt Nam, chiếm hai phần nghìn, còn lại là các virus từ Trung Quốc, Ucraina, Nga và Tây Ban Nha… Từ đầu năm đến nay, virus có xuất xứ từ Việt Nam cũng chỉ chiếm một phần nghìn (27 trên tổng số 23.881 dòng virus). Tôi hiểu là trong suy nghĩ của nhiều người vẫn có sự phân biệt đối xử giữa sản phẩm của Việt Nam với sản phẩm của nước ngoài. Và chúng tôi đang nỗ lực để xóa bỏ rào cản đó. Mục tiêu là từ năm 2008 – 2010, 75% máy tính có sử dụng Internet tại Việt Nam sẽ dùng BkavPro. Chúng tôi cũng đang trong quá trình tích lũy tài chính, kinh nghiệm về thị trường để chuẩn bị cho giai đoạn 5 năm tiếp theo tiến ra thị trường khu vực và thế giới.

Một đại lý của BkavPro

Không có tham vọng thì không có Bkav ngày hôm nay. Tham vọng của tôi là BkavPro của người Việt Nam sẽ không chỉ được khẳng định tại thị trường Việt Nam, mà còn được khẳng định trên thị trường toàn cầu. Tôi nóng lòng chờ đến ngày đó.

Từ một nhóm chỉ có 3 người nay phát triển lên hơn 300 người, đâu là sức mạnh thực sự của Bkav? Nhiều người cho rằng Bkis có sự hỗ trợ của Nhà nước với nhiều ưu đãi.

Không có trợ giúp nào có tác dụng với sự ỷ lại và thiếu năng lực. Sức mạnh của Bkav nằm ở nhiệt huyết của các đồng sự, là đội ngũ được đào tạo bài bản và luôn "hừng hực tự hào" về một sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam. Chúng tôi đã tích lũy được kinh nghiệm trong 13 năm nghiên cứu chống lại các loại virus. Hiện nay, chúng tôi có đội ngũ hàng trăm chuyên gia phân tích virus, đây là bộ óc của Bkav. Tôi khẳng định không phải nhà sản xuất phần mềm diệt virus nào cũng có được. Hiện nay, số người sử dụng Bkav đã lên tới hơn 10 triệu người trên 103 nước và vùng lãnh thổ. 

 

Nếu ai dùng BkavPro hẳn sẽ quen với giọng nói của những tư vấn viên từ Bkis. Họ có thể kiên nhẫn ngồi gọi điện thoại cả giờ đồng hồ để chỉ dẫn khách hàng diệt virus, đến mức nhiều người phải đặt câu hỏi "hỗ trợ khách hàng nhiệt tình thế này thì lấy đâu ra lãi".

Nhưng tôi vẫn hoài nghi về những sản phẩm công nghệ cao của Việt Nam. Anh thấy đấy, ngành công nghiệp phần mềm của Việt Nam nhiều năm qua chỉ là gia công và gia công cấp thấp vì thiếu cả thầy lẫn thợ.

Trong lĩnh vực công nghệ cao, giá trị của chất xám mới là cái lớn nhất làm nên thành công. Tôi tin, trí thông minh của người Việt Nam chẳng thua kém ai, cho dù có thể đối với nhiều người, niềm tin này đã lung lay. Hiện tại, chúng ta chỉ thiếu những nhà quản lý giỏi. Với sự điều hành của những nhà quản lý giỏi, người Việt Nam có thể làm được tất cả. Khi mọi việc đã vào guồng, Việt Nam có thể bứt phá và chúng tôi đang nỗ lực góp sức để góp phần thúc đẩy quá trình đó. Môi trường Kinh doanh ở Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, nhưng tôi quan niệm những khó khăn đó là tất yếu khách quan và coi đó như bài toán cần phải giải quyết. Với cách như vậy, tôi nghĩ không gì là không thể làm được.

Nhân nói đến chuyện thầy, thợ. Được biết anh cũng có hơn 13 năm trong nghề sư phạm. Theo anh, giáo dục của ta đang hổng cái gì để rồi đào tạo ra những kỹ sư không có khả năng làm việc?

Sinh viên chúng ta chỉ được đào tạo "kỹ năng cứng", mà thiếu đi các "kỹ năng mềm". Họ chỉ nắm lý thuyết trong khi các ứng dụng thực tế lại không có nên khi ra nghề rất lơ ngơ. Tôi cũng không phủ nhận chất lượng đào tạo đại học của Việt Nam có nhiều lỗ hổng, nhưng vấn đề lớn nhất vẫn là phải đào tạo và cập nhật kỹ năng làm việc, kỹ năng sống cho sinh viên. Với sự bùng nổ của Internet, kiến thức, sở học bây giờ rất mênh mông, cơ hội tiếp cận kiến thức là bình đẳng. Nếu mỗi sinh viên trở nên độc lập trong tư duy, chủ động sáng tạo hơn thì họ sẽ làm chủ được bản thân và kiến thức của mình. Đó chính là điều mà giáo dục nên làm.

Tách bạch chuyện chống virus và là nhà sư phạm, làm doanh nhân có vẻ khó khăn?

Nghề sư phạm luôn thôi thúc tôi phải đào sâu kiến thức, nhìn nhận vấn đề rộng hơn, bên cạnh đó là khả năng truyền đạt. Tôi nghĩ thật tốt khi tôi là nhà sư phạm trước khi là doanh nhân. Nếu so với việc nghiên cứu công nghệ đơn thuần thì làm doanh nhân khó hơn thật. Người làm kinh doanh phải trở thành người đứng mũi chịu sào cho nhiều người khác, phải tự vận động để doanh nghiệp không tụt hậu, không phải sa thải nhân viên… Rất khó! Nhưng công nghệ là một lĩnh vực đặc biệt. Thế giới có các tên tuổi như Microsoft, Google, Yahoo! đều không ra đời từ nhu cầu làm kinh tế mà khởi thủy là sản phẩm của những ý tưởng mang tính nghiên cứu, sáng tạo, công nghệ… Họ đã trở thành những người khổng lồ của nền kinh tế thế giới và không có ngành kinh doanh nào làm được như thế. Thậm chí, những người sáng tạo ra công nghệ cao còn có "quyền năng" định hướng thị trường. Càng dấn thân vào những gì mình đang đeo đuổi, tôi càng nhận ra điều đó. Tôi thấy kinh doanh cũng rất hợp với mình.

Ra mắt BkavEnterprise – Giải pháp tổng thể dành cho doanh nghiệp

Nhưng làm doanh nhân đã và đang đem lại cho anh nhiều thứ hơn là làm nhà giáo thì phải?

Xuất phát điểm của Bkav là phiên bản Home miễn phí, là niềm đam mê. Đến bây giờ, nếu làm kiểu chụp giật thì chúng tôi đã thu phí bản Home để có thêm doanh thu. Nói điều đó để bạn thấy rằng chúng tôi chưa bao giờ đặt tiền là mục tiêu ưu tiên. Tiền có ý nghĩa đối với tôi đó là khi bố mẹ thế chấp tài sản để mua một căn nhà nhỏ ở ngoại ô Hà Nội, chắt bóp mua máy tính cho tôi theo học đại học ở Hà Nội. Tôi thấm thía ý nghĩa những đồng tiền đó. Tôi cũng thấm thía câu chuyện tỉ phú Bill Gates chỉ để lại cho những đứa con của mình một khoản tiền đủ sống nếu chẳng may không lao động được. Ông hiểu rằng lao động mới chính là động lực để tạo nên giá trị con người.

Bkav phát triển giúp tôi và các cộng sự có thêm nhiều tiện ích của cuộc sống để phục vụ cho đam mê của mình, có phương tiện để phát triển, quảng bá sản phẩm. Giá trị tôi hướng tới là "những điều tốt đẹp" cho chính mình, cho xã hội, mà muốn có những điều tốt đẹp thì phải "lao động hết mình". Tôi nghĩ làm doanh nhân giúp tôi hiểu giá trị này theo một góc nhìn khác, không logic như khoa học, mà có sự từng trải của cuộc sống muôn màu.

Từng có công ty trả hàng chục triệu USD để mua lại Bkav. Số tiền lớn thật nhưng tôi lại có phép tính đơn giản hơn: Bkav có hơn 10 triệu người sử dụng, mỗi người chỉ cần trả 20 USD cho một năm sử dụng thì chúng tôi có bao nhiêu tiền? Tôi không bán đâu, vì đó còn là niềm tự hào dân tộc và là cuộc sống của chúng tôi.

Anh Nguyễn Tử Quảng đang trao đổi với cộng sự bên một góc Trung tâm chăm sóc Khách hàng Bkav Contact Center

Anh nhìn nhận như thế nào về những người "giàu nhất", những "tỷ phú" của Việt Nam?

Tôi trân trọng bất kỳ ai làm giàu chính đáng. Nhưng tôi không đánh giá con người qua số tài sản, mà qua ảnh hưởng tích cực của anh ta đối với những người khác, với xã hội. Ở Bkis, chúng tôi có khẩu hiệu: "Hãy làm việc hết mình, những điều tốt đẹp sẽ đến với bạn". Một doanh nhân thành đạt thì lợi nhuận thu về từ công việc của họ không chỉ dành cho mình anh ta mà còn đem đến sự thành đạt, công ăn việc làm và những điều tốt đẹp cho hàng trăm, hàng nghìn người khác… Cùng với đó, những sản phẩm, dịch vụ mà họ làm ra sẽ giúp đất nước giàu có, văn minh và hiện đại hơn.

Năm 1995, Nguyễn Tử Quảng là sinh viên năm thứ ba khoa Công nghệ thông tin. Một lần, đang thực hiện bài tập cơ sở, chương trình của các bạn trong lớp bỗng nhiên bị lỗi mất dữ liệu, thầy giáo khuyến cáo: "Bị virus rồi!". Mùa hè năm ấy, Quảng bỏ thời gian nghiên cứu về virus máy tính và sau đó thử viết chương trình diệt virus. Chương trình anh viết thử ấy đã cứu được rất nhiều máy tính ở Hà Nội vì diệt được lỗi do virus DH2 gây ra. Từ đó, Quảng trở thành một chuyên gia chống virus cho máy tính. Quảng đặt tên cho chương trình diệt virus của mình là Bkav (Bach Khoa Antivirus), như một kỷ niệm về đời sinh viên trường Đại học Bách Khoa Hà Nội.

Anh có ghét virus không?

Tôi nhìn nhận virus là một mối nguy cho xã hội nhưng là một tất yếu khách quan. Và chúng tôi tự đặt lên vai mình trọng trách tìm ra phương thuốc giúp mọi người phòng tránh virus. Virus giống như cuộc sống, luôn có cái tốt và cái xấu, cái thiện và cái ác, luôn tồn tại song song và luôn phải đấu tranh. Ai cũng có thể bị tin tặc, hay bị kẻ xấu tấn công. Ai cũng có thể bị những cái xấu lây nhiễm. Chỉ khác nhau là biết cách đề phòng. Anh phải luôn tự đề phòng, luôn tự răn mình, với những giới hạn và rào cản do mình tự thiết lập. Kỹ thuật hay những luân lý đạo đức xã hội chỉ là phạm vi và giới hạn để tham chiếu.

Anh còn ghét những thứ gì nhất trên đời?

Tôi không thích sự giả dối, thiếu trung thực và những gì mang tính hời hợt, nửa vời. Tuy nhiên, tôi không bao giờ tuyệt đối hóa các vấn đề nên không thấy cái gì là ghét nhất. Bởi lẽ, những điều mình ghét, tôi thường nhìn nhận đó là tất yếu khách quan, cuộc sống là như vậy mà. Hơn nữa, tôi thường tìm đến bản chất vấn đề để giải thích các sự việc, hiện tượng vì cái gì cũng có logic của nó, từ đó có phương pháp hạn chế những điều xấu, nâng lên những điều tốt.

Nhân vật lãnh đạo doanh nghiệp nào trong giới công nghệ mà anh khâm phục nhất, có ảnh hưởng đến anh và Bkis nhất?

Tôi cảm phục Bill Gates. Con người, sự nghiệp, cuộc sống của Bill Gates là những câu chuyện đầy tính nhân bản. Xuất phát điểm của ông bắt đầu từ một niềm đam mê công nghệ mãnh liệt và một tấm lòng vị nhân sinh. Dù là con người của công nghệ, của kinh doanh hay là một tỷ phú giàu nhất thế giới, mọi việc Bill Gates làm đều không rời xa những tư tưởng đó. Tôi tin là như vậy. Bạn thấy đấy, người ta biết đến Bill Gates – nhà từ thiện cũng nhiều như Bill Gates – cha đẻ của Windows.

Tôi cũng tin rằng, Bill Gates thành công là bởi vì ông ấy đã không đặt lợi nhuận là mục tiêu của kinh doanh, lợi nhuận chỉ là hệ quả của sự đam mê.

Cảm ơn anh và chúc sớm đến ngày chúng ta có được một sản phẩm công nghệ tốt "Made in Việt Nam" trên thị trường thế giới!

(Theo Doanh nhân Sài Gòn)